Tác phẩm này cũng vừa được trao giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đầu năm 2019.
Ngoài việc du nhập các học thuyết, trường phái nghiên cứu tinh hoa của thế giới thì gần đây, một đội ngũ phê bình trẻ nước ta đã xuất hiện, được đào tạo bài bản trong một môi trường giáo dục, nghiên cứu thuận lợi hơn.
Đặc biệt ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI đã chứng kiến sự xuất hiện liên tục các tác phẩm phê bình văn học, nhất là của các cây bút trẻ, mà đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các tác phẩm văn học đương đại trong nước và thế giới.
Khi hoạt động lý luận phê bình đổi mới, đội ngũ cầm bút kế thừa cũng phát triển phong phú và lớn mạnh. Họ chủ yếu vừa giảng dạy đại học, vừa nghiên cứu, mạnh dạn xuất bản các công trình. TS Mai Thị Liên Giang là một trong những gương mặt tiêu biểu như vậy.
Nhà phê bình kỳ cựu, PGS-TS Lý Hoài Thu ở lời tựa sách nhận định: “Trong thế giới đầy biến động, việc tìm đến một miền an trú thảnh thơi có phương pháp riêng sẽ góp phần tích cực trong việc kéo dài niềm an lạc cho cuộc sống con người. Đối với tác giả, đọc như là một kiểu trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật, một cách nối kết khoảng trống giữa người làm công tác phê bình lý luận và sáng tác văn học. Từ những đánh giá thành tựu và hạn chế của một số công trình lý luận một cách khoa học, nghiêm túc, khách quan; một số cảm nhận, ý kiến phê bình khá sắc sảo, thuyết phục từ các đặc điểm nhìn khác nhau, TS Mai Thị Liên Giang đã tiếp tục xác định được một khoảng lặng riêng biệt, thú vị ở sự đọc”.
Cuốn sách An trú miền đọc gồm 26 bài, trong đó có 9 bài phê bình về thơ, 5 bài phê bình văn xuôi, 12 bài phê bình lý luận, ý kiến văn học. Không đề cập nhiều đến tiểu sử tác giả, Mai Thị Liên Giang chủ yếu tiếp cận và bám sát văn bản tác phẩm để nghiên cứu luận giải trên cơ sở các phương pháp như mỹ học tiếp nhận, thi pháp học, ký hiệu học, văn hóa học, phê bình sinh thái, nữ quyền…
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh trong lời bạt tác phẩm của đồng nghiệp Mai Thị Liên Giang đã nhìn nhận: “Cách chị khảo sát và phân tích cấu trúc ngôn từ, hệ thống và ý nghĩa của các biểu tượng, âm thanh, không gian, thời gian, tính liên văn bản, trò chơi hội thoại, lạ hóa, ẩn dụ kép… trong thơ Trương Đăng Dung, Hồ Thế Hà, Hoàng Vũ Thuật, Phan Hoàng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Hoan… cho thấy một khả năng đọc kỹ lưỡng và diễn giải hết sức thấu đáo. Bản chất của thơ là sự quyến rũ, mê hoặc, hài hòa giữa cảm xúc và ngôn từ. Tìm ra điểm tương hợp của những mật từ, Mai Thị Liên Giang chỉ ra hấp lực riêng của mỗi nhà thơ”.
Ngoài việc giải mã mật từ của thơ, Mai Thị Liên Giang còn có những phát hiện thú vị về các tác phẩm văn xuôi qua những bài viết: “Tinh thần nhân vật mảnh vỡ trong tiểu thuyết Chân trời mùa hạ của Hữu Phương”, “Đối thoại tập thể trong sáng tác của Tô Hoài trước 1945”, “Tự do và trách nhiệm trong tiểu thuyết Thằng điên và quỷ sứ”, “Thánh ca và trạng thái yên ổn giả tạo trong tiểu thuyết Đứa trẻ mồ côi của Morizs Zsugmond”.
Một phần quan trọng của cuốn An trú miền đọc là các bài nghiên cứu về lý thuyết văn học, tác phẩm lý luận phê bình và sự kiện văn học, dựa trên cơ sở văn bản và người tiếp nhận từ thị trường sách. Đó là quan điểm về tiếp nhận văn học của Hans Robert Jauss với chủ thể tiếp nhận ở Việt Nam, quan niệm về sự đọc của Claudio Magris, cách vận dụng quan điểm của Jacque Derrida trong quá trình đọc văn bản, thi pháp học Roman Jakobson thể hiện qua phương pháp phê bình văn học của Hoàng Thụy Anh. Đó là nữ quyền luận trong phê bình của Trần Huyền Sâm, điểm nhìn mỹ học từ những nẻo đường văn chương của Phạm Ngọc Hiền, bút pháp phê bình của Lý Hoài Thu trong tác phẩm Văn nhân quân đội, phê bình sinh thái của Nguyễn Thị Tịnh Thy…
Ngoài việc nhận diện lại một số lý thuyết văn học nước ngoài đã được dịch, giới thiệu và vận dụng vào Việt Nam, tác giả còn chỉ ra những ưu khuyết từ những lý thuyết, tác phẩm phê bình hầu chia sẻ với giới sáng tác lẫn người tiếp nhận một cách khách quan.
Đặng Tường
(sggp.org.vn)