Hồn quê trong bóng thức - MAI HỮU PHƯỚC(Nhân đọc tập thơ Bóng Thức của Nguyễn Tấn Thái)
Bóng thức (Nxb Thanh Niên, 2010) là "đứa con đầu lòng” của Nguyễn Tấn Thái. Đây là tập thơ đầu tay của một thầy giáo dạy văn ở Quế Sơn, Quảng Nam. Từ lâu bút danh Bình Nam - Nguyễn Tấn Thái trở nên quen thuộc với anh em văn nghệ Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác. Hơn nửa đời làm thơ, nay Nguyễn Tấn Thái mới cho trình làng tác phẩm đầu tay của mình, xem ra người thầy giáo dạy văn này nhiều thận trọng, hoặc cũng có thể là "cơm áo không đùa với khách thơ” chăng?
Với tôi, Nguyễn Tấn Thái là một "gã” cuồng thơ và cuồng… bạn thơ. Nói "gã” cuồng thơ là vì đi đâu, đến đâu Nguyễn Tấn Thái cũng nói chuyện thơ một cách say sưa và mang theo chiếc cặp "làm thầy” với những bài thơ đã được photocopy nhét đầy trong đó để sẵn sàng tặng cho mọi người. Nói Nguyễn Tấn Thái cuồng… bạn thơ là bởi có cơ hội anh liền đi tìm gặp, làm quen với những người bạn thơ mới để giao lưu, trao đổi và học hỏi. Tình cảm mà Nguyễn Tấn Thái dành cho thơ và cho bạn thơ quả thật đáng trân trọng.
Tôi đọc Bóng thức trong sự trân trọng đó và nhận ra những lao khổ nhọc nhằn, trở trăn, thao thức mà người "thợ chữ” Nguyễn Tấn Thái gieo vào lòng học sinh của mình, cũng như những bài thơ mà anh viết. Nhờ vậy, Bóng thức mang lại cho người đọc những đồng cảm và chia sẻ với những câu thơ nhiều khi được chọn lọc kỹ càng đến trang trọng:
Mai thả đời về đâu?
Giật lùi tương tư biển
Tôi thánh linh lưu viễn
Hình khói hương quê nhà.
(Bóng thức)
"Hình khói hương quê nhà” chính là hồn quê mà Nguyễn Tấn Thái muốn ngợi ca. Đọc Bóng thức, người đọc bị ám ảnh bởi một không gian quê kiểng riêng biệt trong lòng tác giả.
Hồn quê chính là nỗi nhớ khắc khoải một bóng hình xưa cũ vùi sâu trong miền ký ức, nhưng vẫn có khi hiện về trong cơn mộng mị:
Người đi bỏ sót muộn phiền
Mình ta ở lại giữa miền đất quê
Quế Sơn mây xõa tóc thề
Nỗi lòng trắng xóa tỉnh mê gọi người...
(Tâm cảm)
Mà không "tỉnh mê gọi người” sao được khi ánh mắt sắc như dao cau năm xưa đã khứa sâu vào tâm khảm, làm cho con tim yếu mềm của thi nhân luôn đăm đắm trong sự quằn quại và khắc khoải về những gì đã trôi tuột theo tháng năm:
Ngày qua đẹp tựa ánh mai
Vườn xưa sóng sánh mắt ai dịu hiền.
(Sắc quê)
Và ta lại nghe con tim mềm yếu ấy một lần nữa thổn thức với chút riêng tư bất chợt hiển hiện trong mùa muôn hoa khoe sắc thắm:
Người thương xưa - tít chân trời
Sắc xuân tựa hẳn vào tôi... khóc òa!
(Ớt chỉ thiên)
Mùa xuân không… khóc! Chỉ có con người đứng khóc giữa mùa xuân với nỗi muộn phiền của mình mà thôi. Nhưng cách "khóc ngược” này của Nguyễn Tấn Thái đã bất ngờ tạo thành một câu thơ hay đầy ấn tượng.
Hồn quê cũng chính là nơi mà mẹ cha đã bao năm nhọc nhằn chở che và nuôi con khôn lớn:
Lang bạt xứ người cơm áo
Thấm đẫm nắng mưa nhọc nhằn
Mẹ là bài ca yên ả
Rải vui trên cánh đồng thơ…
(Mẹ tôi)
Tôi - Con người - đau nỗi khổ quê hương
Cha lam lũ vết chân chim nét mặt.
(Cổ tháp Chiên Đàn)
Em và mẹ là những người phụ nữ đã tạo nên hồn quê gần gũi và thân yêu nhất. Nhưng cuộc đời vốn là dâu bể. Hợp rồi tan muôn năm vẫn là quy luật khắc khe. Trong một bất chợt nào đó của cơn say cuộc đời, người quay về không phải là "em” mà là người thơ Nguyễn Tấn Thái. Để khi ấy chén đoàn viên vừa là chén vui xen lẫn với chén buồn:
Chén vui chạm mặt quê hương
Chén buồn tưởng niệm tang thương đã từng.
(Bên dòng Trường Giang)
Thơ thì mơ mộng, nhiều khi viễn vông. Nhưng cuộc sống thì luôn luôn hiện thực. Bị níu kéo bởi hồn quê, Nguyễn Tấn Thái suốt đời gắn bó với quê. Nguyễn Tấn Thái không khi nào và chưa bao giờ là người của phố:
Đường chiều bắt bóng thả câu
Chợt nghe phố rỗng... chảy sâu trong hồn
Đêm hoang phiêu hốt đèn lồng
Quờ tay chạm khoảng... trống không rợn mình!
(Phố rỗng)
Có khi tôi hơi cả nghĩ: Cái tạng người của anh, phố không bao giờ mang cho sự bình yên như những vườn xanh quê anh. "Phố rỗng” là lời minh chứng.
Nói đến nơi này là để nhớ chốn kia, như là lời thầm nhắc cho ai đó về một chốn quê nhà êm đềm như một lời ru. Rồi có một khi nào đó, tất cả những bâng khuâng, những xao lòng như là cơn mộng mị trôi xa, trả chỗ lại cho những điều gần gũi, giản dị đầy thực tế, có trách nhiệm và ngập tràn hạnh phúc đơn sơ:
Ngủ mơ dưới gốc bồ đề
Ngỡ mình thoát tục trăng thề xế nghiêng
Lòng phàm choáng ngợp dáng tiên
Sớm mai tỉnh giấc bên hiên vợ cười.
(Mơ nhầm)
Bài thơ kết thúc bất ngờ, thú vị như một hoạt cảnh vui. Tôi nghĩ, đó mới chính là thứ hồn quê đích thực mà cả đời nhà thơ bỏ công tìm kiếm và đuổi bắt. Có ai đó nói rằng: Hạnh phúc ở quanh ta nhưng ta chỉ có thể nhận ra sau những cuộc tìm kiếm công phu mà thôi. Hồn quê trong Bóng thức phải chăng là sự tìm kiếm đó?
M.H.P