Dấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh Tuấn

06.08.2018

Dấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh Tuấn

Nhà văn Quế Hương tên thật là Hoàng Thị Thương, sinh ra trên mảnh đất Cố đô Huế và từng là nữ sinh Đồng Khánh, sinh viên Đại học Văn khoa Huế. Cuộc đời bà sống ở nhiều vùng đất khác nhau. Rời trường Đại học Văn khoa, bà tham gia dạy học tại trường Việt văn Trung học Thành Nội Huế rồi sau đó chuyển vào định cư tại Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến nay. Bước vào làng văn tuy có hơi muộn, trưởng thành từ các cuộc thi viết truyện ngắn, Quế Hương từng bước khẳng định chỗ đứng của mình trong nền văn học Việt Nam bằng những tác phẩm đậm tính nhân văn. Từ sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật tự sự, với tâm hồn nhạy cảm, đa cảm đa mang trước những vấn đề của cuộc sống, cùng với vốn văn hóa sâu sắc được chiêm nghiệm từ đời sống bản thân, tác phẩm của nữ văn sĩ đã tạo ấn tượng cho người đọc, hình thành nên một phong cách riêng, độc đáo. Để có được thành công và tạo ra sự mới mẻ cho những đứa con tinh thần mà không dẫm đạp lên những lối mòn vốn đã cũ của thể loại truyện ngắn, Quế Hương đã có ý thức đổi mới tư duy nghệ thuật tự sự, đặc biệt là phương diện ngôn ngữ. Tìm hiểu một khía cạnh trong ngôn ngữ nghệ thuật truyện ngắn Quế Hương là điều cần thiết, qua đó thấy được đặc trưng phong cách của cây bút gốc Huế trong nền văn xuôi đương đại Việt Nam.

Trong nhiều truyện ngắn Quế Hương, dấu ấn xứ Huế, chất miền Trung hiện lên rõ nét qua hình tượng nhân vật - những con người cần cù, chịu thương, chịu khó phải bám vào thiên nhiên khắc nghiệt để sống. Thiên nhiên, cây cỏ, con người và cả những địa danh trên dải đất miền Trung đi vào những thiên truyện ngắn của bà, hiện diện ở đời sống sinh hoạt tinh thần phong phú, trong nếp ăn, nếp nghĩ. Tính cách mộc mạc, chất phác của con người nơi đây đã được nhà văn thể hiện qua giọng văn trong trẻo, bình dị, đầy sức lôi cuốn.

Thứ nhất, sắc thái địa phương trong truyện ngắn Quế Hương thể hiện qua tên địa danh. Sinh ra, lớn lên, học tập tại mảnh đất Cố đô Huế, để rồi sau đó bà cùng gia đình vào sống và định cư tại Quảng Nam - Đà Nẵng, cho nên mỗi vùng đất một kỷ niệm, mỗi kỷ niệm là một nỗi nhớ, một nỗi day dứt, hoài niệm. Nói đến dấu ấn địa phương trong truyện ngắn của nữ nhà văn gốc Huế, chúng ta không thể không nhắc đến các địa danh với những tên đất, tên làng gắn liền những di chỉ văn hóa. Với Tre nở hoa, tác giả đưa người đọc về với thôn Kim Long với những hàng tre, công viên đá gắn liền với mối tình câm lặng của Tuệ anormal. Đó là Thành Nội nơi chứng kiến tình yêu đầy hoài niệm của “anh thợ sửa xe” và ‘cô bé câm” (Nỗi buồn rực rỡ). Hay đó là mối tình hồn nhiên, trong vắt của nữ sinh Đồng Khánh gắn liền với những địa danh trường Đồng Khánh, Quốc Học, cầu Tràng Tiền trong Giọt sầu trong vắt. Có địa danh chùa Linh Mụ, đường Lê Lợi trong Chiếc lá hình giọt lệ. Người đọc dễ nhận ra bóng dáng mảnh đất Quảng, phố cổ Hội An khi đọc Apsara hoang dại, Phố Hoài. Hình ảnh giếng cổ Chăm, thôn Bá Lễ hiện lên như một khúc vọng xưa đi vào nếp sinh hoạt, ăn sâu vào tiềm thức của người dân đất Quảng. Cho nên đọc truyện Quế Hương, ta dễ nhận ra hình ảnh một cố đô hoa lệ với thôn Kim Long, Vĩ Dạ, Cồn Hến, chợ Đông Ba, trường Đồng Khánh, Quốc Học, chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền, Thành Nội, hồ Tịnh Tâm,...; hay đó là những địa danh xứ Quảng như Hội An, Phố Hoài, Chùa Cầu, biển Hải An, Hòa Khánh, Hòa Cường, thôn Bá Lễ, thánh địa Mỹ Sơn,... Mỗi địa danh là một ký ức, nói hộ tác giả về những hoài niệm đáng trân trọng.

