Bùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng Huy
Xin trích đôi dòng tóm lược lý lịch in trên bìa sách:
Bùi Công Minh. Sinh 1947. Quê quán: Thành phố Đà Nẵng. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Thành phố Đà Nẵng. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội khóa 1964 - 1968. Tiến sĩ chuyên ngành Văn học.
Đã kinh qua: Nhà giáo, người lính, công tác quản lý, làm văn, viết báo.
I/ Bùi Công Minh - Đời thơ, tình thơ
Bùi Công Minh là cậu bé sớm có năng khiếu thơ.
Khi còn là một học sinh lớp 5 trường học sinh miền Nam số 27 Hà Đông, Minh đã có thơ Cháu mong gặp Bác đăng báo, và đạt giải A trong cuộc thi viết về Bác của báo Thiếu niên tiền phong, sau đăng lại ở báo Văn nghệ. Tiếp đó, Ngày và đêm (1968) được viết vào cuối đời sinh viên Đại học Sư phạm trước ngày nhập ngũ năm 1972. Năm 1973, anh được giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài Đêm văn nghệ hậu phương.
Ngày và đêm là một bài thơ có tính “định mệnh”. Anh sau đó đã trở thành bộ đội trong một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Em - cô sinh viên lớp dưới, thành cô giáo một trường Trung học, và từng đi sơ tán, cũng là chiến sĩ với “Bục giảng dưới hầm sâu”.
Bài thơ ấy cũng đưa tên tuổi Bùi Công Minh lên thi đàn, khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc Hành khúc ngày và đêm - Hành khúc của tình yêu trong chiến đấu.
Vậy là, Minh đã bén duyên thơ từ thời trai trẻ, và trở thành nhà thơ như một điều tự nhiên, một điều Giản dị (2011).
Kể từ “Ngày và đêm xa nhau... Đốt cháy bỏng tình yêu” (Ngày và đêm), giờ đây “Cũng như anh và em. Chúng ta vẫn vẹn nguyên trong nhau/ Nụ hôn còn ý nghĩa” (Giản dị). Câu thơ đầy chiêm nghiệm triết lý:
Cũng như anh và em
là hiện thân giản dị của trời đất
Và câu thơ của ai đó cũng như vận vào Bùi Công Minh: “Anh làm thơ. Vậy thì anh tồn tại”.
Nhà thơ tự bạch: “Ngẫm lại, từ bài thơ đầu tiên được đăng báo Văn nghệ năm 1969, đến bài thơ mới nhất được đăng ở tạp chí văn nghệ quê nhà, tôi đã có hơn 45 năm gắn bó với thơ. Của tin còn lại chút này làm ghi”.
Đó là Lời tác giả mở đầu cho tuyển thơ chọn, xuất bản năm 2015.
Sau đây là “Chút của tin” của tác giả:
Ngày và đêm, NXB Quân đội nhân dân, 1994.
Lặng lẽ mình, NXB Hội Nhà văn, 1996.
Gió mặn - Lời ru (in chung với Ngô Liên Hương), NXB Đà Nẵng, 2012.
Động và tĩnh, NXB Hội Nhà văn, 2012.
Những năm tháng không lặp lại (thơ chọn), NXB Đà Nẵng, 2015.
Và một số bài thơ lẻ đăng trên báo chí, tuyển thơ Trung ương và địa phương.
Sớm nảy nở một hồn thơ, Bùi Công Minh biết nuôi dưỡng, giữ gìn và phát huy suốt một đời.
Đó là một vốn quý, gần như bẩm sinh, để hình thành một tài năng thơ. Đứng trước một sự việc, một tình cảnh, hồn thơ được kích động để nảy ra tứ thơ như cái phôi sinh thành đầu tiên của bài thơ.
Chia ly vốn là đề tài muôn thuở. Chia tay nhau đi chiến trận, cũng chỉ là một tình cảnh cụ thể, trở thành đề tài xưa nay.
