Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNG

05.12.2011

Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNG

Nhà văn Trường Giang

Nhà văn Trường Giang tên thật là Trương Giảng, sinh ngày 3.3.1923, quê quán Tam Đà, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Ông nguyên là cán bộ văn hóa, chuyên nghiên cứu sân khấu, âm nhạc...thuộc ngành văn hóa TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi về hưu, ông lại chuyển sang viết truyện ngắn, trong đó, 2 tuyển tập đã ấn hành đáng chú ý là: Con mèo tam thể của tôi (tập truyện, 1984); Người dị hình (truyện ngắn, Nxb Đà Nẵng 1996). Một thời ông thường ký bút danh Trường Giang (N), để phân biệt với người trùng bút danh ở phía Bắc (B). Ông vừa qua đời vào ngày 14.10.2011.

Tôi gặp ông Trương Giảng những lần đầu vào khoảng cuối thập niên 80, chủ yếu trong các buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng, mà ông là người thường giữ vai trò quan trọng trong việc đánh giá về nội dung các sáng tác âm nhạc, sân khấu được công diễn. Trong ký ức tôi, ông là một người khó tính, luôn có những nhận xét tinh tế, sâu sắc đến mức khắt khe. Hồi đó, những anh em văn nghệ nghiệp dư đi xây dựng phong trào quần chúng cơ sở ở các nhà máy, Hợp tác xã... cũng thường rất ngại đụng độ ông. Tuy nhiên, về sau, tiếp cận ông nhiều lần hơn, tôi chợt nhận ra ông không khó như mình nghĩ. Thậm chí, nhiều chương trình bị ông "quạt” te tua rồi cũng được thông qua, hoặc được phần thưởng khích lệ. Có lần, tôi tò mò hỏi ông về việc đó. Ông nói: "Mình nói gắt như vậy, để anh em lắng nghe rút kinh nghiệm lần sau. Làm khó quá lấy chi anh em nuôi vợ, nuôi con!”.

Chính từ tính cách của một người nghệ sĩ lớn tuổi nghiêm túc, đa tài, đa cảm và đầy lòng trắc ẩn, nên về sau tôi không ngạc nhiên, khi bất ngờ đọc được những bản thảo truyện ngắn của ông với các tựa đề rất lạ: Ngài Tổng thống hạ giá gạo; Mưa chờ; Tùy bút một dòng tiết tấu; Con dao chẻ củi và người đàn bà đẹp; Người dị hình... qua bút danh Trường Giang.

Những truyện ngắn của nhà văn Trường Giang chính thức ra mắt khi ông đã khá lớn tuổi và chủ yếu in ở các báo chí địa phương như: Quảng Nam Đà Nẵng Chủ Nhật, Tạp chí Đất Quảng, Văn Nghệ Đà Nẵng..., nên có lẽ ít được chú ý. Nhưng theo tôi, vào thời điểm ấy, những sáng tác của ông đã góp mặt khá ấn tượng bằng một giọng điệu đặc biệt và trẻ trung trong dòng ”văn nghệ trẻ” Đà Nẵng của những thập niên đầu sau giải phóng.

Đọc văn Trường Giang, dễ nhận thấy ông có một bút lực khỏe khoắn, chừng tuôn trào rất dễ dàng, bởi ông luôn diễn đạt về những vấn đề đau đáu của xã hội. Bên cạnh đó, là một người am hiểu sân khấu, nên không gian truyện của ông cũng rất dễ hấp dẫn bởi tình tiết ly kỳ, mang nhiều kịch tính.

Có thể dẫn chứng truyện ngắn "Mưa chờ” - một trong những sáng tác khá thú vị của ông. Truyện hầu như không có cốt chuyện rõ ràng. Chỉ là những trò chuyện vu vơ giữa một chàng trai, một cô gái bên cạnh một quán bán thuốc lá lẻ của một ông già. Những lời thoại bắt đầu câu chuyện là: "Ngựa hay Mèo? - Dạ, thưa bác con không hút thuốc lá/- Không biết hút thuốc, vào đây làm gì?”... Thế rồi mạch truyện dẫn đến một ngôi vườn có ma, di sản tổ tiên của người bán thuốc lá vừa kiện được; nỗi đợi chờ của người yêu cô gái công tác ở huyện mỗi tuần gặp nhau một lần vào ngày thứ năm; những bức ảnh nghệ thuật và "mì ăn liền” của chàng trai... Để rồi, tác giả kết luận: "Con người có khái niệm "chờ đợi”, là chờ đợi sự phán quyết của trái tim. Chỉ có lời này mới đáng cho ta chờ đợi. Mưa không tạnh là nó đang chờ. Người ta thuật lại là cơn mưa ấy không bao giờ biết tạnh”.

