Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNH

05.12.2011

Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNH

Đọc Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít của Nguyễn Minh Hùng – Tác phẩm đạt giải A của UBND thành phố Đà Nẵng lần thứ 2

1. Đúng như nhan đề cuốn sách "Cảm nhận văn chương…”, với 45 bài viết, Nguyễn Minh Hùng rất hiếm khi sử dụng những hệ từ có tính kinh viện của lối học thuật hàn lâm, anh viết cứ như là đang thủ thỉ, đang tâm tình, đang "lấy hồn ta mà cảm lấy hồn người” (chữ dùng của Hoài Thanh). Anh cũng hơn một lần giải thích về quan niệm của mình, kiểu giải thích cũng rất cảm nhận: "Cảm nhận văn chương là gửi mình vào một thế giới hư huyền, mà ở đó, tùy theo tâm cảm, văn hoá, năng lực… mỗi người sẽ đi tìm và chiếm lĩnh một văn bản khác lung linh hơn, ý nghĩa hơn văn bản duy nhất, cố định bằng ngôn ngữ tác giả” (tr 4). Và anh cũng tự nhìn nhận: "Tập sách nhỏ này chỉ muốn tự giới thiệu một cách cảm nhận văn chương, mà những khi chấp bút, người viết lại ở trong mỗi tâm trạng, mỗi khả năng không giống nhau và không phải lúc nào cũng biết mình tỉnh táo. Vì lẽ đó, nhiều bài viết chọn vào tập sách này cũng được soi ngắm lại, khi thêm một lần bước vào âm tiết của những giấc mơ để cất công đi tìm cái gì tồn tại giữa các dòng chữ” (tr 5).

2. Cảm nhận văn chương - Ngôi thứ tư số ít chọn đối tượng là những tác phẩm hay, được nhiều người biết trong văn học Việt Nam của các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Huy Cận, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa; của những tác giả mà Nguyễn Minh Hùng có dịp tiếp cận như Thanh Quế, Nguyễn Kim Huy, Quế Hương…Với mong muốn đi tìm dấu ấn riêng ở mỗi bài thơ, nhà thơ (đây là cái đích luôn vẫy gọi đối với độc giả, đặc biệt là các siêu độc giả - tức các nhà nghiên cứu, phê bình), Nguyễn Minh Hùng từ nhiều kênh thẩm mỹ đã chỉ ra đặc sắc của đời thơ Huy Cận là "những bài thơ hay của ông bao giờ cũng gắn với những khoảng không, những trống vắng, lặng im kỳ lạ” (tr 13), đặc sắc trong những vần thơ lục bát của Bùi Giáng là ở chỗ nó không giống, không như bình thường mà ta vẫn thường thấy, thường nghe, vậy mà vẫn tính tính tình tang như thường: "Đảo lộn mọi trật tự ngôn ngữ thông lệ, chồng lấp khép mờ hình ảnh, nhạc tính lạ lùng ngân rung, cộng hưởng nhiều yếu tố ngẫu nhiên…để có những câu thơ trời cho, mà ai cũng phải kinh ngạc. Lục bát ca dao mượt mà, lục bát Thơ mới thêm nỗi đắm say; đến Bùi Giáng, lục bát đã thành diễm ảo” (tr 41). Đi vào từng tác phẩm, anh cũng chỉ ra được: "Sức sống Những đứa con trong gia đình chính là chi tiết” (tr 67); "Màu tím hoa sim, vì thế, như một bức khốc văn đọc trước mộ người bạc mệnh, thiệt thà mà tài hoa, đắng cay mà đằm thắm, hát ca mà chứa chan nước mắt…” (tr 24). Và từ những dòng chữ bỏ sót trong cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm (hai trang nhật ký ngày 1.4 và ngày 5.4 mà người thân đã không đưa vào bản in) đã phát hiện một góc khác của Thùy: "Chị sống đến tận cùng suy nghĩ của trái tim mình, chấp nhận trả giá để sống cho thực sự sống. Chiến tranh đã tàn phá gần như tất cả, nhưng kỳ lạ thay, chiến tranh lại làm bừng lên những vẻ đẹp kỳ lạ trong tâm hồn người; để rồi vẻ đẹp ấy sẽ lên tiếng thức tỉnh và cảnh báo con người ngay khi chiến tranh chỉ còn là một ký ức mơ hồ” (tr 126).

Có thể nói, thế mạnh của Nguyễn Minh Hùng là ở sự bắt nhịp nhanh cái thần thái của tác phẩm; thể hiện cái thần thái ấy bằng một hệ ngôn ngữ trau chuốt, giàu hình ảnh, giàu nhạc tính; cách dùng hệ dấu câu với những dấu ba chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm hỏi kèm chấm than, dấu gạch nối, các loại dấu ngoặc đơn ngoặc kép; cách trình bày các kiểu chữ nghiêng đậm để nhấn mạnh ý hay thể hiện một hướng nghĩa khác. Trường liên tưởng trong các bài viết của anh cũng luôn mở rộng. Anh luôn đặt vấn đề trong cái nhìn đối sánh: ý thơ này gợi thức đến các ý thơ kia, từ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử miên man về các ý thơ của Thôi Hiệu - Lý Bạch - Huy Cận; từ Màu tím hoa sim của Hữu Loan phiêu bồng đến các ý thơ của Hoàng Cầm - Nguyễn Đình Thi - Huy Cận - Thâm Tâm - Trần Đăng Khoa - Vũ Cao; từ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên liên tưởng đến những gởi gắm từ trang viết của Nam Cao, Nguyễn Đình Thi. Chính từ những liên tưởng, đối sánh ấy, người đọc như thêm một lần nữa được cùng nhìn ngắm những góc khuất, những chiều sâu chữ nghĩa.

Việc mượn lời của những nhà văn, nhà phê bình Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Bloom, Harol Pinter, Likhatrov để dẫn, mở, gợi và kết ý, đặc biệt là dẫn thơ để chuyển mạch tạo sự mềm mại, nhạc tính.

3. Quan niệm xem người đọc như đồng chủ thể trong tiếp nhận văn học là một vấn đề không mới. Trước Nguyễn Minh Hùng, Hans Robert Jauss và Wolfgang Iser ở trời Tây và Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung ở Việt Nam đã là những bậc thầy. Duy có điều, cách thể hiện của Nguyễn Minh Hùng rất khác, nó không xuất phát từ trường lý luận mà từ biểu phát đồ rung cảm của con tim: "Người đọc chẳng bao giờ hiểu hết, hiểu hết thì hết thơ…” (tr 14); "Người đọc không đọc theo thơ mà đọc theo lòng, bước lên nhịp cầu cảm thông niềm đau mất để đặt chân đến ngưỡng sự chiêm bái cái đẹp bi ai” (tr 24). Anh cho rằng, con đường thơ từ một người đến muôn người lại có quy luật riêng của nó - thứ quy luật phản quy luật: "Màu tím hoa sim thay vì chìm vào quên lãng thì lại được cất giữ trong lòng người sâu kín hơn; thay vì công khai trên báo đài, trên sách giáo khoa thì nó lại rút vào bí mật để rồi băng qua con đường vốn là đại lộ của thi ca đích thực - lối đi của kẻ mang thông điệp từ một trái tim đến trái tim, tưởng nhỏ bé mong manh lại hóa ra vàng đá. Cái gì còn sẽ còn nguyên - cái gì tan ngỡ vững bền cũng tan… (Trần Đăng Khoa). Ở trường hợp này, không chỉ còn nguyên, mà bài thơ bỗng nhận thêm những giá trị, thêm những thử thách và thêm những yêu thương, bù đắp. Khi che khuất ánh sáng, hồng ngọc bỗng bất ngờ ánh chiếu một màu sắc ảo huyền…” (tr 22-23); "Thơ tựa như một giấc mơ được nhớ lại. Giấc mơ ấy có quy luật riêng của nó” (tr 31)

