“Ngày và đêm” trên con đường thơ - Thanh Quế

03.09.2015

 “Ngày và đêm” trên con đường thơ - Thanh Quế

Mùa hè năm 1979, tôi ghé nhà số 50 Thi Sách, Hà Nội thăm giáo sư Huỳnh Lý. Kể từ khi vào chiến trường (1969) đến lúc ấy, đã 10 năm, tôi mới có dịp ra Bắc, ghé lại thăm một gia đình mà tôi thương yêu như gia đình mình. Gia đình giáo sư Huỳnh Lý có truyền thống là gia đình nhà giáo: ông, vợ ông (cô Phan Thanh Cam), các con ông: Huỳnh Phan Tùng (bạn tôi) và em Ly đều ở trong ngành giáo dục. Sau khi thăm hỏi sức khỏe nhau, giáo sư hỏi tôi:

- Cháu có biết thằng Bùi Công Minh không? Nó là tác giả bài thơ Ngày và đêm mà anh Điểu phổ nhạc đó?

- Dạ cháu có nghe bài hát, có đọc thơ Minh nhưng chưa có dịp gặp ạ.

- Ờ, nó học Sư Phạm, cháu bên Tổng Hợp; hồi phổ thông nó học trường 28, cháu và Tùng (con giáo sư, bạn tôi) học trường 24 nên chưa gặp là phải. Nó làm thơ khá lắm cháu ạ.

Kể từ ngày đó, tôi nhớ đến một cái tên: Bùi Công Minh. Nhưng mãi đến khi anh công tác ở Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương, thường đi công tác các tỉnh, tôi mới gặp anh. Từ khi anh quay về công tác ở Quảng Nam Đà Nẵng thì chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau.

Bùi Công Minh, con một gia đình cách mạng có tiếng ở thành phố Đà Nẵng, quê ở làng Nại Hiên (nay là phường Bình Hiên), nhưng anh được sinh ra trên đường kháng chiến, khi mẹ anh từ biệt thành phố để vào vùng tự do thuộc Nam Quảng Nam, vào năm 1947. Tuổi thơ của anh gắn liền với vùng Cây Sanh, một vùng núi Quảng Nam, với những làng xóm nghèo nàn, nhà cửa lưa thưa, với những thửa ruộng xen lẫn những rẫy sắn bắp, với những cánh diều, những con suối và tiếng đại bác của giặc Pháp rền vang trong giấc ngủ. Vùng Cây Sanh đó ám ảnh anh trong suốt cuộc đời và sau này sẽ đi vào trong những trang thơ của anh với xiết bao dịu dàng thương mến.

Cuối năm 1954, anh theo gia đình tập kết ra Bắc, lần lượt học ở các trường Học sinh miền Nam. Tốt nghiệp phổ thông, anh vào học Đại học Sư phạm. Sau đó, anh đi bộ đội, ở một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, rồi dạy học, làm công tác chính trị. Mãi đến tuổi hưu, anh mới quay về công tác ở cơ quan văn học: Hội Văn Nghệ thành phố Đà Nẵng. Nhưng suốt trong những năm tháng trước đó, anh vẫn âm thầm làm thơ. Bùi Công Minh làm thơ rất sớm. Ngay từ khi còn là học sinh lớp 5 ở trường Học sinh miền Nam số 27 Hà Đông anh đã có bài thơ Cháu mong gặp Bác nói về tâm trạng khát khao của một em bé miền Nam xa nhà mong được gặp Bác như gặp một người ông, đã đạt giải A trong một cuộc thi viết về Bác của báo Tiền Phong, sau này đăng lại ở báo Văn Nghệ. Năm 1973 anh được giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ với bài Đêm văn nghệ hậu phương. Bài thơ gây cho người ta chú ý đến anh chính là bài Ngày và Đêm mà cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc với tên Hành khúc ngày và đêm. Cùng với bài thơ này, vào thời điểm trước đó và sau đó, Bùi Công Minh đã làm nhiều thơ. Anh viết về một người bạn cùng trường ra trận, về các cô thanh niên xung phong anh gặp gỡ trên đường hành quân, về một đơn vị trắc thủ, về những nhà máy, khu kinh tế mới mọc lên ở vùng trung du, những nét sinh hoạt, hoạt động ở một bản Mèo, ở vùng mỏ; về công cuộc xây dựng lại quê hương sau chiến tranh và này đây, những tình yêu thoáng gặp trên cung đường Trường Sơn hay ở một làng hắt hiu miền núi. Thơ Bùi Công Minh lúc này cũng như hầu hết các cây bút trẻ ở miền Bắc thường nặng về giãi bày, kể việc, kể tình nên thường dài và nhiều lời. Sau này, anh đã tập hợp những bài thơ đó in trong tập Ngày và đêm (1994) kể cũng hơi muộn so với thời điểm của cảm xúc thơ nên đọc lại có gì chưa thật thỏa mãn.

