Theo gió trăng ngàn - Chuyện người nghệ sĩ của Châu La Việt
Năm 2015, Châu La Việt trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một sự ghi nhận, một sự đánh giá xứng đáng cho những bài thơ, vở kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, ghi chép... mà anh đã viết từ thuở là một chiến sĩ trong các đội Tuyên văn ở chiến trường.
Tuy nhiên, là một đồng môn của Châu La Việt, người từng đọc (và xem diễn) gần như không sót một dòng một câu nào của anh suốt mấy chục năm qua, tôi hiểu dù thơ - truyện - kịch của anh đã là một “tiếng kèn xung trận” cho nhiều lớp thanh niên tự nguyện và mê say lý tưởng, đối với riêng tôi thì những thiên đoản văn in đậm dấu ấn “Châu La Việt” lại gây chấn động xúc cảm hơn cả, và tôi tin rằng đấy sẽ là thứ có thể lưu giữ được lâu dài trong lòng người đọc...
Cùng Châu La Việt Theo gió trăng ngàn qua nhiều chặng đường, đặc biệt là với những người nghệ sĩ bước vào cuộc chiến tranh giải phóng, người đọc dễ dàng nhận ra chất thơ của cuộc sống mà anh phát hiện được bằng một trái tim nhạy cảm, cũng tìm thấy nhiều tính kịch căng thẳng cùng bao chi tiết nghệ thuật quý mà chỉ người có phẩm chất kịch sĩ và tiểu thuyết gia thực sự mới thâu nhận, đúc kết nổi.
Ở Theo gió trăng ngàn, người đọc có thể tìm thấy âm hưởng xa hoặc gần từ những thiên hồi ký của Ilya Êrenbua (Con người, năm tháng và cuộc đời), những bài tiểu luận và bút ký chân dung của Stephan Zweig (Những giờ rực sáng của nhân loại), những trang tùy bút của Raxun Gamzatốp (Đaghextan của tôi)...
Nhiều thiên tùy bút-chân dung của trong tập sách như: Chiếc khăn màu lửa, Hoàng hôn cháy, Hoa xoan tháng ba, Con ngựa hoang - Cánh đại bàng của núi, Người mà cậu nợ… có dung lượng của những thiên tiểu thuyết được cô đặc lại một cách tối đa, ở đó các số phận và tâm trạng đặt trong một cấu trúc kịch tính nhà nghề. Song, không hề có hư cấu ở đây. Tình yêu vô hạn đối với các nghệ sĩ Việt Nam - trong đó có những người thân yêu nhất của Châu La Việt đã giúp anh bắt chộp được những khoảnh khắc bất thần kỳ lạ của đời sống để tạo ra những thiên đoản văn mang dáng dấp cổ điển,có thể mạnh dạn nói là hay nhất trong văn học ta viết về người nghệ sĩ Cách mạng!
Tôi cũng thầm mong, một lúc nào đó anh sẽ cho chuyển thể một trong những đoản văn đó của anh - ví như Chiếc khăn màu lửa, hay Hoàng hôn cháy chẳng hạn, thành kịch bản phim truyện; nền điện ảnh chúng ta còn hiếm những bộ phim mang tính nhân văn Việt Nam trong cảm xúc hình tượng độc đáo như thế!
Đọc Theo gió trăng ngàn, có nhiều đoạn tôi phải rưng rưng trước tình nghĩa cao đẹp của con người Việt Nam ta trong những năm tháng gian truân, khổ ải, và thấm thía đau xót khi giờ đây chúng đang bị đánh mất dần đi một cách oan uổng! Phải chăng, đó cũng là một động lực để Châu La Việt dày công thu thập lại, viết hoàn chỉnh những mẩu chuyện long lanh như “kim cương” (chữ dùng trong sách) của một thời?
Những mẩu chuyện đó, những “ký họa” chân dung đó không chỉ có suy tưởng trang nghiêm, sự xúc động sâu sắc, mà còn có cả nụ cười hóm hỉnh, óc hài hước, sự quan sát tinh tường của tác giả. Tôi tin người đọc sẽ biết ơn anh bởi anh đã lôi cuốn họ một cách không thể cưỡng nổi vào cảm xúc nồng nàn của tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, đặc biệt là mỗi khi anh viết về người mẹ là nghệ sĩ nổi tiếng Tân Nhân...
Không phải ngẫu nhiên mà Châu La Việt đưa lên đầu sách câu chuyện Theo gió trăng ngàn, và lấy nó làm tiêu đề cả sách, kể về đạo diễn, GS TS Đình Quang - người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ Sân khấu - Điện ảnh (trong đó có tác giả sách và người viết những dòng này. Xin kính cẩn tưởng nhớ tới thầy). Tác giả hóa thân thành anh thanh niên Đình Quang thời trong trẻo “theo gió trăng ngàn”, biết yêu và tuyệt vọng bởi tình yêu. Song từ sự “Vỡ mộng” cá nhân đó, khi biết gắn bó với Tình yêu Dân tộc, ông đã trở thành một nghệ sĩ lớn, một người thầy lớn.
Tôi xin kết bài viết bằng câu chuyện Châu La Việt kể về nhạc sĩ Vũ Huy Tiến, người ôm mộng viết nhạc kịch từ năm 17 tuổi giữa chiến trường áo xạm khói súng, sau trở thành tác giả vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, rồi từ đáy lòng kính phục sâu xa, tác giả đã nói hộ tâm tư của nhiều người: “Đáng trân trọng thay, một Tình yêu, một Khát vọng bền bỉ từ những tháng năm lửa đạn...”. Tôi trộm nghĩ: đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập sách đáng yêu này.
Đạo diễn, Nhà văn Mai An - Nguyễn Anh Tuấn
(sggp.org.vn)