Nguyễn Minh Hùng cũng khá xác đáng khi cho rằng: "Sự tiếp nhận của bạn đọc ngày ấy và bây giờ về hai thi phẩm Tây TiếnBên kia Sông Đuống đương nhiên khác nhau - cái khác của sự phát triển hình tượng thơ trong tâm lý và hoàn cảnh thưởng thức của công chúng nghệ thuật mỗi giai đoạn. Hình tượng thơ bao giờ cũng tồn tại trong thế vừa ổn định, vừa dịch chuyển. Nó vừa ở lại, vừa ra đi…” (tr 38). Từ góc nhìn này, anh cũng lên tiếng về một vấn đề cũng tốn khá nhiều giấy mực trong những lúc tranh luận ở ta: "Khi tiếp nhận văn bản thơ, không ít lúc ta ngộ nhận, đồng nhất cái tôi trữ tình trong thơ với con người thật tác giả ngoài đời; để rồi đi đến chỗ cho rằng Qua đèo Ngang được viết ngay khi Bà huyện Thanh Quan vừa dừng chân ngoảnh lại trời non nước…Thực ra, rất nhiều bài thơ được sáng tác trong một không gian không giống như không gian thơ mà ta đang trực tiếp cảm nhận” (tr 180). Và có lúc, anh dành hẳn dòng văn để nói cùng độc giả: "Này bạn đọc, không có giàn thiên lý, bạn có thấy một bóng xuân sang?!” (tr 9). Và cũng từ chỗ hiểu vai trò to lớn của người đọc, anh đã đề xuất: "Cần chấp nhận những cách hiểu khác nhau mà có lý, cái lý của văn bản, cái lý của sự trải nghiệm riêng và mức độ thấu nhập của bản thân người cảm thụ. Cần cung cấp cho bạn đọc những cách hiểu ấy để giúp họ định hướng và lựa chọn” (Tr 237)

4. Thế mạnh của Nguyễn Minh Hùng còn được thể hiện ở nhịp viết, ở giọng điệu. Giọng điệu quả quyết khi đi tìm Những chiếc bóng trong Mùa xuân chín: "Không, nàng xuân của Hàn Mặc Tử có vẻ tươi tắn và tràn đầy sức sống. Nhưng đấy cũng chỉ là một chiếc bóng, chợt ẩn chợt hiện đến là mong manh!...(tr 7). Giọng liền mạch khi viết về Ngộ nhận Bùi Giáng: "Ông đem đến cho thơ thêm một hơi thở mới lạ mà dễ chừng một thế kỷ chỉ xuất hiện mấy người...Ông không thuộc những nhân cách vĩ đại nhưng là người không hề mưu cầu và không biết mưu cầu, không hề cơ hội và không biết cơ hội, không hề nửa vời và không biết nửa vời… Ông sống hết mình với đúng-sai-hoảng-loạn…Văn đàn đất Việt ông ngồi riêng một chiếu! Ai ghé vào, giỏi lắm cũng chỉ làm kẻ hầu người hạ cho ông mà thôi! Mà hầu hạ được ông cũng là một vinh dự, lạc thú!...” (Tr 43). Giọng thảng thốt, ngạc nhiên khi nhận thấy được cái lẽ thấu triệt, ẩn sâu trong tâm hồn Lão nông ở Vinh: "Trời ơi, tầm nhân loại đợi gì đọc cho hết sách nọ vở kia; chỉ cần nghĩ giản dị là đến gần chân lí!...” (tr 90).

Cảm nhận thơ cổ Nhật Bản, Nguyễn Minh Hùng đã dùng hàng loạt câu hỏi để dẫn dắt, và cũng là hàng loạt câu hỏi tạo phản đề mang tính gợi mở: "Một câu hỏi ư? Hay một nhận xét? Không, đấy là một cảm thức về sự bất trắc của đời hoa mà cũng là của một kiếp nhân sinh phù thế. Đóa huệ trắng tinh khiết, biểu tượng của sáng trong tinh anh, của duyên nghiệp đất trời đâu thể vĩnh hằng tồn tại. Này chú nai vô tình, này thời gian hữu lý, khắc nghiệt thế sao?! Đấy là tiếng kêu đau nhưng biết chấp nhận sự hiển nhiên. Kêu lên sự hữu hạn ấy là vĩnh viễn hóa của cuộc sống tâm linh cõi người. Sâu sắc biết bao!” (tr 137). Và anh cũng sử dụng những dòng văn song đối để từ đó làm nổi rõ bản chất xu thời của nhân vật Vương Quan: "Vương Quan lấy con gái họ Chung, người không yêu đương, không hò hẹn… Thật khác xa với Kim Trọng, muốn bỏ quan mà đi tìm Kiều, chết sống cũng không quên bạn tình chung…Cũng chẳng được như Thúc Sinh, sợ Hoạn Thư phát khiếp, mà vẫn nói được một lời từ tạ cảm thông…Sao so nổi với họ Từ, yêu là trên hết, là chấp nhận … chết đứng” (tr 154)

5. Một nét tính cách Quảng Nam khá rõ của Nguyễn Minh Hùng thể hiện trong tập sách đó là phần anh trao đổi, tranh luận. Anh trao đổi tranh luận từ xuất phát điểm của nhà phê bình, với những cảm nhận riêng; từ xuất phát điểm của nhà giáo dạy Văn, khi truyền giảng cho học sinh phải đảm bảo tính hệ thống. Viết về Nỗi nhớ trong Tây Tiến Bên kia Sông Đuống, sau khi đi sâu vào những đặc sắc ở đoạn thơ cuối, anh bộc bạch: "Nhân đây xin trích dẫn giảng dạy hơi lạ của Sách Giáo viên 12 (Nxb Giáo dục- 2000) về khổ cuối nói trên: Hình ảnh Hồn về sầm Nứa chẳng về xuôi nghĩa là bỏ mình trên đường hành quân; còn Hồn về Sầm Nứa có thể hiểu: chí nguyện của các chiến sĩ sang nước bạn, hợp đồng tác chiến với quân tình nguyện Lào chống thực dân Pháp, họ quyết tâm thực hiện lí tưởng ấy đến cùng”… (tr 34). Trong bài Nghĩ thêm về khúc hát ru, anh cho rằng Sách giáo viên Văn học (Nxb Giáo dục, 1997) khi nhận xét về bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ "…đây là một bài thơ làm dưới dạng khúc hát ru những em bé được người mẹ Tà-ôi địu trên lưng khi làm mọi việc”, "Bài thơ được viết dưới dạng lời ru những em bé được người mẹ Tà-ôi địu trên lưng khi làm việc” là có vẻ đúng, chứ thật ra, không đúng. Tên bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ thì không có nghĩa lời thơ chính là lời ru, càng không hẳn là lời ru của người mẹ Tà-ôi” (tr 50). Bằng trực cảm của một nhà thơ, anh tỏ ra nghi ngại về xuất xứ Ba bài thơ về ao của Trần Đăng Khoa: "Nhưng mà dẫu sao, tôi vẫn chưa hết day dứt một điều, Ao nhà mùa hạnCơn dông làm thế nào lại được viết vào năm 1972, khi ông Trần Đăng Khoa còn là bé Khoa mới vừa 14 tuổi?!...” (tr 58).

Khi đọc Thuật hứng XXIV và Bảo kính cảnh giới - bài số 43 của Nguyễn Trãi, Nguyễn Minh Hùng chưa đồng lòng với GS. Nguyễn Đình Chú ở gợi ý tiếp nhận trong sách Văn học 10 - Tập một, Ban KHXH, Nxb Giáo dục 1995: "Hiểu như vậy biết có thuận với giọng điệu câu mở đầu chăng?”, "nếu hiểu theo cách nói trên thì đây là ý thơ lạc lõng của Nguyễn Trãi xét trong toàn bộ hệ thống thơ chữ Nôm lẫn chữ Hán của ông. (tr 145), anh cũng thích thú với phát hiện của GS. Trần Đình Sử nhưng cũng bổ sung thêm nét nghĩa mới khi cảm nhận Ba bài thơ thu – ba không gian sáng tạo.

Nguyễn Minh Hùng cũng chỉ ra những mâu thuẫn trong nhận xét của nhà nghiên cứu văn học Đỗ Đức Dục khi đánh giá Truyện Kiều và nêu lên quan niệm: "Có một điều cần phải bàn lại, không rõ từ đâu, có một cách nghĩ gần như đương nhiên: Hễ nói đến tư tưởng hoang mang, bế tắc, dằn xé, kiếm tìm của một tác giả nào đó, người ta thường xem đó là một hạn chế” (tr 178)

6. Đọc "Cảm nhận văn chương- Ngôi thứ tư số ít”, tôi vẫn tiêng tiếc một điều. Bởi lẽ, bên cạnh một số bài viết có tính hệ thống rất sâu như Về một đặc điểm thơ cổ phương Đông, Người em trai của Thúy Kiều, Chợt nghĩ ba mươi năm thơ Đà Nẵng, Kết cấu thời gian trong Quy luật của muôn đời của Nodar Dumbatze... thì vẫn còn một vài bài mới dừng lại ở sự phát hiện vấn đề, chưa thật dài hơn, mà lẽ ra ở quan hệ của mình, ở bút lực của mình, anh có thể cho ra kết quả khác. Nhưng xem chừng tôi dễ mâu thuẫn cùng tôi, bởi cảm nhận mà…thế mới luôn hấp dẫn, thế mới luôn gọi mời…!

N.Đ.V

Bài viết khác cùng số

Hồn quê trong bóng thức - MAI HỮU PHƯỚC(Nhân đọc tập thơ Bóng Thức của Nguyễn Tấn Thái)Sách mới: Một thời lính (Tập truyện ngắn – ký của Trần Như Đắc, NXB Quân đội nhân dân - 2011)Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNGCHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 - Hòa Vang bao điều nhớ bao điều quênNgôi trường hình trái tim - Truyện ngắn NHƯ HẠNHHai người bán mực khô ở Viêng Chăn - Truyện ngắn THÁI BÁ LỢINàng Hinh và những khúc quan hoài - Truyện ngắn NGUYỄN ANH ĐÀOChùm thơ Hai Ku - NGÔ QUANG THIThơ: Ngân VịnhXa em - MAI MỘNG TƯỞNGNiềm vui của ba - NGUYỄN TẤN ON Ngọn đèn và trang sách - HUỲNH MINH TÂMCơn mưa sau cùng - ĐỖ THƯỢNG THẾThu cho anh - THƯƠNG HUYỀNVàng thu - PHẠM THỊ TỊNHMùa thu thiếu phụ - VÕ VĂN TRƯỜNGĐưa em về - THỦY ANHĐi chùa Hương nhớ Nguyễn Nhược Pháp - VẠN LỘCNgày trong xanh - TRƯƠNG ĐÌNH QUÊĐất & Tôi - NGUYỄN GIÚPTrầu cau - MAI THANH VINHMùa mưa - PHAN HOÀNG PHƯƠNG SÁCH MỚI : Phù hoa - Truyện thơ Văn Cát Tiên, NXB Văn học, 2011Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNHNắng chiều - TRƯƠNG VĂN KHOA - Nhạc sĩ Lê Trọng NguyễnANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian - NGUYỄN NHÃ TIÊNTHẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤNChong chóng gióCó một mùa mưa…ĐINH QUỲNH NHƯ - Lớp 8/2 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìẨn - HUỲNH THỊ ÁNH NGUYỆT - Lớp 10/1 - Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - Giải BaNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNGĐọc và hiểu bài “Nam Quốc Sơn Hà” thế nào cho đúng? LÊ KHẮC NIÊN