Cùng phong trần với đồng nghiệp

23.08.2017

Cùng phong trần với đồng nghiệp

Nhà thơ Vũ Từ Trang là người con của đất Kinh Bắc. Anh lấy tên nơi chôn nhau cắt rốn Trang Liệt – Từ Sơn làm bút danh, thay cho tên khai sinh Vũ Công Định. Chính vì lớn lên ở làng nghề truyền thống, mà Vũ Từ Trang rất thành đạt trong lĩnh vực chế biến gỗ. Không chỉ làm kinh tế cho mình, Vũ Từ Trang còn nghiên cứu và viết được cuốn “Nghề cổ đất Việt” dày hơn 600 trang. Bây giờ, nói về những nghề truyền thống đồng bằng Bắc bộ, thì Vũ Từ Trang đáng xếp vào hạng chuyên gia.

Thế nhưng, giấc mơ văn chương vẫn chưa bao giờ rời xa Vũ Từ Trang. Trái tim nhà thơ của anh vẫn cứ thổn thức: “Ở đấy cỏ cây ta thương lắm. Lối mòn mây ướt mướt chân em. Hãy nghe giun dế đầy tâm sự. Tấu lên một khúc lúc độc hành”. Không chỉ viết cho bản thân, Vũ Từ Trang còn viết cho đồng nghiệp. Nhiều năm qua, Vũ Từ Trang ra mắt liên tục hai tập chân dung “Phía sau con chữ” và “Nhà văn độc bộ độc hành” để chia sẻ với bạn đọc hành trình cầm bút và hành trình làm người nhọc nhằn của những nhà thơ, nhà văn như Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Nguyễn Bản, Nguyễn Xuân Thân, Thanh Tùng, Hoài Anh, Tạ Vũ, Nghiêm Đa Văn… Nhà thơ Vũ Từ Trang cho rằng công việc ấy cũng là sự tiếp nối một dòng chảy: “Thể loại chân dung văn học, gần đây, được người viết và người đọc thêm nhiều quan tâm. Bởi lẽ, qua  chân dung văn học, người đọc thêm hiểu về con người tác giả, hiểu thêm xã hội văn học nghệ thuật một thời. Người viết, gửi gắm được nhiều nỗi niềm với những  người thân quen, với thời cuộc mình đã từng sống. Trên thế giới, nhiều nhà văn rất thành công trong thể loại này. Nhiều nhà văn nổi tiếng, đã viết những trang chân dung văn học  đặc sắc. Ấy là Pau-tốp-xki, E-ren-bua, Nê-zơ-van viết rất hay về những người bạn văn cùng thời. Ngay Gooc-ki, nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học Nga Xô viết, cũng dành nhiều trang sách viết về  bậc tiền bối của ông- đại văn hào Lép-tôn-xtôi, rất xúc động. Nhà văn Áo Xtê-phan Xvai-gơ với những thiên truyện ngắn xuất sắc, thì những chân dung ông viết về bạn bè, thật kỳ ảo. Ở Việt Nam, nhiều nhà văn cũng dành tâm lực đáng kể để thể hiện khuôn mặt và không khí văn chương một thời, như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân… Gần đây, những trang sách viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Vương Trí Nhàn… cũng gây ấn tượng mạnh với người đọc!”.

Chân dung văn học, tưởng dễ viết mà lại rất khó hay. Bởi lẽ, làm sao phải cho độc giả thấy được tính cách và tác phẩm của mỗi nhân vật, chứ không phải những lời khen ngợi chung chung. Nhà thơ Vũ Từ Trang có ưu điểm của một người chân thành và chu đáo với bạn bè. Anh luôn mở lòng trân trọng đồng nghiệp, nên anh có được nhiều chi tiết đắt giá.

Ở tuổi 70, nhà thơ Vũ Từ Trang vẫn khá cường tráng, nhanh nhẹn và thường xuyên luyện tập thể thao. Tuy nhiên, không ai ngờ, nhà thơ đang tràn đầy sinh lực lại đột ngột mắc bệnh hiểm nghèo. Liên tục nhập viện để hoá trị và xạ trị, nhà thơ Vũ Từ Trang vẫn lạc quan viết những câu thơ: “Mình có là gì đâu, một tia nắng mong manh. Một lá cỏ rung rưng đằm sương trong suốt. Một ngọn khói chiều bảng lãng vị rạ rơm…” và tập hợp bản thảo để in tập chân dung văn học thứ ba “Vì ai ta mãi phong trần”. Nhà thơ Vũ Từ Trang tâm sự: “Hầu hết những người tôi viết về họ, là những người chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự khuất lấp, có thể vì số phận, hoặc vì thời cuộc. Nếu có viết về những người nổi tiếng, thì tôi cũng muốn dành những con chữ khắc họa lại một thuở lận đận, liêu xiêu của họ. Có  bạn  hỏi, sao không viết về những người đang nổi tiếng, hoặc viết về những người giữ vị trí trọng trách trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, mà tôi có quen biết? Nếu viết như thế, bài viết dễ được đề cao, nổi tiếng theo?! Tôi không  trả lời, mà chỉ thầm nghĩ, với những người như thế, tôi cũng rất quý trọng. Nhưng thêm lời tụng ca về họ, liệu có cần thiết với tôi không? Vì thế, xuyên suốt ba tập chân dung văn học của tôi, hầu hết là chân dung những người lận đận, khuất lấp mà thôi”.

“Vì ai ta mãi phong trần” vẫn cùng mạch đập thân ái với “Phía sau con chữ” và “Nhà văn độc bộ, độc hành”. Thế nhưng, đọc “Vì ai ta mãi phong trần” khi biết tác giả đang chống chọi với bệnh nan y, càng thấm thía hơn những câu thơ anh từng viết: “Này sông mệt mỏi đừng trôi nữa. Uẩn ức tim ta muốn vỡ oà. Còn còn mất mất là muôn thuở. Sỏi đá vì ai hoá ngọc ngà”.

Tuy Hòa
(baohaiquan.vn)