Sài Gòn không dễ dàng, nhưng vui!

22.01.2018

Sài Gòn không dễ dàng, nhưng vui!

Thế giới những người trẻ nhập cư, mưu sinh nơi đô thị Sài Gòn ngày nay dưới ngòi bút của Phạm Gia Trang mang đầy chất phiêu lưu khoái hoạt dù trong những tình cảnh có nghiệt ngã chao đảo đến mức nào

- "Sài Gòn nhiều cạm bẫy lắm con ạ, không dễ dàng như con nghĩ đâu".

- "Thế chẳng phải ở nhà mình sống cũng chẳng dễ dàng gì sao bố?".

Đoạn đối thoại trên hẳn quá quen thuộc với những độc giả xa quê lên phố lập nghiệp. Nó hàm ý chua chát khi những người trẻ ở thôn quê, không cách nào khác, phải quay lưng với bờ tre ruộng lúa đi về phía thị thành.

Tập truyện dài "Sài Gòn kỳ án" của Phạm Gia Trang (First News & NXB Tổng hợp TP HCM, 2018), nếu chỉ nói về hành trình lập nghiệp của một chàng trai ở vùng núi đồi Ea Kar (Đắk Lắk) về Sài Gòn bươn bả mưu sinh, thì chắc cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt để quan tâm. Nhưng điều thú vị là, trong một cuốn sách rất ngắn và hầu như thuật lại hơn bảy mươi phần trăm chuyện vào đời, tác giả của nó, một người mới viết văn nhưng sớm tìm ra giọng điệu riêng đầy hấp dẫn, đã vẽ lại một lúc 3 cuộc hành trình mưu sinh khốc liệt với một lối kể nhẹ tênh, hài hước. Trước hết là cuộc hành trình của thế hệ "kinh tế mới" (cha, mẹ của nhân vật tôi từ vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ tìm chỗ cắm dùi giữa vùng đồi núi Tây Nguyên xa lạ). Sau đó là cuộc phiêu lưu tìm giấc mơ thành thị của nhân vật tôi và song trùng với hành trình này là cuộc dấn thân sống hết mình của hai nhân vật hư cấu luôn sống động trong tưởng tượng của cậu, phóng chiếu đời sống của cậu: Xê Cu Ra và Chi Wa Wa.

Những cuộc hành trình cứ bện xoắn với nhau, tạo ra một thứ kết cấu không bình thường trên một nền văn phong… bất bình thường, chi tiết liên tục dồn đuổi, ngồn ngộn và cứ dăm trang sách lại gặp một màn cười ngả nghiêng.

Cuộc tình sấp ngửa của nhân vật tôi, cuộc tìm kiếm công danh cơm áo vừa thực tế lại vừa viễn mơ của anh ta và đặc biệt, trong hiện thực ít nhiều va vấp đó, hình tượng truyền cảm hứng, nghệ thuật sống xuất hiện vừa lung linh lại vừa có thể là trò giễu nhại bất tận khi các bài học chẳng phải lúc nào cũng ăn khớp với sự đời (hình ảnh anh Tony trong tác phẩm này có thể gợi độc giả hình dung đến những tác phẩm chia sẻ giá trị sống và truyền cảm hứng của Tony buổi sáng. Bản thân tác giả cũng cho biết anh ngưỡng mộ Tony và đã làm những cuộc "điều tra" âm thầm để tìm hiểu xem Tony thực sự là ai!?).

Có đổ vỡ không? Có. Đổ vỡ lớn lao nhất, khôi hài thay, lại nằm ở thứ tưởng chừng rất nhỏ: kỷ vật buộc chặt tâm trí với gia đình, cha mẹ, quê nhà - thứ mà rất nhiều lần nhân vật chính phải lao đao giữ gìn, thứ quý giá của cuộc đời rốt cuộc lại chẳng phải vàng mười. Vậy thì trong những đổ vỡ đó, điều mà những người ngụp lặn trong đô thị với cuộc sống thường nhật cần đến là gì? Phải chăng là một tinh thần đầy mạnh mẽ để không đánh mất tin yêu, nghị lực và cả lòng khoan dung với con người, cuộc sống và cả chính mình để biết cười. Tiếng cười cất lên vừa như một sự hóa giải với cuộc đời, lại vừa như một liệu pháp tinh thần để nội trị, không gục ngã.

Nhờ vậy, chuyện tình bạn, tình yêu hay những va vấp trong đời sống được hóa giải bằng những bông đùa, khiến cái lẽ ra đắng đót, u ám (như đã thấy trên nhiều trang viết của các tác giả trẻ khác) trở nên nhẹ tênh, phóng khoáng và hào sảng! Thế giới những người trẻ nhập cư, mưu sinh nơi đô thị Sài Gòn ngày nay dưới ngòi bút của Phạm Gia Trang mang đầy chất phiêu lưu khoái hoạt dù trong những tình cảnh có nghiệt ngã chao đảo đến mức nào.

Tác giả là dân làm marketing tạt ngang qua văn chương khi rảnh rỗi nên có những lấp lánh của người quen chơi với các ý tưởng. Một thứ văn chương kiểu "bá đạo" (theo cách nói của những người trẻ ngày nay khi diễn đạt về cái tinh thần "giang hồ" bất cần, lắm lúc ngỗ ngược), khiến người đọc nhiều phen bật cười. Đây là một loại Châu Tinh Trì trong văn chương, lâu lắm mới có một ca! 

 Nguyễn Vĩnh Nguyên
(nld.com.vn)