Nhạc sĩ Trần Tiến : Lang thang ngẫu hứng cùng đàn
Trời mưa xối xả. Cả Sài thành chìm trong màn nước trắng xóa. Gió tạt tê người. Nhưng trên sân khấu, mặc nước bắn trên dây đàn, mặc gió thốc, ông vẫn gảy guitar và hát: "Trời mưa quá em ơi/ Bài ca ướt mất rồi, còn đâu/ Trời mưa đến bao lâu/ Mà sao em vẫn chờ vẫn đợi...". Đôi mắt lẳng lơ ấy nhắm nghiền, như quên hết cõi đời vần vũ, như về thuở nào xa xôi, xa xôi...
1.Đó là hôm nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt tự truyện "Ngẫu hứng" tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nói về lần đầu tiên nhạc sĩ Trần Tiến viết sách, đạo diễn Lê Hoàng không tin, ông đinh ninh rằng chẳng hay ho gì đâu mà đọc.
Ai cũng hiểu đạo điễn Lê Hoàng đùa, bởi khi đã cầm đọc trang đầu thì người ta phải lần cho đến trang cuối cùng. Nói là tự truyện nhưng Trần Tiến không viết theo một trật tự nào cả. Ông viết như chính cái tên tựa sách, hứng đâu, nhớ đó thì viết. Trần Tiến viết văn cũng như viết nhạc, la liệt ngẫu văn giống rặt những "Ngẫu hứng sông Hồng", "Ngẫu hứng Lý Ngựa Ô", "Tùy hứng Lý qua cầu"...
Ngẫu văn ấy, Trần Tiến tự nhận chúng là "bài hát" trong bóng tối. Đôi khi chỉ là chuyện vu vơ nhỏ nhặt đời thường như cái áo bông sột soạt nhét đầy giấy báo tuổi thơ, từ tấm ảnh chụp ở đâu đó, một bữa nhậu, tiếng hát người ăn xin…
Những mảnh ghép làm nên khuôn mặt Trần Tiến. Có chỗ hơi tưng tưng như con người đời thực xù xì, có chỗ lại dạt dào tình cảm với hiện thực đời sống đầy xúc động như các bài hát của ông. Không ngoa khi đạo diễn Lê Hoàng đưa ra một hình ảnh rất khập khiễng để ví von: Trần Tiến là tê giác, còn âm nhạc của ông lại là… chim họa mi!
Ám ảnh ông vẫn là hai đồng đội, một thèm được mắc võng giữa hai cây bàng ở nhà, đánh một giấc không còn tiếng súng; một thèm trăm trứng gà bồi bổ để về với vợ kiếm đứa con sau cơn sốt rét ác tính. Nhưng đó chỉ là lời nói vui bỏ lại, để rồi họ vẫn xốc ba lô đi thẳng vào trận mạc và không một ai trở về thực hiện ước mơ xưa.Đời nghệ sĩ, lăn lộn từ trong bom đạn nên ám ảnh ông đến giờ vẫn là những ngôi sao màu xanh đã bay vút về trời, là vết chân tròn trên cát, là chiếc vòng cầu hôn trên tay cô gái vò võ chờ người yêu đánh trận ở chiến trường...
Đồng đội, ai còn ai mất trên những cánh rừng, bờ suối thẳm sâu? Có người tưởng đã chết cả mấy chục năm, bạn bè thờ tự, bỗng một hôm tìm về. Mấy cựu binh tóc muối tiêu, ôm nhau khóc tu tu như trẻ nít. Ngày xưa, nếu chỉ có hai người lính thì Trần Tiến sẽ là người lính thứ ba hát cho các anh nghe trước giờ xung trận.
2. Bạn bè hay đùa cái cổ Trần Tiến ngắn củn, to bè vì chứa cả bịch nhạc. Cứ hễ rượu vào, cái bịch đó tức thì "xì" ra bài hát. Hơi ngà ngà, Trần Tiến sẽ ôm đàn và mở nguyên liveshow. Đố ai mà ngăn lại được. Nếu không có đàn ư?
