ANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian - NGUYỄN NHÃ TIÊN

05.12.2011

ANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian  - NGUYỄN NHÃ TIÊN

Mượn Thesee vị anh hùng huyền thoại của Athène, André Gide ký gởi tâm tình: Tôi vẫn là đứa con của trần gian (Je reste enfant de cette terre), còn văn học Pháp thì gọi đích danh André Gide là: Đệ nhất văn hào.

Tôi vẫn là đứa con của trần gian này

(Thésée - André Gide)

Tác giả André Gide

André Gide "Đệ nhất văn hào” là tôi trích lời của báo Combat qua các cuộc thăm dò dư luận từ khi André Gide bước lên bục vinh quang của văn đàn nhân loại nhận giải Nobel văn học, sau Gide lần lượt là những: Camus, Sartre, Malraux. Nếu như Milan kundera viết trong nghệ thuật tiểu thuyết (Bản dịch Nguyên Ngọc, NXB Văn hóa) rằng: biết về tác giả chẳng thể làm sáng thêm ý nghĩa và giá trị của tác phẩm, thì trường hợp André Gide là không thể không tìm hiểu về cuộc đời tác giả. Nói một cách khác, hầu như tất cả cái gia tài Văn học đồ sộ của Gide bao gồm hơn cả ngàn trang nhật ký với hàng khối những tự thuật và tiểu thuyết là miên man một tâm sự bất tận. Gide đã viết lại chuyện đời mình với tất cả lòng chân thành, không rào đón, xưng tụng, ngụy tín, kể cả những góc khuất tối tăm nhất cũng được ông phơi bày ra trước vằng vặc nhật nguyệt. Chẳng cần phải giấu giếm một chi tiết nào, những khát khao ham muốn đớn đau, những nhục dục thấp hèn, những niềm hy vọng lóe sáng, những hờn dỗi và ưu uất của cả một đời Gide từng trải qua mê đắm và bay bổng.

Mỗi một tác phẩm là từng miền, từng cõi được Gide bộc lộ, khi thì giọng thả trôi buông xuôi đầy thương cảm, lúc thì mỉa mai khinh khỉnh, ngạo mạn, liều lĩnh. Chung quy lại, sự chân thành của một trái tim nhà văn - kiểu như Gide, đã chinh phục và gieo vào lòng người sức vang hưởng sâu sắc, và thực sự ảnh hưởng đến cả một thế hệ thanh niên ở vào thời Gide cho đến cả về sau này. Đi trên mặt đất gập ghềnh, in đậm dấu vết của một số phận không bình thường, thương tổn, khiếm khuyết, Gide chọn những món ăn trần gian, hết sức trần gian, thỏa mãn mọi khao khát nhục dục của mình. Cái tâm hồn cao thượng mỏng mảnh của Gide có lúc cũng đã lên tiếng chiến đấu một cách tuyệt vọng trước con người trần gian chứa đầy ham muốn lúc nào cũng hô hào kích động. Cứ thế Gide phơi bày ra trên những trang giấy, xây dựng từng nhân vật đồng hành với mình, nguyên mẫu chính mình. Mượn Thésée, vị anh hùng huyền thoại của Athène, Gide ký gởi tâm tình "Tôi vẫn là đứa con của trần gian” (Je reste enfant de cette terre).

