Tính dân tộc và giáo huấn trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm - Tôn Nữ Phương Linh

30.08.2017

Tính dân tộc và giáo huấn trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập của Đặng Minh Khiêm - Tôn Nữ Phương Linh

Trong di sản văn học Hán Nôm thời trung đại, có một thể tài thơ khá độc đáo đó là thơ vịnh sử. Thơ vịnh sử xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu XVIII trong nền văn học viết Việt Nam. Đây là loại thơ “vịnh nhân vật, sự kiện, di tích lịch sử... để ngôn chí, khiển hoài với ngụ ý khen chê, nhằm nêu gương lịch sử để giáo hóa người đời”1. Thơ vịnh sử, vì vậy, nổi bật với tính chất sùng cổ và giáo huấn. Với hình thức thơ ca, song nội dung là vịnh người xưa, tích cũ nhằm mục đích khen chê, huấn dụ, thơ vịnh sử  “vừa là loại thơ sử luận, vừa là loại thơ nhân cách luận”2.

Là loại thơ vịnh truyện cũ, người xưa nên thơ vịnh sử gần với lịch sử về quan điểm và cứ liệu lịch sử. Dẫu vậy, thơ vịnh sử không đơn thuần ghi chép lại nhân vật và biến cố theo biên niên sử mà nó là “những áng văn chương nhằm xác định giá trị của nhân vật hoặc sự kiện lịch sử, dưới góc độ của một lý tưởng nhất định về cái đẹp”3.

Các tác phẩm vịnh sử hầu hết được viết bằng chữ Hán, một số ít viết bằng chữ Nôm với hai khuynh hướng là vịnh Bắc sử (đề vịnh nhân vật, sự kiện lịch sử Trung Quốc) và vịnh Nam sử (đề vịnh nhân vật, sự kiện, di tích lịch sử Việt Nam).

Thoát Hiên vịnh sử thi tập, còn có tên khác là Việt giám vịnh sử thi tập, là “tập thơ chữ Hán, 3 quyển, vịnh các nhân vật huyền sử và lịch sử Việt Nam” 4 do Đặng Minh Khiêm biên soạn năm 1520. Tác phẩm gồm “125 bài thơ thất ngôn tuyệt cú, vịnh các đế vương, tôn thất, danh thần, gian thần, danh nho, tiết nghĩa, nữ chúa, hậu phi, công chúa, tiết phụ từ thời Kinh Dương Vương đến đời Hậu Trần”5. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã đánh giá về Thoát Hiên vịnh sử thi tập: “Những chỗ khen, chê, bỏ, lấy đều có ý sâu xa, đáng gọi là danh bút”6. Tác phẩm cũng “được coi là tập thơ vịnh sử vào loại xưa nhất của tác gia người Việt, đạt đến mức có thể coi là mẫu mực của thể tài này”7.

Tính dân tộc trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập

Thơ vịnh sử xuất hiện từ thời Trần, bắt đầu phát triển vào thế kỷ XV và phát triển rực rỡ từ thế kỷ XVI trở đi. Nếu Cổ tâm bách vịnh (1495) bằng chữ Hán của Lê Thánh Tông là tập thơ vịnh Bắc sử có hệ thống đầu tiên, thì Thoát Hiên vịnh sử thi tập (1520) được xem là “tập thơ đầu tiên vịnh Nam sử có hệ thống”8.

Được viết theo khuynh hướng vịnh Nam sử, Thoát Hiên vịnh sử thi tập thể hiện ý thức dân tộc của Đặng Minh Khiêm. Đó là niềm tự hào về lịch sử nước Việt, là sự ca ngợi những anh hùng dân tộc, đồng thời đề cao tinh thần, bản sắc văn hóa Việt Nam.

Các nhân vật lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng mở cõi đến đời Hậu Trần được tác giả khắc họa rất sinh động và sâu sắc, với những lời bình luận cực kỳ xác đáng.

