PGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn Kháng

06.08.2018

PGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn Kháng

1/Trong số các bạn đồng nghiệp của tôi,  PGS,TS nhà văn , nhà lý luận phê bình Nguyễn Ngọc Thiện là người đọc nhiều nhất các cuốn sách của tôi. Cả chục ngàn trang. Từ cuốn tiểu thuyết 5, 600 trang in tới cuốn truyện mi ni mỏng vài chục trang, từ bài tiểu luận dài hơi in trên tờ Nguyệt san, Tuần san tới một bài tản văn vài trăm chữ trên tờ Nhật báo. Đọc kỹ và  có nhận xét chứ không phải đọc qua loa cho phải  phép.

Riêng về các bài tiểu luận chuyên đề viết một cách kỹ  lưỡng, sâu sắc về tôi, in trên các tạp chí và báo có uy tín, anh đã  có tới 11 bài. Một con số khiến tôi vô cùng biết ơn và cảm động, một con số mơ ước, tôi trộm nghĩ vậy, có lẽ là với nhiều nhà văn như tôi. Ai mà có thể dấn thân hết lòng vì bạn bè như thế vào lúc này? Hiếm lắm! Nếu không phải là một tình yêu dành riêng cho bạn bè và văn chương.

Anh thân thiết với tôi, với cả những người thân của tôi và gia đình tôi. Chúng tôi sẻ chia với nhau về mỗi niềm vui nỗi buồn, điều băn khoăn trăn trở, từ cuộc sống đời thường đến chuyện bếp núc văn chương. Anh hiểu tôi như tôi hiểu chính mình.

Thông minh, hiểu biết tác giả và tác phẩm cặn kẽ, anh đã hướng dẫn thành công trên 25 luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về các tác phẩm của tôi. Anh gọi tôi là Một tác giả văn học lực lưỡng. Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo khiến tôi vừa sung sướng vừa ngượng ngùng. Anh viết một tiểu luận rất có giá trị, về sau trở thành các luận cứ cơ bản cho các nghiên cứu sinh mỗi khi họ tham khảo để làm luận văn về tôi, về ba cuốn tiểu thuyết thuộc đề tài các dân tộc miền núi của tôi. Trong đó, với một năng lực dồi dào về nghiên cứu, anh tinh tế chỉ ra từng bước phát triển của tôi qua mỗi chặng đường. Năm 2004, tôi viết 2 cuốn truyện về đề tài công an hình sự. Chính anh, con người với cái tài nhạy cảm trước cái mới, là người hân hoan đón mừng sự chuyển hướng ấy của tôi. Bóng đêm và nghệ thuật tự sự tổng hợp mới của Ma Văn Kháng, bài viết này là tiếng nói đỡ đầu cho đứa con tinh thần vừa mới lọt lòng còn đang rất run  rẩy của tôi.

Hồ Anh Thái gợi ý thúc giục. Nguyễn Ngọc Thiện cùng Phong Lê đã đọc cuốn Hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của tôi từ lúc nó còn là một bản thảo. Quý III năm 2009, sách được xuất bản. Trong một bài nghiên cứu dài có tới 3000 chữ nhan đề: Ma Văn Kháng và cuốn Hồi ký tự truyện, Nguyễn Ngọc Thiện, với tất cả tình yêu mến sẻ chia cùng đồng nghiệp, viết: Được đọc bản thảo vi tính cuốn sách từ hơn nửa năm nay, trước khi nhà văn giao nó cho nhà xuất bản, tôi không khỏi hồi hộp, thấp thỏm cùng nhà văn. Liệu cuốn sách có được chấp nhận, được in và phát hành suôn sẻ không, một khi...? Nhưng thực may mắn, ngoại trừ khoảng hơn mười chỗ bị lược bớt, phần chính yếu, căn cốt trong bố cục 26 chương của sách vẫn được tôn trọng. Như các cụ đã nói “Thà có  còn hơn không”, tôi mừng cho nhà văn đã không phàn nàn điều gì  về tình trạng hiện thời của cuốn sách mà ông viết chật vật, kỳ khu với bao tâm huyết ,sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện trong 4 năm ròng.

Năm 2012, tôi cho in hai cuốn Tiểu luận và Bút ký về nghề văn: Phút giây huyền diệuNhà văn, anh là ai? Sách in xong, anh là người đầu tiên chào đón nó với tinh thần  cổ vũ  hết mình. Bài viết với cái nhan đề dài dằng dặc: Nhà văn với nghề văn: Khát vọng về cái đẹp, lòng nhân ái, cảm xúc huyền diệu, công sức về câu chữ. Thể hiện tất cả sự nâng niu trìu mến của anh với tôi.

Nhà văn viết trong sự cô đơn. Có chuyện ấy không? Có! Nhưng ở trường hợp tôi, với Nguyễn Ngọc Thiện và các đồng nghiệp khác nữa, tôi được viết cả trong sự đỡ nâng bao bọc của bạn bè.

- Nguyễn Ngọc Thiện ơi. Mình nhớ mang máng là cụ Nguyễn Khuyến có câu thơ Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác, ngỡ  là ngây. Là nó ở trong bài nào ấy nhỉ?

