Có lẽ nào tình yêu luôn ẩn ức trong lòng - Hiền Xuân
Tôi không đi tìm giá trị nghệ thuật trong tập truyện ngắn và tùy bút này mà đi tìm chân giá trị con người - “tình yêu” như nội dung tập sách thể hiện, đó chính là cái tôi băn khoăn nhất. Có lẽ nào tình yêu luôn ẩn ức trong lòng! Khi lần lượt đọc hết tập sách này, tôi cũng nhận ra được những giá trị về tình yêu từ giản dị đến thâm sâu, từ thanh nhã đến tục trần của một con người từng trải. Có ai sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào, huống gì một người có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không khen văn của tác giả cũng chẳng chê trách bất cứ lời nào, bởi văn chương là hoa, là cỏ đất trời, có người thấy đẹp, có người bảo không, tùy người thưởng ngoạn đang đứng
ở góc độ nào để “cảm”. Và điều đó đã được Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa cảm nhận:
“Không gian đậm nét là những hình ảnh miền quê xứ Quảng, từng ngày đổi thay, đẹp hơn lên, quyến rũ lòng người, rộng hơn là những miền đất của miền Trung. Không gian thân quen ấy tạo nên một trường thẩm mỹ (champ de l'esthetique), hút lấy ngòi bút của Huỳnh Viết Tư, mãi say đắm và ngợi ca. Có thể thấy, có một dòng sông quê thao thiết chảy qua những trang viết của Huỳnh Viết Tư. Điều này cũng dễ hiểu. Tác giả sinh ra và lớn lên, nhất là tuổi thơ, gắn liền với vùng sông nước Cẩm Nam - Hội An, với dòng sông Thu Bồn. Vì thế, sông quê cứ ngày đêm không ngừng chảy qua những cảm xúc, chảy qua những vui buồn cuộc sống, chảy qua những mảnh đời sông nước, từ đó, làm nên những câu văn, lời thơ của Huỳnh Viết Tư.
Sinh ra, ai cũng có một dòng sông, nói như nhà thơ Bế Kiến Quốc, dòng sông đó gắn bó với mỗi đời người: Mỗi con người gắn bó một dòng sông/ Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng/ Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng/ Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta.../ Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa. Con sông quê trong văn Huỳnh Viết Tư trở thành một sinh thể, có cuộc đời riêng: sông bao bọc quanh làng và đã ôm ấp lấy tôi cả một thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Khi phải xa sông để tìm cuộc sống mới, dòng sông vẫn êm ả chảy trong tôi.
Những cảnh trí, hội hè, sinh hoạt bên dòng sông vẫn luôn đi và về trong nỗi nhớ và trang văn của Huỳnh Viết Tư. Con sông quê như sống dậy vào mỗi dịp xuân về: Và khi ngọn gió xuân hây hẩy gọi mời, bến sông quê vang lên nhịp chèo làm âm vang đâu đây tiếng xướng, tiếng xô, dạt dào sóng nước trong nỗi nhớ quê da diết khôn cùng. Làng quê của tác giả: Cẩm Nam là một hòn cù lao nhỏ, nằm cạnh phố cổ Hội An, được bao bọc xung quanh bởi sông nước từ các nhánh sông của hạ lưu sông Thu Bồn trĩu nặng phù sa, tạo nên một vùng đất màu mỡ, trù phú,... Nơi triền sông ấy, từ bao đời nay vẫn giữ hồn cốt của Hương bắp. Nơi mà: một lần đặt chân đến mảnh đất Cẩm Nam, như một lời hẹn ước, lần sau lại phải quay về.
Đọc Hương bắp, sẽ thấy tình yêu ấy. Không có một tình yêu đối với những món thổ ngơi của quê hương thì không có những trang viết đậm đà, tha thiết và bay bổng như thế. Điều này làm nhớ đến Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường. Đó là, hương vị của đất lề Thăng Long phả vào từng trang văn, giản dị và thanh khiết, tinh tế và trân trọng, làm nên văn ấy, giọng ấy của Thạch Lam.
Hội An, cái thị xã bé như bàn tay, qua bao năm tháng, đã để lại cho tác giả những kỷ niệm khó phai mờ. Ngày nhỏ: những hình ảnh, những cảm xúc chân thành của nó đối với những quyển sách cũ, gắn liền với quê nhà của nó như máu thịt... Đi bộ chừng nửa tiếng đồng hồ đã gặp hơn 10 hiệu sách... Sách theo nó đi ra đồng, ngồi trên lưng bò, xuống dưới hầm sâu khi ngoài trời bom đạn ì ầm hay những đêm yên ắng làm bạn với ngọn đèn tù mù, lúc theo ghe trôi trên dòng nước lụt về... Những con phố nhỏ, dài và hẹp, một đời không thể nào quên: tím bằng lăng, vàng cánh diệp, đỏ thắm trời phượng vĩ và em: nỗi buồn vu vơ, chợt đến chợt đi, như cơn mưa đầu mùa. Em đã cho tôi tà áo trắng trinh nguyên thuở dại khờ. Trên dòng sông qua con đò nhỏ, gió phất phơ đưa. Có người con gái vô tư đến vô tình... để bây giờ ngoái đầu nhìn lại, luyến tiếc thật nhiều những gì đã xa. Khát cháy niềm yêu...
Tác giả còn yêu những vùng đất như Sơn Trà, Đảo Lý Sơn, Phước Sơn (Bản tangor đầu đời), Hà Nội (Tiếng gõ mùa đông). Cảm hứng từ cầu vượt ngã ba Huế...những miền đất mà: nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương (Chế Lan Viên). Văn Huỳnh Viết Tư là thứ văn nhẹ nhàng, dễ đọc, không điệu đàng câu chữ. Tác giả chủ động cảm xúc, biết chỗ dừng của sự kiện, của tư liệu lịch sử. Tôi vẫn yêu những trang văn thấm đượm chất thơ và màu sắc quê hương của tác giả dễ thường đánh đắm lòng người.
Tình yêu là món quà tạo hóa trao tặng nhân gian nên dễ dàng được tiếp nhận nhất. Bởi vì nó là lẽ sống theo đuổi của loài có linh tính cao nhất trong muôn loài. Tình yêu và Quê hương là hai lĩnh vực tôi nhìn thấy được rõ rệt nhất trong tập sách này, nó xoắn xuýt nhau, đuổi bắt nhau như dòng Thu Bồn dữ dội nhưng cũng không kém phần trữ tình, cứ đắp bồi rồi làm dang dở dọc hai bên triền nó đi qua, giống như tình yêu có khi ta cứ sẵn lòng cho đi và rồi sẽ chẳng mong được nhận lại, nhưng như là quy luật, bên này dạt dào đề bù trừ cho chỗ nông cạn bên kia... là lẽ muôn đời.
Cho nên tình yêu gửi lại của tác giả là tình yêu trọn vẹn, hết mình khi chỉ biết cho đi, chỉ biết trao tặng tất cả nhưng không cầu toàn mỹ. Tôi lại thấy thấp thoáng những địa danh thân quen từ gốc rễ thượng nguồn xa xôi của dòng sông Thu Bồn chảy đến tận cùng vùng hạ lưu, dòng sông mở lòng mênh mang ùa ra biển cả, đến tận Cù Lao Chàm nhưng chưa chịu dừng lại ở đó. Tác giả vươn đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để ôm ghì vào lòng đất mẹ, để mở ra một chân trời bao la, gọi tất cả biển bờ đất nước của Tổ quốc yêu thương!
Ở một nơi vừa có nước ngọt phù sa vun bồi những làng quê cây trái trĩu quả đơm cành lẫn hương biển mặn nồng, hồn hậu chất phát như là Hội An trong tôi, thì hẳn con người vùng ấy cũng là kết lắng tinh túy của đất trời nơi phù sa Thu Bồn.
H.X
(Tap chi Non nươc số 265)