Minh Luận “Mỗi tuần một chuyện” - Một thời vang vọng - Huỳnh Trương Phát

30.08.2017

Minh Luận “Mỗi tuần một chuyện” - Một thời vang vọng - Huỳnh Trương Phát

Tuổi đã xế chiều, nhưng chất giọng trời phú của ông Minh Luận, phát thanh viên Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn cứ trẻ trung. Bạn nghe đài xứ Quảng biết đến ông, cảm tình với ông nhiều nhất là qua tiết mục “mỗi tuần một chuyện” vào mỗi chủ nhật. Người ta cảm thấy nhẹ nhõm khi bao cớ sự nghiệt ngã được giãi bày. Đã không ít lần, nhiều bạn nghe đài ở Quảng Nam - Đà Nẵng hỏi tôi  “Minh Luận năm nay bao nhiêu tuổi”, và rất ngạc nhiên khi biết ông đã cổ lai hy - tri thiên mệnh. Thuở thiếu thời, ông Minh Luận sống ở Hội An nổi tiếng về hát hay và hay hát. 16 tuổi ông lưu lạc phương Nam. Nhờ hát hay mà ông thân thiết rất nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Anh Ngọc, nhà văn Hoàng Hải Thủy... Đây chính là cơ duyên để ông bước lên sàn diễn kịch nói (1956-1967). Cùng thời gian ấy, ông là ca sĩ Đài phát thanh Huế. Tên tuổi ông đã được nhiều người biết đến qua các ca khúc Ông lái đò của Hiếu Nghĩa; Vọng ngày xanh của Khánh Băng; Tiếng dương cầm của Văn Phụng. Ngày 29/3/1975 Đà Nẵng được giải phóng. Ngày 1/4/1975 ông Minh Luận là người đọc bản tin cách mạng đầu tiên qua sóng Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng. Kỷ niệm này thật sâu sắc. Ông cho rằng cách đọc tin bài cách mạng yêu cầu phải mang tính cổ vũ. Ông không ngừng nâng cao khả năng diễn đạt của mình. Nhờ thế, ông đã thành công khi thể hiện mỗi loại tính cách, mỗi loại nhân vật, mỗi loại đối tượng trong “mỗi tuần một chuyện”, nhờ vậy ngày càng được nhiều bạn nghe đài cảm mến, luôn được người dân xứ Quảng thương yêu. Lớp phát thanh viên trưởng thành sau này như Quang Hào, Kim Ánh, Thùy Liên quên sao được tấm lòng của ông! Ngày ngày, ông đi về trên chiếc xe đạp cọc cạch giữa phố xá đông vui, bạn bè đồng nghiệp vẫn nhận ra ông - một nghệ sĩ, một con người yêu say nghề nghiệp, bất chấp gian khổ, tuổi già sức yếu, bất chấp mọi nghịch lý của cuộc sống để đạt đến cái thanh cao. Nay dù đã nghỉ việc, nhưng với lòng yêu nghề và để đáp ứng tình cảm của bạn nghe đài ông vẫn là cái ông “mỗi tuần một chuyện” của Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng ngày xưa. Chưa bao giờ ông cảm thấy chán nản công việc của người nghệ sĩ. Ông tâm sự: “Mỗi khi bức xúc trước sự bất công của xã hội là lúc giúp tôi thành công trong tiết mục “Mỗi tuần một chuyện”. Chống để mà xây, xây nhưng để chống, ai hiểu thì thương, ai không hiểu thì ghét. Lẽ thường tình”. Vào đoạn cuối cuộc đời, ông ước nguyện sẽ có người nối tiếp để “Mỗi tuần một chuyện” sống mãi với thời gian, và “thanh đới” của ngành phát thanh xứ Quảng không bị “chùng” xuống.

Mọi người thường nói vui, ở Quảng Nam - Đà Nẵng ông Minh Luận là người “nhiều chuyện” nhất, mà đã nhiều chuyện thì dứt khoát sinh chuyện. Nhưng mà chuyện của ông Minh Luận cứ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần oang oang trên ngọn tre, trụ điện qua sóng của đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng là những chuyện ai ai cũng muốn nghe vì đã mạnh dạn phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận cá nhân, tập thể; ông đã góp phần đem lại quyền lợi cho nhân dân, và chỉ có những đối tượng bị chỉ trích như thế mới bụm cái lỗ tai lại, nhưng mà làm sao kín được khi giọng nói của ông nhọn sắc như cái ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu - (Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà).