Bàn về Kinh Dương Vương, Đặng Minh Khiêm viết: Huyền hoàng phân hậu thế Hồng Bàng/ Trụ xuất thần minh hữu triết vương/ Tổn quốc nhượng huynh chiêu chỉ đức/ Bắc Nam phân trị điện phong cương (Khai thiên lập địa có Hồng Bàng/ Dòng dõi thần minh sinh ra thánh vương/ Nhường nước, kính anh nêu đức độ/ Bắc Nam phân trị dựng phong cương). Chỉ với 28 chữ nhưng tác giả đã thể hiện một cách cụ thể, đầy đủ về lai lịch cũng như phẩm chất của Thủy tổ nước Việt.

Khi viết về Trưng Vương - vị nữ vương anh hùng của dân tộc, người đã đánh tan Tô Định và lên ngôi vua ở Mê Linh - Đặng Minh Khiêm có lời ngợi ca đầy hào sảng: Sinh tiền Mai Lĩnh an dân dũng/ Một hậu hoa quan trạch vật công/ Hệ xuất Mê Linh chân tướng chủng/ Nữ nương năng đắc kỷ anh hùng (Thuở còn sống là người dũng mãnh vỗ yên dân ở Mai Lĩnh/ Sau khi mất lại có công đội mũ hoa tưới nhuần vạn vật/ Sinh ra từ đất Mê Linh/ Thật là dòng dõi nhà tướng). Dẫu cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương thất bại, song phẩm giá, tiết liệt của bà vẫn còn mãi trong dòng chảy lịch sử. Ca ngợi Trưng Vương nghĩa là ca ngợi tài năng, khí phách cũng như đề cao vai trò, phẩm giá của người phụ nữ. Đồng thời thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, vốn là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc.

Với Tiền Ngô Vương là sự ca ngợi người anh hùng dân tộc có công đưa đất nước thoát khỏi cảnh nô lệ phương Bắc: Bạch Đằng chiến hậu hải vô ba/ Vương nghiệp kinh doanh tạm tức qua (Sau trận chiến Bạch Đằng biển lặng sóng/ Xây dựng vương nghiệp, tạm dứt binh đao). Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử đã đánh dấu sự kết thúc một ngàn năm đô hộ của Trung Hoa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc ta.

Về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đặng Minh Khiêm bày tỏ sự kính ngưỡng trước tài năng, phẩm chất, tiết tháo của vị Đại vương được nhân dân tôn xưng là Đức Thánh Trần: Sinh phùng gia hấn thệ thâu trung/ Mậu kiến Trùng Hưng đệ nhất công/ Một hậu uy do tồi Bắc lỗ/ Ỷ thiên trường kiếm dạ minh phong (Ra đời giữa lúc trong nhà có hiềm khích nhưng thề dốc lòng trung/ Đã lập công hiển hách ở đời Trùng Hưng/ Sau khi mất mà oai thanh còn đánh lui giặc Bắc/ Thanh kiếm dài tựa vào trời nổi gió ban đêm). Tác giả rất khéo léo khi lựa chọn những sự kiện xảy ra quanh cuộc đời của Hưng Đạo Đại vương, để từ đó khắc họa một cách chân thực và hào hùng về vị danh tướng của thời đại Đông A đã vì nghĩa lớn mà dẹp bỏ tình riêng, lập nên những công trạng lẫy lừng, trường tồn cùng đất nước.

Có thể thấy, Thoát Hiên vịnh sử thi tập khắc họa rất nhiều nhân vật tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Chính niềm tự hào dân tộc, nỗi lòng quan tâm đến vận mệnh đất nước đã góp nên tiếng nói về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng trong thơ vịnh sử.

