Một góc nhìn về người phụ nữ qua “Bão rừng” và “Kỳ nữ họ Tống” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trương Thị Thủy, Đoàn Thị Hương Thảo

30.08.2017

Một góc nhìn về người phụ nữ qua “Bão rừng” và “Kỳ nữ họ Tống” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Trương Thị Thủy, Đoàn Thị Hương Thảo

Tạo hóa sinh ra người phụ nữ với những đặc thù riêng và không phải ngẫu nhiên mà họ được gọi là phái đẹp. Họ đi vào nghệ thuật, vào thơ ca, vào văn học một cách tự nhiên và hấp dẫn lạ thường. Trong văn học Việt Nam, hình tượng người phụ nữ chứa đựng nhiều vẻ đẹp. Ở giai đoạn văn học nào, hình tượng người phụ nữ cũng tỏa sáng lấp lánh với những nét duyên đằm thắm, dịu dàng, tinh tế, tha thiết, thủy chung, son sắt và cũng hết sức anh hùng, trung hậu, đảm đang, bất khuất.

Viết về phụ nữ, về vẻ đẹp của họ, Nguyễn Văn Xuân đi sâu khai thác những bản chất thật, đời thường của nhân vật. Những người phụ nữ trong tác phẩm của ông thường có ngoại hình đẹp, cá tính sắc sảo, thậm chí có người lợi dụng nhan sắc của mình để đạt được tham vọng; hoặc những người phụ nữ với những khát khao đời thường khi người chồng quá cộc cằn khô khan không thể thỏa mãn được đời sống tâm sinh lý của họ. Điều này có thể thấy rất rõ ở nhân vật trong Bão rừng và Kỳ nữ

họ Tống.

Nhân vật bà chủ La trong Bão rừng được nhìn dưới con mắt của chàng thanh niên 16 tuổi: “Vào dạo ấy, bà chủ đã trên  ba mươi lăm. Trông bà trẻ hơn tuổi, nhưng có một vẻ gì tự cao, sang trọng. Bà ta có đẹp không? Tôi không hiểu song có điều chắc chắn là bà đẹp hơn tất cả những người đàn bà tôi gặp quanh bà. Và tự nhiên nhìn con người cao lớn, mập mạp, hai má căng ra và đỏ hồng dưới phấn son tươi thắm, tôi bất giác nghĩ: Đây là một người chỉ đẹp lúc về già”.

Từ khi lấy Tây, cái nguồn gốc dân dã của bà chủ La dường như dần biến mất. Và trong cuộc sống đầy đủ sung túc, người phụ nữ thường sẽ đầy đặn hơn, tròn trịa hơn và hấp dẫn đàn ông hơn. Bà không ngừng phát huy tất cả những gì là lợi thế đó của mình để kiếm tiền, hái tiền. Chính vì vậy mà bà sẵn sàng cắm sừng chồng và gần như công khai quan hệ với ông chủ Mẹc, lợi dụng quyền thế của ông Mẹc để bà bóp cổ phu phen nơi đồn điền. Càng ngày bà càng trở nên sắc sảo, tinh khôn, lõi đời.