Chẳng sao. Trên bàn nhậu có thứ gì thì thứ đó sẽ thành nhạc cụ. Đũa, chén, nắp nồi, cứ thế, đôi tay ám khói thuốc lá sẽ đánh loạn xạ và hát. Và dù say đến mấy, say quên hết đường về nhưng tuyệt nhiên điều ông không bao giờ quên là chỉ toàn hát bài mình, không hát bài người khác.
Hôm ra mắt sách, Trần Tiến mời đến những gương mặt rất trẻ như ca sĩ Đồng Lan, Anh Khoa, Hà Chương... và cả sinh viên Trường Đại học Kiến trúc. Họ hát "Mặt trời bé con", "Tạm biệt chim én", "Ngẫu hứng sông Hồng", "Mẹ tôi"... Hát mộc thôi. Chỉ một cây guitar là đủ. Trần Tiến muốn thế.
Cái gì ông cũng muốn giản dị, không hoa hòe hoa sói, cứ phong trần, an nhiên như gió nước mây trời. Bởi "Đời nghệ sĩ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm ở đâu đó. Hồn nhiên". Vậy mà nặng, mà sâu biết mấy.
Nhắc đến đó, ông lại nhớ cái thời "du ca" vì trót nổi máu giang hồ khi xem bộ phim về chàng họa sĩ Goya. Trên phim có nhóm nhà thơ, ca sĩ, họa sĩ chân đất hát ngoài quảng trường với công chúng nghèo, đối lập với kiểu trình diễn hoàng cung.
Năm 1990, nhóm "Du ca Đồng Nội" có ông, ca sĩ Hồng Ngọc và những tay nhạc công cừ khôi, mấy anh em đu trên chiếc xe Jeep chạy khắp nẻo, lê la cùng từng phận người để hát cho họ nghe. Rong ruổi cùng trời cuối đất, cả nhóm vất vả đủ đường, nghèo chỉ thêm nghèo mà vẫn vui vì bao nhiêu tiền có được đều đổ hết vào đám nhóc mồ côi, lang thang cơ nhỡ của lớp học "Mặt trời nhỏ".
Lớp do Trần Tiến lấy nhà của mình lập ra, nuôi và dạy nhạc cho 25 đứa trẻ. Được 7 năm, các em đủ lông đủ cánh ra đời kiếm tiền thì lớp cũng đóng cửa vì Trần Tiến hết tiền.
Quãng đời du ca có lẽ là quãng đời đẹp nhất mà Trần Tiến mãi nhớ về. Chất du ca sau này vẫn ăn sâu vào từng bài hát của ông. Đến ngưỡng thất thập, ông vẫn mong một hôm nào đó, mình lại cùng một đám ca sĩ trẻ rong ruổi khắp nơi, hát ngẫu hứng những bài mới sáng tác dọc đường.
Một chuyến du ca lần hai, tại sao không? Ông yêu lớp ca sĩ trẻ, thấy ở họ nhiều tiềm năng sáng tạo mà thế hệ ông không có. Tất nhiên, ông cũng buồn trước ca khúc hời hợt tràn lan nhưng Trần Tiến vẫn tin: "Khu rừng kia tưởng bom xăng đốt trụi, vậy mà giờ lại bạt ngàn rừng xanh. Đừng quá bi quan. Chẳng có ngọn lửa nào thiêu rụi nổi mầm sống nằm sâu trong lòng đất".
Không khí náo nhiệt, vui vẻ hơn nhờ cách ăn nói hóm hỉnh, nửa đùa nửa thật, cà rỡn ỡm ờ của lão nhạc sĩ theo kiểu: "Tôi chẳng là cái đinh gì ... nhưng là Đinh Hợi" (tuổi của Trần Tiến). "Ai chưa đọc văn Trần Tiến, người ấy mới sống nửa đời người. Còn đã đọc xong rồi thì… chẳng còn gì để sống nữa!!!".Đạo diễn Lê Hoàng ví, nếu loài người lại sống trong hang động thì hang nào ầm ĩ, có nhảy múa quây quần, có vài đống lửa là... hang Trần Tiến. Nhận xét đó không sai. Trần Tiến có mặt ở đâu thì ở đó xôm tụ ồn ào. Như hôm mưa ấy, ồ ạt, xối xả như thế, có khán giả ướt nhẹp nhưng mọi người vẫn đội mưa và hò hét tưng bừng để nghe ông hát bài mới sáng tác "Ra ngõ gặp mưa".