Thứ hai, sắc thái địa phương trong truyện ngắn Quế Hương còn thể hiện qua văn hóa ẩm thực đa dạng. Mỗi vùng đất đều có nét văn hóa ẩm thực riêng. Huế được mọi người biết đến không chỉ là một cố đô tráng lệ gắn với triều Nguyễn, mà Huế còn là vùng đất của nghệ thuật ẩm thực, nơi có nhiều món ăn dân dã nhưng nổi tiếng như bún bò Huế, cơm hến, các loại chè Huế, món cá bống thệ kho tiêu, thịt phay chấm tôm chua,... Đọc Chiếc lá hình giọt lệ, chúng ta nhận ra dấu ấn ẩm thực Huế: “Ông ta mê mải nhặt những từ cổ lỗ sĩ, quê bỏ xừ của các mụ nhà quê, các gánh bún bò, cơm hến hơn là ngôn ngữ thời thượng của nó (...) Cá bống thệ kho tiêu kiểu Huế cứng ngắc, cong vòng, canh rau dền nấu tôm, chột nưa kho, thịt phay chấm tôm chua kèm dĩa chuối chát, vả, khế, rau thơm trình bày đẹp như một tác phẩm nghệ thuật và chè khoai tía tráng miệng. Bữa cơm nhà bình thường ấy đem lại kết quả mỹ mãn” . Ai đó chưa một lần đến Huế chỉ cần đọc đoạn văn như thế trong truyện ngắn Quế Hương cũng cảm nhận được vị ngon của những món ăn nơi đây, để rồi trầm trồ thốt lên một câu rất Huế: “Răng mà ngon dễ sợ!”.

Nếu Huế đặc trưng với món bún bò, cá bống kho tiêu, món cơm hến thì khi đến đất Quảng chúng ta không thể bỏ qua món bánh tráng đập, món cao lầu, mì Quảng, những món ấy chỉ ngon khi có nước giếng Bá Lễ, rau sống Trà Quế, củi cù lao Chàm: “Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được. Thiếu nước giếng Bá Lễ, tro củi cù lao Chàm, rau sống Trà Quế, cao lầu dở ẹc”. Nhắc đến hương vị món ăn của xứ Huế, đất Quảng, Quế Hương thể hiện sự trân trọng những nét văn hóa trong ẩm thực của dân tộc, cũng là tiếng nói thiết tha với quê hương, bản xứ nhắc nhở mọi người phải nhớ đến nguồn cội.

Thứ ba, qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, lời người kể chuyện, người đọc phát hiện ra dấu ấn địa phương trong truyện ngắn nữ nhà văn gốc Huế. Ngôn từ trong sáng tác của Quế Hương điềm đạm, dân dã nhưng mực thước của người từng trải, hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa về những nơi bà đã sống. Điều đó làm cho sáng tác của nhà văn vừa gần gũi với người đọc vừa thể hiện được những nét riêng trong phong cách thể hiện. Chất Huế, vị Quảng thể hiện rõ ở cách sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày: giản dị, chân chất, sát thực tế, không cầu kỳ ước lệ, kiểu cách mà vẫn không thô tục trong hành văn. Cho nên bên cạnh dấu ấn xứ Huế, đọc tác phẩm của Quế Hương, chúng ta có dịp làm quen với lời ăn tiếng nói của người xứ Quảng qua ngôn ngữ của nhân vật và của chính người kể chuyện: “Mang tiếng ở Phố mà chừ mới ăn cao lầu lần đầu hả? Tội chưa? Chị kêu cho tô nữa hỉ? Ăn từ từ mới thấm cái ngon. Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được. Thiếu nước giếng Bá Lễ, tro củi cù lao Chàm, rau sống Trà Quế, cao lầu dở ẹc”. Những từ “chừ”, “hả”, “hỉ”, “kêu”, cùng với cách nói, giọng thân mật “Tội chưa?”, “Chị kêu cho tô nữa hỉ?”, “Ngó ri chớ không nơi mô bắt chước được”, người đọc cảm nhận được dư vị của người phố Hoài. Ta bắt gặp trong tác phẩm của bà những cách gọi tên nhân vật đi kèm với việc bộc lộ thái độ của tác giả đối với nhân vật rất Quảng Nam: “hắn”, “tau”, “mụ”, “thằng”, “lũ”, “mi”,... Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn được gọi thẳng tên đi kèm với một từ chỉ cách xưng hô: chị Thời, chị Thường, chị Ái, chị Rêu, thằng Dậu, thằng Chuột, chú Di,... Điều này có điểm khác biệt so với lối xưng hô tên đi kèm với thứ tự trong gia đình quen thuộc ở miền Nam.

