Lưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn

06.08.2018

Lưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn

Lưu Quang Vũ - một người con ưu tú của quê hương Đà Nẵng đã từ biệt thế gian cách nay đã tròn 30 năm chẵn (29/8/1988 - 29/8/2018). Anh là một nhà viết kịch lớn, nhưng đam mê lớn nhất của đời anh vẫn cứ là thơ. Bình sinh, anh đã nhiều lần tâm sự cùng bè bạn là: “sẵn sàng đánh đổi tất cả những vở kịch lấy một bài thơ thật hay”. Điều này cũng dễ hiểu vì anh vốn sinh ra trong một gia tộc nổi tiếng về thơ (cha Lưu Quang Thuận, chú ruột Lưu Trùng Dương) và có niềm đam mê thơ từ thuở nhỏ. Bên cạnh những bài thơ nổi tiếng đã từng công bố, đọc những bài thơ trong Di cảo của Lưu Quang Vũ sau khi anh đã qua đời, ta phát hiện ra thêm một “góc khuất” độc đáo của thơ anh. Có thể nói, anh là hiện tượng thơ khá độc đáo trong dòng thơ theo khuynh hướng sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thời đó. Một tiếng thơ mang tính báo hiệu, tính truyền tin về thuộc tính vĩnh cửu của thơ ca trong cả quan niệm thơ đến thực tiễn trong sáng tác của anh. 

Ở phần Nhật ký in trong “Di cảo Lưu Quang Vũ” vừa được NXB Trẻ phát hành (2018), anh đã có nhiều phát biểu về quan niệm thơ của mình từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ được nêu lên và phân tích quan niệm thơ của anh trong chính thơ anh, đặc biệt là những bài thơ được anh viết từ thời đất nước còn chiến tranh.

Lưu Quang Vũ quan niệm muốn thơ “mang lửa đến cho đời”, trên hết người cầm bút phải đặt cái Tâm lên hàng đầu để đi trên “con đường gian khổ nhất”  và “đau nỗi đau của mỗi trái tim người”: Có phải Nguyễn Du/ Mắt buồn thăm thẳm/ Nhìn tôi nói những lời nghiêm khắc:/ "Anh chớ ngại con đường gian khổ nhất/ Đau nỗi đau của mỗi trái tim người/ Để thơ anh mang lửa đến cho đời/ Trên chữ "tài", chữ "tâm" kia phải "lớn" (Giấc mộng đêm). Mượn cơn mơ gặp tiền bối Nguyễn Du, anh đã tự răn mình cũng như với mọi người cầm bút, rằng, người làm thơ phải biết gạt bỏ những “suy tư ngây ngô” làm dáng “trí tuệ”, gạt bỏ những “câu nhạt phèo, chiếu lệ” nghe đã “nhàm tai”. Thơ phải tập trung vào những điều có ích khi mọi người đang quằn quại khổ đau, đất nước đang bị “tai ương xé rách”: Ta viết những suy tư ngây ngô vờ là trí tuệ/ Những câu nhạt phèo chiếu lệ/ Những lời nhàm tai ai cũng quen rồi / Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai/ Ngực đất nước tai ương xé rách/ Ta viết mãi những điều vô ích/ Vô duyên sao ta cứ nhoẻn miệng cười (Nói với mình và các bạn).

Nhà thơ không phải là “phường bát âm”, nỉ non để “xuôi tai” người nghe: Như phường bát âm thánh thót/ Mong cuộc đời xuôi tai (Nói với mình và các bạn). Điều đó ta đã quen làm thì nay phải cần làm khác đi. Phải viết những bài thơ mà khi nghe, ai cũng chẳng thấy “vui lòng”. Muốn như thế, thơ phải biết “chống lại” với chính mình, “chống lại bóng đen” của cuộc đời “trì trệ”:

Tôi không muốn viết những lời như thế

Tôi không thể viết những lời như thế

Chẳng muốn ai vui lòng khi đọc thơ tôi

Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi

Chống lại bóng đen trì trệ của đời (Nói với mình và các bạn).