Rõ ràng, xét về mặt luân thường đạo lý, xét về phẩm hạnh và cốt cách của người phụ nữ truyền thống trong quan niệm của người Việt Nam, bà chủ La có thể được xem là một nhân vật phản diện khi gian tình với ông chủ Mẹc. Với nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ông không hề phán xét, không bênh vực, cổ động, đồng tình, cũng không hề kết tội bà chủ La. Ông đứng trên một lập trường riêng, một góc nhìn riêng để phản ánh. Cái nhìn của nhà văn rất thoáng, rất đời và rất chân thật. Có lẽ theo ông, người phụ nữ sẽ trở nên xinh đẹp hơn khi được người đàn ông bên cạnh mình chăm sóc, yêu thương, chiều chuộng; cho họ được sống đầy đủ với những xúc cảm, những khát vọng tâm sinh lý đời thường - điều mà đa số người phụ nữ không dám nói ra, không thể nói ra, không được phép nói ra và đòi hỏi. Có lẽ cuộc đời sẽ dịu dàng hơn khi chúng ta biết nhìn cuộc sống từ nhiều chiều, nhiều mặt, biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết dám nhìn thẳng vào sự thật. Giữa núi rừng bao la, giữa bao nhiêu khắc nghiệt của cuộc sống, giữa bao mối hiểm nguy đang rình rập, khi người chồng yếu đuối, nhu nhược, người phụ nữ tìm chỗ dựa chắc chắn để an toàn và sinh tồn như bà chủ La cũng là một cách. Tất nhiên, chúng ta không đồng tình với cách này, điều khó khăn là chúng ta phải làm sao để họ không lựa chọn sinh tồn bằng cách đó.

Cũng sắc sảo không kém, nhưng không chua ngoa, đanh đá như bà chủ La trong Bão rừng, người phụ nữ trong Kỳ nữ họ Tống thì lại hết sức mềm mại, nhẹ nhàng. Cái đẹp của hình thể cộng cái nhẹ nhàng khéo léo trong cách cư xử khiến người ta đến sợ: “Một thân hình đàn bà lõa lồ, trong trắng như ánh trăng, uyển chuyển như cành mai, ngồi tựa tay vào chiếc gối xếp, đang từ tốn đưa món ăn, thức uống cho một cái đầu rũ rượi đặt trên vế nàng. Tôi biết ngay đó là chị Tống và quan trấn thủ - Tôi vẫn biết chị Tống rất đẹp, đẹp lạnh người nhưng không ngờ trong tư thế này, trong ánh sáng chập chờn và khung cảnh toàn nhung lụa lung linh, óng ánh này chị có thể đẹp não nùng đến thế! Đẹp làm rợn hết da thịt, lòng bàn chân và toàn bộ chân tóc tôi. Tôi có cảm giác cả người mất hết cảm giác. Trống ngực đánh dồn dập, đầu gối rụng rời.”

Đọc tác phẩm, người đọc như thấy người phụ nữ ấy là một con cáo khoác lên mình chiếc áo con nai tơ: “Bây giờ trấn thủ chỉ còn là con thú bị sa bẫy cố vùng vẫy để tự kết liễu đời mình. Đúng hơn, ông là con thiêu thân trần trụi đã rơi hẳn vào đĩa dầu còn cố ngoi dậy tìm lạc thú một cách vô vọng bằng cách uống cho ngây ngất chất dầu độc hại. Không có tấm thảm kịch nào đáng thương tâm hơn. Và chị Tống xinh đẹp hơn bao giờ vừa như nàng tiên giơ bàn tay độ thế vừa như một loài hồ ly ma quái đang dìm đầu người tình lún sâu thêm vào vực thẳm khoái lạc.”

Với nhan sắc và tài ăn nói của mình, với tham vọng về quyền lực và tiền bạc của mình, Tống Thị đã làm khuynh đảo thiên hạ xứ Đàng Trong một thời. Dường như tất cả đàn ông và đặc biệt là vua chúa, quan lại ở Đàng Trong thời bấy giờ không ai có thể bước qua khỏi cửa ải mỹ nhân Tống Thị nếu đã đến, và tất cả đều có kết cục hết sức bi đát. Bà Tống là vợ công tử Nguyễn Phước Kỳ, trấn thủ Quảng Nam, con dâu chúa Sãi, chị dâu và tình nhân của chúa Thượng, về sau tư thông với Chưởng dinh Nguyễn Phước Trung, mưu toan phế truất, bị chúa Hiền xử tử.

