Trong ngôi nhà của mẹ - Trịnh Văn Sỹ và Nguyễn Quang Thiều
Người kể chuyện - ông Trịnh Văn Sỹ, và người viết lại những câu chuyện - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hai người ở trong một nhóm bạn thân thiết, gọi là nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Nhóm có nghệ sĩ sân khấu, họa sĩ, nhà thơ và doanh nhân yêu nghệ thuật, trân trọng văn hóa, tôn kính truyền thống…
Cuốn sách cuốn hút bởi chính sự giản dị của ngôn từ và những chi tiết sinh động hiện lên qua những câu văn đều đặn, hầu như chỉ thiên về kể chuyện và miêu tả. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể một câu chuyện nhà bình thường của một người bạn thân, một người bình thường như bất kỳ người bình thường nào đó ta gặp.
Điều thú vị cũng chính là ở đây, khi câu chuyện đời ông Trịnh Văn Sỹ người làng Đa Sỹ - Hà Đông - Hà Nội, một bạn thân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông được hé mở. Nhưng điều ông muốn kể không phải về mình. Ông Sỹ kể về mẹ, về chị, về những bà cô, ông chú, những người anh chị em họ… Những bước đi của cuộc đời ông từ tuổi ấu thơ sớm mồ côi trong ngôi làng cổ, đến khi trưởng thành, và nay đã trở thành ông nội, quanh những nẻo đường đó của một con người, hiện lên bao nhiêu gương mặt.
Với “Trong ngôi nhà của mẹ” mà NXB Trẻ vừa ấn hành và sẽ ra mắt vào sáng ngày 9.10 tới tại Hà Nội, chúng ta biết tới một người phụ nữ người làng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) từng đi làm vợ lẽ nhưng không có được con với người chồng trong một gia đình địa chủ nhiều thế hệ cùng sinh sống.
Bà bỏ trốn đi xa, mang theo nỗi day dứt không đem lại phúc cho nhà chồng và nỗi ám ảnh một ngày nào đó sẽ bị nhận ra, bị bắt về. Số phận đẩy đưa bà làm lẽ lần thứ hai trong một gia đình ở làng Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội). Tưởng chừng đã có một chốn cư ngụ để yên hàn, nhưng những lo lắng càng thêm đeo bám. Cuộc đời bà triền miên nhọc nhằn và sợ hãi trong cuộc mưu sinh vất vả, trong những mất mát lần lượt của người gia đình nhà chồng, trong linh cảm xót xa về ngày cuối cùng của đời mình đang đến gần trong khi hai đứa con còn nhỏ dại.
Qua 30 phần, có thể coi là các chương, hay đoạn của sách, người đọc có thể ngạc nhiên về rất nhiều con người, sự việc, hình ảnh, thậm chí cụ thể đến những lời nói, tình tiết như vẫn còn nguyên trong hồi tưởng của những người con trong gia đình. Khi những “bản thảo đặc biệt” ấy của họ, được chia sẻ với nhà thơ, thể hiện lại bằng ngòi bút, cách sắp xếp, kết nối, thì có nhiều câu chuyện, chi tiết hiện lên thật sống động.
Với câu chuyện “Trong ngôi nhà của mẹ”, bằng sự thấu hiểu, gần gũi và trân quý người bạn thân đã nhiều năm của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dường như chỉ thực hiện một công việc đơn giản là ghi lại những gì bạn kể. Chính những gì được ghi lại ấy đã rất đỗi rành mạch, sống động và giàu cảm xúc.
Nhà thơ không can thiệp nhiều, ông như người chuẩn bị cho dịp lễ, Tết của nhà mình, lau lớp bụi mỏng để chiếc thau đồng, bộ ghế ngựa, những hoa văn trên vách gỗ, những đồ thờ trong ngôi nhà cũ ở thôn quê… sáng lên trong niềm thành kính.