Câu thơ được khởi lên từ chữ, ngay từ những thập niên 70 của thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã khước từ những chữ “ngọt ngào lộng lẫy gọi kêu” ngay trong chính thơ mình. Đó là những chữ mà anh đã tự nhận mình dùng “đã quen tay đến nhẵn mòn sờn rách” mình đã từng “bán chúng” trên trang sách nhiều lần: Những chữ đẹp ngày xưa giờ đã bỏ tôi rồi/ Mở trang thơ chúng biến đi đâu cả/ Chữ biển chữ trời từ cây xanh từ hương cỏ/ Từ bình minh, hạnh phúc, tình yêu/ Những chữ ngọt ngào lộng lẫy gọi kêu/ Tôi dùng chúng quen tay đến nhẵn mòn sờn rách/ Không chịu theo tôi, chúng rủ nhau nổi loạn/ Tôi bán chúng nhiều lần, nay chúng chống lại tôi (Những chữ...). Đất nước đang bị dày xéo bởi chiến tranh, những ước mơ của con người còn đang dang dở, thơ cần phải “đóng góp” để mang đến nghị lực vượt khổ đau, vươn tới niềm tin chứ không cần những lời “ca ngợi”: Cuộc sống còn dở dang/ Cần đóng góp không cần ngồi ca ngợi (Nói với mình và các bạn). Chính vì thế, “những chữ” xưa với những “bướm vàng”, hoa đỏ đi cùng với những câu thơ “vô tư ngu ngốc” của một thời tuổi trẻ, anh đã kiên quyết phải “chia tay”: Những chữ xưa giờ đã bỏ tôi đi/ Đã bỏ đi lũ bướm vàng lười nhác/ Đã bỏ đi tuổi trẻ tôi vô tư ngu ngốc/ Tôi chẳng tiếc gì khi cùng nó chia tay (Những chữ...).

Ngay từ thời mà có người gọi là “văn học minh họa” ấy, Lưu Quang Vũ đã mạnh dạn báo hiệu rằng: “thơ là bó đuốc thiêu” chứ không chỉ là bó đuốc soi đường, thơ phải biết “sinh sự với cuộc đời”. Có như thế, nhà thơ mới thật sự biết thương yêu cuộc đời này: Thơ không phải là chứng minh/ Không phải hào quang phản chiếu của tấm gương/ Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa/ Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả/ Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều (Nói với mình và các bạn). Và anh cũng cho rằng thời “nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo”, con mắt ngây thơ “ngỡ ngàng như mắt trẻ con” để véo von như “lời chim” hót đã qua rồi: Đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo/ Con mắt xanh non ngỡ ngàng như mắt trẻ/ Hát cái lá mùa xuân ca lời chim son sẻ/ Thơ tươi mát cuộc đời và an ủi lòng ta (Nói với mình và các bạn). Chữ trong thơ ngày nay phải là những con “chữ trần truồng” để phơi bày hiện thực, chữ “sắc nhọn” như những “mũi đinh” người thợ đóng mộc công trình, chữ “bùn lầy”, “gầy guộc” được vớt lên từ những “cống rãnh” của cuộc sống cần lao “tro than” đang náo động: Còn lại trên trang giấy mênh mông những chữ trần truồng/ Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn/ Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh/ Từ ho lao, giận dữ, than tro (Những chữ...). Thơ ngày nay phải “nhìn bằng con mắt thật”, “không được né tránh”, phải “đập cửa mọi nhà” để mà “lay thức” hướng mọi người “vươn đến tương lai”: Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt/ Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật/ Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt/ Không cho ta lảng tránh/ Đập cửa mọi nhà/ Đứng ở mọi ngã ba/ Không hát ta say mà lay ta thức/ Dù ngày mai đời có trăm lần đẹp/ Thơ vẫn gọi mọi người vươn đến tương lai (Nói với mình và các bạn). Những “tên” gọi trong thơ hôm nay không phải chỉ dành để gọi tên những loài hoa đẹp, để tụng ca chiến thắng, ca ngợi vinh quang mà còn phải gọi “tên” những bông hoa mọc “bên mồ” người chết, “tên” những “con chó” đói lang thang, “tên” những “quả bom”, “những đứa giết người””những thằng lừa dối”; gọi “tên những dãy phố nghèo u tối” nơi “những bàn tay” người thương binh đang “mọc dậy âm thầm”: Tên những bông hoa thường mọc trên mồ/ Tên những con chó hoang, những quả bom, những đứa giết người, những thằng lừa dối/ Tên những dãy phố nghèo u tối/ Những bàn tay đang mọc dậy âm thầm (Những chữ...). Nhìn nhận về sự hủy diệt của đạn bom những năm “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, anh càng nhận thấy mình và những câu thơ mình, bạn mình từng viết “bằng những lời tốt đẹp” là một sự vô ích so với “máu bầm” của nhân dân bị bom thù vung vãi khắp nơi: anh và tôi, vâng, tôi nữa, cả tôi/ chúng ta đã ngu tồi đến nỗi/ không che chở được mẹ già em dại/ khỏi quả bom tàn bạo từ trời cao/ muốn kết thúc thơ mình/ bằng những lời tốt đẹp/ nhưng lòng tôi làm sao tươi sáng được/ khi máu bầm khắp nơi/ dưới bát cơm trên trời trong cốc nước (Khâm Thiên).