20 năm qua, từ ngày chia tỉnh (1997), tiếng sóng “Đây là đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng” không còn nữa, cũng là ngày chúng ta không còn nghe ông Minh Luận “Thưa bà con, xin tạm biệt bà con”. Ông bị bệnh nên hơi hám có cạn dần. Ông về sống với gia đình trong con hẻm đường Lê Duẩn, Đà Nẵng. Tiếng sóng Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng chia đôi thành Quảng Nam và Đà Nẵng, các nhà đài đã cố gắng tiếp sức để chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện” hồi sinh vì sự mến mộ của bạn nghe đài, nhưng không thể, vì một lẽ là tìm không ra nhà báo - nghệ sĩ nào có phong cách đặc biệt và cái giọng trời cho như ông Minh Luận. Tự nhiên không còn được nghe ông Minh Luận nói nhiều chuyện, người nghe từ thành thị đến nông thôn đều nhớ và cảm thấy như mất mát một cái gì lớn lao lắm.

Với ông Minh Luận tuy từ giã nghề báo nói, nhưng không có nghĩa là quên đi tất cả. Nhiều khi ông cũng nhớ nghề, nghĩ tới người nghe. Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng làm nên thương hiệu “Mỗi tuần một chuyện” trong đó có công lớn của ông. Bây giờ nó mất đi, thiệt thòi nhất vẫn là bạn nghe đài. Đặc biệt trong thời đại thông tin bùng nổ cả về nghiệp vụ báo chí và phương tiện kỹ thuật, nếu không có phát thanh viên báo nói thật sự giỏi, yêu nghề, có trách nhiệm, vì người nghe thì loại hình báo nói sẽ chìm lẫn, khó cạnh tranh nổi với báo hình, báo điện tử, báo in. Ở báo hình nếu phát thanh viên đọc không hay thì có hình ảnh bù lại, thậm chí khán thính giả chú ý hình ảnh hơn là phát thanh viên, còn báo nói, chỉ có giọng đọc phát thanh viên và người nghe.Vì vậy sự chú ý của người nghe lại là áp lực của phát thanh viên. Đọc một bài viết dài, hoặc đọc một dòng tin vắn đều cần có một giọng đọc trời cho, kết hợp nhuần nhuyễn với nghề báo nói, một phong cách của diễn viên. Gọi là đọc, nhưng thực ra là Nói. Nói - mà hấp dẫn người nghe mới đúng là người có nghề. Vì những yếu tố đó mà trong nghề làm báo, chỉ có phát thanh viên báo hình, báo nói mới vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân” như một diễn viên đích thực. Ông Minh Luận cũng từng tâm sự với đồng nghiệp: “Người phát thanh viên báo nói phải là người yêu nghề, có vốn sống. Điều cốt yếu phải được công nhận là một diễn viên”. Khi còn làm việc ở Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng , ông và anh chị em cùng phòng đều thực hiện một câu châm ngôn trước khi vào phòng bá âm ghi chương trình: “Hãy để mọi phiền muộn bên ngoài cánh cửa này.”

    

Ông Minh Luận sống với nghề phát thanh viên báo nói có trên 30 năm, trong đó có 11 năm làm việc tại Đài phát thanh Huế 1956 - 1967, năm 1968 làm ở Đài Phú Yên, từ năm 1975 - 1997 ông làm việc ở Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngần ấy năm chưa phải là nhiều, song đối với ông đó là quãng thời gian sống có ý nghĩa và vinh dự. Hiện tại ông là nhà báo giàu có nhất về tình cảm mọi người dành cho ông. Thỉnh thoảng nhớ nghề ông muốn về với anh chị em đài phát thanh huyện, thị, thành phố để trò chuyện về nghề. Mặc dù bây giờ báo hình đã “lấn” tới đài huyện (vốn là con nhà phát thanh), sự phát triển này ít nhiều làm giảm bớt sự tập trung đầu tư cho báo nói, trong đó phát thanh viên báo nói kiêm luôn phát thanh viên báo hình, không còn nhiều thời gian để rèn luyện giọng nói của mình. Trong khi đó đài huyện không được đào tạo cơ bản về báo hình. Rốt cuộc thứ nào cũng dang dang dở dở. Ông nhớ lại, thời đó đài phát thanh các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên gửi phát thanh viên đến đài Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng để học làm “mỗi tuần một chuyện”, cuối cùng không học nổi chỉ vì họ không có năng khiếu của một diễn viên, đặc biệt là cái giọng các vùng miền đó không như giọng “Quoảng Nôm” của mình. Có một lần sau ngày tách tỉnh, ông Minh Luận vào thăm Đài truyền thanh Núi Thành, ông sẵn lòng đáp ứng nguyện vọng của anh chị em, cùng với phát thanh viên Kim Liên thực hiện một chương trình phát thanh. Đứng bên ngoài cửa kính phòng bá âm, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ông thể hiện (nói) một tác phẩm báo nói đúng với phong cách của nhà báo - diễn viên Minh Luận.

