“Ma rừng”: Rừng xanh sót lại giữa lòng người
Tên của cuốn tiểu thuyết gợi cho người đọc cảm giác rùng rợn, sợ hãi về truyền thuyết về loài ma quỷ trong rừng, vốn thường có ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng thực ra, điều đó chỉ một phần nhỏ. Đọc xong cuốn sách, mới thấy “ma rừng” ở đây là các chủng sinh khác đang sống bám vào rừng. Chúng tự biến thành “ma” khi là tác nhân gây ra cuộc thảm sát rừng, hiện tượng xảy ra trên cả nước, bất cứ nơi nào có rừng.
Bối cảnh của Ma rừng là một khu rừng nguyên sinh, mới được Nhà nước quyết định nâng cấp thành Khu bảo tồn thiên nhiên. Những chiến sĩ kiểm lâm lần đầu tiên khoác ba lô lên lập trạm giữ rừng, gắn bó với dân bản sở tại để bảo vệ rừng nguyên sinh. Từ khi có dự án mở đường vào Khu bảo tồn thì các loại “ma rừng” xuất hiện, nhe nanh, giơ vuốt cắn xé rừng không thương tiếc. Những con ma len lỏi trong từng thôn bản, xúi giục người dân vì đồng tiền, hạt gạo mà cố tình phá rừng. Có những con ma lớn hơn nằm trong chính quyền nhà nước, lợi dụng quyền chức để tổ chức phá rừng. Như ông Khả phó Chủ tịch huyện bị đàn bà lợi dụng, tiếp tay cho lâm tặc, còn cưỡng bức một cô sinh viên trường y có thai. Kết bè phái, thành “lợi ích nhóm” để tìm cách đẩy những người tốt ra khỏi rừng.
Chúng ta bắt gặp những thân phận nhỏ nhoi như ông Pháo, Học, chị Mận… là những người làm ăn lương thiện, nhưng vì kế sinh nhai cũng bị cuốn vào vòng quay phá rừng. Cuộc chiến giữa và phá rừng xảy ra ác liệt, với những cuộc đụng đọ, xô xát dẫn đến thương tích, chết người. Những người tâm huyết với rừng như Kỹ sư lâm nghiệp Hà, chủ tịch xã Đức, cô Mây, già Hoa, nhà báo Quảng… đã sát cánh bên nhau trong cuộc chiến giữ rừng. Những mối tình ngang trái, thủy chung đã nảy nở trong cuộc chiến ấy và đã nở hoa, kết trái mỹ mãn.
Những con “ma rừng” có thời điểm tưởng như đã thắng thế, “âm binh, phù thủy” ẩn nấp khắp nơi trong rừng, cái ác lấn lướt cái thiện, càng làm cho quyết tâm giữ rừng của người dân lên cao. Và cuối cùng, bao giờ nhân dân cũng chiến thắng. Người dân bản Gió đã giành giật lại được rừng và những người tâm huyết với rừng.
Những trang văn ngồn ngộn sức sống, thể hiện sự từng trải và vốn sống giàu có của tác giả. Những chi tiết của công việc đóng bè, thả bè, những phong tục, tập quán, ngôn ngữ của bà con dân tộc Dao, Mường được thể hiện khá tốt. Ma rừng không những thành công ở nội dung tuyên truyền mà còn đạt được chất lượng trong nghệ thuật văn học.
Lưu Thúy Hà
(vanhocquenha.vn)