Chinh phụ ngâm lưu lại một cảnh tượng quá xưa cũ của một thời: “Giã nhà đeo bức chiến bào/Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. Ngày nay, rất nhiều tình cảnh hiện đại đã diễn ra của đôi trai gái.
Ở Chia tay trong đêm Hà Nội, Nguyễn Đình Thi chốt lại một hình ảnh độc đáo của chàng trai bộ đội và cô gái dân quân tự vệ: “Anh ôm chặt em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em”.
Nhà thơ Bùi Công Minh tưởng tượng, tiên cảm một cuộc xa cách của anh lính trẻ và người yêu - cô giáo trong một khung cảnh khác lạ trong Ngày và đêm. Đó là sự mách bảo của một hồn thơ nhạy cảm. Khác người, và hơn người là ở chỗ đấy.
Tình thơ rong ruổi đường dài trên hành trình thơ Bùi Công Minh. Từ ngày trai trẻ đến tuổi “lập thân” - những năm 70 của thế kỷ XX. Rồi, cứ thân thiết đồng hành bền bỉ vào tuổi “tri thiên mệnh” - thập niên 80, 90 sau đó, để có những tập thơ thắm đượm tình nghĩa.
Có điều lạ là, tình thơ như ngày càng đằm thắm “Tuổi Năm Mươi trở về hồn nhiên sà vào lòng Mẹ/ Nghe đậm vị quê hương/ Ngọt gió đại ngàn/ Mặn mòi nắng bể” (Quê hương). Càng trải nghiệm, lại càng như tiếc nuối, và say mê hy vọng.
Hình như Bùi Công Minh vừa nhớ rõ, vừa quên lãng tuổi tác.
Làm thơ ghi rõ năm nào, tuổi nào. Trong Cây Sanh, bạn đọc biết tuổi năm làm thơ: “Giờ tuổi Sáu Mươi qua bao nhiêu sông suối” nhớ lại tuổi ấu thơ. Có khi lại đặt ngay ở nhan đề: “Tuổi Năm Lăm thăm Vạn lý trường thành”, và ghi rõ Sáng 19/8/2002.
Viết ở Tuổi Sáu Mươi là sự chia sẻ một tâm trạng rất thật. Bài thơ có một đề từ trích lời của bạn thơ - Sáu mươi tuổi mừng tóc bạc N.K.Đ.
Có lúc
Anh muốn đất mình cháy nhanh lên
... Nhưng lạ thay có lúc
... Anh lại muốn tưới vào mình
dòng nước mát lành
Cho thời gian đi chậm lại
... Và khi ấy
Anh như gốc cây già
Vẫn muốn nhú một chồi non
Đúng 10 năm sau, tháng 2/2017, bạn đọc có thể mừng vui, và hứng thú đọc tùy bút thơ Phong Châu trên trang mạng Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà Bùi Công Minh cũng là một hội viên thường xuyên có thơ đăng.
Trí tuệ thơ như “gừng càng già càng cay”. Tình thơ vẫn lai láng chảy. Tâm hồn thơ như trẻ mãi không già!
Đó là Bùi Công Minh - một nhà thơ đã thành danh, và còn nhiều triển vọng.
II/ Bùi Công Minh - Một tiếng thơ mang dấu ấn sáng tạo
Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng Bùi Công Minh là người say mê thơ. Say từ trong giảng đường đại học, say trên đường ra trận, say trong công tác văn hóa, văn nghệ. Là người có trải nghiệm về vốn đời, vốn văn hóa, văn nghệ, nên Minh cô đúc tất cả vào thơ, tạo thành nhân cách thơ. Từ đó là sáng tác thơ như hoạt động đồng hành, và trở thành cái duyên nghiệp cuộc đời.
Bùi Công Minh sớm trở thành một nhà thơ, và có một cốt cách, bản lĩnh thơ. Lại là một tài năng thơ nữa, khi thể hiện một phong cách nghệ thuật như cá tính sáng tạo.
Ra đời, đứng trên bục giảng Đại học Ngữ văn, nhà giáo trẻ từng truyền đạt tri thức văn học cổ kim, đông tây và những lý luận văn học hiện đại nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nền tri thức văn hóa cơ bản của một người truyền thụ, và có thể là hứng thú phần nào cho người muốn sáng tác.
Với Bùi Công Minh, nhiệt hứng hồn nhiên như ngọn lửa, làm bùng lên cảm xúc và ý tưởng sáng tác. Nhiệt hứng là xúc cảm nồng nhiệt mạnh mẽ để nhập hồn vào một đối tượng thẩm mỹ biến hóa thành thơ.
Ngày và đêm - bài thơ thành đạt đầu đời, cũng là tác phẩm để đời, là một minh chứng sinh động, hùng hồn.
Tác giả và người yêu hóa thân vào nhân vật thơ. Với nhiệt hứng của người ra trận - một nhiệt hứng rất mãnh liệt của tuổi trẻ - “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật), nhà thơ trẻ ca ngợi một tình yêu gắn bó máu thịt thời chiến: Cuộc chiến diễn biến như một hiện thực ác liệt, không thể dập tắt ngọn lửa tình yêu.
Thời gian trong cách trở
Đốt cháy ngời Tình Yêu
Nhà thơ đã ra một tuyên ngôn về Ngọn lửa Tình yêu bất diệt trong chiến tranh. Như không có sự đợi chờ kiểu Đợi anh về của Simonov. Bởi một lẽ tự nhiên, cũng rất hồn nhiên như lẽ phải của trái tim anh chiến sĩ:
Ngày đêm ta bên nhau
Những đêm ngày chiến đấu
Nhiệt hứng như nét phong cách thấm đẫm sáng tác thơ thời chiến, và còn mang âm hưởng sau đó.
Mùa mưa - mùa khô cũng là mùa gắn với chiến tranh: “những mùa đến, mùa đi da diết/ Trên quê tôi, mảnh đất chiến trường”. Tuy nhiên: “Những bàn chân với hai mùa dai dẳng/ Nhẫn nại làm nên chiến thắng”.
Tình cảnh ấy rõ ràng gợi nhiệt hứng thơ của người con quê hương. Những đội Thanh niên Xung phong vùng sông Cầu, Hà Bắc làm nên Những tuyến đường quan họ. “Con trai đồng chiêm mặc áo xanh người lính” trở thành người có Đôi bàn tay trắc thủ. Bàn tay ấy lại “vỗ nhịp sau giờ thắng trận”.
Những “chuyện thường ngày” thời chiến nhanh chóng trở thành đề tài thơ Bùi Công Minh theo nhiệt hứng hồn nhiên.
Thời hậu chiến và xây dựng hòa bình còn biết bao bề bộn, ngổn ngang, bao thách thức mới không kém phần gay gắt và quyết liệt.
Vẫn mang trái tim sôi nổi, với nhiệt hứng hồn nhiên, nhà thơ xâm nhập vào hiện thực mới.
Một thời qua đi như âm hưởng hào hùng, đánh thức những hồi ức: Những sắc màu Trường Sơn, Tình ca Tháng Mười Hai.
Tuy nhiên, qua những cái mới ồn ào, náo nhiệt, rộn rã của cuộc sống hồi sinh, khôi phục, vẫn là tiếng gọi náo nức và hứng khởi với hồn thơ. Bùi Công Minh đã trải lòng mình với niềm vui, và nỗi hân hoan mới.
Nhiệt hứng ngợi ca như một lẽ tự nhiên, như những cảm xúc và thức nhận dâng trào.
Rõ nhất là những bài thơ của thập niên 90 và đầu thế kỷ mới.
