Tiêu gì cho thời gian để sống - Hoàng Việt Hằng
Một trong những cái hay của sự triết lý là không-triết-lý. Nhiều bài tản văn của Hoàng Việt Hằng trong tập này đẩy tới các câu hỏi tự vấn, cho chị và cho những ai đọc chị, hẳn là thế. Xét trên phương diện này thì đó quả là những tự vấn khá nhẹ nhàng về phương thức, hay cũng có thể nói là dịu dàng...
Sắc bén về tình người và nghiêng hoàn toàn lòng cảm thông nhạy cảm về phía những thân phận lận đận - đấy là đặc điểm quán xuyến và nổi bật khiến những bài tản văn này đạt đến độ lôi cuốn một cách trong sáng, giản dị. Hoàng Việt Hằng có một lối viết riêng để nhấn vào điều chủ yếu trong mỗi câu mỗi đoạn văn của chị; chị cho thấy cái cố gắng lựa chọn những hình ảnh chân thực, thật và đơn sơ nhưng tạo được góc nhìn mới gây rung động và mở rộng trường liên tưởng trong cảm xúc; chẳng hạn câu kết một đoạn suy tưởng như sau:
“Những mộ đá liệt sĩ ở hàng phi lao không tên, các anh thấy mình có lỗi như thể chưa về lau khô được giọt nước mắt đục của mẹ, giọt nước mắt trong của vợ, và của người tình.”
Mô tả rất tinh ý này, cái hình ảnh hoàn toàn có thật này, khiến gợi lên các nghĩ ngợi liên đới và xa rộng hơn. Thế nào là “đục” và “trong”? vì sao “đục” vì sao “trong”?...
Một liên tưởng như thế sẽ tìm thấy những căn cứ rải rác trong các bài tản văn khác cùng tập – những căn cứ để hiểu rằng sự liên tưởng đó là không ngẫu nhiên tùy hứng của một người đọc nào đó, mà do ý hướng mà người viết đã định dạng và gợi lên qua cái viết của mình. Chẳng hạn, chữ “giọt” và hình ảnh “giọt” trong bài tản văn “Giọt giọt ngô vàng.” Bài đó Hoàng Việt Hằng trước tiên kể về những giàn ngô treo gác bếp trong những ngôi nhà nơi thôn bản vùng cao mà chị nhìn mê đi với vẻ đẹp lạ lùng của “giọt giọt màu hạt ngô vàng, giọt giọt màu hạt ngô tím,” làm nên cảnh mà chị coi là một loại “trần nhà” tuyệt vời xây nên bằng tự nhiên không gì khác. Nhưng các sự kiện chủ yếu nói đến trong bài tản văn này lại phản chiếu một tình trạng đầy lo ngại: nạn phụ nữ miền núi bị bắt cóc đem qua bên kia biên giới.
“Những hòn vọng thê lặng lẽ. …Anh A Hạt nói, nhớ vợ thì họ chờ thôi chứ không lấy vợ khác. Có nhà ở cùng núi cao, chị Khuy bị bắt sang Trung Quốc trốn về được đấy. Về nhà thì chồng đi lấy vợ khác mất rồi.” Vậy là, hình ảnh những “giọt ngô” ban đầu, cho đến cuối bài tản văn này, cứ mọng dần lên thành những giọt thương xót, giận dữ, lo âu.
Lối viết như thế xuyên suốt tất cả những đề tài khác nhau mà các bài tản văn này đề cập đến. Những đề tài khá đa dạng và tỏa rộng trong các miền thực tại của chúng: từ uẩn khúc trong một ca mổ tim sơ sinh thất bại ở Hà Nội đến các uẩn khúc mơ hồ hình như toát lên ở mấy chục ni cô nơi Trước biển chùa Cái Bầu, từ một dòng ký ức Cây cơm vàng trên phố nơi “Mối tình đầu mộng mơ tiêu đánh vèo mười năm” đến Bè nứa lướt chậm ở sông Đà, đến Cao lắm đường cánh cung Cao Bằng, …Sợi xuyên tâm của lối viết dựa trên tính liên đới cảm thông của tình người không phân biệt. Và đó là một biểu đạt tuyệt vời của cái vẫn được gọi là nữ tính trong văn chương chúng ta.
Câu hỏi lấy làm tên chung cho tập sách này là tên một bài tản văn thuộc loại dài nhất trong tập – Tiêu gì cho thời gian để sống? Nhưng chẳng nên gán cho nó mùi “triết lý”; cũng như với một số bài tản văn khác trong tập có vẻ có khuynh hướng này một cách tự nhiên, như Cái gạt nước ngày xưa, kể về hai nữ thẩm phán cô độc khi đứng tuổi, như Chim le le lẻ bạn, một tự truyện thấm thía, hay như Mùa bạc hà ngưu tất trổ hoa, kể chuyện một người đàn bà nhặt nhạnh bọn trẻ rơi ở Bãi giữa sông Hồng, mà Hoàng Việt Hằng tỏ ra tâm đắc với những đúc kết dân gian chị gọi là triết lý củi lửa.
Một trong những cái hay của sự triết lý là không-triết-lý. Nhiều bài tản văn của Hoàng Việt Hằng trong tập này đẩy tới các câu hỏi tự vấn, cho chị và cho những ai đọc chị, hẳn là thế. Xét trên phương diện này thì đó quả là những tự vấn khá nhẹ nhàng về phương thức, hay cũng có thể nói là dịu dàng. Khiến ta có thể nhớ đến một ngụ ngôn kinh điển, khi Giêsu nói với các môn đệ của ngài rằng “ách của ta thì êm ái mà gánh của ta thì nhẹ nhàng.” Và như dân gian ta bảo “lạt mềm buộc chặt.”
Phẩm chất báo chí khá rõ tạo nên nhịp điệu chính của đa số những bài tản văn này, nhưng cái tính nữ giản dị và sâu sắc đã khiến văn chương của Hoàng Việt Hằng ở đây tìm thấy, tìm ra được những diện mạo văn học của thực tại và trong kinh nghiệm sống. Chị làm cái việc mà nhà văn luôn làm: trung thành và chân thực với một cảm thức riêng có của mình, dẫu nó có đủ nhiều độc đáo hay không. Ở đây, điều ấy biểu hiện qua một cái nhìn chú tâm vào những giọt nước mắt nào thì đục và những giọt nước mắt nào khác, vì sao đó, vẫn còn trong.
Hàn Hoa
(http://nhavantphcm.com.vn/)