Giời cao đất dày - tiểu thuyết Bùi Thanh Minh
Sau hai cuốn tiểu thuyết Bên sông Trà Lý và Cõi đời hư thực, tôi quyết tâm xốc tới nổ luôn phát nữa về ngôi làng và người dân quê mình, đề tài nung nấu tâm trí suốt bao nhiêu năm trời từ khi chưa cầm bút.
Làng tôi có biệt danh rất lạ: “biển cạn”. Biển mà cạn? Thật thế, đi suốt chiều dài đất nước chả nơi đâu có cái biển lạ lùng như ở làng tôi. Có bối cảnh rồi, giờ chỉ phải tìm nhân vật. Vật vã suốt mấy tháng trời để tìm linh hồn của câu chuyện, tôi bất chợt nhớ đến ông Nâng. Ở lứa tuổi chúng tôi, ghim vào tuổi thơ là hình ảnh cái làng Bùi nhỏ bé trộn lẫn hình ảnh ông Nâng hủi. Những ngày trốn học đi dọc bãi biển, khi qua “địa phận” của ông thế nào lũ học trò quỷ sứ chúng tôi cũng dừng lại hò nhau hét thật to cho sướng cái mồm: “Hai ba... Nâng hủi!”. Khi ông vác gậy từ trong túp lều chạy ra, lũ chúng tôi ôm cặp sách chạy bán sống bán chết.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tôi khoác ba lô về làng, tấm áo dệt thành màu xanh của biển làng Bùi bị tróc hết, túp lều ông Nâng trơ trọi giữa bờ biển trắng không còn nữa. Ông Nâng di cư vào nghĩa trang liệt sĩ ở trong làng để sinh sống. Ông chăm lo những ngôi mộ, rồi trồng tỉa phần đất còn bỏ trống để sinh nhai. Tôi ra nghĩa trang đứng nhìn ông dùng hai cái cùi trỏ tay quặp cán cuốc cuốc đất. Những vạt ngô non xanh mơn, những luống lạc uốn lượn quanh những nấm mồ có bia Tổ quốc ghi công. Nhà của ông bây giờ là tượng đài Tổ quốc ghi công của nghĩa trang liệt sĩ. Tối đến ông che chắn bốn phía cái tượng đài cho khỏi mưa gió, trải chiếu ra nằm. Ông ngắm trời, ngắm đất, ngắm sao. Xưa ông trò chuyện với sóng biển, với lũ còng lũ cáy, bây giờ ông trò chuyện cùng mấy chục linh hồn người nằm dưới mộ. Bao nhiêu quăng quật của đời cùng với nghiệt ngã của thiên nhiên, ông cứ sống, cứ trơ ra cùng thời gian. Ông là chứng tích của một thời, một đời... Ông là hậu quả của một thời lầm lẫn của làng Bùi, cũng là bi kịch, hệ lụy của căn bệnh lạc hậu của người nông dân quê lúa. Ông có 15 năm tuổi thơ sống với dân làng tôi, chịu bao oan ức với làng, với đời. Ông lại có 15 năm phiêu bạt đất khách quê người, nếm trải bao cay đắng. Lại nữa 15 năm sống trơ trọi tại cái vùng biển cạn này làm bạn với con còng, con cáy, con cá bớp, con tôm tu, ông đã nói được tiếng nói của chúng. 15 năm tiếp, ông sống với các linh hồn liệt sĩ ở nghĩa trang của làng... Hơn ai hết ông là người duy nhất nói được tiếng nói của quá khứ, của hiện tại và tương lai về “đất và người” làng mình. Ông phải trở thành nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết mới.
Tôi bắt đầu sử dụng phép biến hóa cụ Tôn Ngộ Không truyền lại cho giới nghệ thuật. Biến hóa mình vào ông Nâng, biến hóa ông Nâng vào mình, rồi lại biến hóa tất cả thành cô Bi, ông Ro, ông Đội, cô Sa... Làng tôi có một cô Sa thật. Cô Sa không câm nhưng chả bao giờ cô nói. Chỉ khác một điều, cô Sa ấy đã chết rồi. Cô chết rất đáng thương. Khi chui vào rừng sú vẹt bắt cua, bắt cáy, cô bị lạc trong rừng, rồi đói, rồi khát, rồi nước thủy triều lên... và khi dân làng tìm được thì cô đã chết. Miệng đầy nạm bùn biển. Dân làng tôi sống nhờ biển mà chết cũng vì biển.
Mọi thứ đã chín nhừ trong đầu, ông Nâng hủi đã trở thành hình ảnh thường trực không lúc nào quên. Tôi lại nghĩ tiếp, nghĩ đêm, nghĩ ngày, nghĩ trong lúc ăn, trong lúc ngủ... cho đến khi vấn đề chừng như đã thủng thì quyết định mở máy tính.
Hôm ấy vào một chủ nhật mùa thu năm 2003 ở ngôi nhà nhỏ làng Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, tôi mở máy “động thổ” cuốn tiểu thuyết. Màn hình trắng tinh hiện ra. Một phút, rồi ba phút trôi qua, trong óc tôi hiện lên hình ảnh làng Bùi thời ấu thơ, rồi hình ảnh ông Nâng hủi nằm ngửa mặt lên trời than thở, thế là bàn phím tí tách. Một dòng chữ hiện ra như vô thức: Giời cao đất dày. Cái tên Giời cao đất dày ấy trở thành tên cuốn tiểu thuyết, mấy lần tái bản. Sau này cái tên ấy vẫn không thay đổi. Có những lần gặp bạn bè, họ réo: “Ô cái ông giời cao đất dày kia! Lại đây làm cốc bia đã”. Giời thì cao, mà đất thì dày. Ông Nâng hủi than thở suốt một đời mình, để nói hộ tiếng nói của người nông dân quê tôi. Và bây giờ ông đã mồ yên mả đẹp. Giời cao, ông đã ngắm giời suốt cả đời. Còn đất dày, bây giờ ông nằm dưới đất để xem dày mỏng thế nào.
Khi sách được xuất bản lần đầu, tôi mang về quê biếu ông Nâng hủi. Không ngờ đó cũng là lúc trên mồ ông cỏ đã bắt đầu xanh. Tôi chỉ còn biết ngậm ngùi đặt cuốn sách lên nấm mồ, thắp nén nhang, đứng khấn. Những sợi khói uốn lượn ngoằn nghèo rồi tan vào không gian tĩnh lặng. Chờ cho nén nhang cháy hơn một nửa, tôi “hóa vàng” cuốn tiểu thuyết và tin rằng ở thế giới bên kia ông Nâng đã nhận được.
Bùi Thanh Minh
(nhavantphcm.com.vn)