'Đi tìm nhân vật', đi tìm bản ngã

26.06.2017

'Đi tìm nhân vật', đi tìm bản ngã

Người sáng tác thường bị ám ảnh về tác phẩm của mình, và có khi sự ám ảnh ấy theo họ vào trong tác phẩm, để tác phẩm đặt câu hỏi về chính nó, tác giả đặt câu hỏi về chính mình.

Việc bộ phim La La Land giành được quá nhiều ưu ái trong mùa giải thưởng năm ngoái chẳng phải một điều đáng ngạc nhiên chút nào, bởi suy cho cùng đó là một phim nói về việc làm phim.

Những câu chuyện về quá trình sáng tạo luôn có sức hút tự nhiên với những người làm sáng tạo như thế, vì vậy cũng là một lẽ đương nhiên khi họ sản xuất ra những tác phẩm mang nặng nỗi ám ảnh về ...chính nó.

Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh là một tác phẩm như thế.

Phô tấm gương tự phản chiếu mình ra góc dễ thấy nhất, tác phẩm mang bản thân mình đặt vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhân vật Bân. Không chỉ đơn giản là mượn tên, bởi Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh kể về Chu Quý, kẻ tình cờ lại giống hệt nhân vật chính trong Đi tìm nhân vật của Bân.


Ở một góc khuất hơn, Đi tìm nhân vật cũng đã vẽ ra trước khung xương của mình. Bài tham luận mà Chu Quý trình bày về bốn truyện cổ tích Rùa chạy thi với thỏ, Trí khôn của ta đây, Tấm Cám, Mị Châu - Trọng Thuỷ như báo trước cho quá trình hoá thân của anh, hay đúng hơn, của sự thật trong anh.Hai cuốn tiểu thuyết, cùng một cái tên, cùng một nhân vật chính, cuốn này lồng trong cuốn kia. Chu Quý đối với Bân là người thật, còn với những người đọc văn Tạ Duy Anh như chúng ta thì chỉ là một nhân vật tưởng tượng. Nhưng sau khi vừa loay hoay chóng mặt để đọc đoạn văn trên, có lẽ bạn cũng nhận ra ranh giới giữa cái thật và cái tưởng tượng rất mong manh. Và ranh giới ấy sẽ càng mờ nhạt đi sau từng trang sách.

Chu Quý tự đánh mất sự thật của mình theo từng bước biến chuyển qua các truyện cổ tích anh viện dẫn: một quá trình đẩy sự khôn lỏi trí trá lên thành sự dối lừa mang danh trí khôn, rồi thành một hệ thống phi sự thật nhân danh cái thiện, và cuối cùng chẳng còn sự thật, chỉ còn tình yêu là chân lý tối thượng.

Báo trước về sự biến đổi của Chu Quý bằng chính những lời phê phán của anh khiến câu chuyện càng mang màu sắc mỉa mai. Liệu có phải cuốn sách này đang giễu cợt chính nó?

Trăm ngàn câu hỏi khác về bản ngã và sự thật cũng bật ra từ ngổn ngang những tấm gương tự phản chiếu của cuốn sách. Đâu mới là cái tôi đích thực, cái tôi bên trong khi ta ở một mình hay cái tôi được nhào nặn cho phù hợp với đời sống mà ta trưng dụng hàng ngày? Và nếu có một cái thật hơn trong hai cái, có lẽ nào nó không bị nuốt chửng bởi sự dối trá bao phủ phần còn lại của ta?

Đó là những câu hỏi giằng xé Chu Quý khi anh nhận ra trong mình sự linh hoạt biến chuyển của bản ngã. Chỉ đi từ đầu phố G đến cuối phố G, mô tả về anh đã biến đổi đến mức chính những kẻ phao tin cũng không nhận ra nhân vật trong câu chuyện của mình.

Lúc thì anh là một thằng điên, lúc thì anh là kẻ lừa đảo, và người ta cứ thao thao kể về anh với chính anh đến mức anh phải tự hỏi liệu mình có còn là mình không. Chẳng ai nhận ra Chu Quý, như thể anh có muôn nghìn bộ mặt, như thể anh liên tiếp hoá thân vào mỗi con người giả dối anh gặp.


“Tôi cảm thấy mỗi cá nhân giống như một mã số, một ký hiệu… luôn luôn có nguy cơ bị biến dạng, bị nhiễu, bị sai lạc về tín hiệu hoăc mất hút mà không ai cần biết lý do.”Nhưng nếu chính “tôi” cũng không trả lời nổi những câu hỏi “Tôi là ai? Là tôi? Là hắn? Hay không phải là tôi?” thì hành trình đi tìm cái tôi trở thành một chuyến đi vào mê cung không có lối ra. Hay có lẽ là một nhà gương với những con đường ngoằn ngoèo không lối thoát, bởi cùng mỗi bước đi ta lại nhìn thấy một hình ảnh khác của bản thân mình, mỗi cái một méo mó sai lệch so với cái tôi ta giữ trong ý thức.

Điều tương tự cũng có thể nói về chính cuốn sách này, vì nó là một ẩn số thiên biến vạn hoá qua mỗi lần lật trang. Trinh thám, tình cảm, hiện thực phê phán, hiện thực huyền ảo, hài kịch hay bi kịch, Đi tìm nhân vật có đủ cả, nhưng thật khó nói chắc đâu mới là cái cốt lõi của cuốn sách này, cũng như đâu mới là bản chất thật của Chu Quý.

Không thể mù quáng tin vào người dẫn chuyện, độc giả bị buộc phải nghi ngờ câu chuyện và từ đó được thôi thúc lao vào tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn hơn: Sự thật là gì? Nếu sự thật không phải là cái mọi người khẳng định là thật, thì làm sao để tìm ra sự thật?

Có rất nhiều điều không chắc chắn về Đi tìm nhân vật, duy chỉ có điều này là tin được: Sự thật không ẩn giấu trong từ ngữ của cuốn sách này. Giống như triết gia lỗi lạc Nietzsche từng khẳng định, sự thật không bao giờ đến được trọn vẹn với con người, vì phải thông qua từ ngữ (mà từ ngữ thì đều do con người tự đặt ra), Tạ Duy Anh đặt chuyện lồng trong chuyện để tô đậm lớp lớp những cản trở giữa người đọc và câu chuyện thực tế. Thực đến đâu thì khi tới được với bạn nó cũng đã muôn ngàn lần bị bóp méo mất rồi.

Xin cảnh báo trước, bạn sẽ vất vả với cuốn sách này. Vẫn đầy tính tự phản chiếu, nhân vật Bân phải vật lộn bao nhiêu để đi tìm nhân vật, thì bạn sẽ phải khổ sở bấy nhiêu để tìm hiểu nhân vật này, tác phẩm này. Chỉ mong bạn đừng bỏ cuộc giữa chừng như ông Bân, vì biết đâu bạn vẫn có thể tìm được điều gì đó có thật về bản ngã con người giữa ngổn ngang những điều hư ảo.

Thanh Huệ
(news.zing.vn)