THẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤN

05.12.2011

THẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤN

1. Kết cấu và kết cấu nghệ thuật tác phẩm văn học

Trong quá trình nghiên cứu văn học, có nhiều quan điểm khác nhau về kết cấu tác phẩm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng: kết cấu tác phẩm văn học là hình thức, nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng nó thuộc phần nội dung. Tất cả không dừng lại ở đó, chúng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đơn giản như thế... Tôi đồng ý với quan điểm của PGS. TS. Nguyễn Phong Nam, người chuyên nghiên cứu về văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, ông cho rằng: kết cấu của tác phẩm văn học thuộc phạm trù nội dung chứ không phải phạm trù hình thức và cách mà người chứng minh cho luận điểm của mình là hoàn toàn thuyết phục. Nội dung của tác phẩm không đơn giản như trước đây người ta vẫn nghĩ, thực chất nó có cấu tạo gồm hai lớp và có thể bóc tách được bằng các thao tác nghiên cứu văn học.

Như vậy kết cấu của tác phẩm văn học chính là phần vỏ bọc của nội dung, nó là lớp ngoài của nội dung (lớp 1). Theo quan niệm phổ biến trong giới nghiên cứu thì: kết cấu tác phẩm văn học là cách tổ chức, bố trí trật tự của các yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm. Có hai kiểu kết cấu tác phẩm văn xuôi. Thứ nhất là kiểu kết cấu cổ truyền, thứ hai là kết cấu nghệ thuật.

Trước khi trình bày về kiểu kết cấu nghệ thuật của tác phẩm, xin được điểm qua một vài đặc trưng của kiểu kết cấu cổ truyền. Đây là cách tổ chức các yếu tố nghệ thuật có trong tác phẩm theo trình tự trước sau của quy luật thời gian. Tất cả các sự kiện đều diễn biến dưới sự chi phối tuyệt đối bởi quy luật tuyến tính của thời gian. Sự kiện nào diễn ra trước sẽ được trình bày trước, sự kiện nào diễn ra sau thì nhất thiết phải trình bày sau. Khi nghiên cứu về vấn đề này, Hoàng Dũng khẳng định: "Một đặc điểm nổi bật khác của văn chương tự sự truyền thống, là kể chuyện theo thời gian một chiều. Ðây là quy tắc thép, không có lấy một lệ ngoại, trong văn chương dân gian và cả trong văn chương bác học. Bề ngoài đoạn Kim Trọng trở lại vườn Thúy nửa năm sau khi Kim chia tay Kiều dường như không tuân thủ quy tắc trên: trước đó Nguyễn Du đã dành bao nhiêu bút mực để tả mười mấy năm lưu lạc của Kiều. Tuy nhiên, xét kỹ, ta thấy không thể cho đó là thủ pháp đảo ngược thời gian, mà chỉ là chuyện không còn cách lựa chọn nào khác khi tác giả muốn chuyển mạch từ tuyến nhân vật Kiều sang tuyến nhân vật Kim”…

Đối lập hoàn toàn với kết cấu theo trật tự thời gian là kết cấu nghệ thuật. Mọi trình tự thời gian bị đảo lộn, bị đồng hiện… để phục vụ diễn biến của quy luật tâm lý và dụng ý nghệ thuật của tác giả. Đây là một nét đột phá trong thi pháp văn xuôi hiện đại, ưu thế đầu tiên của phương thức kết cấu này là giúp nhà văn có thể linh hoạt trong quá trình diễn tả tất cả các yếu tố nghệ thuật ở mọi thời điểm khác nhau. Tính giới hạn của thời gian bị phá bỏ, cùng một lúc có thể biểu đạt một cách tự nhiên các sự kiện đã diễn ra trong một quá khứ rất xa xôi hay những dự định ở tương lai sẽ đến. Bằng phương thức này, các phạm trù thời gian, không gian trong tác phẩm không còn là các yếu tố có tính độc lập tương đối nữa mà nó dần biến chuyển thành một yếu tố mới có sự quyện hòa vi diệu và dần trở thành một thành tố mới phức tạp hơn mà giới chuyên môn gọi là "không thời gian”.

