Những góc nhìn về Tùng gai của Bạch Diệp
Soi chiếu cuộc sống bằng tư duy hướng nội, Tùng gai (NXB Văn học, 2014) toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính, với những giãi bày cảm xúc nhẹ nhàng nhưng rất mạnh mẽ, sâu lắng, triết lí...
Mùa hè treo rũ
Trong cái hộp hai mươi mét vuông
Ngổn ngang màu
Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
Ngày lên dây hết cỡ
Chật
Dâng đầy lên ngực
Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian
Không gian, thời gian, vạn vật đều trong trạng thái ngột ngạt, chật chội, gò bó, bức bách như sợi dây đàn được căng hết cỡ. Trạng thái ấy tạo sinh những đối cực: sinh – tử, mặt đất – bầu trời; ánh sáng – bóng tối; khổ đau – hân hoan,... và làm nên vùng thẩm mĩ riêng cho Tùng gai của Bạch Diệp. Chị chấp nhận hai mặt của cuộc đời, phóng chiếu chúng thành cảm hứng sáng tạo, bày tỏ nỗi niềm, cái tôi của mình về cuộc thế, con người và lí tưởng nghệ thuật bằng những cảm xúc dạt dào, nữ tính.
1. Tùng gai là tiếng nói trải lòng của chị về tình yêu, hạnh phúc, cuộc sống. Những câu thơ đi ra từ trái tim sẵn sàng chịu đày ải truân chuyên vừa có sự run rẩy, mềm mại, nhẹ nhàng, nữ tính vừa mạnh mẽ, sẵn sàng dấn thân va đập với cuộc đời. Trái tim yêu chân thành, mãnh liệt ấy nhập vào câu chữ, khiến câu chữ như lớp trầm tích bị dồn nén lâu ngày đang tuôn trào sôi sục. Nó bồi đắp nên nhiều câu thơ hay, ray rứt, thổn thức nỗi buồn: Những vệt buồn chảy trên tấm toan mùa đông; Ngày vội vã che ngực áo tiếng thở dài/ Đêm giấu giọng cười nơi mắt bão; Bầu ngực chảy theo tiếng thở dài mùa nước; Biển duỗi phơi trăng; Thời gian cày sới nát nhừ những giấc mơ;... Tiếng thơ trong Tùng gai đầy tâm trạng. Tiếng thơ ấy khao khát kiếm tìm chân lý cuộc sống, khao khát nhận thức lại giá trị của nó, hướng tới cái đẹp, cái thiện. Nó như đổ dồn lên câu chữ, thắt chặt, bó buộc, níu kéo người đọc vào vòng vây đối thoại của Tùng gai. Bạch Diệp không “tạo dáng”, “tân kì” thơ mình mà thơ cứ tự nhiên thấm vào lòng người bằng những lời tự vấn, những câu hỏi day dứt về bản chất của tình yêu, hạnh phúc, cuộc đời. Cuộc sống “con người đặc như sương mù”, làm sao có thể tìm được “màu bình yên”? Chị đặt ra nhiều câu hỏi trước những hiện tượng tưởng như quen thuộc nhưng lại tạo được sự bất ngờ, ẩn ý: Sao người ta cần thêm một ngày nói dối/ Khi triệu triệu năm khổ đau vì nói dối (Tùng gai). Nói dối là một hiện tượng được con người sử dụng rộng rãi trong đời sống nhằm thỏa mãn, đáp ứng những nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nếu con người cẩn trọng, cân nhắc trong từng lời ăn tiếng nói thì thế giới của chúng ta sẽ ngập tràn lòng yêu thương, hòa ái biết bao. Chị không đưa ra câu trả lời mà tiếp tục xoáy vào lòng người bằng giả định: Nếu những lời nói dối được đánh dấu bằng những nét vạch/ Thì trên mặt vô số kẻ ngổn ngang vết sẹo/ Và thượng đế không phải bận rộn/ Sắp đặt đẩy đưa (Vết sẹo). Rồi chị tiếp tục lật lại vấn đề: “Làm sao cho đá có tâm hồn?/ Khi ngoài phố cỗi cằn như sa mạc”. Cách chị tự vấn, không giải quyết triệt để vấn đề là hướng để ngỏ khéo léo, người đọc tự bồi đắp, đi tìm câu trả lời, giải mã cho cái thế giới “Vắng quá sự sẻ chia trên mặt đất”.
Trong tình yêu, chị sẵn lòng “vứt bỏ sự kiêu hãnh” của người con gái, “nép mình” bên cạnh người thương dù biết trước tình yêu ấy mong manh, dễ vỡ. Trái tim yêu tha thiết, nồng nàn, vị tha, vẫn không thể che giấu nổi nỗi âu lo, khoắc khoải về sự chia xa: Cái ranh giới này thật mong manh/ Em cố ghì níu bằng những giọt máu ứ đầu ngón tay/ Hố nước mắt cạn khô/ Tiếng kêu nghẹn run nhịp thở/ Bờ kia xa lạ/ Anh bước thêm bước nữa/Là ta mất nhau (Đa mang). Động từ “ghì níu” đặt chị vào vị thế bị động. Nhưng đến hai câu cuối của khổ thơ, tâm thế chị lại ở vị trí chủ động. Ý thức nữ tính đã giúp chị giải tỏa ẩn ức, vượt ra khỏi những trói buộc của đạo đức và xã hội, khẳng định, nhấn mạnh tiếng nói trong tình yêu của mình. Khi yêu, lo lắng, băn khoăn là thế. Khi ngang trái, chị tự vượt qua nỗi buồn bằng lời trách nhẹ nhàng, điềm đạm, đằm thắm, nữ tính: Để biết yêu nhiều đến thế/ Một ngày sao lại xa nhau (Trên chiếc ghế của anh). Kiểu đối thoại ngầm thủ thỉ vậy thôi thế mà xót xa, chạnh lòng nhường nào! Không anh. Nỗi buồn của chị cứ thấm vào ngày, xoáy vào kí ức, nhìn đâu cũng thấy lòng đớn đau: “Em nhìn ngày bằng con mắt khác/ Không anh. Kí ức rỗng trắng màu/ Ngọn gió thôi cũng đượm màu da diết/ Chạm vào ngày đã thấy mình đau” (Trên chiếc ghế của anh). Vì vậy, đọc Tùng gai, chúng ta không khó để lẩy ra một loạt từ ngữ mang sắc thái trầm, đầy tâm trạng như: rền rĩ, oằn, đau, rũ, co ro, réo rắt, não ruột, cay đắng, mong manh, buốt, rỗng, ngạt thở, nghèn nghẹn, sợ hãi, trầy xước,... Lời thơ đượm buồn nhưng không bi lụy. Chị không hề lên gân, mà rất mở lòng, không chút giấu diếm về nỗi mất mát, đổ vỡ. Điều đó làm nên một Bạch Diệp bản lĩnh, cứng cỏi và làm nên nét đẹp, sự quyến rũ cho tập Tùng gai.
Như thế, chị tìm kiếm, luận giải ý nghĩa, giá trị của cuộc đời không phải bằng cách phản ánh nó mà bằng cách đưa ra một hệ thống nghi vấn. Chị như đang tự đối thoại với chính mình, với mọi người. Và tự trong câu hỏi đã hàm chứa cách nhìn, cách đánh giá, câu trả lời về giá trị tình yêu, cuộc đời của một người đàn bà dịu dàng, vị tha, nữ tính nhưng tiềm ẩn một sức sống mạnh mẽ, quyết liệt.