Cùng với tình cảm của nhà thơ, đã viết với cảm hứng được kể về chính gia đình, cha, mẹ, ông, bà, họ hàng, quê hương mình, thì cuốn sách thể hiện rất chân thực dấu ấn độc đáo của người kể chuyện với trí nhớ lạ lùng và ý thức ghi nhớ của ông.
Lý do thiêng liêng cho điều đó, là tình cảm lớn lao, sự hiếu nghĩa mà họ luôn hướng về mẹ, về những người thân yêu, là ý thức nguồn cội lúc nào họ cũng mang trong mình. Nhờ thế, mà thực tại của họ suốt mấy chục năm qua từ khi người mẹ tần tảo ra đi, vẫn thường xuyên rung lên những mối dây cảm xúc cùng những kỷ niệm trong quá khứ, dù tháng ngày ấy thật nhiều thiếu thốn, đói khát, sợ hãi. Đó là những ngày người mẹ của họ trong những ngày đau ốm và lo sợ cùng cực, đã phải nhờ một ông xích lô chở ra bệnh viện ngoài Hà Nội, nằm trên vỉa hè để được đưa vào viện khám, điều trị, bởi nếu đi vào thì sẽ không được khám vì vượt tuyến. Đó là người mẹ ấy, để nuôi hai con nhỏ, phải tráng bánh cuốn trộm ở trong bếp, thậm chí đắp lò tráng trong buồng ngủ để không bị phát hiện. Sau một lần bị phát hiện, bị đạp đổ nồi nước tráng bánh và tịch thu cối xay, bột bánh, người mẹ càng thêm suy nhược vì lo lắng đề phòng suốt nhiều năm khi vẫn phải làm vụng trộm để nuôi con mình. Đó là sự ân cần, hào hiệp rất mộc mạc nhưng quý báu giữa những người hàng xóm, người cùng làng trong hoàn cảnh chung đói nghèo mà nay đã ít nhiều suy giảm…
Chuyện đời một người phụ nữ, một người mẹ khổ đau nhiều hơn sướng vui cứ thế mở ra nhiều câu chuyện khác ở làng quê Đa Sỹ còn lưu giữ nhiều nếp sinh hoạt cổ truyền, những tập quán được bảo lưu hàng trăm năm, hàng loạt điều kiêng kỵ và những câu chuyện kỳ dị được truyền miệng qua nhiều thế hệ người làng.
Năm tháng đó, nhìn lại, vẫn cách ngày hôm nay chưa thật xa, ở những năm 50, 60… của thế kỷ trước. Và mọi thứ diễn tiến trong cuộc đan cài cũ, mới trên nền tảng văn hóa lâu đời của một làng quê Việt, như bao làng quê khác với những không gian, lối sống, cách đi đứng, lời ăn tiếng nói… truyền đời, với cả những nguyên tắc cứng nhắc khiến cho người ta trở nên vô cảm và cư xử thô bạo... Cho đến nay, qua những gì mà người kể Trịnh Văn Sỹ và người viết Nguyễn Quang Thiều đã cùng nhau bộc bạch, chúng ta thấy đã có quá nhiều thay đổi, quá nhiều cái mất đi, rất nhiều điều mà lúc này đáng phải giữ lại. Và cuốn sách trở nên một ghi chép văn hóa, qua một gia đình để thấy nhiều hoàn cảnh khác, qua một hai không gian làng, để ngẫm tới nhiều không gian, vùng đất lớn hơn.