Người đọc cũng dễ dàng nhận ra hàng loạt từ ngữ đời thường mang đậm chất Huế được tác giả sử dụng một cách thuần thục tự nhiên. Từ những mẩu đối thoại trong truyện ngắn Trần gian có mưa, chúng ta thấy được sự dung dị, duyên dáng của lời văn qua cách kết hợp ngôn ngữ đầy tính sáng tạo của Quế Hương. Ở truyện này, chất Huế không chỉ hiện lên qua hai cái tên Thừa Phủ, sông Hương, mà còn thể hiện qua ngôn từ, cách nói của nhân vật. Những từ ngữ người Huế (và cả Bình Trị Thiên nói chung) thường dùng hằng ngày được lồng vào mỗi câu nói như “mụ”, “nớ”, “cẳng” - chân, “mô”, “răng”, “rứa”, kết hợp với cách nói ví von dễ thương của người Huế - “có mô mà dại như chú”, làm cho lời đối thoại của nhân vật diễn ra rất tự nhiên, gần gũi, ý vị, giàu cảm xúc.

Cuối năm 1999 diễn ra trận “đại hồng thủy”, lũ gây ra rất nhiều mất mát cho nhân dân miền Trung. Cảm hứng từ trận thiên tai ấy, Quế Hương đã viết Ngày nắng đầu tiên, kịp “ghi lại” những khoảnh khắc khi con người đối diện với thủy thần. Truyện thể hiện cụ thể điều này bằng cuộc hội thoại của các nhân vật được dẫn qua lời của người kể chuyện, đậm chất miền Trung: “Răng má chưa về ?”, “Thấy má con mô không thím Thiệt ơi?”, “Chắc về chừ!”, “Anh mần chi rứa?”. Trong việc xây dựng các mẩu hội thoại, Quế Hương khéo léo lồng những từ ngữ mang đậm chất địa phương của miền Trung vào lời nói nhân vật làm cho câu chuyện trở nên lý thú hơn. Cũng với đặc điểm đó, trong Cội mai lưu lạc, lời hội thoại của các nhân vật cũng mang đậm sắc thái của vùng núi Ngự sông Hương. Ở Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm, Quế Hương vận dụng linh hoạt những ngôn ngữ mang đậm chất địa phương vào lời của người kể chuyện làm cho câu chuyện trở nên gần gũi hơn, dễ tạo nên sự đồng cảm nơi người đọc. Hình ảnh những cây vả, bụi chột nưa, ảng nước, buồng chuối xanh, những thứ rau linh tinh lang tang, bánh bột sắn đường đen hiện lên gần gũi, thân thuộc khiến người đọc như lạc vào khu nhà vườn với cây trái đặc trưng của xứ Huế.

Đọc Tiên ngồi khóc, người đọc càng thấy rõ dấu ấn miền Trung dày đặc qua những từ “mụ”, “mụ nớ”, “ni”, “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” thể hiện qua những câu nói: “Ăn đồ mụ nớ lây xi-đa!”, “Rứa mụ nớ bán cho ai?”, “Hôm ni răng rứa không biết...”. Chỉ cần qua những câu phát ngôn ngắn nhưng người đọc thấy được dấu ấn địa phương hiện lên rõ nét. Trong Phố Hoài, chúng ta thấy phảng phất chất Quảng trong lời thoại nhân vật, qua lời người kể chuyện. Dấu ấn xứ Quảng không chỉ thể hiện qua các từ chỉ món ăn, địa danh như  “lục tào xá”, “mì Quảng”, “cao lầu”, “mẹt xôi ngọt”, “bánh ít lá gai”, “chùa Cầu”, mà còn hiện lên qua cách xưng danh của người kể chuyện, cách xưng hô gần gũi, chân chất của nhân vật như “hắn”, “chú” - “cháu”, “tau” - “mi”. Từ cách xưng hô đến lời nói của nhân vật đều rất gần gũi, quen thuộc, mộc mạc, bình dị của người dân xứ Quảng, nhà văn đã truyền tải tâm tư tình cảm, tính cách của những người hiền lành, bộc trực, nghĩ sao nói vậy.