- À, đó là bài thơ Anh giả điếc. Cụ Tam nguyên Yên Đổ làm bài thơ này để tặng ông đồ huyện Cự Lộc, tỉnh Nam Định. Ông này đỗ cử nhân, vua Tự Đức mời ra làm quan, ông liền giả điếc, khước từ việc đó. Nguyên văn của bài thơ như sau: Trong thiên hạ có anh giả điếc/ Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây/ Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cầy/ Lối điếc ấy sau này em muốn học. Khi vườn sau, khi ao trước.Khi điếu thuốc, khi miếng trầu/ Khi chè chuyên năm bảy chén/ Khi Kiều lẩy một đôi câu/ Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc? Điếc như thế ai không muốn điếc/ Điếc như anh dễ bắt chước, ru mà.

- Thế còn cái câu: Đời trước làm quan cũng thế a! Là xuất xứ từ đâu?

- Nó ở trong bài Kiều bán mình, một bài Vịnh Kiều của nhà thơ Nguyễn Khuyến: Thằng bán tơ kia dở dói ra/ Làm cho vương đến cụ Viên già/Muốn êm phải viện ba trăm lạng/Khéo xếp nên liều một chiếc thoa/Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ/Đem thân chuộc lấy tội tình cha/Có tiền việc ấy mà  xong nhỉ?/Đời trước làm quan cũng thế a!

2. Là người say mê văn chương, từ khi học đại học Nguyễn Ngọc Thiện đã có khuynh hướng nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật. Tốt nghiệp đại học năm 1967. Bốn năm tu nghiệp tại Cộng hòa dân chủ Đức. Trở lại Viện Văn học, anh  đảm nhiệm chức vị Trưởng phòng Lý luận văn học. Từ 1996 đến 2003 kiêm nhiệm Thư ký tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Tháng 7 năm 2006 đến nay là Tổng biên tập tạp chí nói trên. Tháng 9/2003, tham gia Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và tháng 9/2005 là Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Hội nhà Văn. 

Bận rộn như thế nhưng tính đến nay, Nguyễn Ngọc Thiện đã có 5 công trình nghiên cứu riêng. Và có tới 21 công trình chủ biên. Trong đó, riêng cá nhân tôi, tôi rất thích và đánh giá cao công sức anh bỏ ra cho những công trình như: Nhìn lại cuộc tranh luận Nghệ thuật 1935-1939; Hoài Thanh - Bình luận văn chương; Tao Đàn 1939 - Sưu tầm  trọn bộ; Hoài Thanh- Lê Tràng Kiều - Lưu Trọng Lư - Văn chương và hành động; Vũ Trọng Phụng - Về tác giả tác phẩm... Không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu văn học trong tinh thần khoa học nghiêm túc, cẩn trọng, rất đáng khâm phục và tin  tưởng.

3. PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện. Con người anh như cái quý danh mà đấng sinh thành đã đặt cho anh. Nguyễn Ngọc Thiện. Thiện căn ở tại lòng ta. Nhân chi sơ tính bản thiện. Nói đến anh là nói đến  một con người có thiện tâm. Con người của sự trung hậu, sự trong lành. Là nói đến sự chu chỉnh và tin cậy. Là sự chịu thương chịu khó. Là tình yêu mến của anh  với con người, văn chương và cuộc đời.

Thiện căn ở anh còn  bao hàm ở trong đó cái tài bẩm sinh của anh. Cái tình là cái cội nguồn gốc gác của cái tài ở anh. Vì khi lòng mình sáng trong như tấm gương thì soi  tỏ hết mọi vật. Cài tài ở anh khiến  anh nhận ra những cái tốt cái đẹp trong sự bình dị thường ngày. Cái tài của anh là cái  tài ẩn mình trong sự giản dị. Trong sự đọc thiên kinh vạn quyển, học nhiều hiểu rộng. Trong năng  lực khái quát. Trong sự nhạy cảm. Trong những chia sẻ và nhận biết tinh tường. Trong tình thương mến ấm áp bạn bè. Như  những trường hợp tôi nói trên kia về một số bài anh viết về mấy cuốn sách của tôi.

Năm 2016, tôi cho xuất bản tập truyện ngắn Mèo con nghịch ngợm. Tập truyện  dày hơn 300 trang có đến 17 cái truyện về các con như con chó con mèo, con hổ con ngựa... Cuốn sách là một bất ngờ với tôi. Bất ngờ vì tôi đâu có là người chủ động đặt vấn đề in nó với Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Bất ngờ vì đó chính là gợi ý đề xuất của nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện. Thì ra, Nguyễn Ngọc Thiện con người mang cái tài của hiểu sâu biết rộng và cập nhật, đã đọc cả mấy trăm truyện ngắn của tôi, đã nhận ra rằng trong đó có một số truyện viết về các loài vật, có thế xếp vào loại hình văn học sinh thái, nên đã gợi ý để tôi chọn lọc in thành một tập mà lúc đầu anh gọi là Tập truyện Lục súc tranh công này.

M.V.K

Bài viết khác cùng số

Kịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiChiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngGiấc rời - Hoàng Thụy AnhValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãTôi ê a hát - Ngân VịnhVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaHải Vân Quan - Thạch Châu Thơ Xuân CừQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiĐà Nẵng như người tình - Đình ThuThơ Phạm Trí ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn