Phùng Hiệu thấu cảm giới cần lao
Từng có dịp đọc thơ Phùng Hiệu đăng tải rải rác trên sách báo, tạp chí… nhưng thơ anh không lập tức gây cho tôi nhiều sự chú ý, cũng không thuộc loại thơ đập ngay vào cảm thức khiến ta phải bàng hoàng. Tuy nhiên, lần này đề tài của cây bút Phùng Hiệu đã thay đổi khá đột ngột trong tập thơ "Biên bản thặng dư" (NXB Hội Nhà văn, 2019).
Có lẽ đề tài kinh tế trong xây dựng là sở trường của Phùng Hiệu vì anh xuất thân và vẫn đang hoạt động trong ngành xây dựng. Với phần lớn thời gian phơi mình cùng công nhân trên các công trình, Phùng Hiệu dễ cảm nhận và cảm thông nỗi gian khổ, thiếu thốn, thiệt thòi của người thợ xây dựng hôm nay. Anh quyết đi tìm điều thay đổi:
"Tôi đi tìm giấc mơ/Mang tên công lý/Trong suốt hành trình tuyên chiến với thặng dư/Giấc mơ nhọc nhằn trôi qua thiên niên kỷ…" (Giấc mơ hiện thực).
Cô công nhân hôm nay được Phùng Hiệu nhìn thấy: "Tiếng kẻng mùa này không chứa nổi giấc mơ/sau buổi tan ca/chị nghe âm vang từ quê nghèo réo rắt/Những tấm áo đàn con se thắt/Cái Tết nghèo - giá trị thặng dư…" (Tết của người công nhân góa phụ).
Cuộc đời người thợ xây dựng được Phùng Hiệu "đóng đinh" gọn hơ trong hai câu: "Em nổi trôi theo từng dự án/Như thể dòng sông không dừng lại bao giờ" (Sau lưng tiếng kẻng công trường).
Tập thơ này, Phùng Hiệu nhiều lần nhắc đến hai chữ "thặng dư". Tác giả vạch ra giá trị thặng dư không mang đến cho con người lao động một thành quả tương xứng với sức lực của họ, mà của cải, vật chất làm ra đều lọt vào những tập đoàn kinh tế, bằng sự thâu tóm, làm giàu cho những ông chủ.
"Anh run tay nhận việc ngoài giờ/Sáu tiếng thặng dư được tính tròn ngày chẵn/Và kiệt sức sau 14 giờ căng thẳng/Với đôi chân rách tướp công trường…" (Biên bản thặng dư).
Và:
"Trên công trường ngổn ngang số phận/Những ngày hè nắng cháy tiếng ve/Những đêm đông rét từng ánh lửa/Đoàn công nhân cày ải đến không giờ" (Tiếng rên gạch cát).
Dù mỗi ngày phải tăng ca đến 0 giờ nhưng họ vẫn không thay đổi được cuộc sống của chính mình. Người lao động vẫn ấp ủ những giấc mơ đời thường đến giản đơn: "Anh chợt thấy những đứa con được đến trường/Trên chiếc xe đạp Martin 107/Một căn nhà vách đất/Một tô phở bò thơm ngát bình minh/ Anh đi về hướng đó/Nhưng tiếng kẻng công trường bỗng nhiên báo động/Anh giật mình đánh rớt cơn mơ…" (Biên bản thặng dư).
Bên cạnh xây dựng là đề tài chính, Phùng Hiệu còn chuyển tải một đề tài lớn khác, dù ít bài hơn, đó là chủ quyền biển đảo Tổ quốc ta với những bài "Đứt cáp", "Cánh chim bám biển", "Các anh không về mắt đảo rưng rưng"… như: "Tôi chợt thấy những vong hồn liệt sĩ/Bằng máu xương/Bằng tình yêu Tổ quốc/Những anh hùng dân tộc mãi ghi công…" (Các anh không về mắt đảo rưng rưng).
Đặc biệt nhất là bài thơ cuối tập: "Nếu tôi chết trái tim vừa ngưng đập/Thì xin em hãy cắt ghép cho người/Để hơi thở chảy qua bờ nhân đạo/Quả tim còn lan tỏa đến muôn nơi…" (Di nguyện).
Bài "Di nguyện" này không nằm trong hệ thống chủ đề nào của cả tập "Biên bản thặng dư" nhưng tôi nghĩ đây là bài thơ "rứt ruột" ra để viết của Phùng Hiệu vì anh là người đã hiến tạng và đang vận động nhiều người cùng làm theo "biên bản hiến tạng" đầy tính nhân văn…
(nld.com.vn)