‘Nhìn nhau trong nắng’ - Hàn huyên chuyện cũ ngày thu

24.10.2016

‘Nhìn nhau trong nắng’ - Hàn huyên chuyện cũ ngày thu

Cuốn sách nhỏ của Lê Thúy Hà như một chiếc hộp đầy ắp cảm xúc và kỷ niệm. Đó không chỉ là giận hờn, xót xa, nhung nhớ, chúng còn là mảnh tâm hồn ta muốn giữa mãi không buông.

Sau Con trai, những ngày mẹ vắng nhàNhìn nhau trong nắng là cuốn sách thứ hai của tác giả Lê Thúy Hà góp mặt trong bộ sách Viết cho những điều bé nhỏ.

Nhẹ nhàng, tràn đầy xúc cảm như những trang nhật ký, người phụ nữ lắm mộng mơ có chút nổi loạn và đầy cá tính ấy đã ghi lại những kỷ niệm ăm ắp của tháng năm. Những câu chuyện tưởng chừng đã ngủ im trong tâm trí của cô bé 5 tuổi. Vài giấc mộng màu hồng của cô gái tuổi hai mươi. Cuối cùng là những buồn vui của người phụ nữ tuổi 40 với bao lo toan.

Bằng một lý luận mang đầy tính triết học Lê Thúy Hà cho rằng: tuổi thơ chỉ bắt đầu khi đứa trẻ ý thức được sự tồn tại của nó. Những ký ức mơ hồ nhất về tuổi thơ của tác giả bắt đầu khi còn là một cô bé lên hai, tha thẩn ở nhà cùng ông nội, trong khi bố mẹ còn mải mê trên bục giảng.

Trong ngôi nhà cổ, ông hát cho cô cháu gái nghe những bài hát thiếu nhi bằng tiếng Pháp, ngày cứ thế êm đềm trôi qua. Lớn lên một chút, cô cháu bé bỏng tìm được niềm đam mê mới từ những giá sách của ông và bố.

Thơ văn chữ Hán, chữ Nôm, các tiểu thuyết lãng mạn của Pháp, tiểu thuyết kinh điển của Nga, cô gái nhỏ đã “chinh phục” những kiệt tác văn chương ấy bằng tất cả say mê và tò mò. Dù đó là những quyển sách dày và không hề dễ đọc với một đứa trẻ như Những người khốn khổ của Victor Hugo hay Đầu xanh tuổi trẻ của Dostoyevsky.

Không chỉ là một thú vui giải trí, những tác phẩm kinh điển ấy đã trở thành những bài học về cuộc đời. Cứ thế, một cách thật tự nhiên, những trang giấy ngả màu ấy, len lỏi vào tâm trí của tác giả để hàng chục năm sau cô vẫn có thể kể về nó bằng tất cả say mê.


Nhưng nỗi nhớ khiến người phụ nữ đa cảm ấy day dứt nhất vẫn là khi nhớ về ông nội. Ông không chỉ là người thân mà còn là người bạn suốt tuổi ấu thơ, người lưu giữ cho con cháu những giá trị truyền thống. Trải qua nhiều biến cố của đời người và thời cuộc, ông sống thật thanh thản và bình tâm. Để mỗi khi cô cháu gái ngả đầu lên chân ông, lòng cứ thế tự nhiên dịu lại.Có lẽ càng nhiều tuổi người ta càng hoài cổ và nhớ về những kỉ niệm. Nhớ ngôi nhà cũ, nhớ trường lớp, nhớ bạn bè xưa, nhớ những kỷ niệm đã cùng trải qua trên ghế nhà trường. Nhớ một thời tuổi trẻ dù thiếu thốn nhưng vẫn đầy hoài bão và say mê.

Nhìn nhau trong nắng là tập tản văn được viết nên bởi nhiều cung bậc cảm xúc của cả quá khứ và hiện tại. Ở đó, dù đã trưởng thành Lê Thúy Hà luôn không ngớt tò mò về thế giới mà cô đang sống.

Trong một lần tác giả đang đứng trên tầng 23 của tòa nhà ở phố Bà Triệu, Hà Nội có động đất. Dù chỉ là cơn dư chấn nhỏ không gây thương vong nhưng trong giây phút chực chờ đầy hiểm nguy ấy con người ta bỗng thấy mình nhỏ bé lạ thường.

Với kiến thức của một kiến trúc sư, tác giả biết mọi thứ không dễ sụp đổ nhưng sợ hãi là điều không tránh khỏi. Để khi đặt chân xuống mặt đất, thở phào trong yên bình, ta thấy đời còn đẹp lắm!

Đọc Nhìn nhau trong nắng, nhiều độc giả sẽ không nghĩ rằng cuốn sách này được viết bởi một kiến trúc sư. Nhưng chẳng phải điểm chung giữa kiến trúc và văn chương là sáng tạo hay sao? Và để sáng tạo, dù là ai chúng ta đều cấn một tâm hồn rộng mở và cái nhìn khoáng đạt về thế giới! Vì trên hết sáng tạo là để thế giới này đẹp hơn!

Thụy Oanh
(news.zing.vn)