Thời thanh xuân đã xa

27.02.2019

Thời thanh xuân đã xa

 Một tập thể người Việt sống và lao động ở nước ngoài, hiển nhiên lẫn đâu đó trong hàng loạt những cuộc vui là những câu chuyện buồn tủi.

Thập niên 1980, khi Liên Xô vẫn là một điểm đến lý tưởng của Việt Nam, một chuyến bay với hơn 150 phụ nữ Việt đã đáp xuống thành phố Barnaul, có người nghèo tới mức chẳng có "vali để đựng quần áo" mà dùng bị cói. 

Họ đến nước bạn để làm công nhân kiếm tiền gửi về gia đình. Sau khi đến được ký túc xá, cả đoàn bước vào sân, nhóm người Việt cũ ở đây hò reo chào mừng đồng hương, họ chen ra sân, đưa đầu ra cửa sổ từ các tầng xem mặt người mới. 

Cửa sổ bằng kính có khung gỗ ở tầng 5 không chịu được áp lực, rơi thẳng xuống đầu một công nhân mới, chị la lên rồi "ngã lăn dưới đất, tay ôm đầu, máu me bê bết". 

Đây là một trong rất nhiều những chuyện "cười ra nước mắt" được kể lại trong tập ký Thời thanh xuân đã xa của Nguyễn Thị Thúy, tác giả và cũng là phiên dịch của đoàn công nhân ngày xưa.

Xuất khẩu lao động mọi thời đều giống nhau: buồn và tủi nhục. Không ai tự nhiên muốn rời khỏi quê hương để mưu sinh xứ người, không người thân bên cạnh. 

Nguyễn Thị Thúy hơn ai hết hiểu điều đó, tuy nhiên quyển ký này lại là một cái nhìn đầy cảm thông về quá khứ chứ không phải để than vãn, trách móc.

Xuyên suốt các trang sách, kéo dài qua xuân, hạ, thu, đông trong 4 năm, là hơn 60 câu chuyện nhỏ phác họa một đời sống công nhân ngoài công xưởng: ngày học tiếng Nga đầu tiên, đi xem phim, làm bún chả, đến chơi nhà bạn thợ cả, cãi vã với nhân viên bán hàng... và cả những câu chuyện tình yêu từ những "mẩu thư tai quái".

So sánh là điều khó tránh khỏi đối với những người phụ nữ này khi lần đầu đặt chân đến một nước giàu hơn mình, họ nhìn đâu cũng bỡ ngỡ, từ đường phố, phương tiện giao thông đến thực phẩm, người đọc chắc sẽ phải mỉm cười trước phản ứng ngạc nhiên của họ khi biết phòng khám đa khoa nước bạn có cả "phòng gửi áo" và "thảm chùi chân" ở cửa. 

 

Cảnh các công nhân lần đầu tiên chứng kiến tuyết rơi, tập nặn người tuyết hay được tận mắt thấy cánh rừng taiga vào hạ xanh ngát được "điểm xuyết với những cánh hoa rừng" cũng mang lại ít nhiều xao xuyến với những ai quen thuộc văn học Nga.

Một tập thể người Việt sống và lao động ở nước ngoài, hiển nhiên lẫn đâu đó trong hàng loạt những cuộc vui là những câu chuyện buồn tủi. 

Tác giả đã không hề né tránh những mâu thuẫn giữa ta và người nước bạn, như người Việt nhận những ánh mắt khó chịu từ người nước bạn khi đi "tầm hàng" gửi về Việt Nam, một trong những hoạt động phổ biến mà trong thời khốn khó, công nhân ta hay làm là săn mua bàn ủi, áo bay... gửi về nhà bán lấy tiền.

Hiện nay vẫn có hàng nghìn người Việt đang vất vả kiếm sống tại Nga. Có người mới từ Việt Nam sang, cũng có người đã ở lại từ khi Liên Xô biến mất. Thời thanh xuân đã xa của Nguyễn Thị Thúy kể những câu chuyện của một nước Nga cũ, nhưng những nhân vật trong đấy lại mang cả hình ảnh của những người lao động hiện tại ở nước Nga mới. 

Những người Việt lao lực ngày đêm và trông chờ vào lòng tốt của những người bản xứ để có sức chống chọi lại với từng cơn gió tuyết.

 Huy Huỳnh
(tuoitre.vn)