Biết vậy, nên 2 năm sau (1996) anh lại cho xuất bản tập thơ thứ 2, tập Lặng lẽ mình. Trong tập thơ này, Bùi Công Minh viết về cỏ mùa xuân, về cây phi lao, về biển, về cao nguyên, về tiếng chim rừng, về những niềm vui nỗi buồn, về sáng tác, về vợ, con, về tình yêu và về Hà Nội, quê hương thứ hai của anh...

Ở tập thơ này, sau chiến tranh và tuổi đời cũng đã cứng cáp hơn, Bùi Công Minh đã có những bài thơ viết về tâm trạng, cảm xúc riêng tư lắng đọng hơn trước. Đây là tâm sự của anh về cỏ:

Dẫu chỉ là cỏ thôi

Nhưng cỏ non hãy mọc lên

Và trên cỏ cánh hoa vàng hãy mở

Kìa, mưa đã nhuần trên sém úa

Đất ơi, xin hãy yên lòng

Bài Phi lao là bài giàu chất suy nghĩ:

Giữa trảng cát trống trơ

Nhiều đạn bom giông bão

Hạt phi lao bật mầm, thắp lửa

Giữ sức sống nghìn đời

Trên vùng cát khô

Nghĩ trên đường phố Ác bát (Nga) cũng là một bài thơ hay, đầy trăn trở:

Chiều mưa trên đường Ác bát

Tôi nhẩn nha đi

Nhẩn nha nghĩ

Ước trên thành phố tương lai

                                 nhiều đường cao tốc

Vẫn dành thêm những phố riêng

                                   cho khách bộ hành

Các bài: Nửa đêm thức giấc đọc thơ đường; Dặn; Mai đỏ, mai vàng; Nam Cao cũng là những bài hay ở dạng như thế.

Tuy vậy, ở tập thơ này anh vẫn còn có một số bài dàn trải kể lể như Câu hát bạn bè, Đám cưới ở thôn Phù Sa...

 

Từ khi được về công tác ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng (1992), Bùi Công Minh có dịp đi lại những nơi tuổi thơ anh đã trải qua, có dịp biết thêm những nơi mới mà hồi nhỏ anh chưa có dịp đến. Thời gian này, cũng là lúc anh đứng tuổi nên quê hương yêu dấu càng quặn lòng tha thiết với anh:

Quê hương

Ta đã yêu đến tận cùng gốc rễ

Tuổi năm mươi trở về hồn nhiên

sà vào lòng mẹ

Nghe vị đậm quê hương

Ngọt gió đại ngàn

Mặn mòi sóng bể

Anh trở lại miền quê Cây Sanh nơi mẹ bồng anh đi kháng chiến, biết bao thương nhớ, biết bao ân nghĩa mặn nồng với bà con, với bạn bè nơi heo hút đó bỗng trỗi dậy trong lòng anh:

Bạn bè quen từ thuở xa xôi

Giờ đã là ông bà nội ngoại

Gặp ở đâu, nghe giọng nói

Cũng hình dung cây cỏ quê mình

Hình dung con đường nho nhỏ

Cái cầu tre gập ghềnh

Bốn tuổi té nhào xuống suối

Cả nhà hoảng hốt đi tìm

Giờ tuổi sáu mươi qua bao nhiêu

sông suối

Những vấp ngã cuộc đời sao quên

Tôi đã đi qua vùng đất này trong những năm trước và sau chiến tranh. Những năm gần đây, cứ mỗi lần qua đây, đôi lúc tôi mỉm cười nhớ lại, xưa có một cậu bé có tên là Bùi Công Minh từng sống ở đây, từng lêu lổng chơi nhỡi ở đây, cùng bạn bè đứng mút những viên kẹo làm bằng đường đen quê nhà, mũi dãi lòng thòng...