Với nội dung chủ yếu là “niềm tự hào về lịch sử quang vinh và phẩm chất cao quý của dân tộc. Tác giả thơ vịnh sử thường ca tụng những nhân vật có công tích với dân tộc, với nhân dân”9. Chính điều này tạo nên âm hưởng hào hùng, mang đậm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc trong thơ vịnh sử. Và có thể khẳng định Thoát Hiên vịnh sử thi tập là tập vịnh sử mang đậm tính dân tộc. Việc lựa chọn sự kiện, nhân vật thuộc về sử Việt đã phần nào thể hiện tinh thần dân tộc của Đặng Minh Khiêm. Đồng thời khi dựa vào quan điểm dân tộc, đạo đức dân tộc để đề vịnh, luận bình về các nhân vật nổi danh trong lịch sử đã tạo nên mạch cảm hứng chung nhất cho toàn bộ tập thơ, đó là sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước - cảm hứng chủ đạo trong nền văn học Việt Nam.

Tính giáo huấn trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập

Thơ vịnh sử ở Việt Nam xuất hiện khi Nho giáo đã tiến lên vị trí chính thống về mặt ý thức hệ. Cho nên quan niệm văn chương của thơ vịnh sử là quan niệm văn chương Nho giáo: “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, mà biểu hiện rõ nhất chính là thái độ sùng cổ, tính chất giáo huấn được thể hiện trong tác phẩm. Ngay trong lời Tựa của Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm đã viết: “Đề tài thường lấy tên người, tên đất, hoặc lấy núi sông, hoặc lấy những người tôn thất, những văn nhân tài tử cổ kim, đặc biệt những người thực hành điều nghĩa thì càng được chú trọng”10. Trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập, những tấm gương trung thần tiết liệt được tác giả khắc họa rất đặc sắc.

Khi bàn về Lý Thường Kiệt - con người thao lược, làm quan đến chức Thái úy, tước Thượng quốc công, với chiến thắng quân Tống lẫy lừng, Đặng Minh Khiêm đã ca ngợi: Đệ huynh chỉ xích thị minh quang/ Tài lược kiêm ưu hựu mạo dương/ Bắc phạt Nam chinh huân nghiệp trứ/ Thù phi môn ngoại tiểu điêu đương (Anh em hầu bậc vua anh minh, tấc gang gần gũi/ Tài lược kiêm toàn và trạng mạo cũng khôi ngô/ Đánh Bắc dẹp Nam sự nghiệp công lao rạng rỡ/ Thật không phải như kẻ hoạn thị hầu hạ ở ngoài cửa). Bằng lời lẽ sắc bén, Đặng Minh Khiêm đã khắc họa chân dung một Lý Thường Kiệt tài kiêm văn võ, công lao ít ai sánh bằng, thật xứng đáng là bậc lương thần của đất nước.

Với Tô Hiến Thành là sự cảm khái với một bậc trung thần không vì danh lợi mà làm việc bất nghĩa: Đại tiết đường đường khả thác cô/ Bách đoan kế dụ tịch như vô (Đại tiết lớn lao, có thể gửi đứa con côi/ Dùng kế dụ dỗ trăm cách vẫn lặng lẽ coi như không). Tấm lòng trung trinh, tiết liệt của Thái sư phụ chính Tô Hiến Thành là tấm gương để lớp hậu nhân noi theo. Đồng thời, Đặng Minh Khiêm cũng lên án bọn gian thần tặc tử bất nhân bất nghĩa, hại nước hại dân.

Về Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Đặng Minh Khiêm viết: Đệ nhất khôi nguyên tảo trí than/ Cư quan bất cải cựu thanh bần/ Phiến minh hựu trọng Yên Đài dự/ Sứ tiết phương tri quốc hữu nhân (Thi đậu khôi nguyên, sớm đã tiến thân/ Làm quan mà vẫn không thay đổi nếp thanh bần cũ/ Lời minh đề quạt được xem trọng danh dự ở Yên Đài/ Qua tiết tháo của sứ thần mới biết nước ta có người hiền). Tác giả đề cao phẩm chất nhà Nho của Mạc Đĩnh Chi, dù làm quan đến Tả bộc xạ nhưng nếp thanh bần vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này là sự đề cao cốt cách, phẩm giá của người quân tử. Đồng thời hướng con người tới những phẩm chất, giá trị cao đẹp của dân tộc đã được khẳng định, bảo tồn qua thời gian.

