'Đất khách' - Ngòi bút của 'người xa xứ' và tấm lòng nhân ái

31.05.2018

'Đất khách' - Ngòi bút của 'người xa xứ' và tấm lòng nhân ái

'Đất khách' là tập truyện đầu tay của Nguyễn Công Tiến - một người Việt định cư tại Đức.

Truyện của anh đề cập tới nhiều mảng miếng trong cuộc sống, được đan xen đan chéo giữa quá khứ, hiện tại; giữa hình bóng quê hương Việt Nam với quê hương thứ hai - nước Đức.

Chín truyện ngắn với hơn 200 trang nhưng chứa đựng cả một không gian rộng lớn ở châu Âu, cả một thời gian khá dài ở nửa cuối thế kỉ trước. Những chuyện bị thương, ai oán của những người con xa xứ, rồi chuyện quê nhà, những kỷ niệm tuổi thơ đan xen với kiếp đời mưu sinh nơi đất khách.

Nguyễn Công Tiến gia nhập dòng người xuất khẩu lao động, khi anh đang là giáo viên trong một trường quân sự. Như anh đã từng viết Ra đi để thoát đói, thoát nghèo; để biến cái lí thuyết suông thành hiện thực vật chất thực sự. Công Tiến viết về mình như nhớ về một ký ức của tuổi thơ với mái đình, dòng sông và luỹ tre làng. Các khoản nhuận bút, anh đều gửi ủng hộ những người nghèo những trường hợp bệnh tật khó khăn. Và lần này cũng vậy, tập Truyện ngắn “Đất khách” (thật ra đó là cuộc sống còn nằm ở những góc khuất trong cuộc sống của đồng bào mình trên mảnh đất xa lạ) ra mắt bạn đọc cũng vì mục đích thiện nguyện.

Chính vì xuất phát từ cuộc sống, từ đời thực, từ những trải nghiệm đắng cay của mình mà những chi tiết trong các chuyện đều rất cụ thể, rất “đắt”. Công Tiến có cách viết rất chi tiết, chứng tỏ óc quan sát của anh rất tinh tường. Anh thường đi sâu vào chi tiết, sâu chuỗi một loạt chi tiết để khái quát lên nhân vật của mình và cuối cùng tạo dấu ấn bằng một chủ đề tư tưởng nào đó, đáng để người đọc suy ngẫm...

Truyện ngắn “Đất khách” đứng trong tập truyện này, là một truyện ngắn hay. Đây là truyện duy nhất trong 9 truyện, mang đậm tính “Nhi đồng”. Có thể anh muốn kể về đứa con gái của mình, hoặc ít ra cũng là hình ảnh của những đứa trẻ người Việt khác, đang tuổi đến trường. Tuy nhiên không phải chỉ là kể, mà truyện có tính khái quát cao, nêu được đức tính tốt đẹp của người Việt. Đức tính đó được thể hiện qua tấm lòng nhân ái của một cô học sinh nghèo.

Buổi tối, cô đi nhặt những đồng xu vương vãi trong chợ, để sáng ra tặng những người ăn xin. Và với cái kết có hậu, truyện đã làm chúng ta thêm tự hào, trân trọng đức tính thanh cao của những người con đất Việt, sống trên đất khách... “Nhành tre run rẩy” là truyện ngắn hay, kể về thân phận của những người con gái Việt mưu sinh tại Đức. Tác giả viết không chỉ đơn giản là cảm thông, chia sẻ với những thân phận đắng cay, mà còn lớn tiếng tố cáo, phê phán những hành vi vô nhân tính của một bộ phận người Việt đã gây nên cảnh “nồi da xáo thịt” nơi đất khách quê người. Tác giả đã đặt bút viết từng con chữ rõ ràng, nặng nề và mặn chát như những giọt nước mắt của chính mình.

 

“Hồn ma” cũng là truyện đáng suy ngẫm. Nó là sự đan xen giữa thực và áo, hiện tại và quá khứ. Và trên hết là phê phán chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại - một trào lưu nổi lên ở Đức ngay sau khi Đông Tây thống nhất - khiến không chỉ những người nước ngoài mà ngay cả người Đức cũng phải lo sợ. Dù mở ra một đề tài gì đi nữa, dù nhân vật thân yêu của mình có một cái kết đớn đau gì đi chăng nữa, người ta vẫn đọc được cái đáng quý nhất của anh chính là tấm lòng.

Sống ở nơi đất khách nhưng anh vẫn luôn hướng về quê hương. Và điều đáng quí nữa là Nguyễn Công Tiến viết truyện, ra sách không phải vì muốn nổi tiếng cũng không phải mưu sinh. Anh viết như một sự trải lòng và cống hiến. Lần in này, mong muốn của Nguyễn Công Tiến là dành toàn bộ số tiền bán sách giúp đỡ những học sinh nghèo khó và anh đã chọn Nhà xuất bản “Dân Trí”, vì họ đã là bạn bè và các bạn đã rất nhiệt tình giúp anh đáp ứng nguyện vọng này. Mặc dù đang ở Đức, tôi biết cuộc sống của tác giả cũng chẳng phải dư đả nhiều nhưng điều đó càng làm đẹp thêm tấm lòng của người con xa xứ với mảnh đất quê hương.

Nguyễn Đăng Tấn
(vietnamnet.vn)