Bên cạnh sử dụng lớp từ ngữ địa phương dày đặc, đọc truyện ngắn Quế Hương, chúng ta nhận ra cách ăn nói có duyên, cách ví von trong giao tiếp thường thấy của người Huế, con người xứ Quảng qua giọng điệu. Từng câu chữ khi đọc lên nghe réo rắt, nhịp nhàng như nhịp chèo hò mái đẩy, như điệu hát nam ai nam bằng thiết tha trìu mến: “Nói láo dã man!” (Giọt sầu trong vắt); “O yêu thiệt dễ sợ!”, “Bói rứa em bói cũng được”, “Thầy nói tau yêu dễ sợ”, “Rứa chị gọi thằng Chuột bằng anh khi mô?” (Họ và lão); “Chừ sướng quá hỉ!”, “Chủ gia đình chừ rứa đó”, “Nửa tiếng chư mấy” (Siêu nhân bé bỏng); “Má thằng Được chừ chưa về thì lội răng nổi?” (Ngày nắng đầu tiên),... Đó là lời của “chị”, người mới từ Pháp về trong Cội mai lưu lạc. Xa quê đã lâu, ký ức về quê hương chỉ “trong thế giới hoài niệm của mẹ”, nhưng cái giọng miền Trung đặc sệt được thừa hưởng từ những “hoài niệm” ấy, chị vẫn còn lưu giữ: “Chặt hết nhưng còn sót một cội nằm trên một rẻo đất nhỏ của Mai gia trang ôn biết ở mô không?”. Nhẹ nhàng, không sắc cạnh, triết lý nhưng không nặng nề, chỉ đơn giản như lời ăn tiếng nói của người dân quê, văn của Quế Hương dễ đọng lại trong lòng người đọc. Điều đó thể hiện qua cuộc hội thoại giữa Lê Ruộng và mẹ của mình trong Thư gửi thời gian. Đọc truyện, chúng ta cảm nhận được tấm lòng của người mẹ quê chân chất dành cho con qua cách nói, giọng điệu. Có được sự thành công đó phải là người có vốn sống, từng trải, sống gần gũi với mọi người.

Bằng sự tinh tế, Quế Hương rất khéo léo đưa lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân quê mình vào trong truyện ngắn. Thông qua ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, người đọc nhận ra nét duyên dáng, “chất nhà quê” trong sáng tác của nữ nhà văn gốc Huế. Không hoa mỹ, gượng ép, màu mè, lời lẽ trong truyện ngắn Quế Hương thâm trầm như dòng Hương giang chất chứa trong nó trầm tích văn hóa, hiền hòa như dòng Thu Bồn lặng lẽ lững lờ trôi, lại có lúc kiều diễm, lấp lánh như Hàn giang của thời hiện đại. Sử dụng một cách hợp lý, có chừng mực, đúng chỗ “lời ăn tiếng nói dân quê” làm cho những ngôn ngữ bình dị, đời thường cũng trở thành thứ ngôn ngữ nghệ thuật mang đậm cốt cách miền Trung. Phải chăng đó cũng là một thành công của nữ nhà văn sinh ra từ mảnh đất Cố đô.

Thay lời kết

Đọc văn Quế Hương, ta cảm nhận được sự đa dạng và phong phú trong ngôn ngữ truyện kể. Bên cạnh lối hành văn giàu cảm xúc, tác giả đã biết vận dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân quê một cách khéo léo, có chừng mực để tạo nên những trang văn có giá trị, đầy tính nghệ thuật, đậm chất miền Trung. Những hình ảnh được lấy từ cuộc sống tưởng chừng như rất bình thường, giản dị nhưng qua sự dụng công, cùng với lối tư duy nghệ thuật sắc sảo, cây bút nữ gốc Huế mang đến cho người đọc một thế giới hình tượng sống động, giàu tính biểu tượng, ẩn chứa trong đó trầm tích văn hóa. Người viết làm hiện lên trước mắt người đọc những khung cảnh, những bức tranh tuyệt đẹp, để rồi đưa họ về với những khu nhà vườn cổ kính, xanh mướt mang đặc trưng xứ Huế, hay con phố mang đầy hoài niệm, in dấu nếp sinh hoạt thường nhật của con người xứ Quảng. Để tạo dựng được những bức tranh như thế, nhà văn đã vận dụng rất linh hoạt, thành công “nghệ thuật dựng cảnh” – một kỹ thuật tiêu biểu trong bút pháp tự sự hiện đại, khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố kể và tả. Đọc văn Quế Hương, chúng ta được trở về với cội nguồn văn hóa, được sống trong quá khứ của dân tộc, để càng thêm trân trọng tiếng nói ông cha. Có lẽ cũng vì thế mà trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, tác phẩm Quế Hương vẫn được người đọc đón nhận và trân trọng.

V.A.T

Bài viết khác cùng số

Kịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiChiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngGiấc rời - Hoàng Thụy AnhValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãTôi ê a hát - Ngân VịnhVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaHải Vân Quan - Thạch Châu Thơ Xuân CừQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiĐà Nẵng như người tình - Đình ThuThơ Phạm Trí ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn