Treo tình trên sóng của Vũ Ngọc Lan
Tiểu thuyết Treo tình trên sóng mang tính tự truyện của người phụ nữ đẹp Võ Ngọc Lan, kỳ nữ một thời nổi tiếng xứ Huế, đã gây chú ý nhất định đối với bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu lại lời tựa cuốn sách của cố GS - NGND Hoàng Như Mai và bài viết của nhà văn Trần Thuỳ Mai về tiểu thuyết.
Cuốn truyện dài này là một thiên tự truyện. Tâm niệm của tác giả viết cuốn truyện dài này là để thương nhớ những ngày qua và vui với cuộc sống hôm nay, như tác giả đã mượn câu thơ Kahlil Gibran để nói lên tâm sự của mình:
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
1.
Cuốn truyện diễn ra theo bước chân của tác giả từ làng quê ở Kim Luông lên thành phố Huế, vào Sài Gòn. Các sự kiện diễn ra được kể lại là những điều mắt thấy tai nghe của chính tác giả, có một giá trị chân thực không gợn một chút hoài nghi nào.
2.
Cuốn truyện này mang một giá trị nhân văn sâu sắc. Trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt, không phải mọi giá trị điều bị thủ tiêu mà trái lại. Như câu tục ngữ đã nói “lửa thử vàng gian nan thử sức”, trong cuộc chiến tranh hủy diệt khốc liệu tưởng chừng như không có chỗ cho tình thương, cho những tư tưởng nhân đạo và những nghĩa cử cao đẹp, thì trái lại vẫn có những tấm lòng tốt đẹp, những hành vi sang đẹp tình người bất chấp nguy hiểm.
Nhân vật của tự truyện gặp bao nhiêu nỗi éo le trong cuộc sống nhưng vẫn giữ được niềm tin vào cuộc sống.
Cuộc sống dẫn có đau khổ, nhọc nhằn nhưng tác giả không quan niệm chút thù hận, càng nâng cao lòng yêu con người. Bị chồng phản bội nhưng vẫn bình tĩnh làm việc, còn nuôi hai bà mẹ (mẹ chồng và mẹ ruột), bảy đứa con và cả những đứa con riêng của người chồng phụ bạc. Duyên không được hưởng hạnh phúc tình yêu, mấy lần bị thương tổn tình cảm nhưng không bao giờ làm tổn thương đến tình yêu, hạnh phúc, gia đình của người khác.
3.
Cuốn truyện như đã nói là một tự truyện. Tự truyện ai cũng nghĩ là dễ viết vì là truyện của mình chứ không phải ai khác mà phải suy nghĩ, nhưng thực ra tự truyện rất khó viết bởi vì rất dễ thiếu trung thực. Người ta vốn có bản năng tự vệ cho nên những gì có thiệt hại cho mình thường là cái bản năng tự vệ cùng sự đồng cản trở chống lại. Vì thế tác giả tự truyện nhiều khi lại dối mình mà không biết.
Đọc cuốn Treo tình trên sóng, tôi thấy tác giả rất trung thực đối với độc giả và với mình, không tìm cách che đậy những điều khó nói, những điều có hại cho danh dự mình. Tác giả đã thẳng thắn nói những sai lầm, những việc làm không tốt đẹp, những yếu đuối của mình.Với những ưu điểm nói trên cuốn sách đáng để bạn đọc tin cậy tìm đọc.
Treo tình trên sóng được ấn hành 1.000 bản vào giữa năm 2012, chỉ sau mấy tháng đã tiêu tụ được hơn 90 cuốn. Sự kiện đó đáng làm cho ta suy nghĩ: Vì đâu mà câu chuyện của chị Võ Ngọc Lan - với một bút pháp giản dị, chân phương - lại chinh phục được người đọc như vậy?
Nội dung tiểu thuyết kể lại cuộc đời của nhân vật Duyên – một người đàn bà xứ Huế. Với lối kể chuyện mộc mạc nhẹ nhàng, cuốn sách làm ta có ấn tượng như đang đối diện với tác giả để nghe những lời tâm sự. Không biết liều lượng tự truyện trong tiểu thuyết đến đâu, nhưng rõ ràng sức cuốn hút của nó chính là sức cuốn hút của những “chuyện đời tự kể”, những sự thật cảm động mà có lẽ không đầu óc tưởng tượng hư cấu nào có thể vượt qua!.
Cha Duyên hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Duyên trải qua tuổi thơ nghèo khó, nhưng lại được lớn lên trong phủ Bà Chúa, học được nền nếp thanh nhã của nền văn hóa kinh đô. Duyên trở thành ca sĩ, rồi lấy chồng, chồng Duyên lại là sĩ quan trong quân đội miền Nam. Thân phận trớ trêu của một người vừa là con liệt sĩ lại vừa là người vợ có chồng đi cải tạo đã làm Duyên phải chịu rất nhiều long đong chìm nổi. Đứng vào bên nào cũng khó và thời cuộc nhiều khi đẩy Duyên đến chỗ cùng đường. Nhưng Duyên vẫn đi, vẫn tìm được lối thoát cho mình trong muôn ngàn thử thách... Một người đàn bà Huế hiền hậu đảm đang, khi bị ném vào bão đã can đảm, táo bạo, thông minh cơ trí, tìm đủ cách để sinh tồn. Giữa những quăng quật của sóng gió cuộc đời, vẫn có những hồi ức ngọt ngào dành cho tình yêu, những cảm xúc lãng mạng của một tâm hồn nghệ sĩ...
Đúng như nhan đề Treo tình trên sóng, số phận của Duyên gắn liền với những chìm nổi của cả một thời kỳ lịch sử. Một câu chuyện rất ly kỳ mà rất thực về thân phận hồng nhan trong gió bụi. Người ta thường nói “má hồng phận bạc”, nhưng trong câu chuyện này thì không thể: má hồng mà phận không bạc khi trong lòng luôn có một niềm tin mãnh liệt: niềm tin vào sức mạnh của bản thân và vào lòng tốt của con người.
Trần Thùy Mai
(tuoitre.vn)