André Gide sinh năm 1869 tại Ba - Lê. Cha ông là một giáo sư luật khoa theo đạo cải cách, mẹ ông là người theo đạo Thiên chúa, bà rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái theo những lề luật của giáo hội - một vị quan tòa tối thượng, có đầy đủ điều răn nghiêm cẩn nhưng lại vắng bóng tình yêu. Từ những lời tường thuật về sau của Gide, người ta có thể biết được chứng đồng tính như một hình nhục dằng dặc đeo bám suốt cả một đời ông. Trước hết là cái khuôn phép của gia đình đã không thể gìn giữ được cậu bé Gide ngay cả thời tuổi thơ đã xuất hiện những thói tật xấu, tệ hại, đã từng bị đuổi khỏi trường tiểu học ở Alsace, cho dù Gide đã cố vùng vẫy để vượt qua nhưng cuối cùng cam chịu số phận. Sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một xã hội, một thế giới đầy những biến động: chiến tranh 1870 - 1871, thế chiến 1914 - 1918, thế chiến 1939 - 1945, tổ quốc André Gide từng hai lần chiến bại, và rồi bao phen nội biến, hoàn cảnh đó, một cuộc đời bình thường cũng đã chịu nhiều ảnh hưởng, huống là Gide - một người được xem như bẩm sinh đã bị tính thần kinh chi phối. Năm 1891, sau một quãng đời học sinh bất ổn và ngắn ngủi, André Gide viết xong cuốn "bút ký của André Walter (Les cahiers d" André Walter), kể lại những khủng hoảng tinh thần của mình. Đấy là ở vào cái thời trai trẻ, vậy mà Gide đã không đủ nghị lực để vượt qua căn bệnh tệ hại dẫn tới sự sa đọa, một thứ tật bệnh mà các nhà tâm lý học hiện đại gọi là: Sự rối loạn của cảm xúc. Dường như tâm hồn Gide thường là nơi diễn ra cuộc chiến đấu giữa hai thế lực, một bên là ác quỷ và một bên là thiên thần. Và mỗi dằn vặt đau đớn qua từng lần đấu tranh, lúc nào bóng tối của quỷ sứ cũng toa rập với cái thân xác đầy ham hố khoái lạc đã chiến thắng. Hãy nghe Gide than thở: "Chiều hôm qua tôi đã chịu thua, như người ta chịu thua đứa nhỏ cứng đầu để được yên thân, sự yên thân thê thảm tăm tối, có lẽ hỏa ngục là nơi người ta bắt buộc cứ phải phạm tội”. Bất lực, ê chề, Gide mỉa mai và tự trấn an vỗ về: "Lạy chúa, xin phá bỏ cái thứ luân lý tù ngục này để con được sống một cách đầy đủ và xin người tiếp thêm sức mạnh cho con sống” (Bút ký của André Walter - Trang 202,203). Nhiều nhân vật khác trong các tác phẩm về sau này, Gide xây dựng nên cũng mang nguyên mẫu hình hài của ông. Và rồi, cái thứ bản năng hoang dại và tự do đó đến một ngày trở thành rượu nồng say sưa với hoan lạc, con người trần gian của Gide đã choáng chỗ hết tưởng không còn nơi cho ngọn nến Phúc âm thắp lên réo gọi sám hối. Gide tháo tung xiềng xích tôn giáo và gia đình, ông lao vào bao cuộc phiêu lưu của cảm giác, càng mới lạ càng kích thích. Đến độ chừng như ông báng bổ lại mọi ý hướng cao xa huyền mặc về vĩnh cửu, rao truyền một đấng mới có nhân vị và rất thực đối lập lại với thượng đế và cái thiên đường huyền ảo chỉ tồn tại trong Phúc âm của Chúa. Chàng Nathanael trong Les Nourriturres Terrestres (Dưỡng chất của trái đất) là một nhân vật như thế. Thượng đế của Nathanael là một hiện thực giống như sự bổ dưỡng của cây trái trên trái đất làm tươi mát cho thân xác.

Đây là quãng thời gian André Gide rời Ba-Lê sang Bắc Phi chữa căn bệnh lao phổi (1893). Nếu như ở đất trời Phi Châu đầy nắng ấm, mông mênh đồng bãi và rừng núi, và đương nhiên là trân châu của quý tự do thỏa mãn để Gide viết chất bổ dưỡng rất thực của trái đất, thì Ba-Lê với ông là kinh thành tù túng chật hẹp, ngột ngạt bởi những hào nhoáng và sự giả tạo của một lớp người ngự trị để Gide viết nên Paludes (Đầm lầy) đối lập lại cái kinh đô ánh sáng kia một cách mỉa mai và đầy thương cảm.

Cũng có một thời gian, André Gide gia nhập văn đàn tượng trưng nơi quy tụ nhiều tài ba, tư tưởng và các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, nhưng tất cả đều chung một sức trẻ trung và không ngừng khám phá cái mới. Những anh tài như Proust, Claudel, Valéry…những niềm kiêu hãnh văn chương của thế kỷ sau này, đều là những người bạn thân thiết của Gide. Nhất là thi sĩ Paul Claudel, đã nhiều lần khuyên Gide nên thay đổi cách viết dung túng một sự chân thực quá đà làm nên thứ văn chương khuyến khích bản năng và phạm tội. Nhưng Gide đã trả lời: "Bởi tôi không biết phải làm bằng cách nào để giải quyết những việc mà tạo hóa đã sắp đặt trong thân xác của tôi” (Thư gởi Claudel ngày 8.3.1914 - Trang 219). Gide phân trần rằng những thói xấu đó là do tự nhiên tạo hóa sinh thành, vậy nên không thể lấy sự giả dối đẹp đẽ mà che đậy. Và dường như sự rao giảng về chất bổ, mật ngọt của trần gian chưa đủ, hay chỉ là lời mào đầu cho một thứ tôn giáo cảm giác "ôi cảm giác, người còn đẹp hơn tư tưởng” (Les Nourritures Terrestres - 1897), phải đợi đến "kẻ vô luân” (L"immoraliste - 1902) thì đấy mới là một triết lý, một tuyên ngôn nhân bản chủ nghĩa theo kiểu của Gide. Nếu như số phận đã sắp đặt cái bi kịch cho cuộc đời ông, thì chính ông là một đạo diễn và tác giả thiên tài cho cái kịch bản của định mệnh đó. Những mầm móng bi kịch ấy còn lôi kéo cả Madeleine Rondeaux, tiền thân của Alissa - nhân vật đã hệ lụy cùng Gide trong La Porte étroite (khung cửa hẹp).

Sau tháng năm chữa bệnh ở Châu Phi, André Gide đã bình phục, ông trở về Pháp và kết hôn cùng Madelenie Rondeaux. Gide yêu Madelenie từ lúc ông còn là chú nhóc mới 12 tuổi và nàng đã 14 tuổi, nhưng đấy chỉ là những tình cảm lãng mạn vu vơ, một thứ mộng tưởng trinh nguyên không hằn một dấu bụi nào. Khi lớn lên Gide hiểu mình không thể chăn gối trong tình yêu vợ chồng, Gide chạy theo những lạc thú một cách cô độc, song ông vẫn cưới Madelenie, và đấy là một thứ tình yêu nhuốm màu tuyệt vọng. La Porte étroite có vẻ là một ăn năn, một quay về sám hối. Nàng Alissa (Madelenie) đã hy sinh tình yêu của mình vì đức tin, chối từ con đường trần gian đầy rẫy những cám dỗ để bước vào thế giới chật chội khung cửa hẹp của Phúc âm. Có điều sám hối hay quay về theo hướng đức tin đối với Gide chỉ thể hiện sự nhạy cảm vốn thường hằng trong trái tim nghệ sĩ của ông. Cả lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị của Gide cũng nhuộm đầy phẩm tính một nghệ sĩ hơn là đứng vào một quan điểm lập trường của trường phái triết học nào. Ông tranh đấu cho người nghèo đói, cho bác ái và nhân đạo, ông tố cáo quyền lực, hà hiếp người da đen là do chứng kiến tận mắt, và trái tim nhạy cảm ấy đã cất lên tiếng nói. Trong "Du hành xứ Congo” (Voyage au Congo – 1927) hay "Ở Tchad về” (Retour du Tchad - 1928) đích thực là tiếng nói rung cảm chân thành đó. Rồi Gide gia nhập Đảng cộng sản cũng như Gide rời Đảng, hoặc là thời chính quyền Vichy, Gide chối từ mọi phát biểu trên đài phát thanh Ba-Lê với lý do: nói ra lời nịnh hót thì tốt hơn là im lặng. Thời kỳ này Gide phải lánh qua các xứ: Tunis và Alger để tìm một bình yên trước những phe phái thân cận với phát xít Đức.

Ngày chấm dứt cuộc chiến chống phát xít, nước Pháp được giải phóng, Gide trở về Ba-Lê (1946). Cùng năm này ông xuất bản Thésée, và một năm sau đó André Gide cho ra đời Hoài ký mùa thu (Feuillets d"automne). Đây là thời điểm Gide mang về niềm vinh quang cho văn học Pháp, một vì sao văn chương rực rỡ ánh lên trên bầu trời Ba-Lê sau những tháng năm máu lửa kháng chiến chống phát xít, André Gide bước lên bục vinh dự của văn đàn nhân loại nhận giải Nobel văn học. Năm tháng này Gide không còn bôn ba với các sinh hoạt náo nhiệt nữa, ông như một nhà hiền triết nhàn nhã ngồi thưởng thức những tháng ngày hoàng hôn huy hoàng của đời mình. Gần như trọn vẹn một cuộc đời bước đi trên chính những giày vò nghiệt ngã của số phận, điều mà Gide ngợi ca "Tôi vẫn là đứa con của trần gian” lại chính là vị trí ông vượt thoát khỏi cái đầm lầy của mình để nhìn lại chính mình.

Sự trung thực là phẩm chất đầu tiên của nhà văn, theo Gide đó là quyền tuyệt đối đồng thời là trách nhiệm, là bổn phận, là lương tâm của văn học được thể hiện dưới bất cứ một hình thức (bút pháp) nào. Thậm chí, kể cả trong hồi ký của ông, sự che giấu, giả tạo là đối lập lại cái đẹp, cái thiện. Ý niệm về tôn giáo theo quan điểm của Gide thì: Thượng đế do con người xây dựng tạo ra huyền thoại, thế nên con người là trung tâm, là nguồn gốc của thượng đế. Đây còn là phạm trù đạo đức học, có ảnh hưởng sâu rộng đến một lớp thanh niên thời hậu chiến, khiến không ít những nhà theo phái luân lý học truyền thống lúc bấy giờ đã kịch liệt lên án ông: kẻ hư hỏng, kẻ đầu độc sự sa đọa cho lớp trẻ. Gide vẫn một mực trung thành với cách viết của mình, văn phong lột tả chân thực, gọn gàng một âm điệu cổ điển. Ông phản đối lại thứ văn chương hoa mỹ phù phiếm, rườm rà và rỗng tuếch. Đến với nhóm tượng trưng và rồi ông không lấy gì làm thích thú với lối nghệ thuật kiểu hình ảnh của họ. Gide phản bác luôn nhóm Dada vì sự gàn rỡ và phá bỏ tất cả lề luật giống như sự bế tắc của tư duy sáng tạo. Đương nhiên André Gide cũng bị chống đối và bị phê phán không hết lời.

Dù mọi ý xuôi - ngược thế nào chăng nữa thì, hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày André Gide qua đời (19.02.1951), khi nhắc đến ông, hầu như cả thế giới này đều nhớ đến cái chúc thư văn chương, một di cảo, một "ngôi sinh phần”: Thésée tráng lệ, đẹp như những phiến hoa cương Gide đã tạo dựng bằng trí tuệ và tâm hồn của một tài năng. Ông đã mượn lời Thésée - vị anh hùng huyền thoại của Athine, để khảm khắc vào vô tận thời gian tiếng nói của trái tim mình: "Ta đã sáng lập xong thành phố của ta. Sau khi ta mất, tư tưởng sẽ tồn tại nơi đây muôn thuở. Ta bình tâm bước tới cái chết tịch liêu. Ta đã hưởng hạnh phúc trần thế. Ta vui lòng nghĩ rằng sau ta, người đời sẽ nhận thấy mình hạnh phúc hiền năng và tự do hơn. Vì lợi ích của tương lai, ta đã hoàn thành sự nghiệp. Ta đã sống vậy”!

N.N.T

Bài viết khác cùng số

Hồn quê trong bóng thức - MAI HỮU PHƯỚC(Nhân đọc tập thơ Bóng Thức của Nguyễn Tấn Thái)Sách mới: Một thời lính (Tập truyện ngắn – ký của Trần Như Đắc, NXB Quân đội nhân dân - 2011)Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNGCHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 - Hòa Vang bao điều nhớ bao điều quênNgôi trường hình trái tim - Truyện ngắn NHƯ HẠNHHai người bán mực khô ở Viêng Chăn - Truyện ngắn THÁI BÁ LỢINàng Hinh và những khúc quan hoài - Truyện ngắn NGUYỄN ANH ĐÀOChùm thơ Hai Ku - NGÔ QUANG THIThơ: Ngân VịnhXa em - MAI MỘNG TƯỞNGNiềm vui của ba - NGUYỄN TẤN ON Ngọn đèn và trang sách - HUỲNH MINH TÂMCơn mưa sau cùng - ĐỖ THƯỢNG THẾThu cho anh - THƯƠNG HUYỀNVàng thu - PHẠM THỊ TỊNHMùa thu thiếu phụ - VÕ VĂN TRƯỜNGĐưa em về - THỦY ANHĐi chùa Hương nhớ Nguyễn Nhược Pháp - VẠN LỘCNgày trong xanh - TRƯƠNG ĐÌNH QUÊĐất & Tôi - NGUYỄN GIÚPTrầu cau - MAI THANH VINHMùa mưa - PHAN HOÀNG PHƯƠNG SÁCH MỚI : Phù hoa - Truyện thơ Văn Cát Tiên, NXB Văn học, 2011Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNHNắng chiều - TRƯƠNG VĂN KHOA - Nhạc sĩ Lê Trọng NguyễnANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian - NGUYỄN NHÃ TIÊNTHẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤNChong chóng gióCó một mùa mưa…ĐINH QUỲNH NHƯ - Lớp 8/2 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìẨn - HUỲNH THỊ ÁNH NGUYỆT - Lớp 10/1 - Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - Giải BaNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNGĐọc và hiểu bài “Nam Quốc Sơn Hà” thế nào cho đúng? LÊ KHẮC NIÊN