Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tung tăng kể “Chuyện trời ơi đất hỡi”…

17.04.2017

Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương tung tăng kể “Chuyện trời ơi đất hỡi”…

Nhạc sĩ sáng tác ca khúc là chuyện đương nhiên, nhưng viết sách rất có duyên - mà lại là thể loại du ký - mới lạ thường! Đó là trường hợp nhạc sĩ Phạm Đăng Khương với cuốn sách Chuyện trời ơi đất hỡi (NXB Hội Nhà văn) đang “làm mưa làm gió” trên mạng facebook.

Sách Chuyện trời ơi đất hỡi khởi đầu một cách ngẫu nhiên từ những đoạn ghi chép trên facebook trong những ngày Phạm Đăng Khương lang thang “cùng trời cuối đất” trên nước Mỹ xa xôi. Trong “du” có “ký”, trong ghi chép sự lạ xứ người có kể lại kinh nghiệm và thủ tục đi đứng…, tất cả được nhạc sĩ họ Phạm kể bằng một giọng văn hài hước, bông lơn nhưng súc tích, tràn ngập thông tin… Chàng nhạc sĩ nổi tiếng với nhạc phẩm Con đường đến trường tự nhận: “Chuyện trời ơi đất hỡi là những chuyện lặt vặt không đầu đuôi, đan xen giữa hiện tại là những ngày lang thang trên đất Mỹ và quá khứ là những kỷ niệm bé thơ cũng như một thời tuổi trẻ ở quê nhà…”.

Là bạn facebook nhiều năm qua, nhưng gần 40 năm trước đó, tôi với nhạc sĩ Phạm Đăng Khương đã từng là bạn học cùng trường Đại học Sư phạm TPHCM từ 1976. Trên đường đời nhiều truân chuyên của thế hệ mình, Khương đi dạy rồi tìm vui trong những giai điệu âm nhạc, tôi tìm vui trong thú văn chương. Cùng làm văn học nghệ thuật trong cùng một thành phố nhưng ít khi có dịp gặp nhau, facebook trở thành chiếc cầu đưa tin giữa chúng tôi. Biết tin Phạm Đăng Khương có chuyến đi Mỹ kéo dài nhiều tháng, không chỉ vậy, hàng ngày - ngồi ở Sài Gòn - tôi vẫn biết tận bên Mỹ, Khương đang đi đâu, thời tiết lạnh lẽo hay nóng nực, anh gặp những ai, ăn uống gì, vui vẻ hay buồn chán… Điều đáng nể là bạn tôi - chàng nhạc sĩ lang thang - không dừng lại một ngày nào trên đất Mỹ, dù là để dừng chân cho lại sức. Mấy tháng đó, tôi có cảm giác trên đất Mỹ rộng lớn đã xuất hiện một Phạm Đăng Khương hình mũi tên bắn dọc, xuyên ngang từ Nam lên Bắc, từ Đông sang Tây. Mà rất lạ, dù chỉ là cuộc ngao du nhưng chàng nhạc sĩ cũng tìm được “việc làm” từ nghề tay trái khá nhuần nhuyễn là quay và dàn dựng video clip, không biết thu nhập có đủ bù đắp phần nào chi tiêu, nhưng thấy anh có vẻ rất hào hứng!

Hàng ngày theo dõi bước chân Khương và đọc những mẩu tạp văn facebook anh viết khi đang trên máy bay, ngồi chờ bus, xe điện… - là một người viết văn, làm báo, tôi rất kinh ngạc trước sức viết bền bỉ của tay nhạc sĩ này. Thật đáng nể, vì rất khó để duy trì sự viết trong hoàn cảnh phải liên tục di chuyển, từ bối cảnh đến con người chung quanh luôn khác lạ… Chỉ quan sát và chụp hình thôi cũng đã không có đủ thời gian…

Chưa hết, trong khi Chuyện trời ơi đất hỡi đang dậy sóng vì sách được phát hành cả bản giấy in lẫn bản sách online trên mạng thì Phạm Đăng Khương lại cặm cụi chuẩn bị tổ chức một đêm nhạc nhằm giới thiệu sách. Đêm nhạc mang tên Như cơn gió vô tình giới thiệu 12 bài tình ca của Phạm Đăng Khương sẽ mở màn lúc 19 giờ ngày 13-5 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương cho hay, điều bất ngờ là toàn bộ chương trình được các bạn ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên ủng hộ hết mình, không nhận thù lao! Hỏi thăm, bạn tôi - nhạc sĩ Phạm Đăng Khương - lo lắng: “Còn cả tháng nữa mới đến ngày diễn mà vé mời lại sắp hết! Hổng biết làm sao đây!”.

Hồ Thi Ca
(sggp.org.vn)