Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: Không có đam mê, sẽ không thể làm nghề

19.04.2019

27 năm gắn bó với nhiếp ảnh trong lĩnh vực ảnh nghệ thuật khỏa thân (ảnh nude), nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Thái Phiên đã gặt hái nhiều thành công. Ông đã đoạt hơn 50 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, 300 tác phẩm được triển lãm tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, 2 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn tại Viện Bảo tàng nhiếp ảnh Tây Ban Nha.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: Không có đam mê, sẽ không thể làm nghề

Ở Việt Nam, NSNA Thái Phiên là người đầu tiên được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu cao quý nhất E.VAPA/G với bộ ảnh nude nghệ thuật Bước thời gian. Phóng viên Báo SGGP đã có buổi trò chuyện với ông quanh câu chuyện về ảnh nude nghệ thuật.

Đã bao lần tôi chùn tay, buông máy

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ảnh nude nghệ thuật lâu nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi xã hội vẫn còn không ít định kiến và cái nhìn khắt khe, ông chắc phải gặp nhiều khó khăn, thử thách khi chọn lĩnh vực này?

- NSNA THÁI PHIÊN: Ảnh khỏa thân nghệ thuật ở phương Đông, cụ thể là ở Việt Nam, khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, bởi chưa ai quen với ảnh người không mặc áo quần. Tư duy, nếp nghĩ ấy đã có từ hàng ngàn năm nay rồi. Phải nói rằng từ ngàn xưa đã có khỏa thân, chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh khỏa thân ở các đình đền, miếu mạo, trên Thạp đồng Đào Thịnh, trong truyền thuyết Tiên Dung và Chử Đồng Tử, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du…, nhưng chưa được thể hiện qua nhiếp ảnh.

Nhiếp ảnh nghệ thuật khỏa thân luôn phải chịu một định kiến rất khắt khe của xã hội. Vì không quen, không hiểu nên người ta cho rằng cứ khỏa thân là dâm ô đồi trụy, khiến không chỉ người mẫu mà cả nghệ sĩ cũng bị ràng buộc bởi những thành trì định kiến. Có nên tiếp tục cầm máy hay không, khi mà bao nhiêu là áp lực từ gia đình, từ bản thân, từ xã hội, từ bạn bè - những câu hỏi ấy từng nhiều lần khiến tôi chùn tay, buông máy. Nhưng ngọn lửa đam mê cứ thúc giục, tôi lại cầm máy lên.

Mãi đến năm 1996, khi ảnh của tôi đoạt giải thưởng của Hội Nhiếp ảnh TPHCM, được khen ngợi và lên báo, lúc đó gia đình tôi mới biết, vì bấy lâu nay tôi vẫn sáng tác trong âm thầm, lặng lẽ. 

Làm nghệ thuật là không có tội lỗi. Với thế giới, ảnh khỏa thân không có gì xa lạ, nhưng ở Việt Nam thì còn mới mẻ quá. Tôi quyết định chọn lối đi đầy chông gai và cả nhiều thị phi phía trước. Nhưng may mắn là sự đam mê của tôi không phụ lòng người, cũng cho ra đời những bức ảnh, tham dự những cuộc thi, được giải thưởng trong và ngoài nước. Từ đó tôi cảm thấy tự tin hơn để tiếp tục sáng tác. Và dần dần ảnh nghệ thuật khỏa thân được đón nhận, công chúng nhận ra ảnh khỏa thân cũng có cái hay, rất nghệ thuật chứ không hề dung tục. 

* Vừa qua, trong giới hội họa lùm xùm chuyện kiện cáo khi người mẫu body art (nghệ thuật thân thể) tố bị họa sĩ lạm dụng tình dục. Trong lĩnh vực không kém phần nhạy cảm như ảnh nude nghệ thuật thì sao, thưa ông?

- Nghề nghiệp nào cũng có tai nạn. Qua sự việc này, tôi nghĩ không chỉ có người mẫu mà chính nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân cũng phải biết tự phòng vệ cho mình. Riêng với tôi, trước khi nhận lời chụp cho người mẫu, tôi thường mời họ uống cà phê, trao đổi rất cẩn thận, qua đó hiểu được “đối tác” của mình. Tiếp theo là đánh giá, xác lập hợp đồng với những tiêu chí cụ thể, chi tiết, điều kiện thỏa thuận giữa hai bên, sau đó mới lên phương án chọn địa điểm chụp và nên có người thứ ba, thường là học trò của tôi. Người mẫu và người chụp không đụng chạm gì đến nhau, người thứ ba sẽ vừa là học việc, vừa là nhân chứng. 

