Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ - Nguyễn Văn Hùng

30.08.2017

Thị trường văn học và tài năng, bản lĩnh, lương tri của người nghệ sĩ - Nguyễn Văn Hùng

1. Văn học dưới tác động của cơ chế thị trường, thiết chế truyền thông

Vài năm trở lại đây, sự “đổ bộ” rầm rộ của tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc và sau đó là quá trình “trỗi dậy” mạnh mẽ của dòng văn học đại chúng (văn học thị trường, văn học giải trí) trong đời sống văn học Việt Nam đương đại đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các nhà văn, công chúng độc giả, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, các cơ quan quản lý văn hóa. Không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi về “hiện tượng” này đã được tổ chức. Nhiều vấn đề được đặt ra với những tranh cãi trái chiều, những luận bàn không ngớt như: quan niệm, thực trạng và xu hướng phát triển của văn học thị trường; sự tác động của cơ chế thị trường, thiết chế truyền thông đến đời sống văn chương; tương quan giữa văn học thị trường và văn học tinh tuyển; vấn đề chất lượng và giá trị của dòng văn học thị trường; thị hiếu và nhu cầu của người đọc đối với văn học thị trường…

Có thể nói, sự xuất hiện của dòng văn học đại chúng là một quy luật tất yếu khi văn chương tồn tại trong cơ chế thị trường dưới sự tác động đa chiều của phương tiện thông tin, truyền thông; sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ; và đặc biệt sự phân hóa thị hiếu thẩm mỹ, sự đa dạng về giới tính, tâm lý, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ, nhu cầu của công chúng độc giả mới. Nền kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng, và sự bao phủ của văn hóa đại chúng đã có những ảnh hưởng không hề nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần nói chung, sự vận động, phát triển văn học nghệ thuật nói riêng. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chính thị trường mới là nhân tố quyết định đến quy mô sản xuất, loại hình sản phẩm, sự tiêu thụ và lưu thông hàng hóa, không loại trừ những sản phẩm hàng hóa tinh thần cao cấp, được sản xuất trong một môi sinh đặc biệt như văn học. Một khi văn hóa/văn học hiện diện như một sản phẩm trong cơ chế thị trường, nhất thiết nó phải tuân thủ theo sự biến thiên của quy luật thị trường: Sản xuất/sáng tạo phải phụ thuộc chặt chẽ vào nhu cầu, tâm lý, thị hiếu của “thượng đế” là người tiêu dùng/độc giả. Trong khi đó, thị hiếu, nhu cầu, trình độ của công chúng độc giả luôn có sự biến chuyển, thay đổi không ngừng, kéo theo đó là những đòi hỏi đa dạng về nhiều loại hình sản phẩm văn hóa. Đó cũng chính là một trong những yếu tố chi phối đến sự phong phú, nhiều vẻ của đời sống văn học Việt Nam đương đại.