3. Trần Tiến viết nhiều bài hát về quê nhà, về gia đình như "Mẹ tôi", "Chị tôi", "Quê nhà"... nhưng hiếm khi được nghe ông hát những bài này. Ông thú nhận: Cứ hễ hát là nước mắt tràn má. "Người già thường quay lại trẻ nít, bắt đầu từ nước mắt".
Cũng ngộ, không thể tưởng tượng được một người đàn ông vai u thịt bắp, tướng tá cồng kềnh như Trần Tiến lại "Con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con". Bạn bè trêu, Trần Tiến vốn đã xí trai, khi khóc càng í ẹ hơn.
Nói đùa vậy nhưng ai cũng biết đằng sau vẻ cà tửng, ngang tàng, phóng khoáng ấy, là một tâm hồn rất dễ xúc động. Bao bài hát tuyệt vời, chạm vào con tim của người nghe, dù đề tài quá gần gụi với hiện thực, tưởng như khó đưa vào âm nhạc của Trần Tiến đã chứng minh điều đó.
Cái đôi mắt được nhà văn Nguyễn Đông Thức cho là cực kỳ lẳng lơ ấy chất chứa một nỗi buồn hun hút. Như cô cháu Trần Thu Hà tâm sự: "Dường như không một ai chia sẻ được với nỗi cô quạnh thường trực đằng sau cái vẻ phớt đời của chú. Tôi cũng luôn có cảm giác mình không bao giờ chạm tới nỗi buồn của chú. Nó như một tảng đá nặng mà nhiều lần tôi chứng kiến nó đè nặng lên tâm trạng của chú, trong đôi mắt, dáng ngồi".
Và âm nhạc là nơi duy nhất để ông lấp trống trải đời mình sau khi vắt kiệt cho đời. Ở đó, ông nghe lòng mình tràn lên nốt nhạc. Trần Tiến quan niệm âm nhạc với ông như khu rừng, mà ông là cậu bé con bị lạc.
"Khu rừng bí ẩn của âm nhạc làm nó say mê quên mất đường về. Ở đó nó nghe được tiếng suối reo, tiếng cỏ cây trò chuyện. Đôi khi giật mình nghe tiếng sói hú, hay tưởng như có cây chổi của mụ phù thủy gớm ghiếc vụt qua. Đôi khi sung sướng tìm ra tòa lâu đài làm bằng bánh kem và được ăn thỏa thích.
Nhưng đứa trẻ đâu có muốn làm hoàng tử trị vì vương quốc xa lạ kia. Rồi một hôm đứa trẻ thấy mỏi gối, chồn chân, giật mình soi gương lòng suối, thấy tóc mình đã bạc phơ. Người ta gọi nó là Nhạc Sĩ, còn nó thì ôm mặt khóc nhớ mẹ cha, nhớ quê nhà mình mờ sương, nơi nó đã lỡ bước xa rời".
Bây giờ sống ở Vũng Tàu, chiều chiều nghe sóng vỗ, thả mình với cơn gió, ông thấy an nhiên. Những người bạn xưa đã theo gió mây về trời, ông còn ở lại cõi đời này mà vui nốt chốn tạm. Bệnh tật đầy mình nhưng vẫn mê xê dịch, vẫn mơ một ngày ôm đàn lang bạt kỳ hồ.
Hoàng hôn nhuộm đỏ trên mặt biển, con thuyền vẫn dong ra khơi, ông nghe trong gió tiếng thì thầm: "Hãy cứ lên đường với những bất ngờ buồn vui phía trước, vết cỏ mòn để lại phía sau những con đường. Tuổi trẻ để lại phía sau chiếc gối êm, cho tuổi già úp mặt. Cuộc đời để lại phía sau một bản trường ca của mỗi số phận".
Mai Quỳnh Nga(vnca.cand.com.vn)