Đừng ai nghĩ rằng Thái Phiên là thánh. Không, tôi cũng là con người. Nhưng vì cái tâm của người nghệ sĩ, cái mơ ước được ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất cho bức ảnh, tôi đã quên đi tất cả những bản năng đời thường. Ngành y thì có lời thề Hypocrate, còn trong nghề nghiệp của mình, coi như tôi tự đặt ra lời thề cho mình vậy. 

* Theo ông, để đến được với ảnh khỏa thân nghệ thuật, người nghệ sĩ cần phải có những tố chất gì?

- Không thể làm được nếu không có đam mê. Để có được một số thành công như hôm nay, tôi luôn giữ mình trong sạch, không dính vào scandal. Thật sự không ngoa khi nói rằng, nghệ sĩ chụp ảnh khỏa thân cứ như là đi ăn trộm, cô đơn, lầm lũi mà làm. Nói đâu xa, hàng năm Hội Nhiếp ảnh TPHCM đều tổ chức nhiều trại thực tế sáng tác ảnh nghệ thuật, nhưng hầu như không một ai quan tâm đến ảnh khỏa thân nghệ thuật!

* Cũng có một số nghệ sĩ cho rằng họ nude vì nghệ thuật (chẳng hạn bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…). Đâu là ranh giới giữa nghệ thuật và phản cảm? 

- Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa cái đẹp để làm chuẩn mực, để áp đảo cái xấu. Thứ hai, người bình thường hay nghĩ rằng ảnh khỏa thân là nghệ thuật, nên người ta hay vin vào những ý nghĩ không đúng, nhân danh khỏa thân để bảo vệ... gì gì đó. Đó là một hình thức PR rất rẻ tiền, đánh vào thị hiếu của một số ít công chúng để tìm kiếm sự nổi tiếng, nhiều khi là tai tiếng. Trong khi đó, những cái đẹp thuần khiết thì chưa được nhà nước tạo cơ hội đến với rộng rãi công chúng. 

Trước triển lãm ảnh nghệ thuật khỏa thân ở Hà Nội, công chúng không thể phân biệt được đâu là hoa, đâu là cỏ dại; không biết đâu là nghệ thuật, đâu là dung tục, phản cảm. Tôi đánh giá cao động thái này của Bộ VH-TT-DL, triển lãm dù có hơi muộn màng nhưng là một tín hiệu tốt, định hướng cái đẹp đến với công chúng. Tôi cho rằng, đây thực sự là một quả “bộc phá”, đánh tan thành trì định kiến và mang ảnh nghệ thuật khỏa thân đến với công chúng. Nếu chúng ta không tưới tắm, vun bón cho hoa thì cỏ dại sẽ mọc tràn lan. Một khi hoa có đất sống thì cỏ dại sẽ dần bị triệt tiêu. 

Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật khỏa thân

* Năm 2014, lần đầu tiên Hội đồng Nghệ thuật quốc gia đánh giá và trao cho ông tước hiệu cao quý nhất E.VAPA/G, đấy có phải là thời điểm ảnh nude nghệ thuật chính thức được “cởi trói” không, thưa ông? 

- Thật ra, lần đó tôi cũng có phần đánh liều và đánh đố. Sau khi tự thẩm định nhiều lần, tôi quyết định gửi lên Hội đồng Nghệ thuật quốc gia xem được đánh giá ra sao, như một bước thăm dò. Thật may mắn, bộ ảnh đã được hội đồng thông qua. Bộ ảnh Bước thời gian được xét duyệt và tôi được phong tước hiệu cao quý nhất của Hội NSNA Việt Nam - NSNA đặc biệt xuất sắc. Từ trước đến giờ chưa có tiền lệ như thế với một bộ ảnh khỏa thân!

Với tôi, sự kiện này giống như một tín hiệu “bật đèn xanh” của Hội NSNA Việt Nam với ảnh nghệ thuật khỏa thân. 


