Những cơn mê quăng Hoàng vào quá vãng, để rồi không phân biệt được người lính đó đã sống ở thì nào. Nhiều lúc Hoàng muốn thoát ra khỏi vũng lầy quá khứ đó, nhưng càng vùng càng lún sâu, đến nỗi đời sống thực của Hoàng không còn là thì hiện tại. Nói như Ly Ly, “Tại sao phải chia động từ ra ba thì mới gọi là sống? Mình đang sống còn Hoàng thì đã sống, khác gì nhau nào, ai điên, ai tỉnh đây?”.
Không ám ảnh sao được. Đọc Tình Cát của Nguyễn Quang Lập, tự nhiên thấy sợ hãi chiến tranh như nó vừa dứt hôm qua để lại ngổn ngang xác chết. Những cái chết của Lý, của Nụ, của Lương, của thằng Béo, của anh Chiến lái xe, của thằng Rú, thằng Rí, con Ri, của ông Ro, chị Rá. Mỗi người một số phận, một bi kịch. Mỗi người được đặc tả một kiểu chết, kinh hoàng và thê thảm đến nghẹt thở. Nguyễn Quang Lập dày công xây dựng những cái chết đọc mà thấy rùng mình run rẩy. Nhưng có lẽ, hiện thực chiến tranh còn dữ dội hơn nhiều, hiện thực đó vượt qua sự tưởng tượng của nhà văn.Có một thứ gì đó như ma ám được sinh ra từ chiến tranh, khiến cho con người thời hậu chiến cứ mê mê, tỉnh tỉnh. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa bốn mươi năm, nhưng vẫn chưa tỉnh cơn mê.
Cũng như cái xóm Cát với 11 nóc nhà đã bị lãng quên. Định mệnh giao cho họ nhận lấy trách nhiệm của cuộc chiến, giữ một kho xăng mặc dù không ai cần đến và nhớ tới, để rồi những con người hồn nhiên đi vào cuộc chiến tranh đó chết cháy trên trảng cát nóng rát lửa xăng, có người chết rồi lửa vẫn trào ra xèo xèo trên miệng. Còn nhiều thôn xóm và thân phận bị lãng quên khác như quy luật vô tình của chiến tranh. Xóm Cát chỉ là một điển hình để nhắc nhớ về sự vô tình đang tồn tại.
Sự vô tình đó biến hóa, nhập vào những kẻ có quyền lực để chúng trở thành những bóng ma thời hậu chiến. Cái ác thêm một lần nữa chiến thắng khi quyền lực rơi vào tay những kẻ ngu ngốc như Chủ tịch Huyện và lưu manh như Phó Chủ tịch Văn Xã. Và cái ác chiến thắng khi người tận trung với cuộc chiến như Xê Trưởng phải chịu án tử hình.
Bất lực trước cái ác, nỗi ám ảnh chiến tranh như lớn hơn trong tâm trí của Hoàng, để anh tìm đến cái chết thê thảm như những cái chết đã từng ám ảnh anh. Chỉ thêm hai chữ để nói về nghệ thuật của Tình Cát: Văn hay.
(Tình Cát của Nguyễn Quang Lập, khổ 13 x 20,5cm, dày 312 trang, NXB Hội Nhà văn, Phương Nam phát hành)
Lê Thanh Phong
(laodong.com.vn)