Lịch sử dưới mắt phụ nữ

13.04.2018

Lịch sử dưới mắt phụ nữ

Những nhân vật đàn bà chiếm đa số trong tập truyện "Người canh giữ phù dung", nhưng ẩn sau đó là những cuộc chuyển giao định mệnh của thời thế.

Lâu nay, vẫn có một định kiến rằng người trẻ viết lịch sử là một điều gì đấy khó chấp nhận do người viết thiếu vốn sống, trải nghiệm thực tế, hoặc do thiếu tự tin với hư cấu của mình nên phải bám vào sách vở, tư liệu có sẵn.

 

Nhưng Nguyệt Chu (sinh năm 1986) đã làm rất tốt điều khó chấp nhận này trong tập truyện ngắn Người canh giữ phù dung. Tác giả chứng minh rằng đề tài lịch sử không phải độc quyền của lứa tuổi nào cả.

 

Tập truyện ngắn lịch sử Người canh giữ phù dung do NXB Văn Học và DTBoooks phát hành. Một lịch sử của thân phận người

 

Một lịch sử của thân phận người

Cuốn sách có 8 truyện ngắn gắn với những nhân vật quen thuộc trong lịch sử như: Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Bông ngọc lan phủ chúa, nàng Điểm Bích và thiền sư Huyền Quang trong Hoa trà mi trong đêm, Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong Con nhện, Lý Thánh Tông và Ỷ Lan trong Đêm kinh thành, Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái trong Lan tuyết mù sương, Dương Vân Nga và Lê Hoàn trong Miêu nữ...

 

Tác giả đã đi vào giải mã sử dựa trên những gì đã có sẵn, quen thuộc. Sử vẫn là sử đấy mà lại không phải sử. Sử không còn là những số liệu, năm tháng, nhân vật khô khan, khó nuốt.

 

Sử của Nguyệt Chu là sử của thân phận người. Liệu ai có nghĩ về một Tuyên phi Đặng Thị Huệ tác oai tác quái thời chúa Trịnh Sâm cũng là một người đàn bà khát yêu, thèm yêu và cô đơn.

 

Rồi nàng Điểm Bích cũng có những nỗi khổ tâm của mình khi nhận lệnh vua Trần Anh Tông đến thử thách đạo hạnh của thiền sư Huệ Quang. Trần Cảnh khó chịu, bức bối khi bị chú Trần Thủ Độ đặt vào vị trí thay đổi một vương triều, phải đặt yêu thương xuống dưới lợi ích gia tộc họ Trần.

 

Ỷ Lan hai lần buông rèm nhiếp chính, có công trong công cuộc chống xâm lược và chấn hưng Phật giáo thì vẫn là người thường, có ghen tuông, thù hận và ích kỉ. Bà bức tử hoàng hậu Thượng Dương và 72 cung nữ cũng chẳng vì lo lắng cho vị trí, quyền lợi của mình, con mình đấy ư.

 

Lùi sâu về phía lịch sử hơn nữa là tướng Cao Lỗ dù chết vẫn quyết giữ khí tiết con dân Âu Lạc. Một tướng Cao Lỗ tương truyền là người chế ra nỏ liên châu nay đã có một hình hài, vóc dáng cụ thể, một câu chuyện để kể, một tâm tư tình cảm gieo với Mỵ Châu.

 

Lịch sử dưới con mắt nữ tính

Thêm nữa, điểm cộng của tập truyện ngắn Người canh giữ phù dung còn là một lối hành văn mơ màng, lãng đãng. Sự mơ hồ của cách hành văn cộng với cái mơ hồ của lịch sử tạo thành một Nguyệt Chu riêng của lịch sử.

 

Dưới con mắt nữ tính tất cả đều được làm mềm đi, ngọt ngào. Nhiều đoạn văn đẹp, gợi âm gợi hình như: “Tiếng chim rừng đã vang đâu đây. Giọt mưa cuối cùng không vỡ trên mặt lá. Nó đọng lại rồi ẩn mình trong đám mây nằng nặng hờ hững trôi ngang trời. Vũ trụ trong cuộc giao hoan kỳ vĩ ngập tràn ánh sáng của nắng và mưa. Ráng chiều đỏ nhức nhối tãi ra ở cuối trời” (trích trong truyện Hoa trà mi trong đêm).

 

Qua những nước cờ bạo liệt của đấng nam nhi, những người phụ nữ trong tập sách này vẫn sống thật với bản năng, đủ khát khao, vui buồn, ích kỷ, chiếm giữ.

Hay: “Bóng người đàn bà liêu xiêu trôi dạt về cuối con đường mòn. Một căn nhà gỗ trầm u lọt thỏm trong vách núi. Tia nắng cuối cùng đã nép mình vào bóng tối. Đêm âm thầm bủa vây. Những con đom đóm chở những linh hồn bơ vơ đang cố cháy hết mình trong thứ ánh sáng ma mị cuối cùng. Đây đó, bất chợt phát ra một vài quầng sáng rồi tắt lặng trong bóng tối. Có lúc đất cựa mình rung chuyển. Thanh âm hỗn loạn tan tác trong gió, xô dạt vào nhau”, (trích Bông ngọc lan phủ chúa).

 

Thêm nữa như: “Bên bờ sông, một loài hoa lạ thường đang hé mở những cánh đầu tiên. Không gian phảng phất một mùi hương lạ lẫm. Từng lớp cánh mở ra chầm chậm, mỏng manh, run rẩy. Nhưng những giọt nước mắt lăn trên đôi má người con gái. Hết lớp này đến lớp khác, cánh hoa mơ màng một màu trắng trinh nguyên. Và đến khi lộ ra nhụy hoa thì tất cả như say trong làn hương quyến rũ”, (trong truyện Lan tuyết mù sương).

 

Có thể nhặt ra vô số những đoạn văn đẹp như thế trong tập truyện. Các đoạn trích như trên còn cho thấy việc sử dụng các câu văn đơn khiến hành văn rất cuốn. Lịch sử dưới cái nhìn ngọt ngào, nữ tính không bị yếu đi mà vẫn giữ nguyên cái khỏe khoắn vốn có của mình.

 

Những nhân vật đàn bà chiếm đa số trong tập truyện ẩn sau những cuộc chuyển giao định mệnh của thời thế, qua những nước cờ bạo liệt của các đấng nam nhi vẫn giữ được cho mình cái khờ khạo, vẫn sống thật được với bản năng không cần che giấu, đủ buồn vui, khao khát, ích kỉ, chiếm giữ...

 

Điểm nhấn của tập truyện nằm ở truyện Người con gái Sơn Tây, với nhân vật Cầm và mối tình với tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Cầm là nhân vật hư cấu, tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc là nhân vật có thật. Trộn lẫn hư cấu và sự thật, ta có một câu chuyện riêng “tình yêu” và câu chuyện chung “đất nước” chống giặc Phú Lang Sa rất đẹp.

 

Và với người đọc, tiếc gì mà không chờ Nguyệt Chu ở những tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết lịch sử tiếp theo. Khi mà lịch sử dưới mắt người viết nữ bao giờ cũng ít và hiếm...

 

Phương Phương

 

(news.zing.vn)