Có lần tôi tìm đến nhà thăm ông. Căn nhà nhỏ, ấm cúng, hạnh phúc trong hẻm sâu 91/12 Lê Duẩn, thành phố Đà Nẵng. Hằng ngày ông quanh quẩn trong vườn, trong sân, trò chuyện với vợ, con, vui đùa với cháu nội, cháu ngoại... Ông tâm sự: “Mình đã sống với “mỗi tuần một chuyện” từ năm 1978 đến tháng 7 năm 1996. Đây là một tiết mục có tuổi thọ khá dài. Thú thực tạm biệt “mỗi tuần một chuyện” mình buồn và tiếc không còn đóng góp được gì nữa cho tiết mục đã từng góp vui và làm phiền không ít người. Và mình cũng mong đừng ai bị “lên cột điện”. Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam vẫn còn “Mỗi tuần một chuyện”. Chú có thường nghe không? - Tôi hỏi. Có chứ! Ông Minh Luận trả lời một cách hào hứng - Mình nghe liên tục. Nghe cho đỡ nhớ. Theo chú sức thuyết phục của tiết mục này đối với thính giả ở yếu tố nào? Ngoài vấn đề nêu ra và câu chữ của người viết, chất giọng cũng là một yếu tố không thể thiếu để chắp cánh cho sáng tạo. Tóm lại, phải làm thế nào đó để tạo nên màu sắc riêng của tiết mục. Ông Minh Luận trò chuyện. Quả thực, kể từ khi ông Minh Luận xuất hiện bằng chất giọng thiên bẩm, “Mỗi tuần một chuyện” trên sóng phát thanh đất Quảng, ngay lập tức được sự mến mộ của bạn nghe đài. Và kể cả không ít sự khó chịu đối với những nhân vật tiêu cực nêu trong bài báo mà ông thủ vai. Thương yêu, ghét bỏ của thính giả, đối với ông đều quý giá. Thương yêu thì đã rõ. Còn ai ghét bỏ ông, cuối cùng họ cũng nhận ra ông Minh Luận đáng yêu hơn là đáng ghét. Ở ông cái tâm của người làm báo nói vẫn trong sáng. Ông đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Huy chương vì sự nghiệp phát thanh Việt Nam ông đón nhận năm 1996 là xứng đáng. Ngày 1/1/1997 Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách. Ông lặn lội vào tận Tam Kỳ để  thăm anh chị em cán bộ phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam và nhận lời trở lại với “Mỗi tuần một chuyện”. Thế nhưng ước nguyện của ông không thành vì lý do sức khỏe. Mặc dù vậy, những ngày tháng sống trong hẻm phố đìu hiu, ông vẫn có thêm niềm vui. Đó là lúc được mời thể hiện kịch bản quảng cáo cho các doanh nghiệp. Mới đây, trong một đêm mưa trên đường đi đọc quảng cáo về, ghé vào quán mua cho cháu mấy cái trứng lộn, ông đã bị kẻ xấu cuỗm mất chiếc xe đạp. Ông bảo: “Mình tin rằng mỗi tuần một chuyện sẽ mãi còn alo để bà con chúng ta đề phòng và phát hiện kẻ xấu...”.

Nhà báo Minh Luận đã vĩnh biệt chúng ta vào sáng ngày 28/7/2017. Nhưng với những gì ông Minh Luận cống hiến cho “mỗi tuần một chuyện”, hình ảnh ông vẫn còn mãi trong lòng dân xứ Quảng.

H.T.P

Bài viết khác cùng số