Tuyển thơ gồm 108 tác giả của nhiều vùng miền, nhiều thế hệ trong cả nước mang tên "Biển bắt đầu từ sóng" do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh tuyển chọn (NXB Đà Nẵng) là kết quả của sự mời gọi, nâng niu, chọn lọc thi ca bền bỉ, tâm huyết của những người yêu thơ đang sống ở thành phố biển xinh đẹp này.

Sự sáng tạo đơn độc của thi sĩ

Tên tuyển thơ mang nội hàm khác nữa, cái này mới quan trọng - những con sóng thi ca đã làm nên biển thơ Việt trong thời tưởng chừng thơ đã đuối sức. Thực ra, không phải như thế, thơ vẫn tồn tại như sự tồn tại của ngôn ngữ, thơ tự biết lo liệu cho mình, thơ vẫn là thơ như cách nghĩ về nó của những người sáng tác trong tập sách này. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: "Thơ là dòng nước chảy giữa hai bờ: hiện thực đời sống và trí tưởng tượng". Nhà thơ Mai Văn Phấn suy nghĩ về công việc làm thơ: "Viết là để khai sáng chính mình, được thấy mình khác những người khác". Nhà thơ Vương Trọng nghĩ về thơ bằng chính thơ mình: "Dòng suối sâu, nước càng trong càng thấy rõ độ sâu/ Dòng suối cạn muốn dọa người rằng sâu chỉ có cách khuấy ngầu lên nước đục/ Nông, sâu là ý tứ/ Trong, đục ấy ngôn từ". Nhà thơ nữ Hoàn Nguyễn thì cho rằng: "Với tôi, thơ đến như một món quà của đời ban tặng. Thơ đã cho tôi tìm lại sự ấm áp, hạnh phúc nhỏ nhoi của chính mình". Còn nhiều lắm những lối nghĩ về thơ thú vị và bổ ích cho người viết, người đọc mà tôi chưa dẫn trích vào đây…

 

Với tôi, công việc làm thơ là sự sáng tạo đơn độc của thi sĩ. Mỗi bài thơ đích thực đều xuất phát từ cảm xúc và đương nhiên nó cũng sẽ kết thúc bằng cảm xúc. Cái cảm xúc này không dừng lại ở chữ cuối cùng của một thi phẩm mà sẽ có cơ hội đi tiếp hay nói cách khác sẽ lan tỏa, thấm sâu vào tâm hồn bạn đọc. Bài thơ càng hay thì sự truyền cảm càng rộng rãi và sâu sắc. Tuy nhiên, để có một tác phẩm thơ hay là chuyện rất khó. Công việc làm thơ là hành trình sáng tạo nghệ thuật tinh tế, cực kỳ tinh tế. Điều cần khẳng định là thơ phải luôn được đổi mới. Truyền thống hay cách tân đều phải đổi mới. Đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Khi hiện thực cuộc sống đổi thay, cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thì thơ mang dấu ấn của người sáng tác rất rõ. Chính dấu ấn sáng tạo riêng biệt của nhà thơ đã tạo nên tính đa thanh, đa điệu, đa sắc của thi đàn. Đó cũng là cái để phân biệt nhà thơ này với nhà thơ khác.

Những lắng sâu của đời

108 tác giả có mặt trong tập tuyển này cùng những thi phẩm của họ đã góp phần minh chứng sự tồn tại và chuyển động của thơ Việt hiện thời. Nói về đội ngũ, thì "Biển bắt đầu từ sóng" tập hợp được khá nhiều nhà thơ tên tuổi trên đất nước Việt Nam: Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thái Dương, Phan Hoàng, Văn Công Hùng, Nguyễn Thụy Kha, Thái Thăng Long, Đoàn Văn Mật, Ngô Minh, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Đông Nhật, Mai Văn Phấn, Nguyễn Ngọc Phú, Đoàn Mạnh Phương, Thanh Quế, Lê Minh Quốc, Trần Quang Quý, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Ngọc Hạnh, Phan Huyền Thư, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Phong Việt …

Thơ không cung cấp nhiều cho ta diện mạo cuộc sống mà cho ta những lắng sâu của đời. Mỗi thi phẩm trong tuyển thơ này là một rung ngân, chẳng mấy giống nhau nhưng đều chung cái đẹp, khi bình dị, lúc sang trọng. Nhiều giọng điệu là điều tôi cảm nhận rõ từ tuyển thơ này. Ghi nhận công lao, tâm huyết, khả năng thẩm thấu của người biên soạn với tình yêu thơ là sợi chỉ xanh xuyên suốt. Rất khó để đưa hết những dẫn dụ vào trong bài viết không dài này, tôi đành chọn lựa ít con sóng làm minh chứng cho điều mình vừa nói. Nghe từ "Người chơi đàn bầu của làng Chùa" của Nguyễn Quang Thiều những âm thanh đắng đót thân phận: "Mang thân trôi dạt dặm trường/ Soi gương thì khóc, đập gương lại cười/ Đêm đêm ngồi tựa bóng người/ Gẩy lên một khúc vọng mười kiếp sau". Nhiều con sóng đổ về miền quê, như sự trở lại của lòng tri ân dung dị. Thanh Thảo dung dị và sâu lắng đến rưng rưng: "Má ơi cây chuối trổ buồng/ mang sức nặng mà con không rõ/ bây giờ từ khoảng trống xa xăm/ má nhìn về bằng đôi mắt ngọn gió..." (Thư gửi má). Còn đây Vương Trọng "Khóc giữa chiêm bao" đầy thấm thía: "Con lang thang vất vưởng giữa đời thường/ Đâu cũng sống, không đâu thành quê mẹ". Đây Trần Quang Quý chiêm trải trên "Cánh đồng" như cuộc hồi hướng cội nguồn, quá khứ: "Tôi đã mở cuộc đời ra/ Trên lưỡi cày cha lầm lũi/ Và sâu thẳm trong tôi một cánh đồng thiêng không mùa vụ/ Mẹ tôi/ Gieo gặt lòng nhân từ/ Màu mỡ cất từ trái tim khổ hạnh". Phan Huyền Thư cứ ẩn trú trong ngôi nhà vĩnh cửu mang tên tình yêu: "Nhà của em/ là nơi bàn tay anh mở từng nút áo/ cho bóng hoàng hôn vỡ òa ngực đêm" (Đường về nhà). Cái sự chia trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đầy ám ảnh giữa muôn vàn khúc nhôi đời thường, buồn và thương: "Chia cho em một đời thơ/ một lênh đênh/ một dại khờ/ một tôi/ chỉ còn cỏ mọc bên trời/ một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm" (Chia)...

Đã có những con sóng thi ca vỗ vào lòng biển, tạo ra những nhấp nhô mang những sắc âm của mênh mang. Có lẽ, cũng không nên trích dẫn, diễn luận nhiều bởi khi cầm trong tay tuyển thơ "Biển bắt đầu từ sóng", bạn đọc sẽ biết cách cảm nhận cho riêng mình, của riêng mình. 

Nguyễn Hữu Quý
(nld.com.vn)