Ở truyện ngắn "Tên đào ngạch và nhà hàng hải”, kể về câu chuyện một nhà hàng hải nửa đêm tỉnh giấc trong ngôi nhà mình bắt gặp quả tang một kẻ trộm đang đào ngạch. Tuy nhiên cuộc chạm trán giữa hai bên vừa mang tính cách anh hùng mã thượng, vừa mang tính triết lý cuộc đời. Tên đào ngạch không chịu nhận mình làm nghề đào ngạch, mà y nói ngược lại: "Ở ông, với lương giám đốc ông lại có một gia tài, theo thống kê của tôi, trị giá tới 96 triệu đồng. Thưa ông, không đào ngạch thì tài sản ấy lấy ở đâu? Bởi vậy, nghề chính của ông đích thực là nghề đào ngạch. Đúng không? Thưa ông”. Sau đó, tên đào ngạch tự giới thiệu mình là một người viết văn, "có bộ óc người, đôi mắt và trái tim người”. Nhà hàng hải xúc động nói: "Dù anh có xúc phạm tôi rất tệ, tôi vẫn xúc động trước thái độ thẳng thắn của anh. Vậy xin chân thành biếu anh ít tiền, anh đừng ngại”. Tuy nhiên, ngày hôm sau, tên đào ngạch đã cho người đến gặp nhà hàng hải và trả lại số tiền đã "mượn tạm”, và một tuần sau ông ta nhận được tờ báo biếu đăng truyện ngắn: Tên đào ngạch và nhà hàng hải.

"Tùy bút một dòng tiết tấu” truyện ngắn in trong tuyển tập Văn học Đà Nẵng 1997-2007 viết về chuyện tình của một gã hàng binh Mac-xen Ôriêng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Macxen vốn tốt nghiệp Công-xec-va-toa với luận án âm nhạc phương Đông, nên yêu âm nhạc Việt Nam lạ lùng. Từ tình yêu này, sau khi được gia nhập vào một đơn vị kháng chiến tại Quy Nhơn, Macxen đã yêu và kết hôn một cô gái người Việt tên Uyên. Cả hai cùng chung lý tưởng sưu tập tư liệu về âm nhạc hát bội và dân ca, nhưng cuối cùng chiến tranh đã cướp đi tất cả. Câu chuyện tác giả kể xảy ra trước đó đã nhiều chục năm, nhưng ông không mảy may khó khăn để nhớ mà ghi lại dòng tiết tấu kia: "Tôi nhẩm đi nhẩm lại dòng tiết tấu để may ra biết được điều gì ấy ở trong con người đã tạo ra nó. Tôi hình dung ở dòng tiết tấu những bước đi ngập ngừng, băn khoăn, khắc khoải ban đầu, rồi cố vươn lên, nhưng chưa được, rồi lại tỏ ra quyết tâm vươn lên, phóng lên theo một cái gì đó. Tạo hóa là tiết tấu. Lòng người là tiết tấu...”.

Trước khi qua đời, có khoảng hơn mười năm nhà văn Trường Giang ít tham gia các sinh hoạt báo chí, văn nghệ. Nhưng tôi tin rằng, với một tâm hồn nghệ sĩ, đầy những khát vọng sáng tạo như ông, chắc hẳn rằng ông vẫn còn để lại khá nhiều trang viết độc đáo. Mong sao những tác phẩm của ông được tập hợp đầy đủ, và đánh giá một cách đúng mức, để bạn đọc có dịp tiếp cận với những tác phẩm của một cây bút khá đặc trưng của xứ Quảng.

T.T.S

Bài viết khác cùng số

Hồn quê trong bóng thức - MAI HỮU PHƯỚC(Nhân đọc tập thơ Bóng Thức của Nguyễn Tấn Thái)Sách mới: Một thời lính (Tập truyện ngắn – ký của Trần Như Đắc, NXB Quân đội nhân dân - 2011)Ký ức về nhà văn Trường Giang - TRẦN TRUNG SÁNGCHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11 - Hòa Vang bao điều nhớ bao điều quênNgôi trường hình trái tim - Truyện ngắn NHƯ HẠNHHai người bán mực khô ở Viêng Chăn - Truyện ngắn THÁI BÁ LỢINàng Hinh và những khúc quan hoài - Truyện ngắn NGUYỄN ANH ĐÀOChùm thơ Hai Ku - NGÔ QUANG THIThơ: Ngân VịnhXa em - MAI MỘNG TƯỞNGNiềm vui của ba - NGUYỄN TẤN ON Ngọn đèn và trang sách - HUỲNH MINH TÂMCơn mưa sau cùng - ĐỖ THƯỢNG THẾThu cho anh - THƯƠNG HUYỀNVàng thu - PHẠM THỊ TỊNHMùa thu thiếu phụ - VÕ VĂN TRƯỜNGĐưa em về - THỦY ANHĐi chùa Hương nhớ Nguyễn Nhược Pháp - VẠN LỘCNgày trong xanh - TRƯƠNG ĐÌNH QUÊĐất & Tôi - NGUYỄN GIÚPTrầu cau - MAI THANH VINHMùa mưa - PHAN HOÀNG PHƯƠNG SÁCH MỚI : Phù hoa - Truyện thơ Văn Cát Tiên, NXB Văn học, 2011Đi tìm bóng chữ - NGUYỄN ĐÌNH VĨNHNắng chiều - TRƯƠNG VĂN KHOA - Nhạc sĩ Lê Trọng NguyễnANDRÉ GIDE - đứa con của trần gian - NGUYỄN NHÃ TIÊNTHẦY LAZARO PHIỀN- kiểu kết cấu nghệ thuật đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam - NGUYỄN THANH TUẤNChong chóng gióCó một mùa mưa…ĐINH QUỲNH NHƯ - Lớp 8/2 - Trường THCS Nguyễn Khuyến - Giải NhìẨn - HUỲNH THỊ ÁNH NGUYỆT - Lớp 10/1 - Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - Giải BaNgữ nghĩa địa danh Đà Nẵng VŨ HÙNGĐọc và hiểu bài “Nam Quốc Sơn Hà” thế nào cho đúng? LÊ KHẮC NIÊN