Mỗi mùa pháo hoa… - Phan Nam
1. Lần đầu tiên được xem pháo hoa cách đây mười năm qua sóng truyền hình, khỏi phải nói tâm trạng của gia đình tôi nôn nao, háo hức lạ kỳ. Giây phút đếm ngược chờ bản hòa ca của âm thanh và ánh sáng tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng trong cái đêm hôm ấy để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cậu bé như tôi dẫu chỉ ngắm nhìn qua khung hình tivi nhỏ bé. Đến khi tôi chọn thành phố xinh đẹp bên bờ sông Hàn làm nơi neo đậu cảm xúc, tôi mới vỡ lẽ thành phố này còn nhiều điều đặc biệt, cảm xúc hơn thế. Tôi tình cờ bắt gặp xúc cảm buổi ban đầu ấy qua khúc thơ của tác giả Huỳnh Văn Chính được viết trong đêm khai mạc lễ hội pháo hoa quy mô, đặc sắc nhất miền Trung và của cả nước bấy giờ, lòng người không khỏi rung động, xuyến xao: “Tôi không nén được lòng mình xúc động/ Giữa dòng người trẩy hội đêm pháo hoa/ Thôi gạt bỏ chuyện giàu nghèo danh phận/ Hãy nhìn lên... cả thành phố vỡ òa”. Nhà báo Nguyễn Đức Nam chia sẻ những dòng tâm sự giản dị đời thường nhưng cũng rất đỗi ý nghĩa, hy vọng mỗi mùa pháo hoa đi qua soi sáng tâm hồn những rung động thẩm mỹ hết sức tốt đẹp. Ở đó mỗi người dân thành phố là mỗi đóa hoa tô điểm thành phố ngập tràn sắc hoa, chính những con người ấy góp nên thành công rực rỡ của đại tiệc âm thanh ánh sáng vang vọng trên bầu trời thành phố. Từ cô chú công nhân quét đường đến lực lượng công an, quân đội, bảo vệ dân phố đang làm nhiệm vụ, người giữ xe, người bán nước bên vệ đường, nhân viên, cán bộ công ty điện lực; các nhà báo, phóng viên miệt mài đưa tin về lễ hội; những nghệ sĩ biểu diễn, cống hiến hết mình trên sân khấu đến mỗi người dân nở nụ cười hiền lành, thân thiện hòa cùng du khách vui niềm vui chung, mong ngóng thời khắc “cả thành phố vỡ òa”. Đứng trong dòng người chiêm ngưỡng vẻ đẹp pháo hoa, mỗi dòng thơ là mỗi dòng cảm xúc tuôn trào tự sâu đáy lòng được tác giả thổn thức chấp bút: “Tôi ngây ngất đêm Sông Hàn huyền thoại/ Nàng Tiên Sa xõa mái tóc phiêu bồng/ Bỗng rực rỡ sắc màu muôn tinh tú/ Ngỡ bồng lai mở hội giữa tầng không/ Cám ơn bạn dù đường xa vạn dặm/ Đã về đây vì tiếng gọi Sông Hàn/ Đã về đây nối nhịp cầu thân ái/ Cho dư âm đại tiệc pháo hoa vang!” (Cảm xúc sông Hàn, thơ Huỳnh Văn Chính). Tôi hình dung mỗi ngọn cây, bụi cỏ, con nước cùng góp sức tô điểm những vũ điệu không hồi kết của đại tiệc pháo hoa. Rung động thẩm mỹ là có thật. Khát khao cống hiến cho cái đẹp là có thật. Khát khao chiêm ngưỡng cái đẹp là có thật. Hy vọng về ngày mai tươi sáng là có thật. Vì thế khó ai có thể lột tả hết cảm xúc của mình mỗi khi tiếng pháo khắc khoải âm âm bên tai, bức tranh ánh sáng nối đuôi nhau hiện lên và tan biến trên bầu trời, dẫu chỉ là khoảnh khắc cũng đủ chạm vào trái tim, vào hồn người.
