Mark Watney không phải người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa. Nhưng có thể, anh là con người đầu tiên – và có lẽ duy nhất – sẽ chết trên sao Hỏa. Hoặc, con người đầu tiên – và có lẽ là duy nhất – sống sót trên sao Hỏa.
Mark Watney là một thành viên của nhóm thám hiểm của NASA lên sao Hỏa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu bề mặt hành tinh này. Anh bị thương nặng sau một trận bão cát dữ dội. Tưởng rằng anh đã thiệt mạng, các thành viên trong đoàn phi hành gia Hermes không còn cách nào khác là lên tàu trở về Trái Đất. Nhận được tin báo ở cách đó 140 triệu dặm, NASA và các nhà khoa học quốc tế làm việc ngày đêm để giải cứu Watney. Khi biết tin, các đồng đội của anh đang trên đường trở về Trái Đất cũng ấp ủ một kế hoạch liều lĩnh để cứu Watney. Khắp nơi trên thế giới cầu nguyện và hướng về nhà sinh vật học đang cố gắng sinh tồn ở một hành tinh chết…
Người về từ sao Hỏa còn truyền tải thông điệp nhân văn về ý chí và nghị lực của con người thông qua hình ảnh phi hành gia Mark Watney. Watney không hề nao núng trước cái chết, sự cô đơn. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” như vậy, độc giả vẫn thấy được sự lạc quan, tháo vát và óc hài hước đặc biệt của nhân vật. Anh bền bỉ đương đầu với số phận, kiên trì vượt qua hết thất bại này đến thất bại khác và chưa bao giờ nguôi hy vọng về một ngày trở về, dẫu vô cùng mù mịt. Tình cảnh ấy khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh Robinson Crusoe cô đơn trên đảo hoang. Hai con người ở hai thời đại, hai không gian hoàn toàn khác nhau nhưng đều có chung ý chí và nghị lực sinh tồn mạnh mẽ.Ở một nơi không có nước và sự sống, Watney sử dụng các kỹ năng sống và kiến thức sinh vật để gieo trồng khoai tây làm nguồn thực phẩm chính trong lúc chờ người tới cứu. Anh ghi lại toàn bộ nhật ký hành trình của mình và tìm mọi cách để liên lạc với Trái Đất. Có những lúc thí nghiệm thất bại, mọi thứ tưởng như đổ bể nhưng Watney không hề bỏ cuộc. Thế rồi những mầm non đầu tiên nhú lên trên mảnh đất khô cằn tưởng như chẳng thứ gì có thể sống sót nổi. Qua đó, nhà văn Andy Weir đã khuyến khích độc giả cần chủ động trong cuộc sống, luôn trau dồi các kỹ năng sinh tồn để có thể thích nghi được với mọi hoàn cảnh.
Là một tác phẩm hư cấu nhưng Người về từ sao Hỏa sẽ khiến nhiều độc giả “choáng ngợp” bởi khối lượng kiến thức, thông tin khoa học mà tác giả dày công nghiên cứu, thu thập và tổng hợp. Andy Weir đã khéo léo kết hợp nhiều chi tiết khoa học từ thực tế, khiến câu chuyện trở nên đáng tin cậy, tự nhiên và lôi cuốn. Truyện đồng thời cũng thể hiện khát khao chinh phục không gian, vũ trụ và tạo ra những kỳ tích của loài người.
Trong vòng ba tháng, phiên bản Kindle đã bán được 35,000 bản, nằm trong top sách khoa học giả tưởng bán chạy nhất của Amazon. Thành công này đã thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản, và đến năm 2013, sách đã được ký hợp đồng xuất bản dưới dạng audiobook và sách giấy. Bộ phim cùng tên chuyển thể từ cuốn sách, với sự tham gia của Matt Damon, đã trở thành bom tấn của mùa thu 2015 và được giới chuyên môn đánh giá rất cao, nhận được 7 đề cử cho giải Oscar.Andy Weir sinh ngày 16/06/1972 tại California, Mỹ. Năm 15 tuổi, ông được thuê làm lập trình viên cho một phòng thí nghiệm quốc gia và kể từ đó đến nay, vẫn làm việc như một kỹ sư phần mềm. Ông rất đam mê khoa học không gian, thích nghiên cứu thuyết tương đối, cơ học quỹ đạo và lịch sử du hành vũ trụ có người lái. Người về từ sao Hỏa (tên gốc: The Martian) là tiểu thuyết đầu tay, được ông bắt đầu viết từ năm 2009. Bị từ chối bởi nhiều nhà xuất bản, Andy Weir đã quyết định đăng tác phẩm trên website cá nhân dưới dạng truyện dài kỳ cho độc giả đọc miễn phí. Sau đó, trước yêu cầu của người hâm mộ, ông đã phát hành phiên bản Amazon Kindle với giá tối thiếu 99 cent.