Có lẽ nhiều người vẫn lầm tưởng rằng cuộc đời họ hay gia đình họ tẻ nhạt, đơn điệu hơn, không sống động như khi nó được nhìn bằng con mắt của người khác. Nhưng không hề tiểu thuyết hóa, thi vị hóa, sẽ rất thú vị và thật sự ý nghĩa khi mỗi ai đó có thể, có dịp ghi lại, lưu lại chuyện đời mình. Thực tế, cũng đã không ít những trường hợp mạnh dạn, thậm chí dũng cảm đặt bút hay nhờ sự trợ giúp của các nhà văn, nhà báo, kể lại chuyện đời mình. Ngoài những cuốn hồi ký của các văn nghệ sĩ, các chính khách, các vị tướng lĩnh và nhiều nhân vật danh tiếng, có ảnh hưởng với xã hội, bạn đọc từng biết đến những cuốn sách của một số người bình thường, giản dị trong xã hội. Một số nhà văn, biên tập viên đã khởi xướng và rất khích lệ họ viết về cuộc đời nhiều sóng gió mà họ đã nếm trải. Có thể chưa hẳn đã trở thành tác phẩm văn chương có sự kỳ công của nghệ thuật và nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ. Nhưng những trang sách mộc mạc đó được viết bằng sự chân thành và nhiều câu chuyện chân thực cảm động. Thậm chí, có thể với số đông công chúng, nếu những cuốn sách với điểm dừng nhất định về văn tài chưa thể đủ sức thuyết phục họ, thì bản thân người viết, với câu chuyện tự bạch của mình, đã một lần vượt qua những trở ngại, nỗi mặc cảm, sợ hãi để vươn mình lên, mạnh mẽ hơn. Những chuyện kể vốn đã giàu chi tiết, tình cảm của ông Trịnh Văn Sỹ, may mắn đã thấm vào sự đồng cảm của người bạn Nguyễn Quang Thiều.
Và khi ấy, dường như có gì đó sáng lên, khi ta đọc “Trong ngôi nhà của mẹ”, hay một cuốn tự truyện của ai đó, hoặc gặp họ, ngồi xuống và bắt đầu nghe những lời họ kể. Một câu chuyện không đầu, không cuối, một kỷ niệm mơ hồ, một chuỗi thông tin có thể mạch lạc, có thể lộn xộn… Một lúc nào ta từng cho rằng, về chuyện riêng của ai đó, với ta dường như chỉ là thoáng qua. Nhưng nếu kiên nhẫn một chút, chúng ta có thể nhận ra từ đó một thân phận, những ước mơ thánh thiện, bao hạnh phúc, khổ đau. Chúng làm ta thêm suy ngẫm về cuộc đời dài lâu với biết bao điều, cả những bất trắc, cả niềm tin, lòng thiện, nỗi thống khổ và cả những kỳ diệu… Được nghe, chú ý lắng nghe hơn, và đón nhận như thế, trong tấm lòng người nghe sẽ mở rộng thêm những cánh cửa của lòng từ ái. Khi đó, chính họ đang được thanh lọc, và đời sống đẹp hơn lên bởi những ý nghĩ nhân văn.
Người kể chuyện - ông Trịnh Văn Sỹ, và người viết lại những câu chuyện - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hai người ở trong một nhóm bạn thân thiết, gọi là nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Nhóm có nghệ sĩ sân khấu, họa sĩ, nhà thơ và doanh nhân yêu nghệ thuật, trân trọng văn hóa, tôn kính truyền thống. Những câu chuyện thường trực của họ trong nhiều buổi tối giữa một Hà Đông giao thoa cũ mới đang bước dần vào vắng vẻ, cũng rất giản dị khi kể về những người cha, người mẹ, người thân trong gia đình. Họ nói với nhau về những gương mặt, sự việc nào đó ở thôn làng quê hương mỗi người. Họ cho nhau xem những kỷ vật còn giữ được. Họ cùng nhau về thăm quê mỗi người hay đi đến những ngôi làng khác như những cuộc hành hương thiêng liêng. Từ những điều rất cụ thể, gần gũi và bình thường ấy, họ gọi lên trong nhau bao nhiêu suy tư về số phận và vẻ đẹp con người qua những thời cuộc, những biến cố. Để mỗi câu chuyện, mỗi năm tháng dưới mái nhà của một người mẹ nào đó, sẽ rung lên, vang vọng, trở thành tài sản tinh thần chung, có thể không chỉ của họ.
Nguyễn Quang Hưng
(nhavantphcm.com.vn)