Tiểu thuyết 'Người đàn bà vô gia cư' của Katarzyna Michalak (Lê Bá Thự dịch)

03.07.2017

Tiểu thuyết 'Người đàn bà vô gia cư'  của Katarzyna Michalak (Lê Bá Thự dịch)

Tác phẩm phơi bày một xã hội trần trụi với đầy những xấu xa tàn ác và bất trắc của loài người.

Sau đó cũng chính là đi sâu vào khai thác những nỗi đời giấu kín của những kẻ bị xem là tận cùng của xã hội, không còn được xã hội thừa nhận.

Bí ẩn giấu kín của con người

Cuộc gặp gỡ giữa Kinga, một người đàn bà vô gia cư, với ý định tự tử trong buồng chứa rác với nữ nhà báo Aska trong đêm Giáng sinh có thể xem là một tiếng gõ cửa, mở lối cho những bí ẩn đằng sau của mỗi số phận mà không phải bao giờ ta cũng có cơ hội được nhìn thấy.

Kinga chỉ vào khoảng ba mươi tuổi, đã từng là một người phụ nữ xinh đẹp, có nhà cửa, có công việc tử tế, có gia đình, nhưng trong suốt một năm, vì ảnh hưởng của những biến cố liên tục, cô bị đưa đến bệnh viện tâm thần điều trị trầm cảm trong vòng sáu tháng, và sau đó là chuỗi ngày lang thang không nhà với những cơn ám ảnh không nguôi về cái chết của người con gái hai tuần tuổi, cùng với sự dày vò tội lỗi của bản thân.

Trong khi đó, Aska thoạt nhìn có vẻ là một nữ nhà báo tự tin, thành đạt, giàu có, nhưng thực chất cô luôn mang bên mình nỗi ám ảnh về sự phản kháng và khinh thường. Mục đích sống của cô chỉ là viết những bài báo câu khách đăng trên trang nhất các tờ báo lá cải và kiếm được thật nhiều tiền.

Hai người phụ nữ đã đi từ những ngờ vực, động cơ ban đầu để dần cảm hóa lẫn nhau, và rơi vào câu chuyện của nhau.

Nhà văn Katarzyna Michalak rất khéo léo trong việc mô tả những diễn biến tâm lý sắc sảo của cả hai nhân vật nữ chính, đặc biệt là nhân vật người đàn bà vô gia cư Kinga. Chính Kinga, nỗi đau và sự ám ảnh, sự hối hận tột độ của Kinga đã cảm hóa Aska, thúc đẩy Aska viết nên một câu chuyện cảm động đẹp đẽ.

Cuốn sách ngồn ngộn một hơi thở đương đại đậm đặc, khi con người bị xoáy vào guồng quay của vật chất, sự cô đơn và lạc lõng cũng bị phơi bày. Câu chuyện mà Katarzyna Michalak kể là một trong hàng vạn câu chuyện của những người phụ nữ vô danh trên thế gian này. Câu chuyện về một người phụ nữ luôn muốn bảo vệ con mình, nhưng cả xã hội không ai chịu lắng nghe cô ấy, đến mức khiến cô phát điên và dẫn đến một kết cục bi thảm.

Cuốn sách đã phô bày một hiện thực đầy bi thảm của số phận con người. Một người đàn bà bẩn thỉu mà có lẽ bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp, nhưng có lẽ không phải ai cũng có thể lưu lại một chút, để lắng nghe câu chuyện của họ. Ở điểm này, Katarzyna Michalak đã thực sực thể hiện được con mắt quan sát tinh tường, sâu sắc và đầy trìu mến của mình.

Cũng bắt nguồn từ sự đồng cảm, nhưng cũng đầy nghiệt ngã giữa hai người phụ nữ này mà độc giả được từng bước vén lên tấm màn bao phủ và rọi vào tận cùng nơi tăm tối nhất của tâm trí mỗi con người.

 

Một bầy kền kền vây quanh xác chết

Trong cuốn sách của mình, Katarzyna Michalak đã hơn một lần để cho nhân vật Kinga của mình tưởng tượng ra bản thân cô là một xác chết bị bầy kền kền vây quanh. Và cho đến cuối cùng, trong sự lật lọng xảo trá đáng sợ của gã tổng biên tập tòa báo nơi Aska làm việc, thực sự Kinga đã biến thành một xác chết, khi cô bị tất thảy mọi người bu vào,  nỗi lực đặt ra những câu hỏi truy vấn đầy ác ý xoay quanh cái chết của đứa con gái cô.

Ngòi bút sắc nhọn của tác giả Katarzyna Michalak đã tỏ ra rất thành công trong việc khắc họa tính cách đương đại của đám đông, trong quay cuồng và dày vò.  Hình ảnh bầy kền kền là một hình ảnh sống động, có sức gợi lớn, được Katarzyna Michalak “dàn dựng” đầy ám ảnh và ngột ngạt, khiến cho câu chuyện có những bước ngoặt bất ngờ, càng nhấn mạnh thêm tính bất an, vô định và bi kịch của nhân vật Kinga, cũng như bất kì một cá nhân nào trong xã hội.

Một cuốn sách được dẫn dắt bởi một cốt truyện xuất sắc, mang tính thời sự, thời đại rất cao. Nhưng nếu như ở đoạn đầu, khi Katarzyna Michalak khiến khán giả hồi hộp, tò mò và thổn thức về những ẩn ức của nhân vật Kinga, với những tình tiết tinh tế, những trần thuật nội tâm phức tạp, đẹp đẽ, thì ở đoạn sau, Katarzyna Michalak lại khiến câu chuyện trở nên đứt gãy, bởi sự ngột ngạt của thời sự, của sự kiện, có phần khiên cưỡng và áp đặt, làm mất đi tính tự nhiên của câu chuyện, khiến nó độc giả như bị trượt ra khỏi bầu không khí văn chương tâm lý thấm đẫm ban đầu.

Cách kể chuyện của Katarzyna Michalak, có lẽ khiến nhiều độc giả khó tính khó bị thuyết phục và hấp dẫn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, Katarzyna Michalak đã hoàn toàn thành công khi xây dựng một câu chuyện mang đậm chất phản kháng xã hội, với sự nghiệt ngã và đau thương của loài người, mà ở đây là phụ  nữ. Đồng thời cuốn sách còn cho ta thấy những mặt trái của xã hội hiện đại, với những đám đông điên loạn, thiếu đi lòng lắng nghe, thấu cảm.

Tiểu thuyết Người đàn bà vô gia cư là cuốn tiểu thuyết thứ hai của tác giả Katarzyna Michalak được dịch ở Việt Nam, sau Hy vọng, do dịch giả Lê Bá Thự chuyển ngữ. Cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải cuộc thi “Cuốn sách hay nhất mùa hè 2013” ở Ba Lan, thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội.

 

(news.zing.vn)