2. Giấc mơ là hiện thân, phóng chiếu, khai lộ thế giới vô thức dung chứa vui buồn, trăn trở, dằn vặt, khao khát,... của con người nhằm giải thoát những áp lực, ẩn ức tồn đọng trong cuộc sống hằng ngày. Xu hướng khai thác những vùng mờ của tiềm thức, vô thức là cách để nghiệm hiện thực sâu sắc hơn, khám phá miền bí ẩn trong tâm hồn con người. Giấc mơ, cõi mơ ở Tùng gai xuất hiện khá nhiều, 20 lần/40 bài. Bạch Diệp không xây dựng một thế giới vô thức ma mị, huyền bí mà hướng về một thế giới đầy kỉ niệm của tuổi thơ, đẩy những dồn nén tuổi thơ hướng ra tầng vỉa ánh sáng của ý thức. Ẩn giấu trong miền sâu của vô thức, là một cái tôi đầy khao khát sống lại tuổi thơ của chính mình. Kí ức tuổi thơ hiện hữu ken dày “chật” những giấc mơ của chị: “Chật những giấc mơ tuổi thơ”.Khao khát ấu thơ được tái hiện bằng những hình ảnh thơ ám dụ khéo léo. Bếp lò làm sao đun nhừ được sự vật vô hình? Hay đó là ngọn lửa lòng đang cháy rực về cội nguồn của biết bao yêu thương, ấp iu, nồng đượm: “Bếp lò sôi/ Đun nhừ giấc mơ tôi/ Khát màu xanh phía chân trời nơi có anh và mẹ/ Miên man màu nắng xa xôi” (Một mình ở Gotha). Giấc mơ thưở còn rám nắng đôi má trẻ thơ về một vầng trăng cổ tích, về ngày mùa rộn ràng, về khói bếp quện màu xám nâu của đồng ruộng, về bữa cơm chiều ấp ủ lam lũ,... tưới xanh, nhen nhúm ước ao bình yên, sáng trong, ngọt ngào, giúp nhà thơ gột rửa “nỗi đau thị thành”, bám víu, vượt qua mọi sóng gió, va đập cuộc đời: Trên chiếc nôi sóng xanh/Con mơ giấc bình yên qua lời ru của mẹ/ Ước một dòng sông không màng khổ đau, không xích neo thừng cỏ/ Đò mọc cánh hát lời ca mênh mông” (Giấc mơ những con đò).
Giấc mơ về tuổi thơ là cái neo để nhà thơ giải thoát tâm hồn mình, tìm được bến bờ của sự an nhiên trong cuộc sống mưu sinh xô bồ, tất bật. Đọc Tùng gai, chúng ta luôn bắt gặp nỗi quay quắt được trở về nơi chôn nhau cắt rốn để được là chính mình, được cảm nhận vòng tay ấm áp của người thân: “Đất quê không lời/ Nắng mưa bịn rịn/ Vòng quẩn vòng quanh/ Xa mấy cũng đếm ngày về” (Mùa gieo hạt). Từ góc nhìn đồng thoại, đất quê, người quê, tuổi thơ của Bạch Diệp hiện lên thật êm dịu, hồn nhiên. Thế giới của cõi mơ, của vô thức ấy là thanh âm trong trẻo, thánh thiện, là giá trị tinh thần giải thoát, cứu vớt con người khỏi “bóng đen của cơn mê và sự náo loạn” đang bao trùm dày đặc. Giữa chốn ồn ào, náo nhiệt, chị thấy mình lạc lõng, lẻ loi, như bị sợi dây thừng thít chắt: “Tôi mơ cánh đồng tuổi thơ tôi/ Trong căn phòng như cái tổ chim giữa phố/ Đôi khi trần nhà cứ thấp dần/ Ép xuống từng nhịp thở/ Tôi ngơ ngác/ Mình là ai đây” (Giấc mơ trở về). Câu hỏi “Mình là ai đây gợi nhớ đến câu hỏi “Ta là ai...” (trong bài thơ Hai câu hỏi) của Chế Lan Viên. Liệu giữa hai câu hỏi ấy có sự đồng điệu nào chăng? Nếu câu hỏi của Chế Lan Viên nhằm khẳng định bản ngã, cá tính sáng tạo độc đáo thì trong câu thơ của Bạch Diệp, việc cảm giác như bị cắt đứt mọi kết nối với thế giới không phải vì bế tắc, mà đó là biểu hiện của nỗi băn khoăn, hoài nghi về sự hiện hữu, tồn tại của cái tôi cá nhân, và sự đơn độc của chị trong “Thế giới là những lời hứa những cuộc vui không ngừng”.
Giấc mơ biểu hiện những khát vọng sâu kín của con người. Kết quả của những khát khao ấy không thể trở thành hiện thực nhưng nó có thể xoa dịu tâm hồn, giúp con người hướng đến cái đẹp. Hành trình chiếm lĩnh cái tuyệt đích của cuộc sống ấy vẫn mãi mãi thắp lên niềm tin yêu cho con người dẫu cuộc đời còn nhiều dâu bể. Cõi mơ dẫu chỉ là ảo ảnh, nhưng nó là phương tiện để Bạch Diệp mở rộng không gian sáng tạo, phóng chiếu niềm mong mỏi về một thế giới tuổi thơ ngọt ngào. Đồng thời, cõi mơ còn biểu hiện sức sống, vẻ đẹp chiều sâu tâm hồn của Bạch Diệp.
