"Một thời Hà Nội hát"

06.03.2019

"Dù hạnh phúc có ra đi nhưng tình ta còn đó. Như ngàn năm ngàn năm sóng vỗ vẫn ôm một bờ cát mà thôi…".

Ca từ trong bài "Màu nắng có bao giờ phai đâu" như một lời khẳng định son sắt vào thứ tình cảm dù thăng trầm biến động, qua lịch sử, qua thời gian. Tất cả được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn gửi gắm lại qua bản tình ca cuối cùng của mình viết năm 1986, chất chứa hoài niệm về một thuở vàng son, buổi đầu của tân nhạc Việt Nam mà sau này ta vẫn quen gọi là tiền chiến. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đã tái dựng không khí một thời ấy qua thiên du khảo "Một thời Hà Nội hát" (NXB Trẻ ấn hành).

Thông qua việc khắc họa chân dung nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Trương Quý đưa người đọc về lại thời Hà Nội thập niên 1940 - 1950, khi nền tân nhạc đang đi vào giai đoạn phát triển rực rỡ của mình để đáp ứng nhu cầu số đông quần chúng đang khao khát một luồng gió mới.

Nguyễn Trương Quý đi sâu vào giải mã, phân tích những hình ảnh, ca từ trong âm nhạc Đoàn Chuẩn, đã chỉ ra những hình ảnh thành điển phạm trong sáng tác của ông. Công cuộc giải mã ấy còn để đi tìm lời giải cho mối tồn nghi quan hệ khăng khít giữa Đoàn Chuẩn với Từ Linh. Mối tình tri âm tri kỷ hiếm có trải từ thời thanh niên cho đến lúc ly trần, cả trong lúc cực thịnh cũng như lúc suy vi, họ vẫn gắn bó với nhau, không câu nệ thân phận. Một tình bạn được tôn vinh bằng cách ký tên chung dưới cùng một bản nhạc, để thời gian có phôi pha, cả hai người đã thành thiên cổ thì những tình khúc của họ vẫn đi cùng năm tháng.

Bằng việc chép lại tiểu sử của một cá nhân, Nguyễn Trương Quý đã chép lại tiểu sử của một vùng đất với những thăng trầm và biến động, đặc biệt trong những thời khắc chuyển giao sau năm 1954. Đó không chỉ là sự thay đổi trong nếp sống mà còn là sự chuyển hóa về mặt tư tưởng, ảnh hưởng không nhỏ đến sáng tác của các nghệ sĩ sau này. Nguyễn Trương Quý đã nhìn Hà Nội qua đôi mắt Đoàn Chuẩn và đến chúng ta khi lật giở những trang của "Một thời Hà Nội hát" vẫn nhìn ngắm thủ đô bằng đôi mắt ấy, đôi mắt của một "huyền thoại Hà Nội".

Trong thời đại mới, khi thật - giả lẫn lộn như hôm nay, việc đi tìm một giá trị bền vững tưởng chừng như là công cuộc của những con người hiện đại. Ở tâm của những cuộc chiêu tuyết cho những giá trị cũ, "Một thời Hà Nội hát" xuất hiện như đáp ứng phần nào những đòi hỏi tìm hiểu của hậu thế về quá khứ. Bằng cách đó, lần nữa tái khẳng định rằng có những thứ đã từng tồn tại chứ không chỉ là một giai thoại về một vùng đất hay một lớp thị dân xưa với tâm hồn hào hoa không trộn lẫn vào đâu được.

Chính vì thế, cuốn sách không chỉ về "một thời Hà Nội hát" mà nó còn là một thời Hà Nội sống, một thời Hà Nội yêu, một thời định hình Hà Nội cho đến hôm nay.

 

Huỳnh Trọng Khang

(nld.com.vn)