Ngô Thuý Nga & Nốt lặng ưu tư của người thơ trẻ

02.03.2016

Ngô Thuý Nga & Nốt lặng ưu tư của người thơ trẻ

Vừa rồi Ngô Thúy Nga tặng tôi tập thơ vừa mới in xong. Đây là lần đầu tiên tôi đọc Ngô Thúy Nga qua Nốt lặng (NXB Hội Nhà văn TP.HCM 2015) của nhà thơ trẻ này vốn trước đây được biết đến là cây bút viết văn xuôi.

Phải nói rằng Nốt lặng là tập thơ về những thân phận, tâm tư, cảnh đời có những điều gì đó của lãng mạn trêu đùa tình yêu cứ trôi qua đời con gái của mình hay của ai đó mà người viết bày tỏ sự tình. Ngôn ngữ của Ngô Thuý Nga trong tập thơ này nó lãng du và bồng bềnh cảm xúc:

 

Cũng chỉ là nốt lặng tuổi hai mươi

Cũng chỉ là những cào xé trong lòng người con gái

Mang những nỗi niềm đi hoang

Mang những rỗng rễnh cuộc đời về làm nơi nương tựa

Bởi đứng đâu cũng thấy mình thừa

                                    (Thơ tặng người dung)

Nhà thơ đã đốt cháy nỗi niềm trong sự tuột tay và chỉ có người dưng ấy mới được tặng cái phần quà của nỗi đau rồi cũng nhạt ở người con gái. Thân phận và nỗi niềm hoang hoải là nốt lặng buồn, đã cào xé trong tâm can đày đọa. Sao người dưng lại làm khổ nhau thế nhỉ?

Ngồi trên vũng nắng chớm đông

Gió xõa tóc lên chiều rũ rượi

Em đưa bàn tay hong mùa

Sờ lên trái tim chông chênh nỗi nhớ

           (Quên cài cửa vô thường)

Thế mà câu thơ vẫn chông chênh nỗi nhớ, quả là điều kỳ lạ trong yêu đương. Ngô Thuý Nga đã sử dụng ngôn ngữ của người trẻ đương đại viết lên hoàn cảnh chiều rũ rượi, trong tâm tư nghĩ về phía ấy mà không ủy mỵ. Với tình yêu ngày nay và cách gieo lên những con chữ thực tiễn đời thường, mà người đọc và viết lớp đi trước chưa có được: 

Có đôi lần anh vén váy em làm gối

Ngủ vùi sau cơn say hư ảo đời người

Đêm vẫn ngọt

Anh vẫn say

Em đi về rất vội

              (Phố núi ngọt)

Nếu có thì rất ít, mà họ vẫn đắn đo cho tròn trĩnh ngôn từ. Người trẻ bây giờ đã xa đi những ràng buộc của niêm luật thường tình, tìm đến cái mới lạ nhưng vẫn rất thơ:

 

Đàn bà có khi như cơn bão

Cuồng điên xé lòng mình đổi lấy an nhiên cho những điều không thật

Cấu rách bản năng để nắm tay người chơi trò cút bắt

Già mất một cuộc tình vừa bắt đầu những vết son 

                                      (Ngược sáng)

Hình như thơ Ngô Thuý Nga trong Nốt lặng là những mất mát trong tâm hồn người con gái như lời ru buồn cứ chực chờ vỡ òa ở con tim bé nhỏ:

 

Ta lặng im bên nhau

Em trệu trạo nhai bóng đêm đổ ập bên song cửa

Đáy mắt anh rơi giữa khoảng trống hai chỗ ngồi chưa kịp ấm

Ta trầm ngâm

Nghe thinh không vỡ òa

 

Em cởi áo mình trả áo cho anh…

                       (Trả áo cho anh)

Nỗi buồn ấy còn thể hiện ở những bài thơ như Giấc mơ không màu: “Người đàn ông có dĩ vãng già nua /Có muôn ngàn mặt nạ khiến em nhìn vào đâu cũng thấy mình như vỡ”; rồi:Em lật tung ký ức tìm một cái ôm dài/ Chỉ nhìn thấy khoảng trống mênh mông còn sót lại(Nhặt mưa làm nước mắt); và:

 

Cắn đôi sợi tóc sót lại trên gối

Mới biết mình ảo vọng

Giữa nỗi buồn màu huyết dụ bẻ cong. 

                   (Nỗi buồn màu huyết dụ) 

Không thể kể hết nỗi niềm trong Nốt lặng của nhà thơ được. Hình như nhà thơ đã và đang trải qua nỗi niềm trước sóng gió cuộc đời mà âm điệu, cấu tứ của những bài thơ cứ canh cánh một nét buồn rong ruổi.

 

Em hoang vỡ chỗ nằm thiếu bóng anh thao thức

Chiếc chăn bông chẳng ấm nỗi đêm dài

                                     (Cho anh)

Đọc Nốt lặng của Ngô Thuý Nga ta thấy một nỗi ưu tư của người thơ trẻ, như thấy cái vô tư buồn của yêu đương lứa đôi mà nhận cho riêng mình nốt lặng cuộc đời. Nốt lặng của Ngô Thuý Nga là cung trầm của đời sống yêu thương với bút pháp dìu dặt và những cái mới của ngôn ngữ, thi ảnh, làm nên một nét riêng của cô. Nốt lặng cũng nên dừng ở đây vì lẽ đời cần nhiều niềm vui và hạnh phúc và biết cất đi nỗi buồn. Có lẽ mai sau đọc Ngô Thuý Nga, tôi hy vọng niềm vui sẽ được nhân lên bởi những nốt son dịu vợi đang chờ phía trước.

Nguyễn Vũ Quỳnh
(nhavantphcm.com.vn)