Hứng thú khám phá thế giới mới cùng lũ trẻ từ 6-13 tuổi khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán chiến tranh bị tai nạn và rơi xuống một đảo hoang giữa Thái Bình Dương.
Bọn trẻ bầu ra thủ lĩnh là Raph, bắt đầu cuộc sống tự lập, tự do. Thế nhưng, những khó khăn và thiếu thốn nơi hoang đảo cùng với nỗi thất vọng khi bỏ lỡ cơ hội được cứu... khiến xung đột giữa hai đứa trẻ đứng đầu ngày càng tăng cao.
Cảm giác sợ hãi đến nghẹt thở của người đọc bắt đầu khi bọn trẻ chia làm 2 phe: một do Raph đứng đầu với nếp sinh hoạt quy củ, hy vọng thoát khỏi đảo hoang bằng cách duy trì ngọn lửa.
Trong khi đó, phe do Jack lãnh đạo lại quay về với lối sống hoang dã: vẽ mặt, lấy săn bắt làm niềm vui và có nhiều hành động sai trái. Xung đột lên đến đỉnh điểm khi phe của Jack giết hại đồng loại, truy sát Raph để nắm quyền thống trị...
Ngay mỗi nhân vật mà William Golding miêu tả trong Chúa Ruồi cũng rất có thể là ẩn dụ đầy ý đồ. Có thể tưởng tượng, Raph là nhân vật tượng trưng cho tinh thần dân chủ, Jack tượng trưng cho sự độc tài chuyên chế, Piggy là nhân vật của trí tuệ, Roger là kẻ nổi loạn, hành động vẽ mặt của lũ trẻ do Jack cầm đầu tượng trưng cho sự buông thả nhân cách của con người… Và từ ấy mà đi thẳng tới hình tượng chính, Chúa Ruồi.Một câu chuyện giả tượng, với một nhóm trẻ con thơ ngây, được bao phủ bằng thứ ngôn ngữ thoạt tưởng rất mềm mại, rất rộng lớn của thiên nhiên nhưng lại được William Golding dẫn dắt bằng những cảm xúc tột cùng trần trụi, nghiệt ngã với một hệ thống những ẩn dụ, tượng trưng.
Dẫn dắt người đọc bằng những lời đồn mập mờ về ác thú, tranh cãi giữa tin và không tin trong nội bộ đám trẻ, xác viên phi công mắc vào tấm dù, cuối cùng William Golding cũng để Chúa Ruồi xuất hiện cùng với cái đầu heo mẹ đen máu cắm trên cọc với nụ cười nhăn nhở mãi mãi không tàn.
Không phải con ác thú hay thế lực siêu nhiên kỳ bí vốn thống trị hòn đảo, Chúa Ruồi được gọi lên từ những đứa trẻ, từ sâu trong tâm hồn lẫn hành động của chúng.
Kết chuyện, khi cái ác thắng thế và được kích thích thêm bằng máu, những trang viết càng trở nên kinh khủng và nghẹt thở. Cuối cùng, nhóm của Raph không còn ai, Piggy chết thương tâm, 2 thằng bé sinh đôi bị buộc phải theo nhóm hung hãn của Jack và chúng đốt cả khu rừng để đuổi giết cho bằng được Raph bởi cơn say máu.
Lúc Raph tưởng chừng như bị giết, thì nhân vật người sĩ quan xuất hiện, ông hỏi “chơi vui quá hả”. Đoạn kết đầy những câu đối đáp rất gợi mở mà thật cô đọng, khiến độc giả có lẽ sẽ cảm thấy nặng nề và ám ảnh, đặc biệt là ở giây phút Raph bật khóc, “khóc than cho sự thơ ngây đã chết và lòng dạ đen tối của con người”.
“Cuộc chiến như trò đùa của lũ trẻ chỉ thiêu rụi một hòn đảo hoang và làm chết hai đứa nhỏ. Còn quả đất và nhân loại sẽ ra sao sau cuộc chiến tranh nguyên tử khủng khiếp gấp triệu lần?” Con người, con người luôn luôn, mãi mãi sẵn sàng giết con người y như những gì đã diễn ra trên hòn đảo vô danh trên biển Thái Bình Dương nắng gắt.
Từ khi xuất bản đến nay Chúa Ruồi của William Golding có mặt trong giáo trình văn học tại các nhà trường ở Anh, Mỹ cũng như nhiều nước châu Âu, là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của cuốn tiểu thuyết bi thảm này.Đặt vào bối cảnh ra đời của cuốn sách, năm 1954, đúng lúc nhân loại vừa trả qua thảm họa chiến tranh thế giới thứ 2, có lẽ Chúa Ruồi chính là lời tuyên cáo, cũng đồng thời là một lời phản kháng mãnh liệt của tác giả đối với một phần nhân loại thích gây chiến tranh.
Đây là tác phẩm đầu tay của William Golding. Hàng loạt tiểu thuyết nổi tiếng ra đời sau đó như The Inheritors (Những người thừa kế, 1955),Pincher Martin (1956), Free Fall (Rơi tự do, 1959) và The Spire (Ngọn tháp, 1964) được một số nhà phê bình coi là đỉnh điểm trong sáng tác của ông.
Năm 1980, sách đầu của bộ ba To the Ends of the Earth (Đến tận cùng của Trái Đất) thể hiện lòng say mê của ông với đề tài về biển đã đoạt giải Booker khối Thịnh vượng chung Anh.
Năm 1983, ông nhận giải Nobel Văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Đây là một bất ngờ đối với công chúng bởi thời điểm đó nhà văn nổi tiếng thế giới Graham Greene được coi là ứng cử viên sáng giá nhất trong số các nhà văn Anh.
Một năm sau đó, William Golding xuất bản đồng thời tại Anh và Mỹ tiểu thuyết The Paper Men (Những người đàn ông bằng giấy) và đã gây ra những đánh giá hết sức khác nhau từ phía dư luận. Năm 1988, ông được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ.
William Golding mất tại nhà riêng ở Perranarworthal, năm 1993.
Phong Linh
(news.zing.vn)