Tác phẩm Vũ khúc của NSNA Thái Phiên

* Nhưng mãi đến nay, cũng mới chỉ có 3 triển lãm ảnh nude nghệ thuật được cấp phép tổ chức tại TPHCM và Hà Nội... 

- Chính xác! Phải thật sự nói rằng, trong 3 triển lãm đó, theo tôi chỉ có sự kiện Triển lãm Ảnh nghệ thuật khỏa thân do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL) đứng ra tổ chức cho 10 tác giả, trong đó có tôi (tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới là sự kiện phá tan rào cản lâu nay và đưa ảnh nghệ thuật khỏa thân đến với công chúng.

Đây mới chính là “phát súng” thật sự cho ảnh nude nghệ thuật. Mỗi ngày triển lãm đón hơn 2.000 lượt người đến thưởng lãm. Triển lãm đã được Bộ VH-TT-DL đánh giá là sự kiện văn hóa nổi bật của năm 2018. Còn 2 triển lãm cá nhân của Hạo Nhiên và Thái Phiên tại TPHCM chỉ là tín hiệu, là bước lót đường thôi. 

Ở góc độ quản lý, tôi nghĩ chưa thật sự cởi mở lắm đâu. Câu chuyện này theo tôi cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành, từ Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL và Bộ GD-ĐT. Ảnh khỏa thân nghệ thuật chân chính đưa lên Facebook thì bị block; định hướng đào tạo về bộ môn này, hay đưa giáo trình mỹ thuật về nude nghệ thuật đều chưa có. Cần phải có một nhạc trưởng, một quá trình chuyển biến để công chúng thẩm thấu dần về nghệ thuật, chứ không thể ngày một ngày hai mà được. 

* Là người có gần 30 năm theo đuổi ảnh khỏa thân nghệ thuật, ông nhận định thế nào về ảnh nude nghệ thuật hiện nay, sự sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ? 

-  Đến với ảnh nghệ thuật khỏa thân khó lắm. Không phải ai có máy ảnh và cô người mẫu cũng cho ra được những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật đâu. Vì sao tôi nói vậy? Vì mãi cho đến hiện nay, ở Việt Nam chưa có một trường lớp nào đào tạo, giảng dạy về ảnh khỏa thân nghệ thuật cả. Tất cả những nghệ sĩ theo đuổi bộ môn này hầu hết đều là học hỏi lẫn nhau, tự mày mò và học lóm người khác. 

Ở bước tiếp theo, tôi rất mong mỏi Hội NSNA Việt Nam tổ chức hội thảo, đưa ra giáo trình giảng dạy cho những nghệ sĩ yêu thích bộ môn này, đào tạo có bài bản, lớp lang đàng hoàng chứ không nên để các bạn “tự mò mẫm, tự bơi” như hiện nay. Từ nền tảng đó sẽ góp phần định hướng cho lớp trẻ về ảnh nude nghệ thuật.

Hiện nay số nghệ sĩ theo đuổi ảnh khỏa thân nghệ thuật được định danh không quá một bàn tay, có người đã mất, có người bán máy. Vì con đường đến với ảnh nude nghệ thuật quá chông gai, không nhiều người sống được bằng môn nghệ thuật này. Với các bạn trẻ, có vẻ còn khắc nghiệt hơn, khi hầu hết ban giám khảo đều ngần ngại. Rất hiếm ảnh nude nghệ thuật được hội đồng các cuộc thi xét chọn. Ảnh khỏa thân chủ yếu… nằm trong ngăn kéo, một số dự thi ở nước ngoài chứ ít khi dự thi trong nước. 

* Cuốn sách ảnh Miền cổ tích của ông vừa được Hội NSNA Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2018! 

- Tôi rất vui với giải thưởng này, vì tôi đã dồn hết tâm sức để làm với tiêu chí vì nghệ thuật. Khi đam mê nghệ thuật của mình đã được công nhận, cũng đỡ tủi thân cho người nghệ sĩ. Tôi nghĩ từng bước một, ảnh nghệ thuật khỏa thân sẽ được đánh giá thực chất hơn.

Minh An (thực hiện)
(sggp.org.vn)