Bây giờ, Bùi Công Minh về Quảng Nam - Đà Nẵng chung tay cùng bà con xây dựng quê hương mà anh đã xa biền biệt bao năm. Anh gặp một Bà Nà lãng mạn là nơi nghỉ mát ở miền tây Đà Nẵng, sông Hàn có một chiếc cầu mới bắc qua sông. Anh tìm đến Hòn Kẽm Đá Dừng nơi anh chưa có dịp đến để thấm thía tận lòng hai câu ca dao mà anh thường đọc lúc xa quê:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng

bạn ơi

Và trong buổi chiều hôm ấy, đứng trước Hòn Kẽm - Đá Dừng anh xúc động thốt lên những câu thơ gan ruột:

Chiều ơi chiều ơi

Ta đã đi qua ngàn vạn chiều

Nhưng chỉ một chiều nay Hòn Kẽm

Chiều thương cha nhớ mẹ

Chiều chân núi mép sông

Gió khẽ lay nương bắp trên đồng

Bãi dâu đôi bờ trầm mặc

Bếp vạn chài đỏ lửa

Cánh cò bến vắng chiều hôm

Ta đã qua bao chớp bể mưa nguồn

Qua bao ngày giông bão

Giờ về trôi trong chiều êm

Bến sông em ngồi giặt áo

Trời xanh mây bay huyền ảo

Muốn nói một câu giọng Quảng

đậm đà

Thương quá chừng buổi chiều quê ta

Anh ca ngợi Tam Kỳ đang mở ra sau ngày chia tách tỉnh; Hội An, thành phố di sản văn hóa thế giới đang lớn lên vùn vụt. Anh lên tận Hiên, vùng quê sát biên giới Việt - Lào tuy vẫn còn nghèo khổ nhưng bước đầu đã thay da đổi thịt. Anh lần vào Bình Định thăm vùng đất Tây Sơn khởi nghiệp. Và rồi anh đến Cà Mau, viết những câu thơ cực hay, đầy tâm trạng với vùng đất phía cực nam Tổ quốc:

Chiều nay về nơi đất Mũi

Không nỡ ướm chân lên mảnh đất mới bồi

Đất mịn màng

đất mềm như da thịt

Áp má mình lên đất

Như hôn mặt người thương

Tôi cũng đã đến Cà Mau, sau Bùi Công Minh, khi đã đọc những dòng thơ này. Tôi ám ảnh những cảm xúc của anh và cũng không dám đặt chân lên lớp phù sa mỏng mà chỉ dám đặt nhẹ bàn tay mình lên lớp đất như lên ngực người yêu. Và tôi cảm ơn anh đã cho tôi những xúc cảm như vậy để tôi càng rung động nhân lên, càng yêu thêm đất nước ta, mắt rưng rưng khi đứng nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc...

Bên cạnh thơ về quê hương đất nước, anh còn có những bài thơ giàu chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật.

Anh viết rất hay về tính cách nhà thơ:

Nhà thơ

Yếu ớt và mỏng manh

Vịn vào con chữ vừa nghĩ ra đêm trước

Thêm sức vững vàng bước tiếp

ngày sau.

Anh viết về vườn tượng Phạm Văn Hạng đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho anh:

Từ nơi này ra đi

Sao gặp thỏi đồng đen nào

Tôi cũng thấy chúng như là những chiếc lá mềm mại

Và nhìn vào tảng đá

Tôi cứ thấy hình những mặt người đang hôn nhau

Anh viết về nhạc sĩ Trần Hoàn với sự ngưỡng mộ về cái cao cả của nghệ thuật:

Mấy nốt đen đơn sơ và tâm hồn

nghệ sĩ

Cũng có khi thành kho báu, có gì đâu

Anh có những suy nghĩ thấu đáo về công việc trùng tu thánh địa Mỹ Sơn của kiến trúc sư Ba Lan Kazic:

