Chùm truyện ngắn của Thanh Quế
Ông Tư
- Ê, ông Tư đến bay ơi!
- Ông Tư đến kìa.
Chúng tôi đang đá bóng, đánh bi hay đánh đáo hễ nghe đứa nào xướng lên: “Ê, ông Tư đến” thì đều bỏ cuộc chơi, chạy đi lượm đất đá, chà gai ném ra giữa đường rồi nấp vào một ngõ nhà nào đó nhìn ra. Ông Tư đi tới, thấy các “chướng ngại vật” ấy, ông chỉ mỉm cười. Mặc dù biết là chúng tôi vừa ném ra, ông vẫn không la ó chửi mắng. Ông chỉ cúi xuống nhặt từng hòn đá, hòn đất, từng cây gai xếp cẩn thận vào bờ rào rồi đi tiếp, dáng ung dung. Cái trò ấy không biết đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần. Mỗi khi nhớ lại tuổi thơ, tôi không khỏi buồn rầu, xen lẫn một chút tự tha thứ cho mình.
Ông Tư sống một mình, không vợ, không con. Chẳng biết ông ăn uống bằng thứ gì, chỉ thấy ông suốt ngày lang thang khắp làng, tới các nhà neo khó, lúc họ đi làm vắng, tự động nhổ cỏ quét nhà, tự động mở cửa dọn dẹp, xếp đặt mọi thứ cho ngay ngắn gọn ghẽ rồi lặng lẽ ra về. Lúc đầu, nhiều người thấy vậy thì thắc mắc:
- Ông Tư khùng hay sao ấy. Tự nhiên chẳng ai mời lại đi làm giúp người ta mà chẳng đòi trả công.
- Chẳng khùng đâu, chẳng khùng đâu, - người khác cãi lại, - ông ta ăn nói khôn ngoan lắm.
- Thế thì ông ta làm phước đấy. - Người khác xen vào.
Nhưng sau đó, người ta chẳng còn thắc mắc nữa. Ông ta không ăn cắp, ăn trộm, không phá cây, phá quả, chỉ có dọn nhà nhổ cỏ rồi đi thì mặc ông ta, mình đỡ phải làm, hơi đâu suy nghĩ lý do lý trấu gì cho thêm mệt. Mọi người đều bận lo việc riêng của mình cả.
Một hôm, chúng tôi không thấy ông Tư lang thang trên đường làng nữa. Những nhà vốn để rác bừa bãi, mọi vật vứt bỏ lộn xộn chẳng có bàn tay nào dọn dẹp. Chúng tôi thắc mắc hỏi người lớn: “Ông Tư đâu hè?”. Người lớn bận làm việc nên cứ “hử”, “hả” rồi bảo: “Chắc ổng bận việc gì ở nhà hoặc ổng thấy mất công, ổng không làm nữa thì kệ ông ấy, việc gì đến chúng bay”. Nhưng rồi, cả ba, bốn hôm sau vẫn không thấy ông Tư xuất hiện. Lần này, chúng tôi không hỏi người lớn nữa mà rủ nhau tìm đến nhà ông. Đó là một ngôi nhà tranh thủng nát, tường làm bằng đất, nhiều chỗ đổ xuống từng mảng. Cửa nhà là một tấm phên che tạm. Chúng tôi gọi to nhưng chẳng nghe tiếng ông đáp. Cảm thấy rợn rợn nhưng không tránh khỏi sự tò mò, mấy đứa tôi cầm tay nhau, xô tấm phên bước vào nhà ông.
Trong nhà tối om. Có tiếng rắc rắc của mối mọt, có tiếng chuột chạy. Chúng tôi cố giữ can đảm bước sâu vào phía trong. Tại góc nhà phía trái có một cái giường tre, trên đó có một người nằm phủ chiếu. “Chắc ông Tư bị đau”. Chúng tôi chạy đến giở chiếu lên. Nhưng chúng tôi bất giác cùng lùi lại. Có một mùi như mùi xác chết rất nặng xông lên...
Chúng tôi ré lên rồi ù chạy về báo cho người lớn. Nhưng mọi người như không cần nghe chúng tôi, chỉ gằn giọng “hử”, “hả” rồi bỏ đi.
Mọi người đều bận lo việc riêng của mình.
Bà điên
Một buổi sáng, giữa đường làng bỗng xuất hiện một bà điên. Bà trần truồng, tóc rối bời, người đen như một gốc cây cháy, vừa đi vừa hát:
Í a... í a... cái đời đời... chó... má...
Bà hốt quẳng lên
Bà vùi nó xuống
Nó ôm chặt bà
Bà vùng bà thoát
Í a í a í a
Người ta không biết bà từ đâu đến, quê quán, cha mẹ, chồng con thế nào. Chỉ nghe mấy người đi buôn ở mạn trong về nói hình như quê bà ở trong ấy. Cha mẹ, chồng con bà đều bị chết trong một trận giặc Pháp ném bom vào giữa làng. Bà còn sống là nhờ lúc đó đang làm đồng chưa về... Từ đó bà hóa điên, đi hết làng này đến xã nọ, chỉ hát thế thôi chẳng quấy phá ai...
Í a... í a... cái đời đời... chó... má...
Bà hốt quẳng lên
Bà vùi nó xuống
Hát rồi bà đi ra phía cây đa cuối làng. Cây đa này có tiếng là nhiều ma. Cành lá um tùm cất tiếng âm âm trong gió. Những sợi rễ từ thân cây thòng xuống như những sợi dây treo cổ. Bọn trẻ con chúng tôi như một bầy quỷ sứ, có thể suốt trưa đá bóng la hét không cho ai nghỉ, có thể vào đình làng ăn trộm xôi chuối, nhưng chưa đứa nào dám đến gần gốc đa. Vậy mà bà ta... Thế là chúng tôi rồng rắn kéo theo bà. Thỉnh thoảng, thằng Hà đi đầu đứng khựng lại chỉ về phía bà làm chúng tôi hoảng hồn. Có những “con thỏ đế” đã ré lên vụt chạy lại phía sau. Còn cách gốc đa độ 50 mét, chúng tôi dừng lại trợn trừng nhìn bà ta thoăn thoắt trèo lên một cành đa. Chúng tôi lập tức lượm đất cục và đá ném về phía bà. Bà chỉ tay xuống, lè lưỡi dọa chúng tôi rồi lại hát “í a í a”. Chúng tôi lại ném đất, đá lên rồi ù té chạy.
Một hôm, đi học về thấy bà đứng bên đường ngoắt ngoắt, chúng tôi bỏ chạy. Tôi bị rớt cái mũ bằng vải xi ta mà tôi rất quý.
- Ê, mũ đứa nào đây. Lại lấy. - Bà cầm mũ giơ lên gọi.
Tôi rất sợ bà nhưng tiếc chiếc mũ nên đi về phía bà. Gần tới nơi, tôi hoảng hồn la “bà điên, bà điên” rồi bỏ chạy. Tôi nghe phía sau mình, tiếng bà cười sằng sặc:
- Đồ ngu, rớt mũ thì quay lại lấy, ai làm gì đâu mà sợ.
Một bữa nọ tại chợ Xổm ở giữa làng xảy ra một chuyện: Khi chợ đang đông, một cô bé ăn mày khoảng 12, 13 tuổi từ đâu đến. Cô ta đi từ hàng này đến hàng nọ ngửa tay xin ăn. Nhưng suốt cả buổi chẳng ai cho. Gần trưa, có lẽ đói quá, cô ta lao vào mủng bánh ít của bà Sáu giật mấy cái rồi phóng về phía cây đa cuối làng. Bà Sáu tức quá, cầm đòn gánh đuổi theo... Khi sắp phang đòn gánh vào người cô bé thì bà Sáu nghe có tiếng thét từ trên cây đa vọng xuống:
- Đừng đánh nó.
- Nó ăn cắp bánh của tui. - Bà Sáu đứng lại nhìn lên cây đa nói.
- Để tui đền cho.
- Đồ điên! Bà lấy gì mà đền.
Bà Sáu vừa nói vừa chạy đuổi theo cô bé, lợi dụng lúc bà dừng lại cô đã chạy thêm một đoạn. Cô bé dừng lại, quay mặt về phía bà, hai tay giơ lên như lạy bà, xin tha. Bà Sáu khựng lại chưa biết xử trí ra sao thì cô bé lại chạy tiếp. Lúc ấy, chúng tôi đang chơi bóng gần đó, lượm đất cục đuổi theo ném vào cô bé. Cô bị trúng đất cục vào chân, vào lưng, vừa chạy vừa khóc. Ngay lúc ấy, chúng tôi nghe một tiếng “bịch” bên cạnh. Bà điên từ cành đa nhảy xuống, giơ tay xông vào chúng tôi, cản đường cho cô bé chạy. Bà bán bánh cũng đứng lại, giơ đòn gánh thủ thế, còn chúng tôi thì ù chạy trở lại. Lợi dụng lúc ấy, bà điên đến bên cô bé, kéo tay cô cùng chạy. Tỉnh trí lại, chúng tôi vội lượm đất, đá chạy theo ném vào hai cô cháu. Trong một thoáng, tôi thấy hòn đá từ tay tôi bay tới trúng mặt bà... Tôi thấy bà quỵ xuống, đưa tay ôm mặt. Cô bé ngồi xuống ôm chặt bà, gào lên.