Từ năm 1992, trở về quê hương ruột thịt - thành phố Đà Nẵng, cũng là lúc nhà thơ làm cuộc đối sánh xưa - nay, nhất là thời kỳ đất nước hội nhập, đổi mới.
Sinh khí đời sống ùa vào tạo nên sức sống mới cho thơ. Riêng Sông Hàn tuổi Mười Tám có 2 bài, Hội An cũng vậy - bài 1, bài 2.
Anh, em lại cùng nhịp theo câu hát Sông Hàn:
Sông có cây cầu, sông trở thành lãng mạn
Người có cây cầu, người thêm bè bạn
Câu hát có cây cầu, câu hát vút xa khơi
Cây cầu gợi những khúc hát trái tim nồng nhiệt.
Tuy nhiên, sau những phút giây hát ca bay bổng, con người lại có những khoảnh khắc trầm lắng, suy tư. Bởi, khi dựng xây lại có những đổ vỡ mới, bên vun trồng lại có những sự phá hoại. Mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đã bộc lộ những tiêu cực - mà có khi thật đáng sợ.
Như nhiều nhà thơ khác có nhận thức lại tỉnh táo, khách quan, Bùi Công Minh vào độ chín của trải nghiệm cũng có những băn khoăn, trăn trở, bức xúc về thời cuộc, về nhân tình thế thái trong tình hình mới.
Nét trầm tư sâu lắng trong những dòng thơ trữ tình vẫn như những làn sóng - nổi, chìm, dào dạt.
Nhà thơ chia sẻ với những kiếp người bất hạnh: Gửi một người đàn bà xấu số đi bòn mót hạt cà phê trong trang trại bị đàn chó cắn xé đến chết. Qua đó là lời “cảnh tỉnh con người!” với thói vô cảm tàn ác.
Ca ngợi cái đẹp, nhưng đồng thời lên án cái xấu; sự tàn phá, hủy hoại bằng giọng cảnh báo gián tiếp về sự vô cảm, vô trách nhiệm và nỗi âu lo: “Chỉ còn sự dửng dưng của con người trước nỗi đau thiên nhiên... Những loài gỗ quý ẩn sâu nơi đại ngàn có thể bị tận diệt/ Và những con thú hiền lành sẽ tuyệt chủng”. Ngay cả bảo tàng Cội nguồn cũng có nguy cơ bị biến mất vì sự cố vô văn hóa.
Nhà thơ khiêm nhường Tập triết lý, nhưng thực ra, với sự thông tuệ của một nhà thơ trí thức, đã đưa ra nhiều thông điệp có ý nghĩa triết lý - những triết lý nhân sinh nhằm thức tỉnh con người.
Cũng có thể coi đó là những triết lý nhân văn.
Hài hòa là nét phong cách nghệ thuật thơ.
Trước hết, hài hòa như âm điệu chính của tâm hồn thơ Bùi Công Minh. Hài hòa cũng sẽ tạo ra giọng điệu chính như chủ âm của một hồn thơ.
Nhà thơ Huy Cận có bài thơ nổi tiếng như một tuyên ngôn - Họa điệu. Họa điệu cũng là hòa điệu, là hài hòa.
Với Bùi Công Minh, hài hoà vừa là một cảm niệm triết học, vừa là một cảm xúc mỹ học.
Động và tĩnh là một sự suy nghiệm sâu sắc về triết lý - triết lý mang màu sắc nhân sinh, nên cũng là một cảm xúc hồn nhiên về tình yêu và sự sống - cái đẹp như mỹ cảm cuộc đời:
Ngoài kia động, nơi này yên tĩnh
...Đêm thì động mà ngày yên tĩnh
...Ngày xưa động, bây giờ thì tĩnh
Cái động, tĩnh trong cuộc sống là cái động, tĩnh trong đời người qua không gian và thời gian, qua xã hội và gia đình, qua thời cuộc và tuổi tác:
Ở hai đoạn thơ cuối là cái trầm tư sâu lắng về đời và đạo (đạo văn chương nghệ thuật):
Gió mây động, mặt đất thì yên tĩnh
Lá non tơ bình thản màu xanh
Em ùa ra sân, vài giọt mưa trên tóc
Rồi nghiêng đầu hôn nỗi lặng đời anh
Giao thừa động, nén nhang thì tĩnh
Khói bay lên thẳng tắp tâm hồn
Bao bão tố, thác ghềnh hóa dòng sông lặng
Ta nhìn đời trở lại mắt hồn nhiên
Cái linh diệu của câu thơ là sự hòa hợp của những đối nghịch trong sự thống nhất biện chứng.