Điều gì khiến cho con người mắt

nâu kia

Từ bỏ những đô hội, những

con đường đầy hoa tuyết

Đến với xứ sở này

Tôi căng óc nghĩ về ông

Như một phát hiện

 

Hay là vì một điều giản đơn này

Khi chưa làm ra được viên gạch mới

Thì hãy tìm cách nhặt nhạnh và

sắp xếp

Sao cho những viên gạch rời rạc

nứt vỡ kia

Trở về cùng với bức phù điêu

khít khao và hoàn mỹ

Được như bàn tay người xưa

Những bài thơ chiêm nghiệm về cuộc đời khi anh ở tuổi 60 thật sự cô đọng và xúc động:

Lắm lúc tự mình làm khổ

Thức rất khuya rồi tỉnh dậy vội vàng

Hối hả đọc, vội vã ghi với chép

Bỗng bất thần châm lửa đốt

tan hoang

Hay:

Có lúc

Anh muốn đốt mình cháy nhanh lên

Tóc bạc càng bạc nhanh hơn

Và da càng ám khói

Không phải anh muốn thử mình

qua lửa

Mà giản đơn anh muốn mình cháy nhanh hơn

Nhưng lạ thay, có lúc

Anh ngồi lặng đi và tin sẽ có ngày

Anh lại muốn tưới vào mình

dòng nước mát lành

Cho thời gian đi chậm lại

Thơ Bùi Công Minh trong tập Gió mặn - Lời yêu này (in chung với Ngô Liên Hương, người bạn đời của anh), đã có bước phát triển hơn hai tập trước. Thơ anh đã cô đọng, tứ gọn và chắc, thơ chín hơn, đằm hơn và nặng chắc suy tư hơn. Tôi rất thích những bài: Nhà thơ, Chiều cuối năm một mình bên giá sách, Buổi trưa, Tiếng vọng, Tản mạn bên chén trà ngày cuối năm, Tự nói với mình. Tôi cảm thấy Bùi Công Minh đến lúc này đã tìm thấy cái mạch cảm nghĩ và cái giọng điệu riêng của mình và tôi tin nếu anh đi theo hướng này anh sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.

Trong những năm gần đây, khi đã ở tuổi nghỉ hưu, và được giữ lại công tác ở Hội Văn nghệ Đà Nẵng, Bùi Công Minh càng bận rộn hơn trước. Hình như niềm đam mê sáng tác không cản trở anh - hoặc nói đúng hơn là càng hỗ trợ cho công việc nghiên cứu, một công việc mà anh đã gắn bó từ lúc còn là cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trước khi lên đường nhập ngũ vào quân đội. Ở vào tuổi lẽ ra hưởng cảnh an nhàn, anh nỗ lực hoàn thành và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngữ văn, cùng một nhóm bạn nghiên cứu về văn học Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh còn bận sáng tác nữa. Gặp anh cứ thấy lúc nào anh cũng bận bịu, ngồi suốt bên bàn, hình như anh muốn bù lại những năm bận công tác, xa văn học.

Có thể nói, chùm thơ đăng báo Văn nghệ gần đây (số 46 ngày 12 - 11 - 2011) với những bài Nghĩ về Phan Tứ và Trở về là chùm thơ hay của anh, nối tiếp và phát triển trên cơ sở tập “Gió mặn - Lời yêu” mà tôi vừa kể trên.

Tôi muốn chép nguyên bài Trở về ra đây như là một sự tổng kết cuộc đời của Bùi Công Minh:

Đi hết một vòng quay mệt mỏi

Ta như trở về trẻ thơ

Thèm được khóc tiếng khóc thật

Thèm được hồn nhiên nhảy nhót

Thèm được cười ngu ngơ

Thèm nói những câu ngốc nghếch

Thèm bên tai một tiếng âu ờ...

Bớt những lao xao

Đêm nay ta trở về nhà nghe gọi

chính tên mình

Nghe tiếng của đất đai nói những lời

rất thật

Sẻ một giọt rượu thấm vào môi đất

Khề khà nói chuyện cùng cõi âm

Vui vẻ như là bè bạn...

Đọc bài này, tôi nghĩ là tôi đã đúng khi nhận ra mạch thơ của anh và tôi càng tin anh sẽ có những bài thơ hay hơn nữa ở phía trước...

T.Q