Mới đó đã bảy mươi năm... - Bùi Văn Tiếng
(Tổng thuật cuộc Tọa đàm Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945-1946, do Hội Khoa học Lịch sử thành phố và Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân thành phố đồng tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 16 tháng 8 năm 2015)
Báo cáo Đề dẫn do Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố nêu rõ: Tọa đàm này là một sinh hoạt học thuật trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2015 nhằm góp phần kỷ niệm 70 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đến dự Tọa đàm có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đặng Việt Dũng, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng Trương Công Định, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Đình Vĩnh, các thành viên Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân thành phố, các giảng viên Khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng, các cán bộ Phòng Giáo dục Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy và đông đảo Hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố.
Theo Báo cáo Đề dẫn, nói đến Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nói đến Nhà nước dân chủ mới đầu tiên được thành lập ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám. Điểm khác biệt cơ bản của Nhà nước này so với thể chế quân chủ từng tồn tại trong lịch sử hàng ngàn năm trước đấy là sự hình thành Quốc hội khóa I. Người Quảng đã góp phần đáng kể vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, vậy đã đóng góp như thế nào vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian hai năm 1945-1946, và nhất là trong việc xây dựng chính quyền cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập?
Báo cáo Đề dẫn cũng nêu rõ: Trong Chính phủ Lâm thời và Chính phủ Liên hiệp Lâm thời có một người Quảng là ông Lê Văn Hiến. Ông Lê Văn Hiến là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng ngay sau khi Đà Nẵng giành được chính quyền. Tại Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - họp ở Tân Trào chiều ngày 16 tháng 8 (có một người Quảng là ông Phan Thêm - tức Cao Hồng Lãnh tham dự), ông Lê Văn Hiến được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam theo giới thiệu của ông Nguyễn Chí Thanh - đại diện Trung Kỳ. Khi thành lập Chính phủ Lâm thời trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng, ông được Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội để đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Lao động (trong Chính phủ Lâm thời chỉ có hai vị đại diện cho Việt Minh là Hồ Chí Minh và Lê Văn Hiến) và tiếp tục đảm đương nhiệm vụ này trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời trước khi chuyển sang nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, trong không khí trang trọng của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo thành lập Chính phủ chính thức đầu tiên. Khi giới thiệu Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đó là một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc”. Có thể nói ông Lê Văn Hiến là người Quảng đầu tiên tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là một trong số bảy thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp năm 1946.
Ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ra mắt Chính phủ Lâm thời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội - cách gọi tắt của Quốc dân Đại hội. Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I diễn ra vào ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946. Tỉnh Quảng Nam đã bầu đủ 15 đại biểu tỉnh mình vào cơ quan quyền lực tối cao của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, danh sách xếp theo alphabet như sau: Phạm Bằng, Phan Bôi, Phan Diêu, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Võ Sạ, Trần Tống, Phan Thao, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Trần Viện, Lê Thị Xuyến và Đinh Tựu. Thành phố Đà Nẵng cũng đã bầu được một đại biểu duy nhất là ông Lê Dung quê Quảng Bình - người thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra còn có hai người Quảng là đại biểu Quốc hội khóa I nhưng ứng cử và đắc cử tại các đơn vị tuyển cử ở tỉnh khác là ông Hà Văn Tính (tỉnh Quảng Ngãi) và ông Trần Lê (lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định). Đó là chưa kể những người Quảng là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng như hai anh em ông Nguyễn Tường Tam (Nhà văn Nhất Linh) và ông Nguyễn Tường Long (Nhà văn Hoàng Đạo) được mời tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa I không qua tổng tuyển cử.
Có một người Quảng không phải là Đại biểu Quốc hội khóa I nhưng được mời tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày: “Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm quyền Chủ tịch nước - thời gian này ông còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt). Ngược lại có một người Quảng là Đại biểu Quốc hội khóa I nhưng do chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc nên không tham gia Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, chỉ trực tiếp giúp việc cho Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng: Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch Hoàng Hữu Nam - tức là ông Phan Bôi. Lúc về thăm quê hương vào cuối năm 1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam: “Tôi làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhưng chỉ bàn đường lối chung, công tác lớn, còn mọi việc đều do anh Hoàng Hữu Nam đảm trách giải quyết. Thanh niên bây giờ giỏi lắm, đó là lực lượng đáng tin cậy của Nhà nước cách mạng”. Chỉ tiếc rằng cả hai ông đều mất trên đường đi công tác vào tháng 4 năm 1947: ông Huỳnh Thúc Kháng lâm bệnh nặng và qua đời ngày 21 tháng 4 năm 1947 tại Quảng Ngãi, còn ông Hoàng Hữu Nam không may chết đuối trên sông Lô ngày 24 tháng 4 năm 1947. Trong Nhật ký của một bộ trưởng, ông Lê Văn Hiến từng kể lại cảm xúc tiếc thương của Hồ Chủ tịch khi cùng lúc mất đi hai người cộng sự thân thiết và đắc lực.
Trong phiên chất vấn sáng ngày 31 tháng 10 năm 1946, ngày thứ tư của kỳ họp lần thứ hai Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có hai người Quảng đăng đàn: một là Đại biểu Lê Văn Hiến - với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính - đã trả lời các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về ngân sách, thuế khóa, lương công chức…; hai là Đại biểu Trần Đình Tri tỏ ý lo lắng trước tin đồn Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Nguyễn Hải Thần tự phong chức Tổng Tư lệnh Hải, Lục, Không quân, lập Chính phủ ở hải ngoại; đồng thời đã phát huy khí chất “hay cãi” của người Quảng để đề nghị trong tình thế nước nhà chuyển sang giai đoạn mới, cần phải có một Chính phủ mạnh mẽ đủ uy tín để đối nội cũng như đối ngoại, Chính phủ đó phải là một chính phủ liêm khiết… Đích thân Hồ Chủ tịch đã trả lời hai nội dung do Đại biểu Trần Đình Tri nêu trước Quốc hội: “Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần, tự xưng là Tổng Tư lệnh Hải, Lục, Không quân Việt Nam? Nếu Việt Nam không có Hải, Lục, Không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm Tổng Tư lệnh! Và nếu Việt Nam không có Hải, Lục, Không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được Hải, Lục, Không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh. Về việc Chính phủ liêm khiết, thì Chính phủ hiện tại đã cố gắng liêm khiết. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các Ủy ban đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng luật pháp mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”2.
Sau Tổng tuyển cử, không kể ông Lê Văn Hiến và ông Phan Bôi đã được điều động ra công tác tại Hà Nội từ trước, còn có một đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng được chuyển về công tác chuyên trách ở Quốc hội là bà Lê Thị Xuyến - một trong mười đại biểu nữ và là đại biểu nữ duy nhất được bầu làm ủy viên chính thức của Ban Thường trực Quốc hội ngay tại kỳ họp đầu tiên ngày mồng 2 tháng 3 năm 1946, được phân công phụ trách Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội và đảm đương nhiệm vụ này cho đến khi giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Như vậy sau Tổng tuyển cử đầu tháng 1 năm 1946, số đông đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng vẫn làm nhiệm vụ đại biểu ở ngay đơn vị bầu cử của mình, góp phần xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Nhĩ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thự được cử làm Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Huệ được Hội nghị Đại biểu công nhân toàn quốc họp ở Hà Nội vào tháng 5 năm 1946 cử giữ chức Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới nhưng vẫn tiếp tục công tác ở quê nhà; đại biểu Quốc hội Phan Thao làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội Phạm Bằng vẫn tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện Tiên Phước nhưng do sức khỏe suy yếu nên đã từ trần trong năm 1946…
Quá trình xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 ở đất Quảng không chỉ có công đóng góp của các đại biểu Quốc hội khóa I và các cán bộ chính trị là người Quảng xa quê, mà còn có công đóng góp của các cán bộ chính trị là người Quảng đang công tác ở Quảng Nam và Đà Nẵng như Võ Chí Công, Chế Viết Tấn, Nguyễn Ngọc Chấn… cũng như của đông đảo nhân dân vừa đổi đời sau Cách mạng Tháng Tám, chẳng hạn như vai trò quan trọng của họ qua các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân và trong ủy ban hành chính các cấp.
Sau khi nghe Báo cáo đề dẫn, các đại biểu Lưu Anh Rô, Nguyễn Đình An, Vũ Hùng, Nguyễn Trương Đàn đã đọc tham luận. Tham luận của Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Lưu Anh Rô tuy có khung thời gian nghiên cứu vượt ra khuôn khổ chủ đề của Tọa đàm lần này (đề cập cả thời gian sau năm 1946), nhưng đã dựa vào hồi ức của Đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thự để khẳng định ông là một Đại biểu Quốc hội người Quảng có thời gian cống hiến lâu nhất cho hoạt động Quốc hội của nước ta. Thực vậy, trong số 20 Đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng và của đất Quảng, có một số người mất sớm như Phạm Bằng qua đời năm 1946 (có tài liệu ghi năm 1948), Phan Bôi qua đời năm 1947, Huỳnh Ngọc Huệ qua đời năm 1949, Nguyễn Thế Kỷ và Đinh Tựu qua đời năm 1954, Phan Thao qua đời năm 1960…; một số người do bất đồng chính kiến đã sớm rời bỏ Quốc hội như Nguyễn Tường Tam và Nguyễn Tường Long; một số người tuy vẫn được lưu nhiệm cho đến hết khóa III của Quốc hội cùng với Lâm Quang Thự3 nhưng chưa từng chuyên trách công tác Quốc hội như Lê Văn Hiến, Trần Tống, Nguyễn Xuân Nhĩ, Phan Diêu, Lê Dung và Trần Viện, những đại biểu chuyên trách công tác Quốc hội như Lê Thị Xuyến và Trần Đình Tri cũng không có ai chuyên tâm với hoạt động Quốc hội và trở thành chuyên gia hàng đầu ở nước ta về hoạt động của chính Quốc hội và đại biểu Quốc hội như là Lâm Quang Thự - ông từng viết sách, đọc tham luận trước Quốc hội về nhiều vấn đề tác nghiệp chuyên sâu của nền lập pháp nước ta.
Tham luận của Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Vũ Hùng tuy còn ở dạng đề cương nhưng cũng góp phần cung cấp thêm một số thông tin về chính quyền địa phương sau Cách mạng tháng Tám tại Quảng Nam và Đà Nẵng: [1] Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện Hòa Vang có 10 người gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch và tám ủy viên phụ trách các lĩnh vực tư pháp, kinh tế, tài chính, quân sự, tuyên truyền, điều tra, cứu tế, giáo dục làm việc tại huyện đường đóng gần Chợ Mới, ngay chỗ trường Tiểu học Nguyễn Du quận Hải Châu ngày nay; [2] khi ông Lê Dung thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành Thái Phiên thì ông Bùi Văn Các làm Phó Chủ tịch; [3] ngày 17 tháng 2 năm 1946, cử tri Quảng Nam và Đà Nẵng bầu Hội đồng nhân dân hai cấp tỉnh và xã; đại biểu được bầu lúc ấy gọi là hội viên; Hội đồng nhân dân bầu ra Ủy ban hành chính cùng cấp; ông Nguyễn Thúy được bầu làm chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Nam và ông Trần Hữu Dũng làm Phó Chủ tịch; ông Trần Đình Tri được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Đà Nẵng và ông Võ Quảng làm Phó Chủ tịch; [4] tác giả tham luận còn giới thiệu một số sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở thời kỳ này (Sắc lệnh 63-SL ngày 22 tháng 11 năm 1945, Sắc lệnh 67-SL ngày 21 tháng 12 năm 1945, Sắc lệnh số 11 ngày 24 tháng 1 năm 1946...).
Tham luận của Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử thành phố Nguyễn Đình An tổng quan những đóng góp có thể nói là rất đáng kể và đáng nể của ba người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không chỉ trong thời gian hai năm 1945 - 1946: Cao Hồng Lãnh, Lê Văn Hiến và Phan Bôi. Tuy không tham gia Quốc hội khóa I như Lê Văn Hiến và Phan Bôi nhưng Cao Hồng Lãnh là đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào vốn được xem là tiền thân của Quốc hội nước ta. Qua câu chuyện ông Lê Văn Hiến tự phân tích tình hình và tự quyết định việc đi Quảng Ngãi không có sự phân công của tổ chức, không có ai giao nhiệm vụ, hay qua câu chuyện ông Cao Hồng Lãnh vào Nam Bộ, không rõ do được phân công hay là ông tự nhận phụ trách một tổ chức có tên là Phòng Nam Bộ lo việc tiếp tế hậu cần cho Nam Bộ, sau này đường dây được mở rộng từ Hồng Kông, Hoa Nam - vùng Hải ngoại mà Cao Hồng Lãnh rất thông thạo, tác giả tham luận khẳng định: “Nhiều trường hợp họ không cần, không đợi sự phân công, tự mình xông vào chỗ khó khăn nguy hiểm để lo việc Đảng, việc dân. Ngay cả lúc ở cảnh hiểm nghèo có thể chết oan khuất họ cũng không hề nao núng, hối tiếc, luôn xem như thế cũng là hi sinh vì sự nghiệp. Nhờ thế họ đủ bình tĩnh, sáng suốt để vượt mọi thử thách”.
Tham luận của Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn dựa vào một tư liệu đang được lưu trữ Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia III Hà Nội - Giấy thông hành đề ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945, qua đó cung cấp thêm nhiều thông tin lý thú liên quan đến người được cấp giấy - Bộ trưởng Bộ Lao động trong Lâm thời Nhân dân Chính phủ Lê Văn Hiến, đến người cấp giấy - Thường vụ Ủy ban nhân dân Huỳnh Ngọc Huệ, đến một số địa danh như Thành Thái Phiên, miền Nam Trung Bộ, Bắc Bộ, tên gọi tổ chức/cơ quan như Việt Nam Độc lập Đồng minh, Sở Hỏa xa, tự vệ đội. Tuy nhiên ở đây cũng có một số vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ: [1] Chữ ký với ba mẫu tự Hue có đúng là chữ ký của ông Huỳnh Ngọc Huệ không, có tư liệu nào còn lưu giữ chữ ký của ông Huỳnh Ngọc Huệ để đối chiếu không; [2] Tên gọi cơ quan chính quyền thành Thái Phiên là Ủy ban nhân dân xuất hiện từ ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945 - chứ không phải tên gọi Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời? Tên gọi Ủy ban nhân dân ấy có liên quan gì với hai chữ cách mạng trong con dấu không? Ngay trong tham luận, Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cũng cho rằng: “Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố duy trì đến tháng 10 năm 1945 thì đổi ra là Ủy ban nhân dân”.
Sôi nổi nhất là phần thảo luận. Các đại biểu Huỳnh Phương Bá, Vũ Quang Thành, Trương Duy Hy, Nguyễn Mạnh Hồng, Trần Văn Thiết, Huỳnh Văn Hùng… đã tập trung thảo luận về ba vấn đề: [1] làm rõ thêm quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 của đại biểu Quốc hội khóa I người Quảng công tác tại Hà Nội; [2] làm rõ thêm quá trình xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến trước ngày toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 của đại biểu Quốc hội khóa I công tác tại Quảng Nam và Đà Nẵng, nhất là với những đại biểu mà hiện nay hầu như tiểu sử chỉ được ghi chép rất sơ lược như Lê Dung, Phan Diêu, Nguyễn Thế Kỷ, Võ Sạ, Trần Viện...; [3] làm rõ thêm công lao đóng góp của các cán bộ chính trị là người Quảng đang công tác tại địa phương, chẳng hạn như vai trò của họ qua các cuộc bầu cử hội đồng nhân dân và trong ủy ban hành chính các cấp. Qua thảo luận, đã có thêm nhiều thông tin mới mẻ và nhiều nhận định xác đáng. Đại biểu Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh sở dĩ người Quảng - nhất là những người Quảng ưu tú như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bôi, Lê Văn Hiến… có thể phát huy hết tâm huyết và năng lực để tích cực đóng góp vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời gian hai năm 1945 - 1946 một phần lớn là nhờ “con mắt xanh” và tư duy công tác cán bộ mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí vừa thay mặt lãnh đạo thành phố vừa với tư cách cá nhân là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khoa học Lịch sử thành phố, đã có bài phát biểu nhấn mạnh: “Muốn đánh giá đúng và đầy đủ công lao đóng góp của người xứ Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945 - 1946, cần đánh giá đúng bối cảnh lịch sử và chủ trương, đường lối của Đảng và Hồ Chủ tịch lúc bấy giờ. Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt lúc ấy, nếu Đảng và Hồ Chủ tịch không có chủ trương, đường lối đúng đắn nhằm tập hợp các bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng” ra giúp nước, phát huy vai trò to lớn của các tầng lớp nhân dân thì Chính quyền Cách mạng khó lòng vượt qua được tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” để tồn tại và phát triển (...) Thành công lớn của Đảng trong thời kỳ này là tǎng cường thực lực cách mạng về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, vǎn hóa tư tưởng; tập hợp được các bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”, như Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Hiến… ra giúp nước, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân với tư cách người chủ đất nước để xây dựng và bảo vệ chế độ mới và nền độc lập dân tộc. Sức mạnh của chính quyền và chế độ mới thật sự bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân”.
Qua sinh hoạt học thuật này, Hội Khoa học Lịch sử thành phố và các đại biểu dự Tọa đàm có đưa ra một số kiến nghị với Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:
Một là về việc đặt tên đường. Có thể nói trong 18 đại biểu Quốc hội khóa I vừa là người ứng cử ở Quảng Nam - Đà Nẵng vừa là người Quảng ứng cử ở các tỉnh khác, đã có 10 người được đặt tên đường tại Đà Nẵng như Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Tống, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Lê Thị Xuyến, Hà Văn Tính và Trần Lê. Như vậy vẫn còn 8 đại biểu chưa được đặt tên đường: Phạm Bằng, Phan Diêu, Nguyễn Thế Kỷ, Võ Sạ, Đinh Tựu, Phan Thao, Trần Viện và Lê Dung. Ngoài ra còn có ông Phan Thêm tức Cao Hồng Lãnh là đại biểu người Quảng duy nhất tham dự Quốc dân Đại hội - được xem là tiền thân của Quốc hội khóa I - họp ở Tân Trào chiều ngày 16 tháng 8. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, rất mong Hội đồng nhân dân thành phố nghiên cứu đặt tên 9 người này tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố cuối năm 2015. Điều cần làm hiện nay là phải khẩn trương sưu tầm tiểu sử chính trị của họ - hiện đương còn quá sơ lược.
Đại biểu Phan Thao sinh năm 1915, là trưởng nam của Nhà văn hóa Phan Khôi - người vừa được Hội đồng nhân dân thành phố đặt tên đường tại Kỳ họp giữa năm 2013. Phan Thao đi học, làm báo và hoạt động cách mạng từ hồi còn bí mật. Sau khi trở thành Đại biểu Quốc hội, ông được phân công làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt, vừa là lãnh đạo vừa là cây bút chủ chốt tờ báo Chiến Thắng của tỉnh Quảng Nam (Ngày 22 tháng 1 năm 1947, Báo Chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của tỉnh Quảng Nam ra số đầu tiên vào dịp tết Đinh Hợi. Tòa soạn và nhà in lúc bấy giờ đặt tại làng Bình Huề ở tả ngạn thượng nguồn sông Thu Bồn. Tòa soạn do Phan Thao và Nguyễn Văn Bổng phụ trách nội dung, Đoàn Bá Từ làm quản lý). Cuối năm 1947 Phan Thao được điều động về Khu, được giao làm nhiều việc: phụ trách báo Cứu Quốc Nam Trung Bộ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Nam Trung Bộ, Chủ nhiệm Tạp chí Miền Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Việt, Thư ký Hội Hữu nghị Việt Trung. Hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, Phan Thao tập kết ra Bắc, làm Thư ký tòa soạn báo Nhân dân, sau đó làm Chủ bút báo Thống nhất, năm 1960 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa II. Phan Thao cũng là dịch giả tiểu thuyết Người mẹ của Maxim Gorki (Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 1973). Ngày 5 tháng 8 năm 1960, sau một cơn bạo bệnh, Phan Thao qua đời ở tuổi 45. Những đóng góp của Phan Thao cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà và quê nhà rất xứng đáng để sớm có một con đường mang tên ông ở thành phố bên sông Hàn.
Tuy nhiên có lẽ ông Phan Thao là người may mắn được hậu thế lưu giữ thông tin về tiểu sử chính trị nhiều nhất so với bảy người còn lại. Hiện nay chỉ biết được ông Phạm Bằng sau khi trở thành Đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện Tiên Phước, nhưng do sức khỏe suy yếu nên đã từ trần trong năm 1946 (cũng có tài liệu ghi từ trần vào tháng 9 năm 1948), không rõ năm sinh và quê quán. Hoặc cũng chỉ biết ông Lê Dung quê huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, sinh năm 1907; khi ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch thì ông Lê Dung là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng; khi ông Lê Văn Hiến chuyển công tác ra Hà Nội, ông Lê Dung thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, năm 1960 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa III. Hay cũng chỉ biết ông Nguyễn Thế Kỷ quê Tam Kỳ, sinh năm 1910, từ trần tháng 2 năm 1954 tại Bắc Giang4; ông Phan Diêu sinh năm 1912, quê xã Quế Lộc huyện Quế Sơn, năm 1960 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa III; ông Võ Sạ sinh năm 1910, quê Tam Kỳ; ông Trần Viện sinh năm 1915, quê Quế Sơn, năm 1960 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa III; ông Đinh Tựu, người dân tộc Cor ở Trà My được bầu vào Quốc hội với số phiếu 84,6%, tháng 3 năm 1947 là Ủy viên phụ trách văn hóa - xã hội của Ủy ban hành chính châu Trà My, từ trần tháng 10 năm 1954.
Hai là về những di sản vật thể lưu dấu thời kỳ này ở Đà Nẵng. Trước hết có thể kể đến Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, số nhà 42 đường Bạch Đằng. Đây là nơi làm việc của các ông Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Dung, Trần Đình Tri… vào thời gian đầu của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nếu được, trong dài hạn, lãnh đạo thành phố nên chuyển địa điểm này thành Bảo tàng hành chính công vụ của thành phố. Thứ hai là di tích Hiệu sách Việt Quảng số nhà 114 đường Bạch Đằng gắn với tên tuổi của Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Nguyễn Xuân Nhĩ…, hiện do tư nhân làm chủ sở hữu. Nên chăng lãnh đạo thành phố nên có phương án hợp lý về chuyển đổi sở hữu ngôi nhà này để có điều kiện bảo tồn tốt hơn một di tích lịch sử - văn hóa cách mạng.
Ba là về các hoạt động kỷ niệm bảy mươi năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2015, Hội Khoa học Lịch sử thành phố đã đề ra hai hoạt động chính: một là tổ chức cuộc Tọa đàm Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945 - 1946 và hai là tổ chức trong tháng 9 năm 2015 đợt Tuyên truyền về Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945, với đối tượng tham gia là học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Việc Tuyên truyền về Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường được xem là nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục - đào tạo thành phố. Hình thức tổ chức tùy theo sáng tạo của từng trường, nhưng tối thiểu và đơn giản nhất là tất cả trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều tổ chức đọc lại thư Bác trong lễ khai giảng năm học 2015 - 2016.
1 Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.
2 Xem Phùng Nguyên: Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn Quốc hội, Báo Tuổi Trẻ điện tử ngày 20 tháng 5 năm 2007.
3 Ngày 31 tháng 12 năm 1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã quyết định: “Kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 06 tháng 01 năm 1946, cho đến khi có nghị quyết mới”. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa III, nhân dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa IV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Tờ trình ngày mồng 2 tháng 3 năm 1971 trình Quốc hội xét thôi việc lưu nhiệm các đại biểu Quốc hội do nhân dân miền Nam bầu ra từ đầu năm 1946.
4 Năm 2009, ông Nguyễn Thế Kỷ quê Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành), nguyên Đại biểu Quốc hội khóa I, Khu ủy viên Khu V, được Chủ tịch Nước công nhận là liệt sĩ.B.V.T