3. Góp phần làm nên ám ảnh, cái riêng về cảm xúc, là cách Bạch Diệp sử dụng "sự mới lạ" trong cấu trúc so sánh. Chị vận dụng linh hoạt các cấu trúc so sánh. Có lúc đầy đủ các thành tố, lúc khuyết thiếu, mở rộng hoặc đảo một trong các thành tố. Chị chú trọng nâng cao yếu tố chuẩn so sánh. Trong một khổ thơ, so sánh được sử dụng liên tiếp: Có gì đó/Như hơi thở ẩm ướt/ Êm ái giữa mùa lá mục/ Như ngạt dông/ Chầm chậm chiếm hữu(Thang máy). Yếu tố được so sánh là một đối tượng trừu tượng so sánh với một sự vật cũng trừu tượng, chỉ cảm xúc và tâm trạng của con người đã hé mở khoảnh khắc thay đổi trong tâm hồn đang từ từ lan tỏa, bủa vây. Với nhà thơ, việc quan trọng là phải khoác cái mới cái lạ vào vai yếu tố so sánh. Nếu yếu tố so sánh nghèo nàn câu thơ mất hết cảm xúc và vẻ đẹp của nó cũng như không có khả năng khơi gợi, thu hút người đọc đồng sáng tạo.Tùng gai có nhiều câu so sánh khá thú vị. Câu thơ “Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông” ám gợi về cái ao cũ chật hẹp, giam hãm, cầm tù mọi sự sáng tạo. Chị không chấp nhận người nghệ sĩ cứ đứng mãi, dẫm chân một chỗ, thờ ơ, đứng ngoài cuộc mà phải bứt phá, vượt rào, nhen nhúm lửa nhiệt tình, đam mê, không ngừng tạo hứng thú, khoái cảm thẫm mĩ, đột phá trong sáng tạo, kích thích, hấp dẫn người đọc, nếu không, thơ ca chỉ là những lời vô vị, nhạt nhẽo, sáo rỗng: “Cứ viết đi viết lại như lời lải nhải của kẻ mất trí”.Lấy con người làm sự vật so sánh, Bạch Diệp chọn mi mắt làm đối tượng so sánh: “Vệt sáng đường chân trời như vòng mi khép”. Thời điểm (hoàng hôn) và đối tượng (con người – vòng mi khép) đồng gợi khoảnh khắc giao thoa của đất trời. Những vệt sáng rực rỡ cuối cùng của một ngày tàn như vòng mi khép lại gợi vẻ đẹp mong manh, kì diệu, đầy huyễn hoặc. Hoặc cách sử dụng yếu tố chuẩn so sánh trong câu thơ: “Anh đi trời đổ mưa dài/ Thành phố như tấm thảm len sũng nước” cũng tạo được hiệu ứng biểu cảm. Đan cài hoán dụ và so sánh, người đọc như đồng chan chứa nỗi buồn bã, cô đơn, đầm đìa mong nhớ với nhân vật trữ tình. Mưa ngoài trời cũng chính là mưa trong lòng đấy thôi. Như vậy, việc Bạch Diệp dụng công các yếu tố chuẩn so sánh ít nhiều đã làm mới thi ảnh và đẩy được cảm xúc Tùng gai lên cao.
4. Ngoài ra, khám phá màu sắc trong tập Tùng gai cũng góp phần thể hiện chất "hội họa", cái duyên kín đáo của thơ, đấy là những đối cực trong tâm hồn Bạch Diệp. Mỗi màu sắc trong thơ Bạch Diệp đều có ngôn ngữ riêng, cảm xúc riêng. Tùng gai là một bức tranh “ngổn ngang màu”: xanh, đỏ, nâu, xám, trắng, đen, vàng, tím, lam,... nhưng không gây nhàm chán. Màu sắc bộc bạch tâm hồn của chị trước nỗi đau thân phận. Đêm của Bạch Diệp là “đêm men màu rượu chát”, tồn tại hai mặt đối lập, vừa đắm say men/màu tình yêu vừa chất chứa khổ đau, đắng cay. Gió, đối tượng vô hình, trong mắt chị, đấy là ngọn gió của tình yêu, của nỗi nhớ: “Ngọn gió thôi cũng đượm màu da diết”. Tác giả còn lồng kết màu của đất, của quê hương với màu bàn tay con người: “Màu ruộng chiều nâu rám bàn tay”. Màu ruộng chiều hay là màu của tảo tần, lam lũ trĩu/đọng lên đôi bàn tay chai sần, rám nắng? Chỉ một màu nâu rám thôi, vừa nói được biết bao nhiêu nỗi vất vả, vừa khuấy đảo trong lòng ta những tình cảm sâu đậm. Cũng màu nâu ấy, ở một câu thơ khác, người đọc không nguôi ám ảnh bởi sự kết hợp những gam màu trầm trong đôi “mắt nâu màu rêu cát” của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên gắn với mạn thuyền. Dường như bao nhiêu khát vọng, ước mong lẫn nỗi cơ cực đều nằm sâu trong đôi mắt ẩn ấy: Những đứa trẻ lớn cùng sông/ Lưng trần mắt nâu màu rêu cát/ Chữ cái rơi đầu ngón tay lấm mùi bùn nước/ Ngỡ ngàng mơ cổng trường xa (Giấc mơ những con đò).
Gam màu xanh được lặp đi lặp lại đến 24 lần, chiếm số lượng nhiều nhất so với các sắc màu khác trong tập thơ. Màu xanh gợi sự yên bình, êm đềm, thanh thản. Nếu màu nâu, gam màu trầm, Bạch Diệp thường dùng để nói đến thân phận con người thì màu xanh dùng để gợi vẻ đẹp tươi mát, trong lành, sức sống bất diệt của thiên nhiên, vạn vật và người: Tiếng chim thả đồng xanh giọng hót; Tháng năm trời vãi nắng xanh; Huế đã vô mùa mưa xanh rét ngọt, Vũ khúc Tam giang xanh ngời ngợi,... Màu xanh như là biểu trưng cho niềm tin, hi vọng của chị về một cuộc sống tươi đẹp ngay trong chốn phố xá “Con người đặc như sương mù”. Màu xanh của chị gắn liền với sự khởi đầu đẹp như câu chuyện cổ tích của tuổi thơ: “Trăng cổ tích xanh đường quê lầy lội”, gắn liền với cái non tơ của tình yêu đầu đời, thanh khiết, thủy chung: “Nụ hôn xanh”, “Tháng ngày xa anh/ Xanh một miền kỷ niệm” (Người chơi guitare bass),...
Nếu màu nâu, màu xanh kết hợp giữa màu thực và màu cảm xúc thì màu trắng trong thơ Bạch Diệp đan xen giữa màu thực và màu hư ảo, màu của tâm tưởng, màu của kí ức. Màu trắng là gam chủ đạo choán hết vùng kí ức của chị. Cụm từ “kí ức” luôn đi kèm với sắc trắng khiến vùng kí ức của chị cứ hư hư thực thực: Trắng lạnh vùng kí ức rỗng; Không anh. Kí ức rỗng trắng màu; Trắng bãi bờ kí ức; Dòng kí ức trắng không tì vết; Tẩy trắng vùng trời kí ức,... Màu trắng hư ảo vừa vẫy gọi Bạch Diệp miên man trong tiềm thức vừa ken dày ngăn cản khát vọng sống, khát vọng yêu của chị. Khoảnh khắc, khoảng lặng ấy dù mong manh nhưng hắt vọng biết bao nỗi bâng khuâng, tiếc nuối, xa xót,...
Soi chiếu cuộc sống bằng tư duy hướng nội, Tùng gai toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính, với những giãi bày cảm xúc nhẹ nhàng nhưng rất mạnh mẽ, sâu lắng, triết lí. Tuy nhiên, sự mạnh mẽ, quyết liệt chỉ mới thăng hoa cảm xúc của Bạch Diệp chứ chưa đủ để Tùng gaihướng đến sự hoàn thiện, cách tân về mặt hình thức. Vượt qua được thử thách này, chúng tôi tin rằng, thơ của chị sẽ sắc sảo hơn, độc đáo hơn. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, những lát cắt tâm hồn ấy đã làm nên giọng điệu, cách nhìn nhận, đánh giá khác biệt của Bạch Diệp. Tùng gai xứng đáng là tập thơ của sự lắng động suy tư, cảm xúc thiết tha, dào dạt.
4.2015
Hoàng Thụy Anh
(nhavantphcm.com.vn)