Với Chu An - nhà giáo dục mẫu mực, Đặng Minh Khiêm không tiếc lời ca ngợi: Thanh tu khổ tiết cao thiên cổ/ Sĩ vọng nham nham ngưỡng Thái Sơn (Thanh cao và tiết tháo cao vọi nghìn xưa/ Kẻ sĩ ngửa trông núi Thái Sơn chót vót). Việc dâng Thất trảm sớ lên vua Trần Dụ Tông để hạch tội bọn nịnh thần chính là sự thể hiện bản lĩnh, cốt cách của một bậc danh Nho. Ca ngợi Chu An chính là ca ngợi tiết tháo của người quân tử, đồng thời là sự kính ngưỡng của Đặng Minh Khiêm đối với vị “Vạn thế sư biểu” của Việt Nam.

Hay với Trương Hống - danh tướng của Triệu Quang Phục, người đã tự sát chứ quyết không phản chủ, Đặng Minh Khiêm ngợi ca khí tiết của bậc trung lương “tôi trung không thờ hai chủ” - vốn là đứa mục hàng đầu của kẻ bề tôi: Sất mã quân vương nhập thủy tân/ Đệ huynh nhẫn tác sự thù nhân (Một người một ngựa, quân vương đã vào nơi bến nước/ Anh em không nỡ phục vụ cho kẻ thù).

Những nhân vật lịch sử được Đặng Minh Khiêm đưa vào tác phẩm của mình chủ yếu là những tấm gương tiêu biểu cho đạo đức phong kiến. Điều này nhằm thể hiện mục đích huấn dụ, giáo huấn - vốn là tính chất đặc trưng của văn học trung đại.

Lời thơ khúc chiết, rõ ràng với những lời luận bình, khen chê phân minh đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm của tác giả. Đó là ngợi ca những tấm gương trung hiếu, tiết liệt, vì nước vì dân của những nhân vật anh hùng, hào kiệt trong lịch sử dân tộc, qua đó trở thành “bảo giám” cho hậu thế.

 *

*           *

Thơ vịnh sử là một hiện tượng đáng chú ý của nền văn học viết dân tộc. Đóng góp của dòng thơ này là đem đến cho văn học tiếng nói tích cực của những sĩ phu yêu nước. Đó là tiếng nói của khí phách dân tộc, của niềm tự hào, tự tôn và tinh thần nhân ái của con người Việt Nam.

Thoát Hiên vịnh sử thi tập là tập thơ vịnh Nam sử đầu tiên của văn học trung đại Việt Nam. Với Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm đã thành công trong việc khắc họa, thể hiện chân dung của các nhân vật lịch sử. Tác phẩm không đơn thuần là sự ghi chép về các nhân vật lịch sử mà thông qua lời đánh giá, phẩm bình, Đặng Minh Khiêm đã soi sáng cảnh thịnh suy của triều đại đã qua, phản ánh những sự kiện lịch sử đầy chân thực, sống động và sâu sắc. Qua đó nêu cao tấm gương về đạo đức, nhân nghĩa để hậu thế noi theo.

Ngôn ngữ thơ cô đọng, ý khen chê tường tận, sắc bén cùng sự kết hợp giữa phần dẫn truyện và phần vịnh thơ theo thể thất ngôn tuyệt cú đã tạo nên giá trị cho tác phẩm, đưa nó trở thành một trong những đỉnh cao của dòng thơ vịnh sử Việt Nam.

T.N.P.L

Bài viết khác cùng số