Bằng phương thức kết cấu này, các tác giả hiện đại có thể thổi vào nội dung cũ một linh hồn mới, một sức sống mới. Các câu chuyện với nội dung đã quen thuộc từ lâu được kể lại bằng một kết cấu mới sẽ trở nên mới mẻ hấp dẫn hơn, sức biểu cảm mãnh liệt hơn. Nếu như "văn chương tự sự truyền thống có một đặc trưng nổi bật: đấy là câu chuyện diễn ra theo một trật tự đã thành quy tắc: Hội ngộ - Lưu lạc - Ðoàn viên. Truyện Kiều, Nhị Ðộ Mai, Tây Sương, Sơ kính tân trang, Phan Trần, Ngọc Kiều Lê, Lục Vân Tiên ... đều như vậy. Dĩ nhiên, kiểu bố cục này có căn nguyên sâu xa trong triết lý vũ trụ tuần hoàn, trong lối sống của xã hội nông nghiệp xưa” (Hoàng Dũng, Truyện Thầy Lazaro phiền của Nguyễn Trọng Quản – những đóng góp vào kỹ thuật văn hư cấu trong văn học Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 10/2000), thì văn học hiện đại nói chung và kết cấu nghệ thuật nói riêng không chấp nhận điều ấy. Tất cả các quy tắc trên bị phá bỏ nhường chỗ cho các yếu tố, các sự kiện đồng hiện dẫn đến một tất yếu là thời gian và không gian được thay thế bằng "không thời gian”.

2. Thầy Lazaro Phiền thử nghiệm và thành công với kiểu kết cấu nghệ thuật trong văn xuôi Việt Nam hiện đại

Khi nghiên cứu về những đóng góp mang tính chất bản lề về thi pháp truyện ngắn trong Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Dũng đánh giá rất khách quan. "Ngày nay, đọc Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của hơn 100 năm trước, người ta khó có một xúc cảm thẩm mỹ gì đặc biệt; song nếu đặt tác phẩm này trong tiến trình văn học Việt Nam, nghĩa là trong sự đối sánh với những tác phẩm trước và sau nó, nhà nghiên cứu không thể không ghi nhận sự đổi mới kỹ thuật của Truyện Thầy Lazaro Phiền. Sự đổi mới ấy mạnh mẽ đến nỗi những người sau không phải đều có thể tiếp thu được tất cả”. Nếu như "Tình già” của Phan Khôi là bài thơ mới đầu tiên, "Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách là tác phẩm đầu tiên của văn xuôi lãng mạn thì tất cả những đóng góp về mặt thi pháp giúp cho Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản xứng đáng là tác phẩm đầu tiên của dòng văn xuôi hiện thực Việt Nam. Trong đó đặc biệt hơn cả là tác giả đã chính thức khai sinh ra kiểu kết cấu nghệ thuật.

"Cuốn truyện đầu tiên không chấp nhận lối tự sự theo dòng thời gian một chiều truyền thống là Truyện Thầy Lazaro Phiền. Mở đầu truyện là hình ảnh ngôi mộ Lazaro Phiền và kết thúc cũng là hình ảnh ngôi mộ Lazaro Phiền, một kiểu kết cấu mãi đến "Chí Phèo” (1941) của Nam Cao mới thấp thoáng gặp lại qua hình ảnh chiếc lò gạch cũ ở phần đầu và cuối truyện” (Hoàng Dũng). Mọi trật tự thời gian bị đảo lộn hoàn toàn so với kiểu kết cấu cổ truyền.