2. Cô bạn có nhiều bài viết hay về sự kiện pháo hoa cũng như những kỷ niệm tươi đẹp về đất và người Đà Nẵng, mỗi lần đọc bài viết của bạn, không hiểu sao trong tôi dâng trào, đan xen những xúc cảm khác nhau, vừa lạ vừa quen, vừa chân thật lại vừa đặc biệt. “Trong đời sống, những gì lặp đi lặp lại thường dễ khiến xung quanh nhàm chán. Song, vẫn có những thứ lặp lại, mỗi lần “đến hẹn lại lên” sẽ khiến số đông hứng khởi và chờ đợi nhiều hơn. Cảm giác này hao hao giống tâm trạng của một chàng trai nóng lòng gặp lại ý trung nhân sau lần đầu chạm mặt” (Huyền thoại những cây cầu, Phạm Thị Hải Dương), đấy là những dòng chia sẻ của bạn về lễ hội pháo hoa DIFF 2018, chắc hẳn mỗi người đều cảm nhận nét tươi mới, trẻ trung, ngọt ngào nhưng cũng không kém phần hiện đại, phá cách được gửi gắm qua mỗi con chữ. Pháo hoa, phục vụ công chúng, mọi tầng lớp nhân dân, bất kể “giàu nghèo danh phận” như câu thơ của tác giả Huỳnh Văn Chính, nhưng để cảm nhận hết vẻ đẹp, lột tả hết vẻ đẹp ấy thông qua con chữ thực khó muôn phần. Nhưng ở đây, rất nhiều tác giả, nghệ sĩ tâm huyết viết về lễ hội pháo hoa tự sâu gan ruột của mình góp vào bức tranh đa sắc màu, để mỗi mùa pháo hoa đi qua còn chút gì để nhớ để thương. Trong bài “thơ về pháo hoa sông Hàn”, nhà thơ Ngô Minh viết: “Anh là đêm sông Hàn hoa nở/ Hoa pháo mâm xôi/ Hoa pháo cẩm tú cầu/ Hoa pháo mặt trời/ Hoa pháo mặt trăng/ Hoa pháo nở như tình yêu chớp giật/ (...) Anh là đêm sông Hàn/ Hoa em nở/ Buốt tim”, tình yêu như ngọn sóng triều dâng, và khi pháo hoa bừng tỉnh, tình yêu ấy càng lấp lánh nhiệm màu qua từng con chữ. “Nhắc ai nhớ hẹn tháng Ba/ Gặp nhau đêm hội pháo hoa Sông Hàn/ Tháng Ba xuân thắm chưa tàn/ Pháo hoa quốc tế Sông Hàn hẹn ai”, nhà thơ Hải Như với dòng thơ những ngày đầu đặt chân đến thành phố bên sông Hàn cũng kịp ghi lại đôi dòng kỷ niệm với đất và người Đà Nẵng, mặc dầu bây chừ lễ hội không còn tổ chức vào tháng ba, nhưng tiếng pháo báo hiệu non sông liền một dải, đất nước thống nhất vẫn vẹn nguyên như hôm nào. Mỗi mùa pháo hoa ngân vang trên bầu trời thành phố, những ca khúc lại hiện về thực rõ, thực đẹp, đôi khi chúng ta ngắm nhìn vẻ đẹp của pháo hoa không phải bằng mắt nữa mà lắng nghe bằng trái tim, dùng trái tim để cảm nhận: Đà Nẵng đẹp như mơ (Đinh Gia Hòa), Lung Linh sông Hàn (Quỳnh Hợp), Sắc màu Đà Nẵng (Trần Ái Nghĩa), Đà Nẵng pháo hoa khúc tình ca (Thanh Sử)... Pháo hoa đắm chìm giữa đời thường, cất lên tiếng nói của đời sống, chiếm trọn tình cảm của người dân. Và mỗi mùa pháo hoa đi qua, huyền thoại lại bắt đầu: “Đêm pháo hoa tôi, bạn và thơ/ xuống đường cùng sông Hàn, cầu Rồng Đà Nẵng/ không gian đêm rỡ ràng tỏa nắng/ tôi, bạn và thơ làm sao im lặng/ khi hồn mình thăng hoa mênh mông...” (Pháo hoa, thơ Lê Anh Dũng).
P.N