Đâu là bến bờ hạnh phúc
Triết lí đạo Phật dạy con người “kẻ thù nguy hiểm nhất chính là bản thân”. Nó là chân lí, là thực tiễn, là kinh nghiệm sống đồng thời cũng là thế giới quan và nhân sinh quan của mỗi người. Có điều kiện tiếp xúc với Nguyễn Văn Học hơn mười năm nay (từ khi anh còn là sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), tôi đã đọc sáng tác văn xuôi của anh khá đều và chờ đợi một ngày viết về cây bút trẻ có nội lực văn chương này. Tính đến năm 2013, nói riêng tiểu thuyết, Nguyễn Văn Học đã sở hữu bảy cuốn: Những cô gái bất hạnh, Gái điếm, Rơi xuống vực sâu, Hỗn danh, Cao chạy xa bay, Bão người và Khi vết thương nằm xuống (riêng cuốn thứ bảy, anh phải chờ đến năm năm mới có dịp ra mắt độc giả). Khi đang là sinh viên Khoa Viết văn - Báo chí, Nguyễn Văn Học đã có tác phẩm trình làng - tiểu thuyết Những cô gái bất hạnh (Nxb Lao động, 2006). Dạo đó bạn bè viết văn cùng trang lứa và một số độc giả thân thiết thường gọi anh là “nhà văn bình dân”. Đôi lúc tôi tự hỏi (chứ chưa hề một lần đặt câu hỏi cho tác giả) rằng “Không hiểu anh có đọc và ảnh hưởng Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Kim Lân, Nam Cao, những nhà văn luôn hướng tới thân phận những con người nhỏ bé, dưới đáy bất hạnh?”. Theo chỗ tôi biết thì Nguyễn Văn Học sớm tự lập, vào đời, trải nghiệm sớm, chất sống khá dồi dào (vì thế mới dám “liều lĩnh” cầm bút viết tiểu thuyết khi đã trường vốn sống). Tác giả không bộc bạch nhưng tôi biết cái phương châm hành động của anh là “sống đã rồi hãy viết”. Đó là nẻo lối của Nguyễn Văn Học đi vào văn chương. Tôi cũng có quen biết nhiều nhà văn đương đại và có ý thức quan sát đường đời cũng như đường văn của họ nên thấy: có những người phát sáng từ đầu (nhưng rồi vì một lí do nào đó mà tự nhiên “lịm” đi); có người cứ lặng lẽ viết, đến một độ nào đó tự nhiên độc giả và giới phê bình chú ý. Nguyễn Văn Học thuộc kiểu người viết thứ hai. Khi vết thương nằm xuống là cuốn tiểu thuyết thứ bảy, theo tôi, ghi nhận một bước chuyển âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt của tác giả trong sự tiếp cận, suy ngẫm, tái tạo đời sống hiện đại vốn có thuộc tính ngày càng trở nên phức tạp hơn, đầy rẫy những bất ngờ và bí ẩn.
Khi vết thương nằm xuống là một cuốn tiểu thuyết “bắt mắt”, vì nó ngắn (258 trang), chỉ có hai nhân vật chính: chàng trai trẻ tên Kiêu và bà Hát (mẹ nuôi của Kiêu). Dĩ nhiên còn một số nhân vật khác, nhưng họ chỉ là “vệ tinh” bay quanh quỹ đạo của mối quan hệ phức tạp, tế nhị giữa bà Hát và con nuôi Kiêu. Nói dễ đọc vì tiểu thuyết có một cốt truyện khá hấp dẫn. Bố Kiêu là một sĩ quan Công an, hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ; mẹ bỏ đi mất tích, từ nhỏ ở với bà ngoại (rồi bà già yếu cũng qua đời). Kiêu lớn lên như một thân cây không được chăm bón, tưới tắm, trở thành kẻ “không chốn nương thân”. Những cạm bẫy đời đã giăng mắc người trai trẻ này. Một tai nạn suýt giết chết Kiêu ở tuổi mười chín. Nhưng đúng lúc đó bà Hát xuất hiện, như một bà tiên trong truyện cổ tích mà trẻ em thích thú, ra tay cứu vớt Kiêu. Vì lòng trắc ẩn, vì bà cũng là người đơn thân, cô độc, vì rất nhiều lí do khác nữa nhưng còn ở trong mơ hồ. Kiêu về ở với bà Hát, nhận bà làm mẹ nuôi, và luôn tỏ ra là đứa con hiếu nghĩa. Nhưng con người ta là một khối đa nhân cách, là một tổ hợp phức tạp giữa bản năng gốc và ý thức, giữa tình cảm và lí trí, giữa sáng suốt và u tối. Với thời gian, Kiêu càng ngày càng trở nên tiến bộ trong nhận thức, tình cảm với con người và cuộc sống xung quanh. Tưởng như cuộc đấu tranh sinh tồn của Kiêu đã được tháo gỡ, cứ thế mà sống khỏe, sống có ích. Nhưng cái bản năng gốc trong con người bà Hát lên tiếng, vì suy cho cùng vào cái tuổi hồi xuân hơn bốn mươi, thì đó cũng là chuyện thường tình. Bà đã từng có con với một người đàn ông tên Ngõa, nhưng rồi cả đứa con và người đàn ông ấy đều “biến mất” khỏi ngôi nhà của bà. Người đàn ông bạc tình bỏ rơi bà Hát đằng đẵng bao năm trời. Khi cái phần “con” trong con người bà Hát lên tiếng, oái oăm thay, bà lại chỉ muốn được chung đụng (mà bà nghĩ là dâng hiến) với đứa con nuôi bây giờ là một trang nam nhi tuấn tú và nhiều lực hút. Trong ngôi nhà chỉ có hai người, bà Hát chủ động “tấn công” Kiêu. Nguyễn Văn Học đã có những trang viết làm người đọc nghẹt thở về tình huống kịch tính này. Trước lúc sự việc ngã ngũ, khi đọc, tôi thậm chí phải hai tay tự mình chơi trò “oẳn tù tì”, theo cách chơi trò của trẻ con, để xem nó “ra cái gì”. Rốt cuộc, độc giả thở phào nhẹ nhõm. Kiêu đã chiến thắng chính mình, tuy nhiên phải nói là sự chiến thắng ngoạn mục này không hề dễ dàng gì. Vì sao Kiêu chiến thắng được bản thân trước những cám dỗ rất người? Không phải là bậc Thánh, không phải là một gã thanh niên kém cỏi, không phải là nỗi sợ hãi vì bị ép buộc làm một chuyện vô luân. Tôi nghĩ là vì lương tri lên tiếng, tôi nghĩ vì đạo đức là tất yếu. Đọc đến đây tôi thực sự cảm mến Nguyễn Văn Học, và hình dung ra khi viết về tình huống này, tác giả cũng như một diễn viên xiếc trên dây - mạo hiểm và nguy hiểm, nhưng vô cùng gây cấn và hồi hộp. Thất vọng và đau đớn vì bị ức chế, vì các áp lực của đời sống, bà Hát đã phải vào viện điều trị bệnh thần kinh. Kiêu đã một lòng một dạ thương yêu mẹ nuôi, chăm sóc chu đáo tận tình. Lúc này anh chàng Kiêu rõ là một con người nghĩa cử cao cả. Cuối cùng thì bà Hát cũng khỏi bệnh, mọi chuyện lại trở về bình yên. Mỗi người có một số phận của riêng mình. Kết truyện tuy không mấy vui vẻ khi bà Hát bị tai nạn trong một chuyến vào Nam tìm con. Nhưng nhìn vào xu thế đời sống thì độc giả lại thấy tin tưởng khi lớp trẻ sớm có ý thức “Đâu là bến bờ hạnh phúc, là điểm tựa và chân lí của cuộc sống”. Phải chăng hạnh phúc có thể đến khi ta vượt qua chính mình trong những sai lầm có thể mắc phải, là khi ta thanh thản sống với các giá trị của Đạo Đức và Cái Đẹp?
Chất sống đã là cái đế vững chãi của người viết văn, sự trải nghiệm giúp anh thẩm sâu vào được chiều sâu tâm lí con người, những bài học bổ ích ở nhà trường đào tạo viết văn, tôi nghĩ, tổng hợp các yếu tố đó đã giúp ngòi bút Nguyễn Văn Học có cái tự tin khi viết. Nguyễn Văn Học có sở trường một lối văn “kể” nhiều hơn “tả”, chú mục đi sâu vào “nội thương” hơn là tái tạo “ngoại cảnh” (hiểu là nghiêng về dẫn dắt độc giả khám phá những “vết thương lòng” của nhân vật). Đọc Khi vết thương nằm xuống, đặc biệt tôi và nhiều độc giả khác có chung niềm tin vào một cây bút viết có tình. Dường như tác giả trẻ này sớm trải đời với cùng những người lao khổ trong xã hội, nên sớm có cái năng lực đồng cảm, đồng điệu với đồng loại. Tôi nghĩ, đó là một phẩm tính quan trọng hàng đầu của người sáng tác. Có thể nói, Nguyễn Văn Học viết văn bằng cái dồn ứ của chuyện đời, bằng sự hối thúc nội tâm, bằng nhu cầu giải phóng năng lượng sáng tạo hơn là chú ý đến mẹo viết văn. Bằng chứng là kĩ thuật tiểu thuyết của Nguyễn văn Học chưa phải thuần thục, cao tay (khi đọc hết chương 1- sau khi bà Hát cứu Kiêu, đưa về nhà mình ở - tôi đã linh cảm về câu chuyện tiểu thuyết sẽ đi theo hướng “nhân vật nổi loạn”; không ai khác, chính là bà Hát!?). Nhưng theo tôi, trên tinh thần “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, và chắc nhiều độc giả khác cùng nghĩ thế, chúng ta hãy mở lòng đón nhận những sáng tác mới hướng tới các giá trị Chân -Thiện - Mĩ của con người và đời sống.
Bùi Việt Thắng
(vanhien.vn)