Đến với văn chương, Nguyễn Quang Thiều luôn cho mình những sự thể nghiệm khác nhau. Chưa bao giờ anh chịu bó mình trong một thể loại nhất định. Chính điều này đã tạo nên cho văn chương đương đại một cây bút đa dạng.
Từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học, ở “cuộc chơi” nào Nguyễn Quang Thiều cũng định vị được cho mình một cá tính riêng.
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng là tập tản văn mới của Nguyễn Quang Thiều được NXB Trẻ ấn hành. Mới đây, nhà văn đã có buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm mới.
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi như: PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp, PGS - TS Chu Văn Sơn, PGS - TS Ngô Văn Giá, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên,TS Đỗ Hải Anh, nhà thơ Thụy Kha, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Nguyễn Đình Chính… và một số bạn bè thân hữu của tác giả như: họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Minh Trí.
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng của Nguyễn Quang Thiều là tập hợp 25 tản văn, được chia làm bốn phần, được ví như bốn giấc mộng có sự kết nối với nhau.Với vai trò là MC của buổi toạ đàm họa sĩ Lê Thiết Cương đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng những cảm nhận của mình về tập tản văn Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng. Họa sĩ của “những chiếc cổng làng” cho rằng: dù là văn chương hay hội họa, thì một tác phẩm ấn tượng là tác phẩm phải tạo được ám ảnh cho người đọc, và cuốn sách này đã làm được điều đó.
Bên cạnh mỗi bài viết là một bài thơ, tồn tại như một kết nối đầy cảm xúc. Mỗi bài viết là một câu chuyện, chứa đựng những suy nghĩ và trăn trở rất riêng của nhà văn. Tác giả đã chắt lọc những trải nghiệm quý báu trong cuộc đời từ khi chỉ là chú bé con, cho đến lúc trưởng thành ngao du bốn biển. Ở đó, có sự trăn trở về cái hữu hạn của kiếp người, có sự hối hận của những người lính Mỹ mà nhà văn đã từng có dịp tiếp xúc và làm bạn.
Để nói về tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, PGS- TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Tác giả đã khắc họa một không gian âm tính đậm nét. Văn phong của Nguyễn Quang Thiều là sự giao thoa giữa trường phái văn học hiện đại và văn học hậu hiện đại”.Hình ảnh làng Chùa một lần nữa hiện lên trong văn của Nguyễn Quang Thiều một cách đầy trìu mến mà cũng lắm tâm sự. Nhà văn bộc bạch rằng: chuyến đi quan trọng nhất của cuộc đời ông có lã là chuyến sang sông, rời làng Chùa về quê ngoại ăn giỗ. Làng Chùa trong tâm hồn nhà văn như một chốn linh thiêng của cảm xúc.
Còn PGS - TS Chu Văn Sơn chia sẻ: “Tôi là người đọc văn Nguyễn Quang Thiều rất sớm và khá trọn vẹn. Trong văn của anh hình ảnh sông Đáy trở đi trở lại như một ám ảnh. Nhưng ám ảnh sâu nhất trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều lại là ám ảnh về cái chết. Trong cuốn sách này ta sẽ bắt gặp hàng loạt các sự vật, hiện tượng đối lập nhau cùng tồn tại như: bóng tối- ánh sáng, sự sống- cái chết. Dường như Nguyễn Quang Thiều quan tâm nhiều đến “phần âm” của cuộc sống. Nói về nó là cách anh khơi gợi lên sự phục sinh và cội nguồn của cuộc sống”.
PGS - TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái có những cảm nhận rất riêng về tác phẩm mới của Nguyễn Quang Thiều: “Giống như Lưu Quang Vũ, bản chất của Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ. Tác giả đến với văn chương bắt đầu từ thơ. Dù có di chuyển liên tục giữa hai địa hạt văn xuôi - thơ, Nguyễn Quang Thiều vẫn không thoát khỏi cái bản ngã của một nhà thơ. Trong văn anh luôn tràn đầy sự lãng mạn, tư duy hình ảnh, suy ngẫm và tưởng tượng".
Với tập tản văn Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộngNguyễn Quang Thiều lại thử sức mình trong “cuộc chơi mới” về thể loại. Ở đó, có sự cách tân và đan xen giữa cái cũ và cái mới. Bỏi con người nghệ sĩ trong anh không cho phép bản thân được quên lãng chính mình.
Thụy Oanh
(news.zing.vn)