Lưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu Hậu
L |
à một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam sau năm 1975, Lưu Quang Vũ người con của quê hương Đà Nẵng đã dự phần quan trọng vào sự nghiệp cách tân đổi mới văn học. Không chỉ trên đại hạt kịch, thơ ca của Lưu Quang Vũ sâu sắc về giá trị, mới mẻ và độc đáo về phong cách, luôn là chân trời vẫy gọi sự đồng sáng tạo của người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau.
“Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi”
Là nhà thơ ý thức cách tân mạnh mẽ thi pháp, thường trực đau đáu về thiên chức của người cầm bút, Lưu Quang Vũ quan niệm thơ phải gắn liền với cuộc đời, kiến tạo hiện thực tốt đẹp và nhân văn hơn, phải mang hơi thở thời đại của mình. Đã nhiều lần, anh đề cập đến tuyên ngôn nghệ thuật một cách gián tiếp bằng thơ.
Những chữ đẹp ngày xưa giờ đã bỏ tôi rồi
Mở trang thơ chúng biến đi đâu cả
Chữ biển chữ trời từ cây xanh từ hương cỏ
Từ bình minh, hạnh phúc, tình yêu
Những chữ ngọt ngào lộng lẫy gọi kêu
Tôi dùng chúng quen tay đến nhẵn mòn sờn rách
Không chịu theo tôi, chúng rủ nhau nổi loạn
Tôi bán chúng nhiều lần, nay chúng chống lại tôi.
Còn lại trên trang giấy mênh mông những chữ trần truồng
Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn
Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy, cống rãnh
(Những chữ)
Cách kiến tạo và cuộc phiêu lưu chữ của anh thật quyết liệt. Anh không chấp nhận được lối viết cũ mòn, sáo nhẵn. Văn chương theo người thơ bạo liệt này không phải là tháp ngà của cái Đẹp được chưng cất xa lạ với cần lao, với cõi đời nhiều đắng cay, khó nhọc mà thi ca cũng là máu, là nước mắt, mồ hôi, từ chính cuộc sống đang cần được dựng xây:
Tôi ở cùng những chữ hôm nay
Điều còn lại sau đường dài tôi vượt
Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật
Tin yêu cuộc đời theo cách của tôi
Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi
Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa
Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi.
(Những chữ)
Qua những lời thơ của anh, ta thấy hơi thở thời đại ùa vào trên trang viết, phập phồng trong mỗi con chữ đầy trách nhiệm. Cái tôi trong thơ đã hòa với cuộc đời rộng lớn ngoài kia. Tận cùng của cái riêng ta bắt gặp tiếng nói của cái chung. Đó nhất định không phải là tiếng thở than của một tâm hồn ủy mị cô đơn, càng không phải khu vườn của những thanh âm buồn bã:
Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Tôi chọn bài ca của mùa hạ nắng
Tôi chọn bài ca của người gieo hạt
Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây
Khổ đau dẫu nhiều, tôi chọn niềm vui
(Tôi không muốn kỉ niệm về tôi
là một điệu hát buồn)
Lưu Quang Vũ từng xác quyết đầy bản lĩnh rằng anh không bao giờ viết những câu thơ nhạt, nhàm tai, hay viết để vừa lòng người đọc mà muốn viết những bài thơ nổi loạn chống lại chính mình:
Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi
Chống lại bóng đen trì trệ của đời
Chống lại những bài thơ tôi đã viết cùng những ai ưa thích nó
Làm sao đọc thơ tôi anh giận dữ băn khoăn xấu hổ
Cãi lại tôi hay ghét tôi đi nữa
Nhưng anh thôi hờ hững sống yên bình
Tôi xé đi vòng hoa giấy bức màn sương
Những niềm vui dại khờ những nỗi buồn dang dở
Cuộc sống còn dở dang
Cần đóng góp không cần ngồi ca ngợi
(Nói với mình và các bạn)
Qua đoạn thơ, ta thấy tác giả quan niệm bài thơ cũng có cuộc đời của riêng mình, có tiếng nói của riêng mình, sau khi được ra đời có thể chống lại tác giả. Đây là một cách nhìn rất mới trao quyền năng cho đứa con tinh thần. Vòng đời của tác phẩm tiếp tục sinh sôi trong sự đọc của độc giả, bài thơ có thể làm cho người đọc yêu, ghét, hân hoan hay giận dữ. Hơn nữa, quan niệm cuộc sống còn dở dang hay chính là hiện thực cuộc sống luôn vận động, phát triển, theo đó hiện thực trong thi ca không chỉ là cái đã diễn ra mà còn là cái đang diễn ra, đang hình thành, đang tiếp diễn với tất cả sự phức tạp. Nhà thơ đứng trước hiện thực ấy hơn ai hết cần phải kiến tạo hiện thực thay vì chỉ biết ngợi ca cái đã qua. Trên cánh đồng chữ, nhà thơ xiết bao vất vả, nhọc nhằn với cuộc đấu tranh nội tâm, đấu tranh cho cái mới, cái sáng tạo ra đời.
Người thơ ấy tự họa chân dung của mình một cách ấn tượng, gai góc và đầy chiêm nghiệm. Một chân dung được ký họa từ nhiều góc nhìn khác nhau hay nói cách khác cái tôi đa ngã trong thơ anh thật ám ảnh:
Không biết nữa, anh là chàng thi sĩ
Hay kẻ bộ hành sa mạc khát sương mê
(Bài thơ khó hiểu về em)
Lưu Quang Vũ từng cho mình là một người trơ trọi, buồn đau, viễn vông, thất bại dù tài hoa. Không những thế, anh còn ví mình:
Ðời cũng giống như biển kia anh lại giống con tàu
Tàu anh đi đi hoài trên biển vắng
Mong tìm được một bóng hình bè bạn
(Bầy ong trong đêm sâu)
Bằng nghệ thuật so sánh, ví mình như con tàu trên biển vắng, ta thấy cuộc phiêu lưu hay trò chơi chữ nghĩa mà anh theo đuổi hết sức cô đơn. Cảm thức của một cái tôi cô đơn vì những dự cảm mới mẻ, bạo liệt kiến tạo những chân trời văn chương mới, những sự thật không phải ai cũng dám nói lên. Anh là người tha thiết, đắm đuối với những thể nghiệm:
Anh xé quyển thơ anh viết mấy năm ròng
Anh xé lòng anh những đêm mất ngủ
Cửa kính đóng xong anh đưa tay đập vỡ
Đời anh ổn định rồi, anh lại phá tung ra.
Anh khờ dại anh tự làm mình khổ
Anh sợ những dây chằng, anh sợ cái lồng chim
Muốn quên nỗi đau mà không thể nào quên
Anh buồn lắm, em đừng giận nữa.
(Không đề II)
Động từ xé đã diễn tả tuyệt đỉnh những giông bão, thét gào, lằn ranh của tự đấu tranh làm mới mình trong tâm hồn của nhà thơ. Anh không bằng lòng với những khuôn mẫu có sẵn trong cách viết, không bằng lòng với chính mình của ngày hôm qua. Nhà thơ muốn đập vỡ, muốn phá tung mọi định dạng phong cách của mình, của nghệ thuật đương thời. Đó cũng chính là phẩm chất của thi sĩ tài năng.
“Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa”
Để xác quyết thế giới nghệ thuật, Lưu Quang Vũ đã kiến tạo nhiều biểu tượng độc đáo. Lửa là một biểu tượng đầy sáng tạo trong thơ Lưu Quang Vũ. Lửa xuất hiện rất nhiều lần và trở thành con mắt thơ, chìa khóa nghệ thuật dẫn vào thế giới của Lưu Quang Vũ:
Có nhà triết học cổ Hy Lạp nói rằng:
“Bản chất của mọi vật là lửa”
Truyền từ đá sang gió
Từ nước sang gỗ
Phút đốt cháy là phút nảy mầm
Con người trao lửa cho nhau
Từ những lồng ngực tròn căng
Sự sống là lửa
Thiêu hủy và sinh nở
Bình minh là lửa
Mở ngày mới và xé toang ngày cũ.
Cho ta làm ngọn lửa...
(Mấy đoạn thơ về lửa)
Có thể nói, lửa là cội nguồn sự sống, mang tính sinh sôi, nảy nở, là sự hồi sinh trên cuộc hành trình hủy diệt để tái sinh. Trong Từ điển biểu tượng thế giới, lửa được tường giải với nhiều phương diện khác nhau: “Theo Kinh Dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim, lửa tượng trưng cho nhiệt huyết nhất là tình yêu, tượng trưng cho tinh thần - ngọn lửa tinh thần hay nhận thức trực giác” [1,546] cũng có khi “lửa tượng trưng cho sự tẩy uế bằng sự thấu hiểu, bằng ánh sáng và chân lý đạt đến trạng thái thông tuệ siêu việt nhất” [1,548]. Lưu Quang Vũ như người thắp lửa sáng tạo, thắp lửa tận hiến cho thi ca nghệ thuật. Ngọn lửa sáng tạo mãi cháy trong thơ anh, anh muốn truyền cho bạn bè mình. Đó cũng là ngọn lửa yêu thương, yêu đời, yêu người. Những câu thơ vừa giàu chất tự sự, đầy giá trị chiêm nghiệm, triết lý. Cũng có lúc, lửa chính là em. Là tình yêu tái sinh cuộc đời của Lưu Quang Vũ:
Anh vẫn nhen một ngọn lửa âm thầm
Hình bóng em chập chờn trong lửa ấy
(Em những tháng năm đau xót và hy vọng)
Lửa tình là một phần đặc sắc nhất trong thơ của Lưu Quang Vũ. Ngọn lửa tình nồng nàn, rực cháy đã sưởi ấm tâm hồn nhạy cảm, u buồn của anh. Đó cũng chính là ngọn lửa làm hồi sinh đời anh, thơ anh:
Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng
Một mình em với giấc ngủ chập chờn
Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn
Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt
Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật
Vẫn là gã trai nông nổi của em
Người chồng đoảng của em...
Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất
Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất
Dành cho em, chưa kịp viết tặng em
Tấm màn nhung đỏ thắm
Mới bắt đầu kéo lên
Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc
Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát
Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh...
(Thơ viết cho Quỳnh trên máy bay)
Câu chuyện tình yêu đẹp đến nao lòng giữa anh và nữ sĩ Xuân Quỳnh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong thơ. Càng yêu anh càng viết hay hơn, viết nhiều hơn. Tình yêu đó là bến đỗ bình yên cho anh sau những giông bão thét gào. Tình yêu định mệnh đích thực là yêu cả tâm hồn, yêu cả tính cách, yêu cả cái nhìn của nhau. Lưu Quang Vũ đã sống và yêu trong tuyệt đích của sự hòa hợp đó:
Lẽ sống và lẽ chết của đời anh
Ta đi mãi về nhau tìm mãi bản thân mình
Cuộc chinh phục suốt đời không tới đích
Cuộc chinh phục suốt đời không chiếm lĩnh
(Di chúc tình yêu)
Giọng điệu trong thơ anh giàu tính triết lý, chiêm nghiệm, suy tư chứ không chỉ là buồn đau như một số nhận định trước đây. Đó là sự chiêm nghiệm của anh trước sự hiện hữu, trước vô biên và tuyệt đích. Trước sự chảy trôi, phôi phai và quy luật đào thải khắc nghiệt của thời gian, nhà thơ đã tự vấn mình, phải làm gì để sống có ý nghĩa hơn. Mượn câu nói của Shakespeare, Lưu Quang Vũ minh định quan niệm sống của mình, sống là phải hành động, phải kiến tạo cuộc sống từ những điều bình thường thành những điều lớn lao. Thi ảnh những ban mai lên đường thật đẹp và đầy sáng tạo. Qua đó anh đứng về phía của sự vận động và phát triển. Tình yêu và sáng tạo cũng chính là cách để anh vượt qua thời gian mà không hề sợ hãi:
Hơn mọi ầm ào gầm thét
Là tiếng đọng khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian - đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian - đó là chiều dày những trang ta viết
Bây giờ anh mới hiểu hết câu nói trong kịch Shakespeare:
Tồn tại hay không tồn tại
Không có nghĩa là sống hay không sống
Mà là hành động hay không hành động
Nhận thức hay không nhận thức, tác động vào cuộc đời hay quay lưng lại nó?
Anh không băn khoăn mình có tài hay kém tài, thành công hay thất bại
Chỉ day dứt một điều: làm sao với những sự vật bình thường
Những ngày tháng bình thường
Như chiếc hộp con, như tờ lịch trên tường
Ta biến thành con tàu, thành tấm vé
Những ban mai lên đường.
Làm sao với những chất liệu của đời thường, của cuộc sống chật hẹp như chiếc hộp con, tờ lịch, nhà thơ thổi vào đấy sức mạnh của những điều kỳ diệu. Đó chính là day dứt, là ưu tư luôn thường trực trong hồn thơ của Vũ. Phong cách ấy tự thân đã chọn thể loại thơ tự do vì sự phóng khoáng và mạnh mẽ của cảm xúc. Những câu dài ngắn đứng bên nhau, hô ứng nhau trong giai điệu của mạch ngầm tiếng nói bên trong, tiếng nói của cảm xúc.
Thơ Lưu Quang Vũ ám ảnh người đọc bởi chất suy tư, tự vấn trước một hiện thực đang hình thành, đang trộn lẫn giữa cái bình thường và bất thường, xen lẫn xấu - tốt, đòi hỏi một sự đọc sáng tạo. Thơ anh vĩnh viễn thuộc về phía của những vận động, phát triển. Đó là thứ thơ vươn mình lên phía trước bằng cách tự xé, vượt thoát mọi khuôn khổ chật hẹp, mọi định dạng có sẵn: Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều/Đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo/Con mắt xanh non ngỡ ngàng như đứa trẻ (Nói với mình và các bạn).
Tiếng thơ ấy đã, đang và sẽ chiếm lĩnh được tâm hồn của bạn đọc như Lưu Quang Vũ từng viết:
Hạnh phúc của tôi là được các bạn mến yêu
Là được mến yêu và tin các bạn
Thế hệ mình cần những người dũng cảm
Dũng cảm yêu thương dũng cảm căm thù.
H.T.H