Bên cạnh dòng văn học kinh điển, hàn lâm, tinh hoa đã được định hình; sự xuất hiện của dòng văn học giải trí, bình dân, đại chúng chính là kết quả quá trình vận động của văn học trong cơ chế thị trường và xã hội tiêu dùng. Tồn tại này một quy luật tất yếu, nhưng để lý giải cho sự “triển nở” mạnh mẽ của nó, cần phải nhắc đến yếu tố cộng hưởng của nền văn hóa đại chúng với sự lên ngôi của phương tiện truyền thông. Khi bàn về văn hóa đại chúng, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân nhấn mạnh đến hai vấn đề quan trọng là “hiệu quả tiêu thụ của sản phẩm văn hóa” (gắn với nền tảng thương mại) và “thị hiếu của đại chúng toàn cầu” (với sự hiện diện của kỹ thuật truyền thông hiện đại)(1). Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp, kể từ sau 1986, dưới làn sóng của toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đã bắt đầu hội đủ “ba điều kiện quan trọng để văn học đại chúng phát triển mạnh: về cơ sở xã hội là xã hội tiêu dùng và tâm lý thực dụng; về cơ sở tư tưởng là sự thỏa hiệp, nhượng bộ giữa đặc tuyển và bình dân; về cơ sở kỹ thuật là sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông và báo chí xuất bản” (2). Rõ ràng, nền văn học Việt Nam đã và đang chịu tác động rất mạnh mẽ của văn hóa đại chúng. Những chiều kích của nó đã trực tiếp ảnh hưởng, thẩm thấu trong từng thành tố của đời sống văn học từ khâu sáng tác, tiếp nhận, phổ biến đến thưởng thức, tiêu thụ, lưu giữ... Truyền hình, điện thoại thông minh, mạng internet (blog, facebook, twitter) gắn với trào lưu, văn hóa hậu hiện đại, không những làm thay đổi không gian, phương thức, phương tiện, tâm thế sáng tạo và tiếp nhận văn học, mà quan trọng hơn, nó tạo nên một thứ “quyền lực mới” cho người viết lẫn người đọc. Theo đó, những xu hướng, lối viết khác được xác lập; những nhu cầu, thị hiếu mới được tạo dựng phù hợp với sự phát triển mau lẹ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Chính điều này vừa là cơ hội nhưng đồng thời cũng là những thách thức không hề nhỏ đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của nền văn học nước nhà.

 

2. Văn học tinh hoa, văn học thị trường trong thị trường văn học

Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, xã hội tiêu dùng và văn hóa đại chúng, diện mạo văn học Việt Nam đương đại có nhiều thay đổi nhanh chóng. Những năm gần đây tồn tại hiện tượng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao nhưng vẫn bị người đọc thờ ơ “quay lưng”, “bỏ rơi”, số lượng sách tiêu thụ khiêm tốn mặc dù đã có nhiều “chính sách khuyến khích mua/đọc”; ngược lại, những sáng tác có chất lượng hạn chế lại được công chúng độc giả đón nhận nồng nhiệt, tạo thành những “cơn sốt” trên thị trường văn học với số lượng phát hành khổng lồ, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.