Nếu thơ hôm nay cứ nhai lại những câu chữ với ý nghĩa sáo mòn, muôn người đều “một giọng” thì nhất định nhân dân sẽ không thèm đón nhận: Nhân dân có cần thơ của ta đâu?/ Nhân dân quá hiền, nhân dân chưa xé bỏ/ Những ngọt ngào hoa cỏ của ta/ Những nụ cười ngộ nghĩnh của ta/ Những trầm tư về thế kỷ của ta/ Lắm kiểu nói mà giống nhau đến thế  (Nói với mình và các bạn). Thậm chí họ sẽ quay lưng với chính anh mặc dù họ “rất hiền” và đã từng yêu mến ta vì “những ngọt ngào hoa cỏ”, “những nụ cười ngộ nghĩnh” ta đã từng đưa đến với họ trước đây. Vì khi nhà thơ đã “phản bội” chính mình để “còng lưng xuống” trước sự sũng ái, quên đi nỗi đau khổ của nhân dân thì nhân dân sẽ sẵn sàng chối bỏ: Nhà văn xưa tôi yêu mến mê say/ Nay già lão được chính quyền sủng ái/ Lưng còng xuống quên cả lời mình nói/ Phản bội những điều trong cuốn sách thiêng liêng (Hoa ti gôn). Anh quan niệm nhà thơ không phải “lũ viết thuê” để chạy theo những hào quang chớp nhoáng, hợp “khuôn phép” với “những trang in hư danh”, “xu nịnh” để rồi tự mình “già cỗi”, tự mình “yên thân”, đánh mất đi “phẩm cách” người thơ. Nhân dân khổ đau và anh hùng không cần những trang thơ in ấy: Ta đã làm gì? như lũ viết thuê/ Chạy theo những biển hàng ngắn ngủi/ Những khuôn phép những trang in những hư danh một buổi/ Ta nịnh người để người lại khinh ta/ Sớm già cỗi, cố quên đi phẩm cách/ Muốn yên thân ta trở thành hèn nhát (Nói với mình và các bạn). Những con chữ trong thơ hôm nay phải “đứng dậy từ đời thật”, lánh xa “những chữ đẹp xưa”. Thơ phải đến “đập cửa” mọi nhà, mọi người để dài rộng cánh bay vào lòng người đọc: Tôi ở cùng những chữ hôm nay/ Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật/ Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi/ Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi (Những chữ...)

Thơ còn là “ô cửa để mở đến tình yêu” để nối thơ với đời, đời và thơ “đi tới bên nhau” trong ý nghĩa nhân văn cao cả dù bản chất con người vốn “cô đơn”, “cái ác” khắp nơi đang ngự trị: Dù con người là cô đơn/ Cái ác là dày đặc/ Mỗi bài thơ của chúng ta/ Phải như một ô cửa/ Mở tới tình yêu/ Ở đó lòng ta/ Ra với mọi người/ Ở đó mọi người/ Đi tới bên nhau (Liên tưởng tháng hai). Thơ hôm nay phải bám sát những náo động của cuộc đời, của đại dương đang ào ạt sóng. Hãy lánh xa những vần thơ êm ả nằm trên trang sách với “những cánh buồm trắng mát giấc mơ”, những “nơi nước êm” có “san hô lóng lánh”, những nụ hôn trong đêm gió khẽ khàng: Biển ào ạt ngoài kia/ Hung tợn và rộng lớn/ Chẳng giống những vần thơ trong sách/ Nơi cánh buồm trắng mát giấc mơ/ Nơi nước êm óng ánh san hô/ Sóng hôn nhẹ và gió đêm ru khẽ (Trước biển và gió).

