Đi tìm huyền thoại cho đất

16.09.2015

Đi tìm huyền thoại cho đất

Sau 8 năm xuất hiện đều đặn và ấn tượng trên nhiều tờ báo, Nguyễn Nhã Tiên - tác giả của tập truyện ngắn và bút ký Ngày bắt đầu truyền thuyết (NXB Đà Nẵng, 2007) đã cho ra mắt tập sách mới cứng của mình: Đi tìm huyền thoại cho đất (NXB Hội Nhà văn, 2015). Anh đồng thời là tác giả hai tập thơ Cõi về (NXB Đà Nẵng, 1997) và Khúc hồi âm của lá (NXB Hội Nhà văn, 2003).

 

Qua 45 bài bút ký trong Đi tìm huyền thoại cho đất, Nguyễn Nhã Tiên đã đưa người đọc đi từ những dòng sông Vu Gia, Thu Bồn của đất Quảng (Đi tìm huyền thoại cho đất, Dằng dặc Thu Bồn) đến với cao nguyên đá Đồng Đăng (Nơi đầu mây, đầu gió); từ thánh địa Mỹ Sơn và những địa tầng văn hóa Chămpa (Mỹ Sơn nhớ và quên) đến Côn Sơn của Nguyễn Trãi (Nơi đỉnh núi thơ và mây trắng); từ non thiêng Đền Hùng (Hát dưới chân Đền Hùng) đến đất Phật (Mùa cổ điển Ấn Độ - mật ngôn trên xứ sở sông Hằng)…

 

Mỗi nơi như thế, tùy theo bối cảnh, ta thấy ở anh có cái nhìn reo ca, lãng mạn, đằm thắm hay đăm chiêu, mà bản tổng phổ là chất nhân văn, là tính người. Cho nên, dù nói trời xa đất gần, dù chuyện đời xưa hay đời nay, dù kể về quê nhà của Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Bùi Giáng, cái đích mà Nguyễn Nhã Tiên hướng tới là những nét đẹp của những vùng miền địa lý, với nét đặc trưng về tự nhiên, văn hóa và tính cách con người của vùng miền đó.

 

Chính đặc điểm này đã làm cho Đi tìm huyền thoại cho đất của Nguyễn Nhã Tiên rộng mà không bị dàn trải, ngắn mà vẫn chứa đựng hồn cốt. Hồn cốt đó chính là cái bản sắc văn hóa vùng miền mà nhà thơ ngộ ra khi đến và kể lại bằng giọng điệu văn chương tự sự có bản sắc riêng của mình.

 

Bạn còn nhớ kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowsky? Xin hãy đọc một đoạn sau đây của Nguyễn Nhã Tiên để thấy vì đâu mà con người này lại gắn tên tuổi của mình với thánh địa Mỹ Sơn: “Kazimier Kwiatkowsky – có lẽ là người am tường hết thảy mọi âm thanh của Mỹ Sơn… Chính ông là người đã sáng tạo ra cái thuyết trùng tu Kazik, tức là không làm theo nguyên mẫu theo kiểu sao chép, mà phải thể hiện dấu thời gian đi qua, thời đại đi qua. Và đấy mới chính là ý nghĩa, là cái triện son của mỗi thời in trên hình hài Mỹ Sơn”. 

 

Có lẽ bạn đã ít nhiều biết về con sông Hằng và những vũ điệu đặc sắc của Ấn Độ, thì đây một lần nữa, bạn hãy hiểu thêm về điều này qua cảm nhận của tác giả Đi tìm huyền thoại của đất:“…hình như trên xứ sở sông Hằng, múa là một triết lý diễn dịch cho con người hiểu ra một thứ mật ngữ, rằng sự im lặng (hay là tiếng gọi câm) là tột đỉnh của âm thanh”.

 

Tuy về thể loại, bút ký, tùy bút rất cần đến sự miêu tả ngoại cảnh, đến các số liệu, và có khi là cả những trích dẫn nữa, song Nguyễn Nhã Tiên biết tiết giảm đến mức cho phép và để dành trang viết của mình cho những cảm nhận, mà nói như anh trong tùy bút “Dấu xưa Tiên Điền” là“lần theo “dấu rêu” để lại mà nhìn ra, để mà tâm tưởng”.

 

Trong Đi tìm huyền thoại cho đất, không gian thực khá rộng – và do vậy không gian nghệ thuật cũng phải kéo theo, song theo tôi những tùy bút hay nhất trong tác phẩm này của Nguyễn Nhã Tiên vẫn là những tùy bút về mảnh đất “chưa mưa đà thấm”, nơi anh và trong đó có cả tôi nữa, đã từng ca hát những bài đồng dao trên cánh đồng thơm hương lúa, hoặc lội bì bõm trong nước lụt, và với riêng anh còn là “cái làng Phường Đông bên bờ sông Vu Gia” có lắm bến sông.

 

Anh đã chăm chút từng câu từng chữ cho cái tùy bút “Đi tìm huyền thoại cho đất”, viết về Phường Đông quê anh, một cái làng mà: “Từ khoảng hơn mười năm trở lại đây, hầu như năm nào bão lụt đến mùa trút xuống là làng tôi theo từng ấy năm gầy guộc lại. Cả một vùng đất màu mỡ tươi tốt ven sông có đến hàng trăm hecta đã lở xuống sông sâu”.

 

Và anh đã xót xa nói ra thành lời với người bạn trẻ cùng quê: “Đất của làng nầy ngày trước qua tận bên kia bờ sông kia đấy. Từ chỗ mình đứng đây ra tới bến sông là cả biền dâu xanh rộng hàng cây số, vậy mà giờ đây mênh mông nước. Có điều, nào phải chỉ thiên tai gieo xuống tai họa làng trôi xóm mất không đâu, mà góp vào sự tàn phá ghê gớm đó còn có bàn tay con người”.

 

Con người vì cái lợi trước mắt mà phá hoại không thương xót rừng đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của dòng sông… và một cái làng trù phú bên sông như cái làng Phường Đông của Nguyễn Nhã Tiên phải… đi tìm mình trong huyền thoại.  

 

Tôi là người thích ca hát về những dòng sông, xem sông quê “nơi neo đậu những sớm mai tinh khiết” của mình; vì vậy, tôi đồng cảm với những gì mà Nguyễn Nhã Tiên đã gửi gắm trong tùy bút “Đi tìm huyền thoại cho đất”, cái tùy bút mà tên gọi của nó đã được anh chọn để đặt tên cho cả tập tùy bút này.

Bùi Xuân

(http://nhavantphcm.com.vn/)