Với mục đích đề cao chức năng giải trí, văn học đại chúng hướng đến số đông độc giả, đặc biệt là những người đọc trẻ. Nhằm thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của số đông, dòng văn học này đã thực hiện một “chiến lược” khá bài bản và chuyên nghiệp dưới sự cộng sinh của các nhân tố thị trường, truyền thông, thông tin. Về đề tài, văn học đại chúng tập trung vào những đề tài quen thuộc, gần gũi, có phần sáo mòn: những cuộc tình tay ba tay tư éo le, trắc trở nhưng kết thúc có hậu; những tình cảm ủy mị, sướt mướt, khiến người đọc mủi lòng; những chuyện kể hài hước nhẹ nhàng, gây cười; những câu chuyện nhạy cảm, đời tư, bí mật, đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của độc giả... Về tư tưởng, cảm hứng, do biểu thị lối sống, thị hiếu, quan niệm của/về người trẻ, dòng văn học này thường thiếu chiều sâu tư tưởng, ít tác phẩm có sự suy tư mang tầm phổ quát; thay vào đó là những trải nghiệm có tính cá nhân, không chứa đựng nhiều nền tảng văn hóa, triết học, nhân văn; sự ồn ào, táo bạo, phá cách được thể hiện phóng túng, tự do. Về thể loại, nó hướng vào những thể loại “ăn khách” như tiểu thuyết tình cảm “ba xu”, ngôn tình (với các thể loại như xuyên không (nhân vật vượt thời gian, không gian hiện tại để đến một thời gian, không gian khác), cổ đại (mang không khí cổ xưa), huyền huyễn (có yếu tố kỳ ảo), hắc đạo (xã hội đen), đam mê (tình yêu đồng tính nam), bách hợp (tình yêu đồng tính nữ), quân nhân (tình yêu của các cô gái và những người xuất thân trong quân đội), viễn tưởng...), tiểu thuyết tân kiếm hiệp, dã sử, trinh thám, hình sự, thể loại hồi ký, du ký, tự truyện, truyện tranh dành cho tuổi teen, người lớn... Về nghệ thuật, văn học đại chúng không cầu kỳ trong diễn đạt, không hướng đến sự tìm tòi, cách tân hình thức, ngôn từ nhẹ nhàng, dễ hiểu, cốt truyện ly kỳ, kết cấu đơn giản... Với chiêu thức đánh vào thị hiếu, tâm lý có phần dễ dãi, thụ động, văn học đại chúng phần nào giúp người đọc tạm quên đi những mệt mỏi, phiền muộn, thoát khỏi thực tại chốc lát, không đòi hỏi quá nhiều thời gian và tâm sức để suy ngẫm, tưởng tượng, kết nối. Ngoài ra, để thu hút số đông độc giả, đặc biệt là người đọc trẻ, những người đang bị cuốn vào “cơn bão công nghệ”, văn học đại chúng còn biết cách tận dụng hiệu quả thế mạnh của công nghệ, truyền thông. Chúng ta không xa lạ gì với hình ảnh người viết tạo nên những con chữ nghệ thuật bằng bàn phím, sẻ chia (share) đứa con tinh thần của mình chỉ bằng một click chuột đơn giản, và ngay tức thì nhận được những phản hồi (comment) từ phía người đọc (cộng đồng mạng). Nhiều tác phẩm trước khi được in ấn và phát hành đã là những “hiện tượng bão mạng” được dư luận đón nhận, bàn tán sôi nổi. Không những thế, đằng sau mỗi người viết là cả một ê-kip với nhiều “chiêu trò” làm sách (trang bìa bắt mắt, giấy đẹp, lời giới thiệu ấn tượng, gây shock...), công nghệ PR (tọa đàm giới thiệu sách tại các hội chợ, các trung tâm văn hóa; giao lưu, ký tặng sách, CD sách nói; có các nhà văn thành danh, các nhà nghiên cứu, phê bình nổi tiếng bảo chứng chất lượng; báo chí ca ngợi, tung hô như những “hiện tượng văn học” độc đáo, mới lạ...). Nhờ vậy, văn học đại chúng thật sự mang lại hiệu ứng lây lan vô cùng mạnh mẽ. Bằng chứng là số lượng phát hành khổng lồ (tái bản, nối bản liên tục), doanh thu tăng vọt theo cấp số nhân; đời sống nhà văn không ngừng được nâng cao; sự hâm mộ nồng nhiệt của độc giả... Đó chính là lý do mà ngày càng nhiều các nhà văn trẻ không ngần ngại chạy theo thị trường, chiều chuộng thị hiếu số đông người đọc, và có được những thành công dễ dàng (tài chính, nổi tiếng). Tác giả trẻ Anh Khang, với tác phẩm đầu tay Ngày trôi về phía cũ được tái bản một tuần sau khi sách phát hành, đã in đến lần thứ tư với tổng cộng 20.000 bản. Tác phẩm thứ hai, Đường hai ngả, người thương thành lạ được đặt hàng 10.000 bản trước khi phát hành. Tác phẩm thứ ba Buồn làm sao buông đứng đầu danh sách Sách bán chạy nhất tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VIII, với 40.000 bản được tiêu thụ hết trong vòng một tuần, sau đó gấp rút in thêm 10.000 - 20.000 bản. Cuốn thứ tư, Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và... em, dự kiến ngay trong lần đầu phát hành là 50.000 bản. Không kém cạnh Anh Khang, Dương Thụy là cây bút có một số lượng độc giả vô cùng lớn, với lượng phát hành ấn tượng (Oxford yêu thương, 11 lần tái bản, tổng phát hành 44.500 bản; Nhắm mắt thấy Paris, tái bản 4 lần, 22.000 bản được phát hành; Venise và những cuộc tình gondola, 5 lần tái bản, tổng số phát hành 17.000 bản; Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, tái bản 2 lần với tổng số phát hành 11.000 bản). Bên cạnh đó còn phải kể đến những cây bút khác đang sở hữu nhiều tác phẩm “đình đám” mê hoặc dân “nghiền” văn học mạng như Gào, Keng, Iris Cao, Hamlet Trương, Hân Như, Nguyễn Phong Việt, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Born...

Sự phát triển mạnh mẽ của dòng văn học đại chúng khiến cho không gian văn học tinh hoa bị thu hẹp một cách đáng kể. So với văn học đại chúng, văn học tinh hoa có chất lượng vượt trội về chủ đề, tư tưởng lẫn thẩm mỹ, nghệ thuật. Song thực tế đáng buồn là dòng sách này không nhận được nhiều sự quan tâm, đón nhận từ phía người đọc, đặc biệt là độc giả trẻ. Số lượng phát hành ít ỏi (khoảng từ 1.000 - 2.000 bản), những chương trình “giảm giá sâu”, mà vẫn trong tình trạng “ế ẩm”. Dường như người đọc đang càng ngày càng tỏ ra “thờ ơ”, “quay lưng” với dòng văn học vốn được coi là tinh hoa, tinh tuyển, là gương mặt văn hóa, tinh thần của đời sống văn học. Nhiều nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa… đã tỏ ra lo ngại về thị hiếu, thẩm mỹ và sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa đọc trong cộng đồng độc giả hiện nay. Dòng văn học thị trường đang lấn át văn học tinh hoa, kéo theo là những hệ lụy về sự “nhiễu loạn” các giá trị thẩm mỹ, nguy cơ sai lệch thị hiếu và mỹ cảm của lớp trẻ. Cổ xúy, chạy theo văn học đại chúng là điều không nên bởi lẽ nó sẽ khiến cho người đọc quay lưng với dòng văn học tinh hoa; hệ quả lâu dài là sự nghèo nàn, hời hợt, nhạt nhẽo, “lệch chuẩn” của đời sống văn hóa, tinh thần người Việt (những vấn nạn đáng báo động trong đời sống xã hội, văn hóa trong những năm gần đây như một hồi chuông cảnh báo cho hiện tượng này). Nhưng ở một khía cạnh khác, cấm đoán, ngăn cản sự tồn tại, phát triển của nền văn hóa/văn học đại chúng là điều không thể, bởi đó là quy luật tất yếu khi văn hóa/văn học tồn tại trong cơ chế thị trường, bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; sự hiện hữu, vận động của nó nằm trong logic của khí quyển văn hóa tinh thần đương đại. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần có cái nhìn nhiều chiều, cởi mở, thẳng thắn trên tâm thế luận giải, đối thoại và tinh thần khách quan, khoa học về một “hiện tượng mới” - văn học đại chúng; đồng thời tìm ra “nút thắt”, “chiếc chìa khóa vàng” để khai phóng, tạo đà cho dòng văn học tinh hoa phát triển bền vững.

3. Giải pháp nào cho sự phát triển bền vững?

Từ thực trạng của nền văn học nước nhà những năm gần đây, không ít các giải pháp đã được đưa ra bàn thảo từ nhiều phía nhà văn, nhà phê bình, nghiên cứu, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, độc giả, cơ quan quản lý văn hóa.... Song vẫn còn đó những trăn trở, suy tư và cả sự lo âu, hoài nghi về diện mạo, “sức khỏe”, chất lượng của nền văn học dân tộc, rộng hơn là những vấn đề thuộc đời sống văn hóa, tinh thần người Việt đương đại.

Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm đến vấn đề làm sao để có những tác phẩm văn học vừa đảm bảo chất lượng, giá trị, vừa thu hút được sự quan tâm, đón nhận từ phía người đọc? Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại các cuộc hội thảo, hội nghị, trao đổi, bàn tròn văn học(3); ở đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích, nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của nhà văn - chủ thể sáng tạo, yếu tố trung tâm của đời sống văn học, như một trong những giải pháp căn cốt để mở đường, khai phóng văn học tinh hoa phát triển.