Hãy dứt bỏ, đừng nuối tiếc những lời thơ của một thời “Tự lực văn đoàn” chỉ mang dáng “sầu mộng của các tiểu thơ”, quên hết cả “bóng đen nhà tù”, “ngựa gươm giặc Nhật”  trong “chuỗi ngày tàn khốc” và “máy bay đồng minh” đang trút bom xuống “giải đất tối tăm, nghèo khổ” của đất nước mình: Cả dân tộc sau chuỗi ngày tàn khốc/ Bóng đen nhà tù Pháp/ Ngựa Nhật và gươm Nhật/ Máy bay đồng minh trút cái chết lên đầu/ Các nhà thơ trong Tự lực văn đoàn/ Làm thơ về trăng và các tiểu thư sầu mộng/ Tổ quốc tưởng như bị bỏ quên/ Giải đất tối tăm giải đất nghèo hèn (Sông Hồng - năm mẹ sinh em).

Chiến tranh, gian khổ rồi sẽ qua, thơ phải là những áng “phù sa” làm tươi xanh sự sống, thơ phải chứa đựng tình yêu và mơ ước. Dù đi trên con đường thơ ca là chấp nhận gian lao, nhưng phải luôn luôn mở đường, hướng tới và “đừng phút nào mệt mỏi thơ ta ơi”:

Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa

Những tình yêu những ước vọng thiết tha

Dẫu bay đi không một lời đáp lại

Dẫu trơ trọi trong lạnh lùng bóng tối

Dẫu đường dài xa ngái

Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi (Nói với mình và các bạn).

Xem kịch, đọc thơ Lưu Quang Vũ, lúc nào tôi cũng có cảm giác anh chính là “Người báo hiệu” những cái mới, những cái thuộc về phía tương lai, luôn chống lại những sáo mòn, xưa cũ, chật chội, hẹp hòi: Vòm cây lớn bất ngờ/ Cái đàn xưa bỗng hẹp/ Chân lý luôn thuộc về những ngọn lá tươi (Ngoại ô). Anh quan niệm, nhà thơ chính là “Người báo hiệu”, “người truyền tin” vượt qua “đêm đen” và “gió bấc bốn bề”: Người lính đưa tin trên mình ngựa lao về/ Đêm gió bấc bốn bề đen thẫm (Người báo hiệu). Người lính báo hiệu tuy vô danh, nhưng sẵn sàng hy sinh để truyền tin dữ về kịp nơi cần đến, đánh thức những u mê để cứu nước non nhà: người báo hiệu không tên/ nằm sóng soài trên cỏ/ ngọn đuốc còn cháy đỏ trong tay/ người truyền tin như gió chạy qua đồi/ rẽ lau rậm băng đồng vượt suối/ giặc ào ạt vây chặt đồn biên ải/ lửa bốn bề, lũy sập thành tan/ phút tuyệt vọng cuối cùng/ quân sĩ lăn mình mở con đường máu/ người truyền tin xuyên vòng vây hung bạo/ lao về báo động những vùng quê (Người báo hiệu).

Và với Lưu Quang Vũ, nhà thơ chính là “người truyền tin muôn đời” để mang cái mới, cái tốt đẹp của mình đến với nhân dân:

Người truyền tin muôn đời

người báo hiệu của nhân dân đã đến! (Người báo hiệu).

Quảng Ngãi, tháng 7-2018

M.B.Â

Toàn bộ thơ Lưu Quang Vũ sử dụng trong bài viết được trích từ:

1- Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nxb Hội Nhà văn, 2010.

2- Di cảo Lưu Quang Vũ, Nxb Trẻ, 2018

Bài viết khác cùng số

Kịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiChiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngGiấc rời - Hoàng Thụy AnhValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãTôi ê a hát - Ngân VịnhVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaHải Vân Quan - Thạch Châu Thơ Xuân CừQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiĐà Nẵng như người tình - Đình ThuThơ Phạm Trí ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn