Trường xưa ngày ấy... - Nguyễn Văn Học
Vậy đó. Ngót nghét đã chớm năm mươi năm rồi. Con nước thời gian đã miệt mài trôi, lũ đầu xanh chúng tôi ngày ấy giờ tuổi chớm thất tuần rồi. Cái tuổi đã trải qua nhiều thăng trầm và biến động của cuộc sống mà giờ đây khi ngồi lại bên nhau vẫn không thể nào quên những kỷ niệm của một thời thơ dại ở làng quê nghèo với mái trường tranh nứa đơn sơ cạnh ngôi đình làng.
Còn nhớ cái làng nghèo ven sông quê tôi chỉ có một cái trường làng dựng bên mái đình. Nói là cái trường cho oai chứ thực ra chỉ là một cái chòi nhỏ lợp bằng tranh, chung quanh chỉ vài tấm liếp đang bằng tre. Vào mùa mưa, gió lùa lạnh thấu xương. Bàn học là những tấm ván đặt trên những viên gạch ở hai đầu. Còn ghế là đòn tre già được buộc vào những cọc tre chéo. Học trò chúng tôi thì đủ loại, lớn có, nhỏ có với trình độ khác nhau và dựa vào sức học mà thầy giáo làng giảng dạy cho từng đứa. Đa số lũ chúng tôi là con nhà nghèo, cha mẹ chỉ mong cho con mình học để biết cái chữ vì thế dụng cụ học tập rất thập cẩm. Vở thì dùng bao xi măng cắt ra lấy chỉ khâu lại thành tập, cán viết thì bằng tre vót lại như chiếc đũa, lưỡi viết thì có hai loại, nam thì thích viết bầu, nữ thì thích viết lá tre. Còn về phần mực là sự sáng tạo độc đáo. Chúng tôi hái trái bông bụp (còn gọi là bông bụp bụp) - một loại quả nhỏ tròn bằng mút đũa cho vào cái lọ thủy tinh, dùng tay ép mạnh sẽ ra một thứ nước có màu tím để làm mực viết. Vì thế, ngày ấy tay, mặt của chúng tôi lúc nào cũng bị vấy bẩn. Hầu hết chúng tôi đi học bằng chân đất nên bàn chân lúc nào cũng đen đúa, nứt nẻ. Mặc thì nam quần cộc ngắn, nữ thì quần đen ống thấp ống cao, và chúng tôi ai nấy chẳng bao giờ quan tâm đến việc này. Nhìn hình ảnh trẻ em đi học bây giờ sao mà thấy thương cho mình và lũ trẻ con ngày ấy quá! Cái roi của thầy là nỗi ám ảnh của chúng tôi. Cái roi mây quất vào một cái nhảy dựng lên đau thấu xương. Có lẽ sợ nhất là bị phạt quỳ xơ mít. Vỏ mít chín phơi khô với những hàng gai cứng như đinh mà khi đặt gối quỳ lên đó là đau buốt thấu tận tim gan, có khi cả tuần chưa hết rớm máu. Đến bây giờ nghĩ đến cái cảnh bị phạt quỳ xơ mít vẫn còn rùng mình. Đau là thế, sợ là như thế nhưng thói tinh nghịch vẫn không chừa. “Nhất quỷ, nhì ma,thứ ba học trò” mà.
Điều thích thú nhất của chúng tôi là khi thầy bị ốm, hay có việc nhà. Tuổi thơ nào có nghĩ đến điều gì sâu xa đâu, được nghỉ học là thích lắm rồi. Khoảng thời gian ấy chúng tôi không về nhà, mặc sức “tung hoành”. Nhóm thì chơi giật cờ, nhóm thì chơi trốn tìm, nhóm thì ra ruộng chia phe nhau ném đất, nhóm thì tắm sông... Nhưng có lẽ thích thú nhất là ngâm mình trong dòng nước trong xanh mát rượi của dòng sông. Hồi ấy chúng tôi còn ngây thơ lắm, cứ cởi truồng tồng ngồng như thế đứng trên mô đất mà nhảy xuống chứ không mắc cỡ như trẻ con bây giờ. Tuổi thơ của chúng tôi lặng lờ trôi qua cùng mái trường ấy. Giờ đây mỗi khi nghe con tôi, học bài, đọc lên những câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ “Nhớ con sông quê hương” có cảm giác như nhà thơ đã nói hộ được cảm xúc và tâm trạng của mình ngày ấy:
“...Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ”
Tuổi thơ của chúng tôi ở làng quê năm nào là vậy đó. Nó ăm ấp những kỷ niệm khó phai. Làng quê nghèo ngày xưa đã thay đổi rồi, không còn mái rạ tường xiêu, không còn mái đình làng với ngôi trường nhỏ bé ấy nữa, không còn dòng sông xanh mát hiền hòa... Và mỗi khi về lại thăm làng, tôi có cái mừng vì đã qua rồi những ngày cơ cực, thiếu thốn, song vẫn có cái gì nuối tiếc, bâng khuâng về một thời đã qua và tôi ngậm ngùi nhớ đến những câu thơ của Vũ Đình Liên:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
N.V.H