Rõ ràng, hài hòa giữa chất lượng tác phẩm (tính hàn lâm, kinh điển) và sự đón nhận của độc giả (tính đại chúng, giải trí) thực sự là một bài toán nan giải không chỉ đối với nhà văn thuộc dòng văn học tinh hoa lẫn văn học đại chúng, mà còn là niềm trăn trở, băn khoăn của nhiều người. Để làm được điều này cần có sự vào cuộc từ nhiều phía, nhưng trên hết, theo chúng tôi trách nhiệm nặng nề thuộc về chủ thể sáng tạo, người trực tiếp tạo ra những sản phẩm tinh thần cho công chúng độc giả. Viết trong bối cảnh hiện đại/hậu hiện đại, dưới sự tác động nhiều chiều của cơ chế xã hội, văn hóa, thẩm mỹ và trường/ khung tri thức thời đại, người cầm bút phải thật sự tài năng, bản lĩnh, luôn đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, nhằm tạo ra những giá trị đích thực góp phần bồi dưỡng đạo đức, tình cảm và năng lực thẩm mỹ; thể hiện khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ của nhân dân, làm giàu đẹp cho cuộc sống. Tác phẩm phải là sự kết tinh của sự am tường, hiểu biết sâu sắc về thế giới; là kết quả của sự cần mẫn, nghiêm túc trong việc tiếp cận, xử lý chất liệu nghệ thuật; là sự thăng hoa của bản lĩnh, tài năng trong quá trình tìm tòi, thể nghiệm hình thức biểu đạt mới về cuộc sống và con người. Đặc điểm và sức mạnh của tác phẩm văn học đích thực chính là ý hướng dùng tiếng nói tình cảm để thể hiện những quan niệm sống, quan niệm triết học về xã hội và tự nhiên, và cả những chính kiến của con người. Điều này thì đã rõ, tuy nhiên, nhìn vào thực trạng nền văn học Việt Nam đương đại, với hai dòng chính là văn học tinh hoa và văn học đại chúng, những tác phẩm như vậy không nhiều. Với văn học đại chúng, khi mà tính giải trí được đặt lên hàng đầu, lấy số lượng độc giả và doanh thu thị trường làm mục đích và thước đo, thì khó tránh khỏi sự tồn tại của những tác phẩm thiếu chất lượng, kém phẩm chất. Còn văn học tinh hoa, mặc dù đã đạt nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng về tư tưởng, thẩm mỹ, hình thức nghệ thuật sau công cuộc Đổi mới 1986, song vẫn còn đó những giới hạn không nhỏ, khiến câu chuyện tìm kiếm “đỉnh” sẽ còn được nhắc đến nhiều trong các bàn tròn văn học những năm tiếp theo. Trong những sáng tác được xếp vào dòng văn học tinh hoa, vẫn còn thiếu/ yếu chất triết học, chiều sâu của sự khái quát, và khả năng vươn tới những tư tưởng có tầm nhân loại cũng như cách phân tích, luận giải hiện thực độc đáo, mới lạ, bộc lộ bản lĩnh và cách nhìn riêng của nhà văn về thế giới. Phải chăng đó chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến dòng văn học này vẫn chưa thu hút được số đông độc giả, tạo hiệu ứng xã hội sôi nổi?