Hoảng quá, tôi cùng thằng Hà chạy vào nhà nó gần đó. Ba nó là y tá. Chúng tôi xin ông một cục bông thấm thuốc đỏ, một cuộn băng rồi chạy đến áp cục bông vào vết thương bà... Nhưng ngay lúc ấy, bà vùng dậy, giật miếng bông ném xuống đất, mặc cho máu chảy ròng ròng trên mặt rồi bà kéo cô bé đi về phía biển, không thèm ngoái lại. Bà đâu cần sự thương hại của chúng tôi.
Người đếm tiền cũ
Cứ khoảng vài ba tuần lại thấy ông ta xuất hiện ở nhà tôi. Áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ trong quần soóc, mũ nỉ cũ trên đầu, tay cầm ba toong, ông ta ngang nhiên vào nhà tôi như vào nhà mình. Tôi cảm thấy ghét ghét ông ta thế nào ấy. Lại lặp lại cái trò cũ cho mà coi. Thì kia, ba má tôi đã đứng ngay cửa chính khoanh tay chào ông ta:
- Lạy cụ Tú ạ.
- Lạy cụ Tú ạ.
Ông ta có vẻ mãn nguyện, gật đầu khoát tay như bảo ba má tôi được phép lui ra rồi tìm một cái ghế đẩu bưng đến góc nhà đặt cẩn thận và ngồi xuống. Và kia, y như mọi lần: Ông ta lôi từ trong túi ra một chiếc khăn tay nhàu nát, bẩn thỉu, trong khăn gói mấy đồng tiền cũ, có lẽ có từ thời ông nội tôi chưa sinh. Ông ta thận trọng đếm từng đồng, bỏ từ tay này sang tay kia, rồi lại đếm, bỏ từng đồng từ tay kia sang tay này, cứ thế cho tới giờ ăn trưa:
- Mời cụ nghỉ tay ăn cơm ạ - Ba tôi kính cẩn đứng trước mặt ông ta, chắp hai tay lại nói.
Ông ta gật đầu, ra lu nước rửa tay chân kỹ lưỡng rồi vào mâm bưng bát ăn ngon lành. Sau đó, ông ta nằm trên bộ phản độc nhất trong nhà đánh một giấc cho tới xế. Vừa dậy, ông ta lại làm y cái việc ban sáng cho tới giờ ăn cơm chiều rồi ngủ đẫy một giấc qua đêm...
- Thưa cụ, nhà bác Sáu có giỗ, đến mời cụ lúc cụ đang ngủ - Ông ta vừa thức dậy, má tôi vừa nói vừa chỉ sang ngôi nhà ngói bên cạnh.
Tôi lại nhìn má tôi. Tôi biết chẳng có giỗ quải gì đâu, má tôi nói để “mời” ông ta đi đấy. Và ông ta, có lẽ quen lệ này nên cũng gật đầu, tỏ vẻ vui mừng rồi chào má tôi ra đi...
Độ vài ba tuần sau, ông ta lại xuất hiện ở nhà tôi và sự việc cứ diễn ra y
như vậy.
- Sao lão ấy cứ đến ăn ở nhà mình miết vậy má? - Tôi hỏi má tôi khi ông ta vừa bước ra cửa.
Má tôi bịt mồm tôi lại:
- Ấy chết, con đừng nói thế, cụ nghe, cụ mắc lòng. Trước kia, cụ đỗ tới ông Tú, đã làm quan chớ chẳng phải chơi. Nhưng vốn tính tự trọng, không chịu cúi luồn nên bị quan trên đuổi việc. Cha mẹ không còn, anh em chẳng có, không ai cấp dưỡng. Từ đó, cụ thành người dở khôn dở dại, đi hết mọi nhà nhờ cậy...
- Thì mặc ông ta chớ. Nhà mình nghèo, bữa ăn có miếng cá má cũng không cho con, cứ gắp cho ông ta “thỉnh” hết. - Cậu bé 9 tuổi là tôi phụng phịu, nói lại...
Đến bây giờ, bốn mươi năm đã trôi qua, tôi còn nhớ lúc ấy, má tôi vỗ vỗ tay lên đầu tôi nói những lời nhỏ nhẹ như nói với chính mình:
- Đừng nói vậy con. Ông cụ đói quá, mình nhịn cho ổng ăn một bữa, mai mình ăn - Má tôi dừng lại một lúc rồi nói tiếp - Sông có khúc, người có lúc, ở đời ai cũng có lúc sa cơ lỡ vận, con đừng có phỉ báng người ta, ông trời ổng phạt chết.
T.Q