Dù bị liệt vào loại "nghịch thần", song sách sử cũng không thể không khen ngợi nhan sắc tuyệt trần cùng tài ăn nói của bà Tống. Từ cái lõi lịch sử ấy, Nguyễn Văn Xuân đã dày công xây dựng nhân vật Tống Thị thành một người đàn bà ghê gớm làm khuynh đảo thiên hạ. Cũng như những người đàn bà lừng danh trong lịch sử, Tống Thị của Nguyễn Văn Xuân hành động theo sức đẩy của hai tham vọng lớn: quyền lực và của cải. Hai mặt này thống nhất với nhau, bổ trợ nhau trong tính cách của Tống Thị. Để đưa con trai lên ngôi chúa, bà không từ thủ đoạn nào, bất chấp luân thường đạo lý. Để làm giàu, bà lợi dụng quyền lực và câu kết với gian thương, ra sức bóc lột nhân dân, trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo nên một gia sản nhất nhì ở Đàng Trong, giàu chỉ kém Chúa. Thương trường nghiệt ngã dường như càng làm cho bà thêm ý chí, nghị lực và thủ đoạn để vươn lên.

Nhân vật Tống Thị là sản phẩm của một thời đại đặc biệt trong lịch sử. Để củng cố vương triều trong cuộc chiến tranh liên miên với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn Đàng Trong một mặt xây dựng chính quyền quân sự mạnh mẽ và độc đoán, nhưng mặt khác áp dụng chính sách mở cửa giao thương với bên ngoài, thúc đẩy công thương nghiệp, mở rộng bờ cõi về phương Nam, lấy sự phồn vinh về kinh tế để củng cố guồng máy chính trị hà khắc. Những đặc điểm đó của lịch sử dường như hội tụ ở nhân vật Tống Thị mà ngòi bút Nguyễn Văn Xuân làm cho có xương có thịt, có sức quyến rũ đến mức khó có thể phán xét nhân vật này là tốt hay xấu. Người đọc không thể không phê phán những hành vi phản dân hại nước cốt để giành địa vị và làm giàu của Tống Thị, nhưng mặt khác cũng dễ dàng thông cảm với phản ứng của một người phụ nữ nhằm khẳng định quyền sống và vị trí trong một xã hội vô luân, ghê tởm. Người đọc vừa lên án cái lòng tham của bà ta vừa lại có thể đồng tình với những lý lẽ sắc bén của Tống Thị đối với vương triều thời bà sống. Có điều đáng ghi nhận rằng, cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ một khối lượng tư liệu đồ sộ, một kiến thức uyên thâm về một giai đoạn còn ít người biết tới trong lịch sử dân tộc, khiến cho nó có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhiều ý tưởng và kiến giải của Nguyễn Văn Xuân lồng trong ngôn ngữ của nhân vật vẫn có tính thời sự ngay cả bây giờ.

Là tiểu thuyết lịch sử, Kỳ nữ họ Tống khá thành công trong việc tái hiện không khí của một thời đại. Nhưng không chỉ có thế, những biến cố lớn lao của đất nước được thể hiện qua số phận cá nhân, quyện với tình yêu, tham vọng, mưu đồ, hành động... cùng với những chi tiết, tình huống phức tạp đã trở thành một thứ bi, hài kịch của cuộc sống muôn màu muôn vẻ mà ngay đến bây giờ người đọc vẫn có thể tìm thấy những điều để tâm đắc, để suy ngẫm.

Nguyễn Văn Xuân yêu thích cái đẹp và cả đời đi tìm cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp ở người phụ nữ. Tuy nhiên, cái đẹp mà ông yêu thích không phải là một cái gì đó cao siêu xa rời thực tế. Nó rất đời thường và bình thường. Ngoài những nét phẩm chất thủy chung, sắt son, kiên trinh, biết hy sinh vốn có của người phụ nữ Việt Nam nói chung trong đó có người phụ nữ Quảng Nam, ta thấy những người phụ nữ đẹp sắc sảo thậm chí đến đáng sợ được ông tập trung miêu tả trong sáng tác của mình với một tình cảm riêng biệt nào đó.

T.T.T, Đ.T.H.T

Bài viết khác cùng số