Có sự vật, hiện tượng; có thời gian, không gian; có hiện tại, quá khứ; có thiên nhiên, có con người. Đó là một dàn cảnh tự nhiên, hồn nhiên của hiện thực cuộc sống, cuộc đời trong sự tuần hoàn, điều hòa như một quy luật: Ngày và đêm, Mùa mưa - mùa khô...
Những nét phong cách là độc lập, nhưng có khi đan xen vào nhau một cách tinh tế mà hồn nhiên.
Chẳng hạn, ngay trong Ngày và đêm, là sự hòa hợp hay hài hòa của hai tâm hồn. Cái tươi xanh của tình yêu và sự sống hiển hiện ngay trong khói lửa chiến tranh.
Ở Đêm văn nghệ hậu phương, nổi lên tiếng hát. Con gái không thể hát giọng trầm nam, nhưng hòa chung các đoạn, toàn bài như tiếng kèn thúc giục.
Chất trữ tình sâu lắng như mạch thơ chảy suốt. Khi Tập triết lý vẫn là trải nỗi lòng tha thiết, và một bản lĩnh kiên cường. Cái phẫn nộ được nói bằng giọng ôn tồn. Chống ác hại bằng thái độ, hành động thiện nguyện.
Nếu tóm gọn, có thể hình dung phong cách thơ ấy qua phẩm chất chính yếu: Nhiệt hứng - Trầm tư - Hài hòa. Hoặc cụ thể hơn: Nhiệt hứng hồn nhiên - Trầm tư sâu lắng - Hài hòa thanh thoát.
Đó là dấu ấn cá tính sáng tạo của một hồn thơ.
Gần đây, có bài viết Bùi Công Minh và chuyện Ngày và đêm của Dương Kim Thoa, đăng trên trang web của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh (http://nhavantphcm.com.vn, 19/8/2017) ca ngợi bài thơ Ngày và đêm có duyên phận đặc biệt, gắn với âm nhạc để làm nên tên tuổi nhà thơ trẻ. Người viết tôn vinh tác giả là Nhà thơ của một bài, và so sánh như Vũ Cao với Núi Đôi, Hữu Loan với Màu tím hoa sim. Nhận xét có đúng, nhưng chưa trúng, chưa thỏa đáng.
Hãy đọc kỹ thơ Bùi Công Minh, từ Ngày và đêm (1994) tới Những tháng năm không lặp lại (thơ chọn, 2015), và những bài thơ gần đây nhất, như Phong Châu (tùy bút thơ, 2017),... sẽ nhận xét đầy đủ và công bằng hơn.
Từ đó, sẽ có thể nhất trí một nhận xét như mặc định tin cậy:
Bùi Công Minh - Nhà thơ của một đời.
Hơn thế, đó là nhà thơ có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, một đời làm thơ đam mê với nhiều khát vọng.
Rất đáng trân trọng là, nhà thơ đã có đóng góp cho quê hương, đất nước những vần thơ như tiếng hát biển sôi động và hiền hòa.
Tiếng hát ấy từ Cảng lớn còn thêm vang động và lan tỏa những trùng dương.
Đ.T.H
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Thanh Quế (2015 ), Bùi Công Minh trên con đường đi với thơ (Lời bạt tập thơ chọn Những tháng năm không lặp lại, 2015 )