Nhà văn Ma Văn Kháng trăn trở với "Cõi nhân gian" (*)

19.06.2020

Nhà văn Ma Văn Kháng trăn trở với

Đến nay, nhà văn Ma Văn Kháng đã cho ra đời hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, chủ yếu lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn miệt mài sáng tạo như người nông dân cần mẫn trên cánh đồng văn chương. Tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn là Người khách kỳ dị được NXB Phụ nữ ấn hành quý 3, năm 2019.


Ông từng là một thanh niên tràn đầy tình yêu lý tưởng, đã xung phong lên miền núi xa xôi công tác. Gần 20 năm sống ở Lào Cai, ông có điều kiện tiếp xúc, gần gũi, thấu hiểu cuộc sống và con người ở mảnh đất này. Quãng thời gian đó đã giúp ông tích lũy một vốn sống dày dặn, làm tiền đề cho sáng tác của mình, góp phần làm nên những truyện ngắn chân thực, sinh động của một ngòi bút giàu trải nghiệm và có tầm nhìn sâu rộng trước hiện thực.Tập truyện Người khách kỳ dị gồm 16 truyện ngắn, dày 260 trang, tiếp tục là dòng chảy cho cảm hứng bất tận của Ma Văn Kháng về những đề tài vốn đã trở thành thế mạnh trong bút lực của ông. Để sáng tạo nên những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn chứa đựng những nét huyền bí về phong tục, quan niệm tâm linh, sự linh thiêng của con người nơi miền núi Tây Bắc heo hút trước hết là nhờ những năm tháng ông gắn bó với tỉnh miền núi Lào Cai.

Người khách kỳ dị không thuần túy kể chuyện miền núi. Không gian trong tập truyện được trải rộng từ Hà Nội đến Lào Cai, thậm chí cả vùng biển miền Trung. Đó là những truyện ngắn vừa có sự giản dị, gần gũi, rất đời lại vừa hàm chứa những bài học nhân sinh sâu sắc. Người đọc như được chứng kiến những con người thực, việc thực, sống động đang hiển hiện trước mắt ta hoặc ta đã gặp ở đâu đó nhưng cũng không kém phần ly kỳ. Chính những yếu tố kỳ dị, có phần hoang đường được nhà văn khéo léo lồng ghép vào một số truyện ngắn đã tạo nên sự hấp dẫn, khiến độc giả đã đọc là bị lôi cuốn đến tận dòng chữ cuối cùng (Người có gương mặt giống vợ anh, Cám ơn anh nhé, Rơi xuống biển cả, Nhà mới tậu).

Sự kỳ dị thể hiện ở những chi tiết nửa thực nửa hư, nửa nghĩ là người, nửa nghĩ là một thế lực siêu nhiên nào đó. Thế giới tâm linh huyền bí được nhà văn đề cập, gợi một cái gì thiêng liêng như mạch ngầm từ quá khứ nối với hiện tại (Cát bụi, Một đám cổ khâu) giúp những thành viên trong gia đình xích lại gần nhau. Đằng sau những yếu tố kỳ bí, nhuốm màu hư ảo trong truyện Mùa săn ở Na Lê là cuộc chiến cam go của con người với sức mạnh tàn bạo hủy diệt của thiên nhiên; là cuộc đấu lực, đấu trí giữa tinh người và tinh hổ, giữa cái thiện và cái ác.

Tập truyện đã chứng tỏ khả năng quan sát tinh tế và bao quát đời sống cũng như trăn trở, suy tư của nhà văn trước những vấn đề nhân sinh nóng hổi. Đó chính là sự tha hóa của con người trong xã hội hiện đại nơi thành thị. Những mối quan hệ thiêng liêng như tình thầy trò, lứa đôi, gia đình… bị chà đạp, đảo lộn như một hồi chuông cảnh tỉnh khi vật chất chi phối cách nhìn, cách sống của con người (Đất dữ, Giời có mắt, Quán ăn nổi). Ma Văn Kháng còn vạch trần thói xu thời: tham lam, ích kỷ, mê tín dị đoan. Chuyện giải hạn, xem ngày tốt để động thổ, tìm mộ… với sự xuất hiện của những nhân vật thầy bói, thầy cúng, nhà ngoại cảm chỉ làm tăng thêm sự phê phán, khiến người ta phải suy ngẫm về những giá trị thực của cuộc đời, của hiện tại.

Một số truyện đã xây dựng thành công những nhân vật rõ nét về cá tính, được đặt trong những tình huống điển hình của đời sống khiến người đọc như bắt gặp phần nào con người của chính mình trong đó. Nhà văn đưa ra lời cảnh tỉnh con người cần phải luôn cảnh giác, tránh xa cái xấu, cái ác; đồng thời lên án những việc làm sai trái, vô đạo đức, mù quáng. Bên cạnh những thói hư tật xấu, những xót xa, tủi nhục, nhẫn nhịn là vẻ đẹp của tình người ngời sáng mà ta bắt gặp qua các nhân vật: Thuyết (Nửa đêm), thầy giáo Phùng (Thầy Phùng kỳ quặc khác người), ông Ngọ (Con chuồn ớt và ông già cổ giả), ông Biền (Cám ơn đàn chim rừng). Những truyện ngắn ấy lấp lánh ánh sáng nhân văn, khơi gợi bản tính thiện trong mỗi con người đem lại cho chúng ta niềm tin, niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp luôn song hành trên đường đời.

Là nhà văn ưa triết lý, Ma Văn Kháng thường xen vào trong truyện của mình những triết lý thâm thúy, những chiêm nghiệm về đời, về người khiến ta phải suy ngẫm: “Đời người như căn nhà lớn có nhiều căn buồng nhỏ, buồn vui, cay đắng ngọt bùi đều đủ chỗ chứa” (tr202). “Thiên toán bất do nhân toán, người tính không bằng giời tính” (tr188)… Những triết lý ấy vẫn còn nguyên giá trị bởi nó được viết bằng trải nghiệm của cả cuộc đời nhà văn.

Tập truyện được viết bằng một thứ ngôn ngữ biến hóa và giọng điệu linh hoạt: khi nhẹ nhàng, rủ rỉ gần gũi, đậm chất đời; khi ly kỳ lôi cuốn bởi những chi tiết độc đáo, chỉ có trong tưởng tượng của nhà văn. Nhiều truyện tạo được cao trào khiến ta hồi hộp rồi vỡ òa với những cách “cởi nút” rất tự nhiên, logic (Người khách kỳ dị, Mùa săn ở Na Lê, Giời có mắt…).

Với Ma Văn Kháng, viết chính là cuộc sống. Viết để gửi gắm những trăn trở về “cõi nhân gian”. Vì vậy, đọc tập truyện, ta càng hiểu hơn về hành trình lao động nghệ thuật miệt mài của nhà văn, càng trân trọng tài năng cũng như tâm huyết của ông dành cho văn chương nghệ thuật, cho cuộc đời.

NAM HỒNG

(*) Đọc Người khách kỳ dị - NXB Phụ nữ ấn hành quý 3, năm 2019.
(baodanang.vn)