Với cách kết cấu này trật tự thời gian được đảo lộn giúp nhà văn dễ dàng nhấn mạnh đến các sự kiện mà mình muốn nói. Sự kiện cuối cùng của câu chuyện lại được nhà văn đưa lên đầu tiên. Ngay từ đầu tác giả đã thông báo cho độc giả một thông tin là cuối cùng thì nhân vật chính – Thầy Phiền sẽ chết. Nếu như theo cách kết cấu thông thường của các tác phẩm văn xuôi trung đại thì truyện này sẽ có kết cấu như sau:

Thầy Lazaro Phiền là một thử nghiệm đầu tiên trong việc xóa bỏ cách kết cấu theo quy luật vận hành của thời gian để đến với một kiểu kết cấu mới - kết cấu nghệ thuật. "Việc tác giả ngay từ đầu truyện đã cho biết nhân vật chính sẽ chết, cũng đủ cho thấy trọng tâm của truyện không phải là tình tiết éo le, ly kỳ, mà là cái thế giới nội tâm của nhân vật. Quả vậy, gần như toàn bộ câu chuyện chỉ là hồi ức của Lazarô Phiền, chứ không phải xảy ra một cách trực tiếp. Nói cách khác, tác giả không kể lại một câu chuyện, mà chính xác hơn, muốn miêu tả những đau đớn, giằng xé, ân hận của một người vì ghen tuông, đã trót phạm một tội ác không thể cứu chuộc. Một số đoạn trong Truyện Kiều cũng miêu tả tâm lý, chứ không phải kể lại sự kiện. Nhưng đây là cuốn truyện đầu tiên trong văn học Việt Nam mà toàn bộ câu chuyện lấy trạng thái tâm lý làm đối tượng miêu tả. Ðây cũng là cuốn truyện đầu tiên lấy sự ân hận làm chủ đề”.

Cách kết cấu này là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện. Mọi dụng ý của tác giả trong việc miêu tả tâm lý của thầy Phiền đều đạt được. Đây là bước thử nghiệm đầu tiên của kiểu kết cấu nghệ thuật trong văn học Việt Nam và nó đã thành công. Sự thành công này giúp cho Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quảng xứng đáng trở thành tác phẩm đầu tiên trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

N.T.T

Bài viết khác cùng số

Hồn quê trong bóng thức - MAI HỮU PHƯỚC(Nhân đọc tập thơ Bóng Thức của Nguyễn Tấn Thái)Sách mới: Một thời lính (Tập truyện ngắn – ký của Trần Như Đắc, NXB Quân đội nhân dân - 2011)Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNGCHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 - Hòa Vang bao điều nhớ bao điều quênNgôi trường hình trái tim - Truyện ngắn NHƯ HẠNHHai người bán mực khô ở Viêng Chăn - Truyện ngắn THÁI BÁ LỢINàng Hinh và những khúc quan hoài - Truyện ngắn NGUYỄN ANH ĐÀOChùm thơ Hai Ku - NGÔ QUANG THIThơ: Ngân VịnhXa em - MAI MỘNG TƯỞNGNiềm vui của ba - NGUYỄN TẤN ON Ngọn đèn và trang sách - HUỲNH MINH TÂMCơn mưa sau cùng - ĐỖ THƯỢNG THẾThu cho anh - THƯƠNG HUYỀNVàng thu - PHẠM THỊ TỊNHMùa thu thiếu phụ - VÕ VĂN TRƯỜNGĐưa em về - THỦY ANHĐi chùa Hương nhớ Nguyễn Nhược Pháp - VẠN LỘCNgày trong xanh - TRƯƠNG ĐÌNH QUÊĐất & Tôi - NGUYỄN GIÚPTrầu cau - MAI THANH VINHMùa mưa - PHAN HOÀNG PHƯƠNG SÁCH MỚI : Phù hoa - Truyện thơ Văn Cát Tiên, NXB Văn học, 2011Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNHNắng chiều - TRƯƠNG VĂN KHOA - Nhạc sĩ Lê Trọng NguyễnANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian - NGUYỄN NHÃ TIÊNTHẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤNChong chóng gióCó một mùa mưa…ĐINH QUỲNH NHƯ - Lớp 8/2 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìẨn - HUỲNH THỊ ÁNH NGUYỆT - Lớp 10/1 - Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - Giải BaNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNGĐọc và hiểu bài “Nam Quốc Sơn Hà” thế nào cho đúng? LÊ KHẮC NIÊN