Song công bằng mà nói, văn học Việt Nam đương đại không phải không có những nhà văn tài năng, luôn có ý thức vượt thoát, đổi mới, sáng tạo nhiều tác phẩm vừa có giá trị thẩm mỹ vừa thu hút sự quan tâm, đáp ứng được kỳ vọng của độc giả. Bảo Ninh, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Danh Lam, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Duy, Nguyễn Việt Chiến... là những nghệ sĩ tiêu biểu cho tài năng và tâm hồn, sự thông minh và lòng trắc ẩn, cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm, bản lĩnh và lương tri, tất cả được kết tinh trong nền tảng văn hóa vững chắc của người nghệ sĩ. Một khi nhà văn biết chuyển hóa hài hòa, tinh tế giữa sự suy tư, trăn trở về các vấn đề có tầm phổ quát về thế giới và con người trong một lối viết vừa truyền thống, vừa hiện đại từ điểm nhìn cá nhân, triết học văn hóa, tinh thần nhân bản, thì tác phẩm của họ bằng nhiều cách khác nhau có thể chạm vào được trái tim người đọc và có sức sống bền lâu trong đời sống văn học dân tộc. Trên thực tế những tác phẩm của họ như Thời xa vắng (Lê Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tướng về hưu, Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Cõi người rung chuông tận thế, SBC là săn bắt chuột (Hồ Anh Thái), Lão khổ, Thiên thần sám hối, Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Người đi vắng, Ngồi (Nguyễn Bình Phương), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)... bằng những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, nghệ thuật, cho đến nay vẫn đủ sức chinh phục công chúng độc giả không hề thua kém gì các tác phẩm văn học đại chúng.

Và lẽ cố nhiên, đó là điều kiện không thể thiếu để đời sống văn học có những tác phẩm chất lượng, giá trị, song đó mới chỉ là điều kiện cần để những sản phẩm tinh thần của nhà văn có thể đến với số đông độc giả. Sáng tạo trong không gian văn hóa đại chúng, chịu sự tác động của cơ chế thị trường, đòi hỏi nhà văn cần thích ứng với thời cuộc, đối mặt với sự khắc nghiệt của quy luật thị trường. Bên cạnh làm mới những mối quan hệ “truyền thống”: nhà văn - hiện thực cuộc sống, nhà văn - công chúng, nhà văn - chính mình; nhà văn hôm nay cần chủ động tìm kiếm, tạo dựng cho mình những mối quan hệ mới: nhà văn - truyền thông, nhà văn - nhà xuất bản, nơi phát hành, nhà văn - giới phê bình, nghiên cứu… Không chạy theo thị hiếu tầm thường hay sở thích nhất thời của người đọc, nhưng nhà văn phải biết lắng nghe, phân tích thị hiếu của công chúng; tìm hiểu, đánh giá nhu cầu thị trường; và đặc biệt phải biết cách lôi kéo độc giả dự phần vào quá trình sáng tạo, đánh thức “thái độ hậu hiện đại”, tôn trọng đặc quyền tự lựa chọn, khám phá và suy ngẫm của cộng đồng độc giả bằng những sinh thể nghệ thuật có chất lượng, mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Cùng với đó, người cầm bút cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ hiệu quả từ nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, các cơ quan quản lý văn hóa, các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là từ giới phê bình, nghiên cứu, những người mang sứ mệnh phát hiện cái đẹp và xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ.

4. Kết luận

Làm sao để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vừa có giá trị nghệ thuật đích thực, có sức sống lâu bền, vừa được đông đảo độc giả đón nhận vẫn là trăn trở, khát khao, ước mơ của bất kỳ người cầm bút chân chính nào. Bất luận sáng tác theo xu hướng nào, thuộc dòng văn học nào, nhà văn cần phải thấu triệt cơ chế tự điều chỉnh, tự làm mới mình, bằng cách tự tìm tòi những đề tài mới, cảm hứng mới, đa dạng hóa xu hướng và lối viết, vừa đáp ứng nhu cầu thị hiếu của công chúng hiện đại, vừa tạo dựng phong cách, cá tính sáng tạo riêng, và đặc biệt không tự đánh mất chính mình trong sự bề bộn, ngổn ngang của thị trường văn học cùng sự phức tạp, đa chiều của văn hóa đại chúng. Có như vậy văn học Việt Nam đương đại không lo không có những tác phẩm có giá trị đỉnh cao, và đặc biệt không sợ không nhận được sự quan tâm, đón đợi của độc giả nhiều thế hệ.

N.V.H

Bài viết khác cùng số